Tác dụng của tỏi: chống ung thư, hạ tăng huyết và kiểm soát lượng đường trong máu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ăn tỏi có lợi gì? Những tác dụng phụ nào có thể xảy ra?

Tỏi là cây thuộc họ Hành (Alliaceae) có các đặc tính chữa bệnh và dinh dưỡng rất tốt. Trong những năm qua, các tạp chí uy tín liên tục công bố nhiều nghiên cứu xác nhận các dược tính có lợi của tỏi. Tác dụng của tỏi gồm có những đặc tính như kháng khuẩn, chống huyết khối, chống viêm khớp và hạ đường huyết. Đáng chú ý là nhiều nghiên cứu cho thấy ăn tỏi có thể làm giảm nguy cơ ung thư rất hiệu quả.

Dù tỏi có rất nhiều lợi ích tuy nhiên khi sử dụng tỏi cần thận trọng để tránh tác dụng phụ. Vậy tỏi có những lợi ích nào và những tác dụng phụ nào có thể xảy ra? Nên sử dụng tỏi như thế nào để đạt được hiệu quả tối đa? Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ làm rõ chi tiết những vấn đề này.

Tỏi có khả năng chống ung thư và một số bệnh khác

Tỏi đã được con người sử dụng trong hàng ngàn năm qua, là loại thực sự mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe. Thành phần hoạt chất chính trong tỏi là allicin. Đây là một dạng hợp chất lưu huỳnh được tạo thành khi có oxy và một loại enzyme đặc biệt trong tỏi. Ngày càng có nhiều nghiên cứu xác nhận rằng tỏi chứa các thành phần hoạt tính có thể ức chế hiệu quả sự xuất hiện và phát triển của bệnh ung thư.

Vào tháng 9, một nghiên cứu đánh giá toàn diện được công bố trên tạp chí European Journal of Nutrition đã phân tích 61 nghiên cứu phân tích tổng hợp. Kết quả xác nhận rằng tỏi chứa rất nhiều hợp chất có tác dụng chống khối u. Chiết xuất tỏi và một số thành phần của tỏi, đặc biệt là các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ (OSC) như allicin, đều có tác dụng gây độc tế bào, ức chế sự phát triển tế bào, chống tăng sinh mạch và chống di căn trong nhiều mô hình ung thư đại trực tràng in vitro và in vivo.

Vào tháng 3, một nghiên cứu đánh giá công bố trên tạp chí Frontiers in Pharmacology cho biết rằng tác dụng chống ung thư là một trong những tác dụng được nghiên cứu rộng rãi nhất trong số nhiều tác dụng dược lý của tỏi. Tỏi có khả năng làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư. Nhiều thành phần có nguồn gốc từ tỏi và dạng hoạt chất nano của chúng đã được đánh giá hiệu quả chống lại nhiều loại bệnh ung thư như ung thư miệng, da, buồng trứng, tuyến tiền liệt, vú, phổi, dạ dày, đại trực tràng, gan và tụy.

Một nghiên cứu đánh giá toàn diện được công bố trên Tạp chí European Journal of Nutrition vào năm 2021 đã đánh giá những bằng chứng dịch tễ học và thực nghiệm về khả năng chống ung thư và chống oxy hóa của nhiều loại tỏi khác nhau. Nghiên cứu nhấn mạnh rằng tỏi cùng các hợp chất flavonoid và lưu huỳnh hữu cơ trong tỏi có đặc tính chống ung thư rất mạnh.

Các nghiên cứu trên động vật và tế bào cho thấy tỏi và những hợp chất lưu huỳnh hữu cơ trong tỏi có thể ức chế ung thư thông qua nhiều con đường khác nhau như thúc đẩy quá trình chết tế bào theo chương trình (apoptosis), ức chế sự tăng sinh tế bào, loại bỏ gốc oxy hóa tự do (ROS), làm giảm kích thước khối u và tăng cường hoạt động của các enzyme như glutathione S-transferase.

Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy mối liên quan chặt chẽ giữa việc sử dụng tỏi và kết quả giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên những bằng chứng liên quan đến ung thư dạ dày, vú và tuyến tiền liệt vẫn không đồng nhất. Nghiên cứu cho thấy sự hiện diện và hiệu lực của thành phần lưu huỳnh hữu cơ trong tỏi có liên quan đến dạng tỏi và cách chế biến. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng cần có thêm các nghiên cứu dịch tễ học và nghiên cứu phân tử sâu hơn để khám phá tác động của tỏi đối với nồng độ đường trong máu và cơ chế chống oxy hóa.

Một nghiên cứu trên 41.837 phụ nữ trong độ tuổi từ 55 đến 69 tuổi cho thấy những người tiêu thụ một hoặc hai phần tỏi mỗi tuần có nguy cơ mắc ung thư đại tràng thấp hơn 35%.

Ngoài đặc tính chống ung thư, các nghiên cứu đã xác nhận tác dụng bảo vệ tế bào nội mô và hạ huyết áp của tỏi. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Integrated Blood Pressure Control cho biết tỏi có tác dụng hạ huyết áp rất hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy polysulfide có nguồn gốc từ tỏi giúp tăng cường phản ứng của tế bào nội mô với oxit nitric (NO) và kích thích sản xuất hydro sulfua (H2S) - loại khí dẫn truyền thông tin trong mạch máu, từ đó giúp giãn tế bào cơ trơn, giãn mạch và giảm huyết áp.

Nghiên cứu trên còn cho biết một số yếu tố di truyền và một số chế độ ăn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của con đường truyền tín hiệu H2S và NO, góp phần gây ra bệnh tăng huyết áp. Ngoài ra, sự thiếu hụt lưu huỳnh cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bệnh tăng huyết áp. Bổ sung các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ khi ăn tỏi có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh tăng huyết áp rất hiệu quả.

Tóm lại, allicin trong tỏi có 5 tác dụng dưới đây:

  • Chống ung thư: Allicin có thể ức chế sự phát triển và di căn của tế bào ung thư đồng thời tăng cường chức năng của hệ miễn dịch.
  • Giãn mạch và giảm huyết áp: Allicin có tác dụng làm giãn thành mạch máu, hạ huyết áp và cải thiện quá trình lưu thông máu.
  • Cải thiện độ nhạy insulin và kiểm soát lượng đường trong máu: Allicin có thể thúc đẩy quá trình bài tiết và tăng cường hoạt động của insulin, từ đó làm giảm lượng đường trong máu, có lợi cho những bệnh nhân đái tháo đường.
  • Cải thiện chức năng tình dục: Với tác dụng giãn mạch, allicin có thể làm giảm triệu chứng bất lực ở nam giới và tăng cường chức năng tình dục. Tình trạng bất lực thường liên quan đến quá trình lưu thông máu kém.
  • Chống viêm và chống oxy hóa: Allicin có thể chống lại tổn thương do các gốc tự do gây ra, bảo vệ chức năng gan và thận.

Ngoài allicin, tỏi còn chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe khác như vitamin C, các hợp chất lưu huỳnh khác nhau và cysteine. Cysteine có thể biến đổi thành glutathione, chất chống oxy hóa quan trọng nhất trong cơ thể chúng ta.

Cách sử dụng tỏi đúng cách

Chúng ta đã tìm hiểu chi tiết về những lợi ích của tỏi. Bây giờ hãy cùng tìm hiểu cách sử dụng tỏi hiệu quả nhất cũng tránh tác dụng phụ. Dưới đây là một số điều chúng ta cần lưu ý:

  • Tránh chế biến quá kỹ: Nếu luộc, rang hoặc hấp quá lâu khiến tỏi quá chín có thể làm biến chất các thành phần hoạt tính, làm giảm tác dụng của tỏi. Tốt nhất là chúng ta hãy ăn sống hoặc chỉ cần xào nhẹ.
  • Băm hoặc nghiền nát: Băm hoặc nghiền tỏi là bước cần thiết để tạo ra nhiều allicin. Hãy để tỏi đã băm hoặc nghiền trong khí trời khoảng 5 đến 10 phút trước khi ăn để thu được hiệu quả tối ưu.
  • Không nên ăn quá nhiều: Nhìn chung, chỉ cần ăn từ 1 đến 4 tép tỏi tươi mỗi ngày là đủ. Ăn tỏi quá nhiều có thể dẫn đến những tác dụng phụ như hôi miệng, kích ứng đường tiêu hóa và dị ứng.
  • Hãy thận trọng khi ăn tỏi nếu bạn thuộc một trong những trường hợp sau: người dễ bị loét đường tiêu hóa, dễ bị chảy máu, đang uống thuốc chống đông hoặc chuẩn bị làm phẫu thuật. Những trường hợp này nên hạn chế ăn tỏi. Tỏi có tác dụng chống đông máu, có thể làm nặng thêm tình trạng chảy máu. Phụ nữ mang thai và cho con bú cũng nên thận trọng vì tỏi có thể ảnh hưởng đến mùi vị sữa mẹ, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi hoặc trẻ sơ sinh.
  • Sử dụng các dạng thực phẩm chức năng của tỏi: Nếu không thích ăn tỏi, bạn có thể lựa chọn các dạng thực phẩm chức năng của tỏi với nhiều dạng và nhiều liều lượng khác nhau. Tuy nhiên, bạn cần phải ưu tiên chất lượng và an toàn đồng thời nên sử dụng những sản phẩm này theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tóm lại, tỏi là thực phẩm tốt cho sức khỏe với nhiều lợi ích khác nhau như chống ung thư, giảm lượng đường trong máu và cải thiện chức năng tình dục. Kết hợp tỏi vào chế độ ăn một cách hợp lý sẽ góp phần giúp bạn có sức khỏe tốt hơn.

Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là không nên chỉ dựa vào một loại thực phẩm duy nhất cũng như chế độ ăn cũng chỉ là một trong nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe. Bạn cần chú ý đến những thói quen khác như tập thể dục, đảm bảo ngủ giấc và giảm căng thẳng cũng là những yếu tố rất quan trọng giúp bạn sống khỏe và sống lâu hơn.

Theo The Epoch Times

Đức Nhân biên dịch

Tác giả: Jingduan Yang

TS.BS Jingduan Yang là một bác sĩ tâm thần chuyên về y học tổng hợp và y học cổ truyền Trung Hoa cho các bệnh mãn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Integrative Psychiatry", "Medicine Matters" và "Integrative Therapies for Cancer". Đồng tác giả "Facing East: Ancient Secrets for Beauty+Health for Modern Age" của HarperCollins và "Clinical Acupuncture and Ancient Chinese Medicine" của Oxford Press. Bác sĩ Yang cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Yang và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Trung tâm Y tế Phương Bắc (Middletown, New York) kể từ tháng 7 năm 2022.



BÀI CHỌN LỌC

Tác dụng của tỏi: chống ung thư, hạ tăng huyết và kiểm soát lượng đường trong máu