Cảnh giác với 4 dấu hiệu bất thường sau khi uống nước, cần đi khám ngay!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ai cũng biết rằng cần uống nước thường xuyên. Mặc dù chỉ là một dạng chất lỏng không màu, không vị, nhưng nước đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta. Tuy vậy, thông qua một số dấu hiệu khác nhau sau khi uống, bạn vẫn có thể nhận thức được tình trạng sức khỏe của mình.

Mọi người đều biết tầm quan trọng của việc uống nước, nhưng về việc “uống nước lọc khi thức dậy vào buổi sáng”, không phải ai cũng có chung một góc nhìn. Vậy, buổi sáng trước khi chải răng, bạn có thể uống nước hay không?

Uống nước khi bụng đói vào buổi sáng: Có hại hay có lợi?

Có ý kiến cho rằng: Uống nước khi bụng đói vào buổi sáng sẽ đưa vi khuẩn vào đường ruột, gây hại cho sức khỏe, thậm chí còn tệ hơn cả việc không ăn sáng. Liệu điều này có đúng?

Trên thực tế, miệng là nơi chứa một hệ vi sinh vật khổng lồ với hơn 700 loại vi khuẩn, có số lượng lên đến 500 tỷ. Tuy nhiên, nhiều trong số đó là vi khuẩn có lợi.

Ngay cả khi vi khuẩn có hại được đưa vào cơ thể, axit dạ dày và vi khuẩn có lợi trong ruột sẽ giúp loại bỏ những vi sinh vật gây bệnh này. Do đó, lo lắng về việc này là hoàn toàn không cần thiết.

Hơn nữa, việc đưa vi khuẩn vào ruột qua đường nước cũng không dễ dàng như vậy. Sau một đêm ngủ, vi khuẩn đã hình thành mảng bám trên răng, và nước khó có thể rửa trôi chúng. Đây là lý do tại sao chúng ta cần chải răng.

Uống nước lúc bụng đói vào buổi sáng không chỉ an toàn mà còn mang lại nhiều lợi ích:

Người trưởng thành khỏe mạnh nên uống một cốc nước lúc bụng đói vào buổi sáng. Việc này giúp bổ sung lượng nước đã mất do bài tiết qua da và qua đường nước tiểu trong đêm, đồng thời cải thiện lưu thông máu.

Do đó, đối với người bình thường, việc đánh răng trước hay sau khi uống nước chỉ là thói quen cá nhân và không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tuy nhiên, nếu bạn mắc các bệnh về răng miệng như viêm nha chu, viêm nướu răng, thì không nên uống nước lúc bụng đói vào buổi sáng.

Uống nước buổi sáng: Nước muối loãng có tốt hơn nước lọc?

Nhiều người cho rằng: Uống nước muối loãng vào buổi sáng tốt hơn nước lọc vì nó gần với dung dịch sinh lý và tốt cho sức khỏe hơn. Tuy nhiên, sự thật có thể không như bạn nghĩ.

Do buổi sáng là thời điểm huyết áp của con người tăng cao lần đầu tiên trong ngày. Uống quá nhiều nước muối loãng có thể làm tăng huyết áp hơn nữa. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những người bị cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, hoặc chức năng thận bất thường.

Hơn nữa, lượng muối chúng ta nạp vào cơ thể trong khẩu phần ăn hàng ngày đã khá nhiều, không cần thiết phải bổ sung thông qua nước. Việc này cũng không tốt cho sức khỏe.

Bác sĩ Tần Lệ Na (Qin Lina), Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Trung y Đại học Y học Bắc Kinh thứ ba, cũng cho biết: Cốc nước đầu tiên vào buổi sáng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe. So với nước muối loãng, nước lọc là lựa chọn tốt hơn khi uống lúc bụng đói vào buổi sáng.

Ngoài những lý do trên, nước muối loãng còn có thể gây mất nước cho cơ thể. Nếu nồng độ muối không phù hợp, có thể dẫn đến tình trạng càng uống càng khát, thậm chí gây khô miệng và mất nước.

Nước lọc ấm có thể làm ấm dạ dày, thúc đẩy nhu động ruột và hỗ trợ đại tiện thông suốt. Do đó, nước ấm là lựa chọn tốt nhất và phù hợp nhất cho cốc nước đầu tiên vào buổi sáng.

Uống nước: 4 dấu hiệu bất thường cần đi khám ngay

Uống đủ nước mỗi ngày là vô cùng quan trọng. Nên uống nước nhiều lần với lượng nhỏ.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng nếu xuất hiện 4 dấu hiệu bất thường sau khi uống nước, có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và cần đi khám ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

1. Khó chịu ở bụng

Nếu bạn cảm thấy đầy hơi hoặc đau bụng sau khi uống nhiều nước và tình trạng này không cải thiện, đồng thời lượng nước tiểu không tăng, có thể là do chức năng thận kém, không thể đào thải lượng nước dư thừa kịp thời, dẫn đến tích nước trong ổ bụng.

Trong trường hợp nghiêm trọng, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến chức năng tim và phổi. Cần đi khám ngay để kiểm tra chức năng thận và loại trừ các vấn đề như viêm thận, suy thận.

2. Khô miệng liên tục

Bình thường, bạn sẽ cảm thấy khát sau khi tiêu thụ thức ăn mặn hoặc vận động nhiều.

Tuy nhiên, nếu bạn vẫn cảm thấy khát sau khi uống nhiều nước, đồng thời tiểu tiện có dấu hiệu bất thường, có thể là do lượng đường trong máu cao, dẫn đến áp suất thẩm thấu trong cơ thể tăng cao, cần nhiều nước hơn để pha loãng lượng đường trong máu.

Đây có thể là dấu hiệu của các bệnh chuyển hóa như tiểu đường. Nên đi khám ngay để kiểm tra lượng đường trong máu và loại trừ tiểu đường và các vấn đề chuyển hóa khác.

3. Màu sắc nước tiểu bất thường

Bình thường, nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc trong suốt. Nếu sau khi uống nhiều nước, bạn thấy nước tiểu sẫm màu hoặc có màu đỏ, có thể là do gan hoặc thận gặp vấn đề, dẫn đến lượng bilirubin hoặc hemoglobin trong nước tiểu quá cao.

Nặng hơn, có thể dẫn đến vàng da, viêm thận, sỏi thận. Cần đi khám để kiểm tra chức năng gan và thận, loại trừ các vấn đề tiềm ẩn như viêm gan, viêm thận, sỏi thận.

4. Nước tiểu có bọt

Nếu nước tiểu có nhiều bọt, có thể là do lượng protein trong nước tiểu quá cao, dẫn đến tăng sức căng bề mặt và hình thành bọt. Nếu tình trạng bọt khí kéo dài, có thể là dấu hiệu của bệnh thận và cần đi khám để được kiểm tra.

Những dấu hiệu bất thường này thường là tín hiệu của các vấn đề sức khỏe và không nên bỏ qua. Nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu nào, hãy đi khám ngay để được kiểm tra toàn diện.

Ba loại nước "nguy hiểm" nên hạn chế

Theo báo cáo "Khảo sát nhận thức về nước và chất lượng cuộc sống" của Trung Quốc:

  • 95,3% người dân chưa hình thành thói quen uống nước tốt.
  • 65,9% người chỉ uống nước khi cảm thấy khát.
  • Dưới 5% người duy trì việc uống nước đều đặn theo thời gian và lượng nhất định.

Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng thói quen uống nước tốt để bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, không phải loại nước nào cũng nên uống nhiều:

1. Nước quá nóng

Nước quá nóng dễ gây bỏng niêm mạc miệng, thực quản và dạ dày.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, nước nóng trên 65°C được xếp vào loại 2A - có khả năng gây ung thư.

Nên uống nước ấm ở nhiệt độ khoảng 40°C.

2. Nước thô

Nước chưa được xử lý có thể chứa clo, vi khuẩn, trứng giun, sán, chất hữu cơ dư thừa... gây nguy hại cho sức khỏe, dễ dẫn đến tiêu chảy cấp và các bệnh truyền nhiễm.

Cần đảm bảo nguồn nước được xử lý hiệu quả trước khi uống.

3. Nước trong bình nóng lạnh để quá 7 ngày

Bình nóng lạnh có nhiều đường nước vào và ra, do đó rất khó để khử trùng hoàn toàn. Khi lượng nước trong bình giảm, vi khuẩn có điều kiện sinh sôi và phát triển mạnh hơn. Để đảm bảo an toàn vệ sinh, bạn nên thay nước trong bình nóng lạnh sau mỗi 7 ngày.

Cần chú ý những chi tiết nhỏ trong việc uống nước để tránh các nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe và giữ cơ thể luôn khỏe mạnh. Ngoài ra:

  • Nên uống nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội.
  • Uống nước đều đặn trong ngày, không nên đợi đến khi khát mới uống.
  • Lượng nước cần uống mỗi ngày phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, tình trạng sức khỏe và mức độ hoạt động.

Theo Wang He - Aboluowang
Hoàng Tuấn biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cảnh giác với 4 dấu hiệu bất thường sau khi uống nước, cần đi khám ngay!