Nhà Hán học người Mỹ: Du học sinh Trung Quốc đang lầm tưởng rằng 'Đảng Cộng sản Trung Quốc là Trung Quốc'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Perry Link, Giáo sư tại Đại học California, Riverside và là nhà Hán học nổi tiếng người Mỹ, gần đây cho biết, trong quá trình tiếp xúc với du học sinh Trung Quốc, ông nhận ra rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng việc “che đậy lịch sử và bóp méo nhận thức” như một công cụ chính trị để ngăn chặn người dân Trung Quốc biết về lịch sử của đất nước mình và lầm tưởng rằng 3 khái niệm ĐCSTQ, đất nước Trung Quốc và người Trung Quốc là một. Ông Link nhấn mạnh rằng ĐCSTQ đã tăng cường kiểm soát về mặt tư tưởng và mở rộng hoạt động đe dọa ra nước ngoài.

Trong cuộc phỏng vấn với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), ông Link cho hay: “Họ (du học sinh Trung Quốc) có một loại tâm lý sợ hãi, họ sợ rằng nếu họ nói sai và lời ấy truyền đến tai chính quyền thì sau này họ sẽ bị ảnh hưởng, hoặc sợ rằng người thân của họ ở Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng”.

Dựa trên kinh nghiệm giảng dạy của bản thân, ông Link cho biết, kể từ khi người lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình lên nắm quyền, chính quyền này đã tăng cường kiểm soát tư tưởng đối với các trường cao đẳng, đại học. Có một số giảng viên vì bày tỏ ý kiến của mình ở ​​trong lớp hoặc trên các trang mạng xã hội mà đã bị báo cáo và bị thuyên chuyển vị trí công tác, thậm chí là bị cách chức. Cái gọi là "lòng trung thành" và "văn hóa tố cáo" này cũng đã được xuất khẩu ra nước ngoài.

ĐCSTQ che đậy lịch sử, bóp méo nhận thức, tẩy não rằng ‘ĐCSTQ = Trung Quốc = người Trung Quốc’

VOA cho biết, Giáo sư Perry Link cảm thấy lo lắng về quan điểm quốc gia, dân tộc của sinh viên Trung Quốc. Trong học kỳ trước, ông Link đã dạy một môn để giới thiệu nền văn minh Trung Quốc, bao gồm các chủ đề khác nhau, từ chữ Giáp cốt cho đến chính quyền của ông Tập. Ông Link nói, có khoảng 1/3 đến một nửa số du học sinh đến từ Trung Quốc không biết về lịch sử của đất nước họ, không biết đến “Đại nhảy vọt”, “Nạn đói lớn”, cuộc đàn áp sinh viên ngày 4/6/1989 trên quảng trường Thiên An Môn và cuộc bức hại người Duy Ngô Nhĩ…; cho dù có biết thì họ cũng chỉ biết thông tin nghe một chiều từ phía chính quyền.

Thảm sát Thiên An Môn năm 1989
Thảm sát Thiên An Môn năm 1989. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Ông Link chỉ ra, một trong những sinh viên Trung Quốc đã đến văn phòng của ông để nói chuyện 1:1, người này đột nhiên hỏi chuyện gì đã xảy ra vào ngày 4/6/1989 và đã rất sốc khi nghe được câu chuyện.

Ông kể: “Cậu ấy đột nhiên hỏi, thầy Link, trong sự kiện ngày 4/6, sinh viên giết binh lính nhiều hơn hay binh lính giết sinh viên nhiều hơn? Cậu ấy thậm chí còn không biết một vấn đề đơn giản như vậy. Cậu ấy đã hỏi tôi một cách tha thiết rằng đã xảy ra chuyện gì. Bởi vì trong nền giáo dục mà cậu ấy được hưởng khi lớn lên, cha mẹ và nhà trường không hề nói đến vấn đề này, nếu có thì đó sẽ là câu chuyện sai sự thật mà Đảng Cộng sản [Trung Quốc] đã tiêm nhiễm vào tâm trí học sinh”.

Giáo sư Perry Link từng viết một bài bình luận có nhan đề "'Đừng nói về chính trị!' - Những trở ngại đối với du học sinh Trung Quốc". Trong đó, ông chỉ ra rằng trong cuộc "Cải cách ruộng đất" ở nông thôn từ năm 1950 - 1953, ĐCSTQ đã giết chết từ 2 đến 5 triệu “địa chủ". Từ năm 1959 - 1962, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông đã thúc đẩy phong trào “Đại nhảy vọt”, khiến 30 đến 40 triệu nông dân Trung Quốc bị chết đói. Trong “Cách mạng Văn hóa” từ năm 1966 - 1976, có thêm hàng triệu người nữa đã chết, phong trào này cũng đã phá hủy một số giá trị căn bản nhất của văn hóa Trung Hoa. Năm 1989, các sinh viên và những người dân thường đòi dân chủ đã bị thảm sát ở trung tâm thành phố Bắc Kinh. Tuy nhiên, những du học sinh đến từ Trung Quốc hầu như chưa bao giờ nghe nói đến những điều này.

Lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông đã khởi xướng Cách mạng Văn hóa bằng cuộc tấn công vào các giá trị truyền thống, đã khiến hàng triệu trí thức thời đó bị giết chết một cách oan sai. (The Epoch Times)
Lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông đã khởi xướng Cách mạng Văn hóa bằng cuộc tấn công vào các giá trị truyền thống, đã khiến hàng triệu trí thức thời đó bị giết chết một cách oan sai. (The Epoch Times)

Sau khi ông Tạ Phong (Xie Feng), Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, nhậm chức vào năm ngoái, ông này đã gửi một bức thư ngỏ tới các du học sinh Trung Quốc và Hoa kiều với mong muốn rằng họ sẽ “kể những câu chuyện hay về Trung Quốc”. Giáo sư Link chỉ ra, điều mà ĐCSTQ muốn tuyên truyền là Giấc mộng Trung Hoa, chính là nhằm che đậy rất nhiều điều xấu xa trong lịch sử của ĐCSTQ.

Ông Link cho biết khi ông giới thiệu cho các du học sinh Trung Quốc về phần lịch sử mà ĐCSTQ cố gắng che đậy, phản ứng trực tiếp của họ thường là: “Ông là một người nước ngoài, ông đang chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng có nghĩa là ông đang tấn công Trung Quốc, đang tấn công tôi”.

Trong những năm gần đây, chủ nghĩa dân tộc của các “tiểu phấn hồng” Trung Quốc cũng tăng cao. “Tiểu phấn hồng” ban đầu là từ để chỉ các thanh niên trên mạng xã hội ở Trung Quốc có tình cảm yêu nước mù quáng, sau nó cũng được dùng để chỉ những thanh niên theo chủ nghĩa dân tộc dưới sự chỉ huy của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc. Những người này cho rằng “yêu nước chính là yêu ĐCSTQ”, và họ thường chỉ trích những người phương Tây là “xúc phạm Trung Quốc” hoặc “phân biệt chủng tộc”.

Ông Link nói rằng, che đậy lịch sử và bóp méo nhận thức đã trở thành công cụ chính trị của ĐCSTQ. “Rất rõ ràng, đặc biệt là ông Tập Cận Bình, đã dùng cách này như một vũ khí chính trị để khiến mọi người, đặc biệt là các sinh viên trẻ, cảm thấy rằng họ phải làm một người Trung Quốc tốt, mà trong suy nghĩ của họ, khái niệm Trung Quốc chính là ĐCSTQ, phải trung thành với Trung Quốc tức là phải trung thành với ĐCSTQ”.

ĐCSTQ tăng cường kiểm soát, đe dọa về mặt tư tưởng và mở rộng ra nước ngoài

Nhà Hán học này còn nói, sau Cách mạng Văn hóa và trong thời kỳ văn học đầy vết thương, giới trí thức Trung Quốc đã tin tưởng rất mạnh mẽ rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ quay trở lại thời Cách mạng Văn hóa và sẽ không bao giờ xảy ra Cách mạng Văn hóa lần thứ hai. Nhưng dần dần, 40, 50 năm sau, cơ chế tự kiểm duyệt đã quay trở lại trong sinh viên.

Tổ chức nhân quyền "Freedom House" (Ngôi nhà Tự do) của Mỹ đã công bố một báo cáo vào tháng 1 và chỉ ra rằng, trong các trường đại học trên khắp Hoa Kỳ, các nước độc tài đang đe dọa các du học sinh và giảng viên quốc tế cũng như trấn áp những lời chỉ trích, trong đó ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất.

Bà Vương Á Thu (Wang Yaqiu), một nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại tổ chức quốc tế Human Rights Watch, nói với VOA rằng kiểu tố cáo nhau (giữa những người Trung Quốc) không chỉ giới hạn ở giảng viên và sinh viên mà còn lan rộng sang những người bạn xung quanh họ - người mà được cho là nói ra “những lời không yêu nước”. Bà Vương cho biết, "Rất nhiều người đang tố cáo những người trong vòng tròn bạn bè của họ", hiện tượng này "rất đáng sợ, kiểu cuồng nhiệt này thực sự mang lại cho mọi người cảm giác về Cách mạng Văn hóa".

Vào ngày 25/1 vừa qua, anh Ngô Tiếu Lôi (Wu Xiaolei), một cựu du học sinh Trung Quốc tại Đại học Âm nhạc Berklee, đã bị tòa án liên bang ở Boston, Mỹ buộc tội "rình rập trên mạng" và "truyền tải các thông tin mang tính đe dọa xuyên tiểu bang". Trong một nhóm WeChat, anh này đã đe dọa một nhà hoạt động rằng sẽ chặt tay cô ấy vì cô này đã đăng một tấm áp phích ủng hộ nền dân chủ Trung Quốc. Anh này còn nói rằng đã báo cáo hành vi của cô với bộ phận an ninh quốc gia của ĐCSTQ.

Lý tưởng theo đuổi tự do không thể bị dập tắt

Giáo sư Perry Link cho rằng, sau vụ thảm sát ngày 4/6/1989 trên quảng trường Thiên An Môn, rất khó để thấy được niềm khao khát dân chủ mạnh mẽ được thể hiện trong giới trẻ Trung Quốc, đây là kết quả của sự đàn áp đến từ ĐCSTQ. Ông cho rằng, từ thời Đặng Tiểu Bình đến thời Tập Cận Bình, tín hiệu được gửi đến giới trẻ là: Có thể kiếm tiền, có thể yêu nước yêu đảng, chỉ có 2 con đường này thôi, không thể động chạm đến các vấn đề như tư tưởng, tôn giáo, quyền tự do, không có bất kỳ tổ chức, đoàn thể, quy định chế độ nào khác. Nếu không, sẽ bị cảnh cáo, bắt giữ và bỏ tù.

Ông Link cho rằng, bất kể là trên phương diện văn hóa, đất nước hay dân tộc, con người đều luôn theo đuổi tự do. Mặc dù một bộ phận trí thức và sinh viên có lý tưởng người Trung Quốc không công khai bày tỏ nhưng những giá trị cơ bản này sẽ không thể bị dập tắt. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng quá trình chuyển đổi từ chế độ toàn trị sang dân chủ ở Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức.

Ông nói: "Để thay đổi từ hệ thống toàn trị hiện nay sang một xã hội thoải mái hơn, thả lỏng hơn, cá nhân tôi cảm thấy rằng chúng ta có thể phải chờ cơ hội, vận ​​​​may”. Theo ông, một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể sẽ là ngòi kích nổ để dẫn tới sự thay đổi này.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhà Hán học người Mỹ: Du học sinh Trung Quốc đang lầm tưởng rằng 'Đảng Cộng sản Trung Quốc là Trung Quốc'