Mimas - Vệ tinh băng giá của sao Thổ có đại dương ngầm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ẩn bên dưới bề mặt có nhiều miệng hố của Mimas, một trong những mặt trăng nhỏ nhất của sao Thổ, ẩn chứa một bí mật: một đại dương nước lỏng. Khám phá đáng kinh ngạc, do Tiến sĩ Valéry Lainey thuộc Đài quan sát Paris-PSL dẫn đầu và công bố trên tạp chí Nature, còn tiết lộ đại dương khá “trẻ” khi nó được hình thành các đây chỉ 5 đến 15 triệu năm. Điều này khiến Mimas trở thành mục tiêu hàng đầu để nghiên cứu nguồn gốc sự sống trong hệ Mặt Trời của chúng ta.

Tiến sĩ Nick Cooper, đồng tác giả của nghiên cứu và là thành viên nghiên cứu danh dự của Trường Khoa học Vật lý và Hóa học tại Đại học Queen Mary, Luân Đôn, cho biết: “Mimas là một mặt trăng nhỏ, đường kính chỉ khoảng 400 km và bề mặt có nhiều miệng hố va chạm của nó không cho thấy dấu hiệu nào về đại dương ẩn giấu bên dưới”.

Cooper nói thêm: “Khám phá này bổ sung Mimas vào một danh sách các mặt trăng độc đáo có các đại dương bên trong, bao gồm Enceladus và Europa, nhưng có một điểm khác biệt duy nhất: đại dương của nó còn rất trẻ, ước tính chỉ 5 đến 15 triệu năm tuổi”.

Phân tích chi tiết về tương tác thủy triều của Mimas với sao Thổ cho thấy đại dương được hình thành gần đây. Điều này khiến Mimas có thể cung cấp một cái nhìn độc đáo về giai đoạn đầu của quá trình hình thành đại dương và tiềm năng xuất hiện sự sống.

Tiến sĩ Cooper giải thích: “Sự tồn tại của một đại dương nước lỏng mới hình thành gần đây khiến Mimas trở thành ứng cử viên hàng đầu để khám phá cho các nhà nghiên cứu đang điều tra nguồn gốc của sự sống”.

Khám phá này được thực hiện bằng cách phân tích dữ liệu từ tàu vũ trụ Cassini của NASA, con tàu đã nghiên cứu tỉ mỉ sao Thổ và các mặt trăng của nó trong hơn một thập kỷ. Bằng cách kiểm tra chặt chẽ những thay đổi tinh tế trong quỹ đạo của Mimas, các nhà nghiên cứu có thể suy ra sự hiện diện của một đại dương ẩn giấu và ước tính được kích thước cũng như độ sâu của nó.

Việc phát hiện ra đại dương trẻ của Mimas có ý nghĩa quan trọng đối với hiểu biết của chúng ta về tiềm năng tồn tại sự sống ngoài Trái đất. Nó gợi ý rằng ngay cả những mặt trăng nhỏ, dường như không hoạt động cũng có thể chứa đựng những đại dương có khả năng hỗ trợ những điều kiện cần thiết cho sự sống. Điều này mở ra những con đường mới thú vị để khám phá trong tương lai, có khả năng đưa chúng ta đến gần hơn với việc trả lời câu hỏi muôn thuở: chúng ta có đơn độc trong vũ trụ không?

Tính đến nay, các nhà khoa học đã tìm thấy 146 vệ tinh của sao Thổ. Mimas được William Herschel phát hiện vào năm 1789. Đây là vệ tinh nhỏ nhất trong số các vệ tinh hình cầu của sao Thổ và là vệ tinh nhỏ nhất trong số các vệ tinh được biết đến có hình cầu do lực hấp dẫn của riêng nó. Mimas có đường kính khoảng 396 km. Nó chủ yếu được làm bằng băng nước với một lớp đá nhỏ. Bề mặt của Mimas được bao phủ bởi các hố va chạm, với hố va chạm Herschel lớn nhất là đặc điểm nổi bật nhất.

Tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Mimas - Vệ tinh băng giá của sao Thổ có đại dương ngầm