Số ca ung thư trên toàn cầu dự kiến tăng lên 35 triệu vào năm 2050

Giúp NTDVN sửa lỗi

Số người mắc bệnh ung thư trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng 77%, lên 35 triệu vào giữa thế kỷ do các yếu tố như uống rượu, chế độ ăn không lành mạnh và ít vận động thể chất.

Nghiên cứu được bình duyệt ngang hàng, được công bố trên tạp chí A Cancer Journal for Clinicians vào ngày 4 tháng 4, ước tính có gần 20 triệu ca ung thư mới với 9,7 triệu ca tử vong vào năm 2022.

Nghiên cứu cũng ước tính rằng "khoảng 1/5 nam giới hoặc phụ nữ mắc bệnh ung thư trong đời, trong khi khoảng 1/9 nam giới và 1/12 phụ nữ tử vong vì nó". Nghiên cứu dự đoán sẽ có hơn 35 triệu ca ung thư mới vào năm 2050, tăng 77% so với năm 2022.

"Sự gia tăng dự kiến về các ca ung thư vào năm 2050 chỉ là do xu hướng già hóa và tăng trưởng dân số, giả sử tỷ lệ mắc bệnh hiện tại không thay đổi", Tiến sĩ Hyuna Sung, nhà khoa học chính cao cấp tại Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) và đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.

"Đáng chú ý, tỷ lệ lưu hành của các yếu tố nguy cơ như chế độ ăn không lành mạnh, ít hoạt động thể chất, uống nhiều rượu và hút thuốc lá đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới và có thể sẽ làm trầm trọng thêm gánh nặng ung thư trong tương lai trừ khi có những can thiệp quy mô lớn".

Với 2,5 triệu ca mới và chiếm 1/8 số ca ung thư trên toàn cầu (hoặc 12,4% tổng số các ca ung thư), ung thư phổi là bệnh được chẩn đoán thường xuyên nhất vào năm 2022. Tiếp theo là ung thư vú chiếm 11,6% các ca trên toàn cầu, ung thư đại trực tràng ở mức 9,6%, ung thư tuyến tiền liệt ở mức 7,3% và ung thư dạ dày ở mức 4,9%.

Về tỷ lệ tử vong, ung thư phổi cũng là nguyên nhân hàng đầu, chiếm 1,8 triệu ca hoặc 18,7% trường hợp. Tiếp theo là ung thư đại trực tràng chiếm 9,3%, ung thư gan chiếm 7,8%, ung thư vú chiếm 6,9% và ung thư dạ dày chiếm 6,8%.

Nghiên cứu cho rằng sử dụng thuốc lá là "nguyên nhân chính" gây ra ung thư phổi, đồng thời nêu rõ rằng căn bệnh này "có thể ngăn ngừa thông qua các chính sách và quy định kiểm soát thuốc lá hiệu quả".

"Chỉ riêng việc loại bỏ việc sử dụng thuốc lá có thể ngăn ngừa 1/4 ca tử vong do ung thư hoặc khoảng 2,6 triệu ca tử vong do ung thư mỗi năm", Tiến sĩ Ahmedin Jemal, Phó chủ tịch cấp cao về giám sát & khoa học công bằng sức khỏe tại ACS và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

"Hơn một nửa số ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới có thể phòng ngừa được, do đó phòng ngừa là chiến lược tiết kiệm chi phí và bền vững nhất cho việc kiểm soát ung thư."

Đối với phụ nữ, ung thư vú được ghi nhận thường xuyên nhất, xét theo cả số ca mắc và tử vong. Trong khi ở nam giới, đó là ung thư phổi.

Ung thư vú chiếm gần 1/4 số ca bệnh và 1/6 số ca tử vong do ung thư ở phụ nữ trên toàn cầu, với tỷ lệ mắc cao nhất được ghi nhận ở Pháp, Úc/New Zealand, Bắc Mỹ và Bắc Âu. Ở những khu vực này, tỷ lệ mắc bệnh cao gấp bốn lần so với Nam-Trung Á và Trung Phi.

Nghiên cứu cho thấy “việc giảm trọng lượng cơ thể dư thừa và tiêu thụ rượu, cũng như tăng cường hoạt động thể chất và cho con bú có thể có tác động trong việc giảm tỷ lệ mắc ung thư vú”.

Nhìn chung, gần một nửa (49,2%) các ca ung thư trên toàn cầu xảy ra ở châu Á. Tỷ lệ tử vong do ung thư ở khu vực này cũng chiếm 56,1%. Do châu Á chiếm 59,2% dân số thế giới, nên số ca ung thư và tử vong gần như tương ứng với dân số của họ.

Tuy nhiên, nghiên cứu lưu ý rằng "châu Âu có tỷ lệ mắc ung thư và tỷ lệ tử vong cao hơn mức tương ứng, vì châu lục này chiếm 1/5 số ca ung thư (22,4%) và tử vong do ung thư (20,4%) trên toàn cầu nhưng tỷ lệ dân số lại chưa đến 10% dân số toàn cầu (chỉ đạt 9,6%)".

Các tác giả tuyên bố không nhận được hỗ trợ tài chính từ bất kỳ tổ chức nào cho công trình nghiên cứu này, và không có mối quan hệ ảnh hưởng nào có thể tác động đến nghiên cứu được gửi.

Ba tác giả được Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) tuyển dụng, tổ chức này nhận tài trợ từ các quỹ tư nhân và doanh nghiệp.

Theo Naveen Athrappully - The Epoch Times
Bảo Vy

Naveen Ahrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Số ca ung thư trên toàn cầu dự kiến tăng lên 35 triệu vào năm 2050