Công việc quá nhàm chán có hại cho sức khỏe não bộ và làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ lên 37%

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu mới của Đại học Oslo, Na Uy, cho thấy rằng làm việc chăm chỉ không chỉ giúp ích cho sự nghiệp mà còn bảo vệ khả năng nhận thức và giúp ngăn ngừa chứng mất trí nhớ.

Theo nghiên cứu, làm những công việc ít thách thức hơn trong độ tuổi từ 30 đến 60 sẽ làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ lên 66% và chứng mất trí nhớ lên 37% sau tuổi 70.

CNN đưa tin Tiến sĩ Trine Edwin, tác giả chính của nghiên cứu và là nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Oslo ở Na Uy, cho biết: “Những phát hiện này cho thấy rằng làm một công việc đòi hỏi tư duy phức tạp hơn có thể bảo tồn trí nhớ và tư duy cho đến tuổi già. Nơi làm việc rất quan trọng trong việc thúc đẩy sức khỏe nhận thức".

Edwin cho biết thêm rằng việc học nhiều năm hơn cũng có thể bù đắp tác động của công việc lặp đi lặp lại. Ví dụ, theo học đại học có thể giảm 60% rủi ro về sức khỏe khi làm công việc lặp đi lặp lại, nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro.

Tiến sĩ Richard Isaacson, giám đốc nghiên cứu tại Viện bệnh thoái hóa thần kinh Florida, đã khẳng định những phát hiện này. Ông chỉ ra: “Khi chúng ta già đi, việc duy trì một cuộc sống năng động, duy trì ý thức về mục đích, học hỏi những điều mới và duy trì hoạt động xã hội có thể ngăn ngừa sự suy giảm nhận thức một cách hiệu quả”.

Tiến sĩ Isaacson cho biết, như câu nói, "sử dụng hoặc mất nó", "giống như việc duy trì cơ bắp thông qua tập thể dục, tham gia vào các nhiệm vụ công việc và tương tác với đồng nghiệp dường như cũng giúp bảo vệ chống lại chứng mất trí nhớ".

Nghiên cứu được công bố trên Psychiatry, tạp chí của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ. Nghiên cứu đã theo dõi dữ liệu về sức khỏe và nghề nghiệp của 7.000 người Na Uy từ độ tuổi 30 cho đến khi nghỉ hưu ở độ tuổi 60.

Để phân tích, nhóm nghiên cứu của Edwin đã phân loại nhu cầu nhận thức của 305 ngành nghề ở Na Uy.

Luật sư, bác sĩ, kế toán, kỹ sư kỹ thuật, nhân viên phục vụ cộng đồng, giảng viên… được xếp vào nhóm những công việc có yêu cầu cao về nhận thức. Công việc hàng ngày của những vị trí này thường đòi hỏi tư duy sáng tạo, phân tích thông tin, giải quyết vấn đề và giải thích ý tưởng, thông tin cho người khác. Kỹ năng giao tiếp cá nhân cũng rất cần thiết, chẳng hạn như huấn luyện hoặc động viên người khác.

Các công việc lặp đi lặp lại về thể chất và tinh thần bao gồm các công việc điển hình trong nhà máy, ghi sổ, dọn phòng, trông coi, công nhân xây dựng và nhân viên bưu điện.

Edwin nói: "Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng những người có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer có thể học các nhiệm vụ công việc mới và cải thiện kỹ năng công việc của họ bằng cách tận dụng cơ hội phát triển nghề nghiệp; nghiên cứu sâu hơn sẽ giúp làm rõ những hoạt động cụ thể nào có lợi nhất cho sức khỏe não bộ".

Ngoài ra, một số lối sống rất có ích cho sức khỏe não bộ như chế độ ăn Địa Trung Hải, kiểm soát việc uống rượu và bỏ hút thuốc, kiểm soát các chỉ số như huyết áp, lượng đường trong máu và cholesterol, đánh giá và điều trị thường xuyên tình trạng suy giảm thính lực và thị lực, ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng... có thể giúp con người vượt qua được nguy cơ suy giảm nhận thức.

Theo Lâm Nghiên - Epoch Times tiếng Trung

Thanh Hương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Công việc quá nhàm chán có hại cho sức khỏe não bộ và làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ lên 37%