Ông Tần Cương trở thành Ngoại trưởng Trung Quốc có nhiệm kỳ ngắn nhất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 25/7, tròn một tháng kể từ khi ông Tần Cương biến mất, cuối cùng Bắc Kinh cũng thông báo rằng ông bị cách chức bộ trưởng ngoại giao. Ông Tần mới chỉ giữ chức ngoại trưởng 7 tháng, trở thành ngoại trưởng có nhiệm kỳ ngắn nhất kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền.

Tân Hoa Xã ngày 25/7 đưa tin về biến động nhân sự tại cuộc họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa 14 được tổ chức ở Bắc Kinh. Trong đó bao gồm việc miễn nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương và bổ nhiệm ông Vương Nghị vào thay thế; bãi nhiệm ông Dịch Cương khỏi vị trí Thống đốc Ngân hàng Trung ương và bổ nhiệm ông Phan Công Thắng vào vị trí này.

Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã không đề cập đến lý do ông Tần Cương bị cách chức.

Theo thông lệ, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) thường tổ chức các cuộc họp hai tháng một lần. Cuộc họp lần trước được tổ chức vào cuối tháng Sáu. Cũng có nghĩa là cuộc họp lần này khá đột ngột.

Ông Tần Cương mới giữ chức ngoại trưởng trong 7 tháng. Quyết định bãi nhiệm này đã khiến ông trở thành ngoại trưởng có nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng ông vẫn giữ chức Ủy viên Quốc vụ.

Ngày 25/7 cũng là ngày tròn một tháng ông Tần Cương biến mất. Lần cuối ông xuất hiện trước công chúng là ngày 25/6 khi gặp các ngoại trưởng Sri Lanka, Việt Nam và Nga tại Bắc Kinh. Sau đó, cả thế giới đều truy vấn việc "Tần Cương đang ở đâu?".

Ngoại giới truy vấn tung tích ông Tần Cương

Trước sức ép của dư luận, ngày 11/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ rằng ông Tần Cương vắng mặt tại cuộc họp ASEAN ở Indonesia vì "lý do sức khỏe". Nhưng tin tức này không hề xuất hiện trên Internet Trung QUốc.

Trước đây, truyền thông Hong Kong từng đưa tin ông Tần Cương được chẩn đoán nhiễm Covid, nhưng tin tức này vẫn chưa được chính quyền Trung Quốc xác nhận. Ngay sau đó, trên mạng lan truyền tin đồn ông Tần Cương và người dẫn chương trình truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng Hong Kong - bà Phó Hiểu Điền (Fu Xiaotian) - có con ngoài giá thú.

Một đoạn video lan truyền trên Twitter ngày 14/7 cho thấy, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi một phóng viên của AFP hỏi "Khi nào ông Tần Cương sẽ trở lại?", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân đã nhìn xuống bản thảo và im lặng khoảng 16 giây rồi mới trả lời: “Trước đó tôi đã nói về tình hình liên quan, mời câu hỏi tiếp theo". Phần hỏi - đáp này đã không được ghi vào “Biên bản họp báo thường kỳ” trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Hôm 17/7, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các phóng viên báo chí nước ngoài lại tiếp tục đặt hai câu hỏi về tung tích của ông Tần Cương. Sau khi im lặng, người phát ngôn Mao Ninh trả lời: “Đề nghị kiểm tra trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Tôi không có thêm thông tin nào để cung cấp”.

Tới ngày 19/7, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Tạ Phong đã tham dự Diễn đàn An ninh Aspen và cũng được hỏi về tin tức của ông Tần Cương. Ông Tạ Phong trả lời rằng: "Hãy chờ xem (Let’s wait and see)".

Trong thời gian ông Tần Cương mất tích, Chánh Văn phòng Đối ngoại Trung ương Vương Nghị và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mã Triêu Húc đã thi hành chức vụ thay ông.

Chính trường Trung Quốc khó lường, ai cũng bất an

Việc bộ trưởng ngoại giao của một nước lớn mất tích trong thời gian dài không phải là chuyện nhỏ. Phía Bắc Kinh lại không đưa ra lời giải thích rõ ràng. Do đó dư luận cũng lan truyền nhiều tin đồn khác nhau.

Tờ RFI chỉ ra, vụ biến mất của ông Tần Cương đã phơi bày cho thế giới thấy sự bất thường, vô quy tắc, đen tối, mờ đục, đầy cạm bẫy trong chốn quan trường Trung Nam Hải.

Hôm 23/7, tờ Shang Bao của Đài Loan đăng một bài báo của nhà bình luận Hong Kong Nhan Thuần Câu (Yan Chungou). Trong đó nói rằng, vụ việc ông Tần Cương mất tích một tháng và Bắc Kinh không thể đưa ra câu trả lời thích đáng đã trở thành trò cười trên trường ngoại giao quốc tế. Đây là một trong những việc mất mặt nhất, không chuẩn mực nhất kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thành lập chính quyền.

Ông Nhân Thuần Câu từng là Biên tập viên phụ bản của hai tờ báo Hong Kong là New Evening PostWen Wei Po, ông cũng từng là Tổng biên tập của công ty sách Cosmos Books ở Hong Kong.

Ông Nhan cho rằng những gì ông Tần Cương phạm phải nhất định là một sai lầm chính trị nghiêm trọng, nếu không thì đã không rơi vào tình huống sống chết không rõ ràng như vậy. Nếu đã là một vấn đề chính trị nghiêm trọng thì theo lẽ thường phải thu thập đầy đủ bằng chứng từ lâu, chứ không thể bắt người rồi mới từ từ thẩm vấn, [nhưng lần này] họ lại gây náo loạn toàn bộ Bộ Ngoại giao, biến sự việc thành trò cười quốc tế, tự đặt mình vào thế bị động và lúng túng.

Bài viết chỉ ra rằng, sự biến mất không thể giải thích được của một đại thần được sủng ái sẽ càng làm tổn hại đến sĩ khí của các cán bộ cấp cao trong ĐCSTQ, ai ai cũng cảm thấy bất an.

Hôm 19/7, ông Thẩm Đống (Shen Dong), cựu ủy viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh, viết trên Twitter rằng sự cố Tần Cương đã làm tê liệt toàn bộ bộ máy hành chính của ĐCSTQ, đặc biệt là Bộ Ngoại giao. Sự biến mất của ông Tần Cương đã cho thế giới thấy rằng tình hình hiện tại ở Trung Quốc rất bất thường và không thể đoán trước. Điều này cho thấy sự thiếu quyết đoán và kém cỏi của giới lãnh đạo cao nhất trong việc đối phó với tình hình hiện tại.

Ông Thẩm Đống còn là tác giả của cuốn hồi ký có tên “Red Roulette: An Insider's Story of Wealth, Power, Corruption, and Vengeance in Today's China”. Tạm dịch là "Bánh xe Roulette đỏ: Câu chuyện bên trong về sự giàu có, quyền lực, sự hủ bại và sự báo thù ở Trung Quốc đương đại". Cuốn sách được phát hành năm 2021, khi đó ông nhận được cuộc gọi cảnh báo rằng, đối đầu với chính phủ sẽ “không có kết cục tốt đẹp”.

Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một luật gia tại Úc, nói với The Epoch Times vào ngày 17/7 rằng ông Tần Cương và ông Vương Nghị không hòa hợp, họ có mâu thuẫn và tranh giành quyền lực lẫn nhau. Ông Tần Cương đã cách chức một số nhân vật được ông Vương Nghị trọng dụng, trong đó nổi tiếng nhất là phát ngôn viên Triệu Lập Kiên; ông Tần còn điều chỉnh chức vụ của một loạt quan chức cấp trung và cấp cao trong Bộ Ngoại giao, điều này động chạm đến lợi ích của ông Vương Nghị. Do đó, cuộc đấu đá giữa hai người này đã đến mức như lửa và nước.

Lý lịch của ông Tần Cương

Theo lý lịch của ông Tần Cương được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phiên bản tiếng Anh, ông sinh ra ở Thiên Tân, đã kết hôn và có một con trai. Ông gia nhập Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm 1992.

Từ năm 2002-2011, ông từng giữ các chức vụ như Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc kiêm Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh.

Cuối năm 2011, ông Tần Cương trở về Bắc Kinh. Từ năm 2014-2021, ông lần lượt đảm nhiệm chức: Vụ trưởng Vụ Thông tin Bộ Ngoại giao kiêm Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Vào tháng 7/2021, ông đến Hoa Kỳ làm đại sứ.

Sau hơn 1 năm làm Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Tần Cương trở thành Ủy viên Ủy ban Trung ương ĐCSTQ tại Đại hội 20 vào năm ngoái. Hồi tháng Một năm nay, ông đã kế nhiệm ông Vương Nghị làm Bộ trưởng Ngoại giao và được thăng cấp bộ trưởng.

Sau đó vào cùng tháng, ông lại "được bầu" làm đại biểu của Thiên Tân tham dự Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc lần thứ 14. Tới tháng Ba vừa qua, ông trở thành Ủy viên Quốc vụ.

Chỉ trong vòng 3 tháng, ông Tần Cương đã “nhảy 3 cấp” lên vị trí phó lãnh đạo nhà nước. Sự thăng tiến như vậy trong chốn quan trường ĐCSTQ là cực kỳ hiếm thấy, dư luận nhìn chung cho rằng vì ông đã chiếm được lòng tin của ông Tập Cận Bình.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tần Cương trở thành Ngoại trưởng Trung Quốc có nhiệm kỳ ngắn nhất