Nấm mốc làm suy giảm trí nhớ và gây bệnh Alzheimer? 5 mẹo chống nấm mốc tại nhà (Phần 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Môi trường sống ẩm thấp hay không phụ thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm. Nếu làn da cảm thấy dính sau khi ra mồ hôi, tức là mồ hôi không dễ bay hơi, thì điều đó nghĩa là độ ẩm trong môi trường quá cao.

--> Xem lại: Nấm mốc làm suy giảm trí nhớ và gây bệnh Alzheimer? 5 mẹo chống nấm mốc tại nhà (Phần 1)

Năm mẹo giữ nhà không bị ẩm mốc

Nấm mốc là thứ khó tránh khỏi trong môi trường sinh hoạt hàng ngày. Chúng sẽ tạo ra mối đe dọa thật sự khi sức đề kháng của con người bị suy giảm.

Li Junzhang, phó hiệu trưởng Đại học Quốc gia Cheng Kung (Đài Loan) kiêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chất độc Dấu vết Môi trường, chỉ ra rằng môi trường sống ẩm thấp hay không phụ thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm.

Nếu làn da của bạn cảm thấy dính nhớt sau khi ra mồ hôi, tức là mồ hôi không dễ bay hơi, thì điều đó cho thấy độ ẩm trong môi trường quá cao.

Ngoài ra, chúng ta có một số cách khác để đánh giá liệu hoàn cảnh sinh hoạt có ẩm ướt và dễ phát triển nấm mốc hay không:

  • Sau một thời gian ngâm trong thời tiết mưa ẩm, đến lúc trời hửng nắng, trên tường nhà xuất hiện những giọt nước. Điều này cho thấy tường đã bị thấm và độ ẩm xung quanh quá cao.
  • Xuất hiện các vết đen trên cửa sổ và tường.

Nhựa silicon (polysiloxane) là loại vật liệu được sử dụng trong các lớp phủ chịu nhiệt cùng các vật liệu chống chịu thời tiết, dùng trám những lỗ thủng nhỏ trên mái nhà, hoặc các vật dụng trong gia đình.

Nếu bạn phát hiện nhựa silicon trên cửa sổ và tường nhà có màu đen, nghĩa là nó đã bị mốc, thì nguyên nhân có thể là do độ ẩm của môi trường quá cao.

  • Mền và ga trải giường bị ẩm.
  • Cửa sổ dễ bị thấm nước vào những ngày mưa. Dấu hiệu này cho thấy phòng dễ bị ẩm thấp.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có một số biện pháp thiết thực và hiệu quả, có thể giúp tránh nấm mốc trong gia đình:

Mền và ga trải giường bị ẩm cũng là dấu hiệu cho thấy độ ẩm trong không khí cao. (Pexels)
Mền và ga trải giường bị ẩm cũng là dấu hiệu cho thấy độ ẩm trong không khí cao. (Pexels)

1. Bật máy hút ẩm để điều chỉnh

Ở những nơi sinh hoạt thường xuyên như phòng ngủ, phòng khách và phòng ăn, độ ẩm có thể kiểm soát trong khoảng 50-60 độ. Tại mức này, cơ thể người sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.

Nếu là không gian như phòng làm việc, nơi đặt sách, máy tính và các vật dụng khác thì có thể đặt độ ẩm dưới 40-50 độ.

2. Lau khô phòng tắm và nhà bếp bằng khăn khô sau khi sử dụng

Nhà bếp và phòng tắm là những nơi dễ bị nấm mốc trong nhà. Đặc biệt là phòng tắm, nếu ẩm thấp lâu ngày, nấm mốc sẽ phát triển trong các rãnh của gạch.

Li Junzhang gợi ý rằng, người tắm cuối cùng nên dùng khăn khô để lau sạch những giọt nước trên tường, vòi và kệ trong phòng tắm. Trong khi đó, sàn nhà nên được lau bằng cần gạt để giúp thoát nước.

Ông nói: "Nếu bạn làm theo hướng dẫn này, nấm mốc sẽ không dễ phát triển, bởi vì phần lớn nước sẽ bị cuốn trôi. Thực tế, phòng tắm của nhà chúng tôi cũng luôn có một chiếc khăn khô như vậy".

Sau khi sử dụng bồn rửa nhà bếp, bạn cũng nên lau lại bằng khăn khô. Ngoài ra, nhà bếp nên được thông gió và mở thoáng cửa sổ.

3. Đèn trong phòng tắm nên tách rời khỏi công tắc quạt hút

Thông thường, công tắc của đèn phòng tắm và quạt thông gió được kết nối với nhau, khi nhấn công tắc, cả hai sẽ bật hoặc tắt cùng một lúc.

Li Junzhang cho biết: "Nhưng nhà tôi làm tách riêng. Nếu bạn làm tương tự, bạn sẽ thấy phòng tắm dù sử dụng trong nhiều năm nhưng vẫn không có nấm mốc".

Ông giải thích rằng lợi thế của việc tách biệt cả hai là sau khi sử dụng phòng tắm, bạn có thể tắt đèn trước và để quạt hút tiếp tục hoạt động cho đến khi phòng tắm khô ráo.

Nếu sử dụng quạt hút có tần số thay đổi thì mức tiêu thụ điện năng sẽ không quá cao.

Ông giải thích rằng lợi thế của việc tách biệt cả hai là sau khi sử dụng phòng tắm, bạn có thể tắt đèn trước và để quạt hút tiếp tục hoạt động cho đến khi phòng tắm khô ráo. 
Ông giải thích rằng lợi thế của việc tách biệt cả hai là sau khi sử dụng phòng tắm, bạn có thể tắt đèn trước và để quạt hút tiếp tục hoạt động cho đến khi phòng tắm khô ráo. (Wikimedia Commons)

4. Trước khi trời mưa, thu dọn bớt cành lá rụng

Chậu cây trong nhà và hoa lá trong vườn thường có lá rụng, hoa hoặc cành bị cắt tỉa… Loại rác thải này cần được thu dọn càng sớm càng tốt, không được chất đống trong sân, đặc biệt là trước khi trời mưa.

Do trên cây có nhiều vi sinh vật, chúng thường hấp thụ độ ẩm nên dễ tạo ra nấm mốc.

Đồng thời, không tưới nước hàng ngày để tránh tình trạng đất ngậm nước, dẫn đến độ ẩm quá cao. Thông thường, cứ 3-4 ngày hoặc 4-5 ngày tưới một lần là đủ.

5. Xử lý thấm tường nhà

Nếu bạn phát hiện tường bị thấm nước, thì nên gọi thợ xử lý sớm nhất có thể.

Nhưng nếu bạn đã có nấm mốc trong nhà, đây là một số cách để làm sạch nó:

- Phòng tắm và nhà bếp dễ bị nấm mốc: Trước tiên, hãy đeo găng tay và khẩu trang bảo vệ để ngăn chặn hầu hết các bào tử nấm bị hít vào.

Sau đó, xịt dung dịch tẩy mốc lên khu vực bị nấm. Đợi 10-30 phút, chỉ cần chải nhẹ là có thể loại bỏ chúng, cuối cùng rửa sạch bằng nước.

Hãy tắm sau khi làm sạch mọi thứ để các bào tử bám vào cơ thể không lây nhiễm sang những nơi khác.

- Đồ nội thất bằng gỗ: Bạn có thể cạo bỏ một phần những chỗ bị mốc, sau đó sơn sửa lại. Nhưng Li Junzhang gợi ý rằng tốt nhất là vứt nó đi.

Bởi vì nấm mốc có thể phát triển trên thành gỗ, ngay cả khi bề mặt được làm sạch, nó vẫn ở bên trong. Lớp sơn chỉ có tác dụng tạm thời, lâu ngày lớp sơn bong ra thì nấm mốc lại mọc lên.

Hơn nữa, đồ gỗ thường có chất bảo quản và đánh vecni, gỗ sơn bóng ít bị nấm mốc. Nếu nó bị mốc, thì đó cũng là thời điểm nên thay thế.

- Nhựa silicon trên bệ cửa sổ: Nên nhờ thợ chuyên nghiệp đào ra và đổ đầy lại.

Theo Su Guanmi từ The Epoch Times tiếng Trung
Bảo Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nấm mốc làm suy giảm trí nhớ và gây bệnh Alzheimer? 5 mẹo chống nấm mốc tại nhà (Phần 2)