Màn hình điện thoại di động chứa nhiều loại vi khuẩn hơn cả bồn cầu: Chuyên gia đưa ra giải pháp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày nay, điện thoại di động đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người. Mặc dù thiết kế của điện thoại di động ngày càng đa dạng và thời thượng, nhưng bạn đừng bị lừa bởi vẻ bề ngoài của nó, bởi trên màn hình điện thoại có lượng lớn vi khuẩn. 

Ngày nay, rất nhiều người có thói quen sử dụng điện thoại ngay cả khi đang đi vệ sinh. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trung bình màn hình của một chiếc điện thoại di động mang theo ít nhất 10 loại vi khuẩn, trong khi bồn cầu trung bình chỉ chứa 3 loại vi khuẩn.

CBS News cũng đưa tin, điện thoại di động đã trở thành 'người bạn' đồng hành thân thiết nhất của nhiều người mỗi ngày, nhiều người trẻ thậm chí không thể chịu nổi nếu không sử dụng điện thoại di động, có thể nói, điện thoại di động đã trở nên phổ biến và luôn theo dõi mọi hoạt động chúng ta. Khi chúng ta tiếp xúc hoặc chạm vào một đồ vật, sau đó sử dụng điện thoại di động, tất cả những vi khuẩn ở trên tay đều sẽ được chuyển sang bề mặt của điện thoại di động.

Ví dụ: Khi chúng ta dùng tay để ngoáy mũi, sau đó lại chạm vào màn hình điện thoại di động, nghiên cứu cho thấy, hành động đơn giản này có thể gián tiếp mang vi khuẩn có tên là staphylococcus dẫn đến bề mặt điện thoại của bạn.

Một nghiên cứu của Anh thông qua quá trình phân tích 390 điện thoại di động đã phát hiện ra rằng, 1/6 điện thoại có chứa dấu vết vi khuẩn của phân và nước tiểu. Sinh viên nghiên cứu vi khuẩn tại Đại học Surrey đã đặt điện thoại của mình vào đĩa petri. Ba ngày sau, họ phát hiện một lượng lớn vi khuẩn gây bệnh trong đĩa petri, từ những vi khuẩn vô hại trên da cho đến những vi khuẩn chứa mầm bệnh. (Đĩa petri là loại đĩa mà các nhà sinh vật học sử dụng để nuôi cấy tế bào).

Tiến sĩ William DePaolo, trợ lý giáo sư về nghiên cứu vi sinh phân tử và miễn dịch học tại Đại học Nam California, cho biết: “Cuộc đời chúng ta đều sống trong môi trường bị bao quanh bởi vi khuẩn, nhưng chúng ta cần phải cẩn thận với những vi khuẩn mà chúng ta tiếp xúc".

Tiến sĩ DePaolo đã dùng miếng bọt biển để lau nhẹ bề mặt điện thoại của một nhân viên, đồng thời lấy mẫu thí nghiệm từ bồn cầu. Kết quả cho thấy, bề mặt chiếc điện thoại chứa trung bình từ 10 đến 12 loại vi khuẩn và nấm, trong khi chỉ có 3 loài vi khuẩn được tìm thấy trong bồn cầu.

Ông nói: "Việc chúng ta sử dụng điện thoại khi đang đi vệ sinh, điều này quả là ghê tởm".

Tiến sĩ DePaolo cũng nhấn mạnh một giải pháp rằng, bước đầu tiên để làm sạch điện thoại là rửa tay. Ngoài ra, không nên sử dụng điện thoại khi đang đi vệ sinh.

Ông cũng khuyên rằng, chúng ta không nên để điện thoại trên bếp khi đang nấu ăn để tránh lây lan vi khuẩn salmonella (loại vi khuẩn làm cho thức ăn trở thành độc).

Bên cạnh đó, hãy làm sạch điện thoại của bạn ít nhất một lần một ngày bằng cách lấy điện thoại ra khỏi ốp và lau bề mặt xung quanh điện thoại bằng vải ẩm nhúng xà phòng kháng khuẩn. "Lau khăn kháng khuẩn hoặc khăn lau trẻ em cũng có hiệu quả trong việc tiêu diệt vi khuẩn trên bề mặt điện thoại di động".

Giữ cho màn hình điện thoại sạch sẽ là một điều quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta, đặc biệt nếu chúng ta ở xung quanh trẻ em, người già hoặc những người có hệ miễn dịch yếu.

Theo Lâm Nghiên - The Epoch Times
Gia Hân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Màn hình điện thoại di động chứa nhiều loại vi khuẩn hơn cả bồn cầu: Chuyên gia đưa ra giải pháp