Nam sinh Trường Đại học Nha Trang tử vong do cúm A H5, lưu ý 6 dấu hiệu nhiễm virus

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết bệnh nhân nam tên Đ. (21 tuổi), sinh viên Trường Đại học Nha Trang mắc cúm A/H5N1 đã tử vong vào sáng 23/3.

Theo hồ sơ bệnh án, nam sinh (trú tại thôn Tân Ninh, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà) xuất hiện triệu chứng sốt, ho vào ngày 11/3. Bệnh nhân đã tự mua thuốc điều trị nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm.

4 ngày sau, nam sinh về nhà và đến khám tại cơ sở 2 thuộc Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hoà. Trong thời gian này, bệnh nhân có tiếp xúc gần với mẹ và em gái.

Kết quả khám ban đầu, bệnh nhân được chẩn đoán viêm họng - thanh quản cấp, theo dõi sốt xuất huyết. Mặc dù được đề nghị nhập viện nhưng Đ. vẫn muốn điều trị ngoại trú.

Đến ngày 16/3, bệnh nhân bị sốt cao, đau bụng quanh rốn, phân lỏng, nhập viện khẩn cấp và được chẩn đoán nhiễm khuẩn ruột, cảnh báo nhiễm trùng huyết.

Sau một ngày, tình trạng của Đ. trở nặng, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hoà. Xét mẫu bệnh phẩm ngày 20/3 cho thấy, Đ. có kết quả dương tính với cúm A/H5N1.

Tại Bệnh viện Nhiệt đới, nam sinh được điều trị cách ly trong tình trạng hôn mê, huyết áp gần bằng không, thở máy. Do bệnh diễn tiến nặng, Đ. đã tử vong vào ngày 23/3.

Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, bệnh nhân từng đi bẫy chim hoang dã ở gần khu vực sinh sống trước và sau dịp Tết Âm Lịch 2024. Xung quanh khu vực gia đình của Đ. không có hiện tượng gia cầm ốm, chết.

Những người tiếp xúc với Đ. được theo dõi sức khoẻ. Nơi ở của nam sinh - ký túc xá Trường Đại học Nha Trang, cùng các khu vực khám, điều trị và xe vận chuyển bệnh nhân đều được phun hoá chất khử khuẩn.

Các mẫu bệnh phẩm của những người từng tiếp xúc với Đ. đều cho kết quả âm tính với virus. Đến nay vẫn chưa phát hiện thêm trường hợp mắc mới.

Từ đầu năm 2024, Việt Nam đã ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm gia cầm liên quan đến chủng virus cúm A/H5N1. Tính đến nay đã có 6 ổ dịch tại các tỉnh, thành phố gồm Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang.

Các chuyên gia y tế cho biết, đây là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển.

Cúm A H5 là gì?

Cúm A H5 (còn được gọi là cúm A/H5N1, cúm gia cầm – avian influenza hay bird flu) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm ở người và động vật. So với các chủng cúm mùa thông thường, cúm A H5 có độc lực cao hơn, người bệnh dễ gặp biến chứng nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao.

Virus A/H5N1 là chủng rất nguy hiểm có độc lực cao, diễn tiến khó lường và phức tạp, tỷ lệ biến chứng và tử vong cao ở người (50-60%) nếu không được phát hiện cũng như điều trị kịp thời.

Chủng cúm này đã liên tục biến đổi thành các tuýp mới có độc lực mạnh với tỷ lệ tử vong đôi khi lên tới 100%.

Những đợt dịch cúm A H5 trước đây lây truyền sang người đã khiến nhiều bệnh nhân gặp biến chứng nghiêm trọng như: suy hô hấp, viêm phổi cấp tính, tổn thương đa tạng, thở máy… thậm chí tử vong. Dịch cúm A H5 có thể lan truyền thành dịch trong cộng đồng.

Triệu chứng, con đường lây nhiễm của cúm A H5

Các triệu chứng của cúm A H5 tương tự với nhiễm cúm thông thường, nhưng kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn.

Các triệu chứng nhận biết thường bắt đầu trong khoảng 2-5 ngày kể từ lúc bị virus xâm nhập:

  • Sốt cao đột ngột (trên 38 độ C);
  • Rét run;
  • Đau đầu;
  • Tim đập nhanh, khó thở, đau ngực;
  • Đau họng, ho có đờm, ho khan;
  • Mệt mỏi rã rời, đau nhức cơ.

Chỉ sau nửa ngày, các triệu chứng A H5 có thể diễn tiến trầm trọng hơn, người bệnh có khả năng bị suy hô hấp cấp như khó thở, thở nhanh, da tím tái, thậm chí đau toàn thân, ý thức mê man.

Bệnh có thể lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, qua việc tiếp xúc và ăn gia cầm, lợn ốm/ chết do nhiễm virus cúm A/H5N1 hoặc ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ.

Đặc biệt, virus cúm A/H5N1 được phát tán ra môi trường bên ngoài qua nước bọt, dịch mũi, phân và trong các tế bào niêm mạc ruột non của một số loài chim di cư.

Phòng ngừa bệnh cúm A H5

Để chủ động phòng ngừa cúm gia cầm A H5, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp dưới đây:

  • Không giết, mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân. Đảm bảo ăn chín uống sôi, rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn.
  • Không buôn bán, sử dụng thịt, trứng và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
  • Không ăn tiết canh, thịt, trứng gia cầm chưa được chế biến kỹ.
  • Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết thì không được giết mổ mà phải báo kịp thời cho nhà chức trách và cục thú y tại địa phương.
  • Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.
  • Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Hoàng Tuấn (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Nam sinh Trường Đại học Nha Trang tử vong do cúm A H5, lưu ý 6 dấu hiệu nhiễm virus