Những tác dụng phụ khi uống quá nhiều nước chanh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chanh có hàm lượng vitamin C dồi dào cùng chất xơ, chất chống oxy hoá và các khoáng chất thiết yếu như kali, canxi, magie…

Loại trái cây này có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Bạn có thể pha chanh để uống với nước lọc (hoặc trà), thêm vỏ chanh vào các món ăn hoặc vắt nước cốt chanh vào các món bún, phở.

Tiêu thụ ở mức vừa phải có thể:

  • Cải thiện làn da: Vitamin C thúc đẩy quá trình tổng hợp collagen, giúp da sáng mịn. Loại vitamin này cũng có thể bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại, giúp cơ thể tạo ra collagen và hấp thụ sắt, hỗ trợ hệ thống miễn dịch.
  • Giảm nguy cơ mắc sỏi thận: Uống nước chanh có thể làm tăng nồng độ citrate trong nước tiểu, cản trở sự hình thành sỏi thận.
  • Hỗ trợ cơ thể hấp thụ sắt: Thiếu sắt có thể gây thiếu máu. Vitamin C trong chanh hỗ trợ cơ thể hấp thụ sắt, đặc biệt là sắt có nguồn gốc từ thực vật.
  • Cung cấp chất chống oxy hóa: Chanh rất giàu flavonoid - một chất chống oxy hoá, giúp loại bỏ các gốc tự do gây hại cho tế bào, từ đó tăng cường miễn dịch và sức khỏe.
  • Giúp giảm huyết áp: Kali trong chanh giúp cân bằng nồng độ natri, còn flavonoid hỗ trợ sức khỏe tim.

Tuy nhiên, việc uống nước chanh nhiều cũng không nhất định sẽ tốt hơn cho sức khoẻ. Để đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, bạn nên chú ý cân bằng trong chế độ ăn uống hàng ngày.

Nước chanh cung cấp chất điện giải, chất lỏng, giảm mệt mỏi, ngăn ngừa mất nước và chuột rút cơ bắp. Ngoài những tác dụng tích cực, nước chanh có thể ảnh hưởng đến cơ thể ra sao nếu tiêu thụ quá mức?

  1. Bào mòn men răng

Bề mặt ngoài cùng của răng là lớp men có tác dụng bảo vệ các mô bên trong. Nó tạo hàng rào giúp phòng chống sâu răng và các mảng bám, đặc biệt là các vi khuẩn ẩn nấp trong các mảng bám đó.

Tuy nhiên, khi uống nước chanh nhiều, tính axit trong thực phẩm có thể làm tổn thương răng và gây sâu răng.

  1. Tiểu nhiều

Mặc dù uống nước chanh giúp lợi tiểu, nó có thể giúp ích cho những người bị nhiễm trùng đường tiết niệu, nhưng ngược lại, nó có thể gây khó chịu cho những người thường xuyên đi tiểu hoặc có vấn đề về bàng quang.

Nếu sau khi uống nước chanh, bạn cảm thấy thường xuyên muốn đi tiểu, thì nên giảm lượng tiêu thụ.

  1. Khó chịu dạ dày

Có người sử dụng nước chanh để cải thiện tiêu hóa, axit trong nước chanh có thể phân hủy thức ăn, kích thích sản xuất mật, hỗ trợ tiêu hóa. Nhưng sử dụng quá nhiều có thể ảnh hưởng không tốt đến dạ dày, gây ợ nóng và khó tiêu.

Người có tiền sử trào ngược axit cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng nước chanh.

  1. Giảm hiệu quả của một số loại thuốc

Nước chanh có thể tương tác với nhiều loại thuốc, làm giảm hiệu quả của chúng hoặc gây tác dụng phụ.

Đồ uống này có thể ngăn cản hấp thụ một số loại thuốc kháng sinh và thuốc tuyến giáp. Người đang uống thuốc nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống nước chanh.

Không nên uống trực tiếp nước cốt chanh vì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến dạ dày vì tính axit trong chanh mạnh. Nên pha loãng nước cốt chanh với nước lọc. Không nên pha với nước quá nóng có thể làm cho các enzym có lợi trong chanh bị phá vỡ, không đem lại hiệu quả khi uống.

Không nên sử dụng đồ uống này khi đói vì gây khó chịu, cồn cào, dễ dẫn tới viêm loét dạ dày. Nên uống nước chanh vừa đủ sau bữa ăn.

Người đang áp dụng chế độ thanh lọc cơ thể có thể uống nước chanh pha mật ong mỗi ngày. Loại quả này còn thúc đẩy quá trình sản xuất mật trong cơ thể.

Chấn Hưng (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Những tác dụng phụ khi uống quá nhiều nước chanh