Câu chuyện luân hồi: Một chàng, hai thiếp, ai sầu hơn ai? (4/4)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhân sinh nếu chỉ gặp nhau rồi nở nụ cười, có lẽ sẽ không có quá nhiều phiền não. Nhưng nếu giữa người với người nhất định cứ phải đối đầu với nhau thì sẽ để lại rất nhiều bi kịch…

Không lâu sau, Lam Hinh lại kể cho Vũ Ỷ một câu chuyện khác:

Trước kia có một gia đình đã nhiều đời làm nghề thầy thuốc. Thường ngày lão gia ngồi chẩn bệnh trong phòng khách, hai người con trai lo công việc bên ngoài, còn hai cô con dâu thì giúp mẹ chồng làm việc nhà ở sân sau.

Nàng dâu lớn hiền thục, biết việc, có năng lực giải quyết mọi việc. Nàng dâu thứ mau mồm mau miệng, thẳng thắn, bộc trực, tính tình lại nóng nảy. Mẹ chồng tin tưởng giao cho nàng dâu lớn quản lý việc nhà, vậy nên nàng dâu thứ luôn cảm thấy bất mãn.

Lão gia đã cao tuổi nên bắt đầu nghĩ đến việc kế thừa truyền thống gia đình. Ông cảm thấy hai người con trai đều có năng lực như nhau, nhưng người con cả lại có phần nhỉnh hơn. Vì nàng dâu trưởng có thể trợ giúp chồng, không để gây ra chuyện thị phi, còn nàng dâu thứ lại hấp ta hấp tấp, không phải là người cẩn thận tỉ mỉ, do đó ông có ý bồi dưỡng người con trai cả.

Một lần, người con trai thứ ra ngoài mua thuốc, không may mua nhầm thuốc giả mang về nhà. Lão gia biết được liền lớn tiếng quở trách một trận. Người con thứ lo lắng đến phát sốt, nằm liệt giường mãi không dậy được. Vợ anh ta vừa chăm sóc cho chồng, vừa cằn nhằn rằng bố chồng khó tính ra sao, rằng anh chồng và chị dâu không tốt thế nào. Chị dâu sinh được hai người con, còn cô thì chưa sinh được đứa con nào, vậy nên cô lại càng bất mãn với chị dâu trưởng.

Khi thấy anh trưởng được cha mẹ giao cho quyền quản lý việc bên ngoài, còn chị dâu lo liệu việc bên trong, cô tự nhủ: Cứ ở cái nhà này thì thể nào cũng không ngóc đầu lên được! Vậy nên cô lại càng ghen tỵ và oán hận. Tâm bệnh sinh thân bệnh, bệnh càng nặng cô lại càng không muốn khỏi, vậy nên bệnh tình cứ kéo dài mãi không thuyên giảm. Anh cả kê đơn, chị dâu lại sắc thuốc mang đến nhưng cô đều đổ đi. Cứ như vậy, nàng dâu thứ mang theo tật bệnh rồi phẫn uất mà qua đời.

Sau khi vợ chết, người con trai thứ chán nản mượn rượu tiêu sầu, nhưng tinh thần vẫn không thể phấn chấn lên được.

Vũ Ỷ nghe xong câu chuyện này, liền cảm thán: “Trời ơi, sao lại nghĩ quẩn đến mức như vậy! Phu nhân à, trong hai câu chuyện mà phu nhân kể cho em, em thấy cô chị và nàng dâu lớn đều có nhiều nét giống với phu nhân, còn cô em và nàng dâu thứ giống với nhị phu nhân. Hai câu chuyện này có quan hệ gì với nhau không vậy?”

Lam Hinh không đáp, cô biết rằng nàng dâu lớn trong câu chuyện ấy chính là mình, còn nàng dâu thứ là Tịch Thị, bố chồng là Khang Nhiêu. Vậy còn mẹ chồng thì sao? Vẫn là mẹ chồng trong hiện tại!

(Hình ảnh: Miền công cộng)

***

Thời gian thấm thoắt trôi qua, Khang Chu nay đã lên 5 tuổi. Cậu bé tuổi còn nhỏ nhưng thông minh lạ thường, sách vở chỉ xem qua một lần là nhớ. Khang mẫu thường khen rằng: “Cháu đích tôn của nhà ta không phải là đứa trẻ bình thường, sau này sẽ làm quan lớn đó!”

Tịch Thị nghe vậy trong tâm rất khó chịu, cô thầm nghĩ: “Sau này đại phu nhân được làm mẹ của quan gia, vậy lại càng không có chỗ dành cho ta nữa”.

Tịch Thị lại càng ghen ăn tức ở với đại phu nhân. Khi nỗi oán hận đã lên đến cực điểm, Tịch Thị liền nảy ra gian kế, nghĩ cách hại chết Lam Hinh.

Một ngày, Tịch Thị sai nha hoàn mang bát canh ngon đến mời đại phu nhân. Lam Hinh đón lấy bát canh, đột nhiên trong tim thấy đau nhói, không còn ăn uống gì được nữa. Vũ Ỷ trong lòng sinh nghi, liền rút cây trâm bạc và nhúng vào bát canh. Lam Hinh vừa định ngăn cản Vũ Ỷ thì thấy cây trâm đã đổi màu, cả hai người đều tròn mắt kinh hãi.

Vũ Ỷ nói: “Nhất định phải cho lão gia biết chuyện này!”

Lam Hinh đặt tay lên miệng, dặn Vũ Ỷ chớ nên làm to chuyện. Cô nói: “Vạn sự đều có định số cả rồi. Ta kết hôn đã ngần ấy năm, đã hiểu thế nào là đắng cay ngọt bùi. Từ khi Tịch Thị bước vào nhà, trái tim ta như đã chết. Những ngày trôi qua ngọt nào rồi lại đau khổ, đau khổ rồi lại ngọt ngào, chẳng qua cũng chỉ vì việc ta không có con. Nỗi khổ này đã nhiều lần giày vò trong tâm, đến nay ta đã xem nhẹ đi rồi, không còn muốn kết thêm oán cừu nữa. Nếu quả thực đời này ta nợ nhị phu nhân, cần phải hoàn trả thì hãy cứ hoàn trả đi vậy! Em đừng nói với bất cứ ai chuyện này”.

Vũ Ỷ nói: “Phu nhân thật có trái tim Bồ Tát, nhưng em nghĩ nhị phu nhân sẽ không dừng tay đâu”.

Lam Hinh nói: “Mẫu thân ta từng kể rằng, trước kia có vị hòa thượng đã quả quyết rằng: gia đình ta nhiều đời niệm Phật, đến đời này sẽ xuất hiện một người biết được quá khứ của bản thân. Ta nghĩ, người ấy chính là ta! Biết được quá khứ rồi, ta hiểu rằng duyên phận giữa ta và nhị phu nhân không hề nông cạn đâu!”

Vũ Ỷ thăm dò: “Có phải kiếp trước phu nhân và nhị phu nhân từng là chị em gái, sau đó lại làm chị em dâu phải không?

Lam Hinh nhíu mày, khẽ gật đầu.

Một hai ngày sau, Lam Hinh nói với Vũ Ỷ rằng: “Em à, em theo ta đã hơn hai mươi năm rồi, nhưng ta nghĩ em không thể cứ sống như thế này mãi được. Ta biết có một gia đình tử tế, em có nguyện ý gả vào nhà đó không?”

Vũ Ỷ lắc đầu nguầy nguậy: “Em không muốn đâu! Ngộ nhỡ mẹ chồng và phu nhân trong nhà đó hay so kè, hoạnh họe, em nhẹ thì thương tích đầy mình, nặng thì tính mệnh khó bảo toàn, thà em vẫn theo hầu phu nhân còn hơn!”

Lam Hinh nói: “Em và ta tuy là chủ tớ, nhưng tình cảm thì như chị em, ta nghĩ em nên có một nơi chốn tốt để đi về”.

Vũ Ỷ nói: “Em không thể rời xa phu nhân được, không thể rời xa tiểu công tử được. Em không đi đâu hết, em phải ở đây bảo vệ phu nhân, đề phòng nhị phu nhân lại gây ra chuyện xấu”.

Vũ Ỷ tỏ vẻ kiên quyết, Lam Hinh không nói gì thêm nữa.

***

Vài ngày sau, Khang Chu vào chơi trong phòng Tịch Thị, nhìn thấy trên bàn có món điểm tâm liền cầm lấy một miếng. Khang Chu vốn là đứa trẻ hiếu thảo, mỗi khi thấy có thứ gì ngon đều mang về cho mẹ. Lần này cũng vậy, cậu bé cầm món điểm tâm rồi chạy ngay đến phòng mẫu thân.

Hôm ấy Lam Hinh đột nhiên cảm thấy trong tim đau nhói, nhưng khi nhìn thấy con trai cô lại cảm thấy nhẹ nhõm phần nào. Khang Chu chìa tay ra mời mẹ ăn điểm tâm, Lam Hinh mỉm cười nhận lấy, chầm chậm ăn vài miếng rồi lại chơi đùa với con trai.

Bỗng Lam Hinh đau thắt cả tim, mặt trắng bệnh, hơi thở gấp gáp, cô không thể đứng vững được liền ngã vật xuống đất. Khang Chu sợ hãi khóc òa lên. Vũ Ỷ vừa trông thấy cảnh này liền biết rằng trong bánh có độc, cô vừa gọi người đi tìm lão gia, vừa nhét nửa miếng bánh còn lại vào trong ống tay áo.

Lam Hình nhìn tay áo Vũ Ỷ, cố hết sức lắc lắc đầu, còn Vũ Ỷ thì ôm lấy Lam Hinh khóc nức nở.

Lát sau Khang Nhiêu chạy đến bế Lam Hinh lên. Lam Hinh ra hiệu cho Vũ Ỷ, có ý nhờ lấy ra chiếc túi gấm trong tủ kê đầu giường. Khang Nhiêu thấy sắc mặt của Lam Hinh chuyển từ trắng sang tím bầm, thất khiếu chảy máu, anh không khỏi thất kinh hoảng hốt.

Vũ Ỷ thấy vậy vội vàng lấy miếng vải voan mỏng che lên mặt phu nhân, sau đó quỳ xuống nói với Khang Nhiêu rằng: “Phu nhân không muốn người khác thấy dung nhan của mình không được chỉn chu, xin lão gia đừng nhìn thêm nữa”.

Khang Nhiêu tung chân đạp Vũ Ỷ ngã sõng soài ra đất. Nhưng Vũ Ỷ dường như phát điên, cố hết sức vùng dậy ôm lấy đầu của Lam Hinh. Khang Nhiêu bất lực nước mắt tuôn như mưa. Chỉ trong thời gian ngắn, tiếng khóc vang lên bốn bề, cờ trắng kéo lên treo khắp nhà họ Khang.

***

Trong nỗi đau đớn tột cùng, Khang Nhiêu run rẩy mở chiếc túi gấm mà Lam Hinh để lại cho mình. Thì ra là một phong thư. Lam Hinh dặn Khang Nhiêu hãy đưa Tịch Thị lên làm chính thất, và bảo Khang Nhiêu hãy lắng nghe Vũ Ỷ kể hai câu chuyện, đồng thời nhờ anh tìm một gia đình tử tế để Vũ Ỷ có thể trao thân gửi phận suốt cuộc đời...

Sau đó, Vũ Ỷ kể cho Khang Nhiêu và Khang mẫu nghe hai câu chuyện luân hồi, Khang mẫu cũng nói với con trai về lời sấm trên thẻ xăm năm xưa, cho rằng đó là Thiên ý. Cuối cùng Khang Nhiêu cũng hiểu ra mối quan hệ nhân duyên từ tiền kiếp và đưa Tịch Thị lên làm chính thất.

Về phần mình, Vũ Ỷ vẫn kiên quyết ở lại nhà họ Khang, nhất tâm chăm sóc cho tiểu công tử Khang Chu. Sau này được Khang mẫu làm chủ, Khang Nhiêu đã nạp Vũ Ỷ làm tiểu thiếp. Từ đó, Khang Nhiêu bắt đầu chuyên tâm niệm Phật. Còn Tịch Thị, mặc dù cô tỏ ra đau buồn trước cái chết của Lam Hinh, nhưng trong lòng lại thở phào nhẹ nhõm.

***

Qua đằng đẵng các kiếp luân hồi, những ký ức tiền kiếp dần dần trôi vào quên lãng. Chúng ta gặp lại nhau trong kiếp này, cho dù thân thiết cũng vậy, xa cách cũng vậy, yêu thương cũng vậy, tật đố cũng vậy… hết thảy chẳng qua chỉ là cái si mê trong chốn hồng trần. Đời người nếu chỉ gặp nhau rồi nở nụ cười, có lẽ sẽ không quá nhiều phiền não. Nhưng nếu nhất định cứ phải đối đầu với nhau thì sẽ để lại rất nhiều bi kịch.

Hết thảy ký ức mà sinh mệnh đã trải qua, theo năm tháng đều khắc sâu vào xương tủy, để lại dấu ấn trong đời này. Kỳ thực mỗi người chỉ là khách qua đường, hết thảy những tình tiết lâm li bi đát ngày xưa ấy đều trở thành sợi dây thừng trói chặt chúng ta, níu chân chúng ta, ngăn cản chúng ta bước trên con đường trở về nhà. Chỉ khi buông bỏ hận thù, đoạn dứt tơ tình và không ngừng tu dưỡng bản thân thì chúng ta mới có được tâm hồn thuần tịnh, đạt được thăng hoa.

Thật vậy, những sóng gió phong ba chúng ta đã trải qua, những nỗi khổ đau vô hạn chúng ta từng nếm trải… đều là để trải thảm cho con đường tu luyện, để đến cuối cùng người trong cuộc tỉnh giấc mộng hồng trần, quay trở về quê hương thực sự của bản thân mình.

Theo Ức Trần - Epoch Times

(Bài gốc đăng trên Zhengjian.org)
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện luân hồi: Một chàng, hai thiếp, ai sầu hơn ai? (4/4)