Sinh viên đại học Hoa Kỳ chia sẻ mẹo xả stress

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cuộc khảo sát cho thấy sinh viên Hoa Kỳ hiện phải chịu áp lực ngày càng tăng. Một số họ rơi vào trạng thái quá tải và không thể hoàn thành việc học của mình. Trong khi, nhiều người khác không bị ảnh hưởng mà còn tìm ra cách hữu hiệu giúp vượt qua áp lực.

Theo một cuộc khảo sát về căng thẳng tinh thần của sinh viên Hoa Kỳ do Gallup công bố vào cuối tháng 3, nhiều sinh viên bắt đầu phải đối mặt với áp lực tinh thần cao kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Trong số người khảo sát, có 44% người đang học cao đẳng và 36% người học đại học cho biết họ đã cân nhắc bỏ học.

Ngoài căng thẳng về cảm xúc, theo số liệu mới nhất của Trung tâm cai nghiện Hoa Kỳ, gần 90% căng thẳng của sinh viên đến từ các kỳ thi, sau đó là căng thẳng về tài chính. 88% sinh viên đại học cho biết họ chịu nhiều áp lực, trong đó ngành y khoa bị căng thẳng nhất.

Phóng viên đã phỏng vấn một số sinh viên đại học ở California, và họ đã chia sẻ về cách giảm stress của mình.

Gia đình và bạn bè là chỗ dựa

Gio Gudieo, 19 tuổi, là sinh viên năm nhất đại học đã chọn chuyên ngành điều dưỡng vì muốn giúp đỡ nhiều người hơn. "Đó là những gì tôi thực sự muốn làm với cuộc sống của mình và tôi muốn giúp mọi người trở nên tốt hơn".

Nhưng khi vào đại học, lịch học hành dày đặc đã phá vỡ cuộc sống thoải mái ban đầu của Gio Gudieo, và anh cảm thấy áp lực với cách quản lý thời gian của mình. "Tôi đã tìm ra cách tốt nhất để quản lý thời gian: làm từng việc một. Vì tôi nghĩ cố gắng làm mọi việc cùng lúc có thể quá sức", Gudieo chia sẻ.

Anh nói: "Tôi cũng thích tập thể dục, ít nhất ba hoặc bốn ngày một tuần. Nó giúp ích cho tôi rất nhiều. Nếu có nhiều áp lực, tôi cũng mở một số bản nhạc để giảm căng thẳng".

Sự giúp đỡ của gia đình cũng là chỗ dựa lớn nhất của Gudio. "Gia đình tôi rất cởi mở. Chúng tôi nói rất nhiều về cảm xúc của nhau, điều này giúp giảm bớt căng thẳng".

Đừng bỏ cuộc, hãy thiền và tập thể dục để giảm căng thẳng

Đối với Chris Garcia, sinh viên đại học 21 tuổi chuyên ngành điều dưỡng, áp lực lớn nhất là lịch học dày đặc. "Có ngày khi làm xong bài tập về nhà, tôi cảm thấy kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Tôi phải đi học, làm công việc bán thời gian, từ 14h đến 18h từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Ngoài ra, còn làm tình nguyện, bây giờ mùa nộp hồ sơ lại đến, tôi đang cố gắng thi vào một trường đại học tốt hơn”, anh nói.

Chris Garcia, một sinh viên đại học 21 tuổi, giải quyết căng thẳng bằng cách dành thời gian cho gia đình và bạn bè, tập thể dục và thiền định. (Jiang Linda/The Epoch Times)

Cách giải tỏa căng thẳng tốt nhất của anh ấy là đi chơi với gia đình, bạn bè và tập thể dục khi có thời gian. "Tôi cũng thiền. Đôi khi tôi thiền vào buổi sáng và nó thực sự giúp tôi bình tĩnh lại".

Có mục tiêu rõ ràng về việc làm trong tương lai, bởi vậy, dù áp lực ở khắp mọi nơi nhưng Garcia nói rằng, anh chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc.

Cân bằng giữa việc học và công việc, anh ấy vừa lấy được giấy phép Kỹ thuật viên Y tế Khẩn cấp (EMT). Anh luôn tin rằng: "Nỗi đau chỉ là tạm thời. Nếu bạn biết hướng đi và bạn quyết tâm, bạn sẽ làm được".

Chọn chuyên ngành yêu thích và luôn lạc quan

Hiện đang là mùa tốt nghiệp hoặc tuần thi cuối kỳ của sinh viên đại học. Trong khuôn viên trường, sinh viên chạy nhốn nháo với những cuốn sách dày trên tay - một dấu hiệu cho thấy họ đang phải chịu áp lực.

Marlene Leon, sinh viên năm nhất chuyên ngành tâm lý học tại Cao đẳng Cộng đồng Nam California, cho biết: "Chúng tôi có các kỳ thi vào thứ Sáu hàng tuần, các câu hỏi vào thứ Hai và thứ Ba. Vì vậy, căng thẳng của tôi về cơ bản là cố gắng ghi nhớ mọi thứ. Tôi cần học những kiến ​​thức này trực tuyến để có thể vượt qua kỳ thi”.

Và cách giải tỏa áp lực của cô ấy cũng rất đặc biệt: "Tôi thích la hét. Tôi thường la hét khi leo núi đá và trước khi lái xe xa nhà". Đôi khi, cô ấy giải tỏa áp lực bằng cách nghe nhạc, khiêu vũ, tán gẫu với bạn bè, v.v… Đồng thời, cô cũng không ngừng nhắc nhở bản thân không được trì hoãn việc học chỉ vì “trì hoãn”.

Bạn tốt của Leon là Valeria Cardenas nói thêm rằng áp lực của cô đến từ việc chọn ngành học và xác định mục tiêu trong tương lai. Nhưng cô rất rõ ràng, phải thật cẩn thận lựa chọn chuyên ngành mình thực sự yêu thích, như vậy mới có thể kiên trì vượt qua những áp lực, khó khăn trong tương lai.

Hai cô gái tuổi teen cũng chia sẻ bí quyết để giữ được tâm trạng tốt: "Hãy giữ nhịp độ của bạn. Đừng để mọi thứ làm bạn sa lầy và luôn lạc quan. Hãy tự nói với bản thân rằng 'Mọi chuyện đều tốt đẹp và bạn sẽ ổn thôi'".

Tìm cuộc “đảo chính” giảm căng thẳng của bạn

Ngoài việc tự điều chỉnh và sắp xếp thời gian hợp lý, một số sinh viên đại học còn chia sẻ thêm những cuộc “đảo chính” để giúp họ giải tỏa áp lực.

Andrea Cuevas đã theo học một trường đại học bốn năm, gần đây chuyển đến một trường cao đẳng cộng đồng để sống chậm lại và dành thời gian để thở.

Andrea Cuevas, người vừa chuyển sang đại học cộng đồng từ một trường đại học bốn năm, chia sẻ cách tốt nhất để đối phó với căng thẳng là sống chậm lại và tập trung làm tốt mọi việc. (Jiang Linda/The Epoch Times)

"Giữa việc học tập và cuộc sống cá nhân, tôi cảm thấy có quá nhiều thứ phải cân nhắc cùng một lúc. Vì vậy, trước tiên tôi quyết định học đại học cộng đồng để giảm bớt căng thẳng, từ đó có thể tập trung và cân bằng mọi thứ tôi đang trải qua", cô chia sẻ.

Còn nhiều cách khác giúp Cuevas giải tỏa: "Tôi sẽ chợp mắt một chút. Tôi nghĩ giấc ngủ trưa sẽ khiến đầu óc tôi quên đi mọi thứ. Hoặc tôi sẽ đến phòng tập thể dục để thư giãn, hoặc nghe nhạc và dành thời gian cho gia đình". Những điều nhỏ nhặt này cũng đủ khiến cô ấy hạnh phúc.

Sergio Oseguera, sắp tốt nghiệp ngành bảo trì hàng không, cũng gợi ý rằng những sinh viên đang đối mặt với căng thẳng nên cố gắng mở lòng. Anh ấy nói: "Đừng cố gắng kìm nén cảm xúc của mình, bạn không cần phải tỏ ra mạnh mẽ trước mặt mọi người. Mở lòng với người khác là điều tốt".

  • Nếu bạn đang đối mặt với căng thẳng, thử buông lỏng, tham gia lớp thiền định online miễn phí tại đây.

Theo Jiang Linda - The Epoch Times

Thiện Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Sinh viên đại học Hoa Kỳ chia sẻ mẹo xả stress