Trẻ em ngày càng có kinh nguyệt sớm hơn! Hệ luỵ khó lường của việc dậy thì sớm

Giúp NTDVN sửa lỗi

So với nhiều thập kỷ trước, trẻ em gái ngày nay đang có kinh nguyệt sớm hơn. Đây là sự thay đổi có thể liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe bất lợi trong tương lai.

Một nghiên cứu mới được công bố vào ngày 29 tháng 5 trên tạp chí JAMA Network Open cho thấy độ tuổi bắt đầu kinh nguyệt trung bình vẫn tương đối ổn định, khoảng 12 tuổi; nhưng theo thời gian, tỷ lệ trẻ em gái có kinh trước 11 tuổi đã tăng đáng kể.

Chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên đánh dấu sự khởi đầu của chu kỳ nội tiết tố hàng tháng và độ tuổi sinh sản.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe Phụ nữ Apple, Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, đã kiểm tra dữ liệu từ hơn 71.000 phụ nữ Hoa Kỳ sinh từ năm 1950 đến năm 2005, thuộc nhiều dân tộc và hoàn cảnh kinh tế xã hội khác nhau.

Mục tiêu của họ là xác định độ tuổi mà những phụ nữ này trải qua chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên và mất bao lâu để kỳ kinh của họ trở nên đều đặn.

Nghiên cứu cho thấy, gần 16% phụ nữ sinh từ năm 2000 đến năm 2005 bắt đầu kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong khoảng từ 9 – 11 tuổi, so với tỷ lệ gần 9% ở những người sinh từ năm 1950 đến năm 1969.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu nhận thấy sau kỳ kinh nguyệt đầu tiên, số lượng phụ nữ trải qua các kỳ kinh nguyệt không đều trong ba năm trở lên có xu hướng gia tăng.

Khi phân tầng xu hướng theo chủng tộc và dân tộc, người ta thấy rằng so với những người tham gia da trắng không phải gốc Tây Ban Nha, những người châu Á, gốc Tây Ban Nha, người da đen không phải gốc Tây Ban Nha hoặc các chủng tộc / dân tộc khác có xu hướng trải qua kỳ kinh nguyệt đầu tiên sớm hơn.

Một phân tích thăm dò trên một nhóm phụ gồm 9.865 người ước tính rằng, 46% xu hướng này có thể được giải thích bởi chỉ số khối cơ thể (BMI) - một thước đo lượng mỡ cơ thể của một người dựa trên chiều cao và cân nặng.

Các tác giả lưu ý rằng béo phì là một yếu tố nguy cơ dẫn đến dậy thì sớm và béo phì ở trẻ em đang gia tăng ở Hoa Kỳ, điều này có thể giải thích cho xu hướng bắt đầu kinh nguyệt sớm hơn.

Tuy nhiên, không rõ mức độ thay đổi BMI sớm ảnh hưởng đến xu hướng này như thế nào. Nguyên nhân cơ bản khiến 54% trường hợp còn lại trải qua kỳ kinh sớm hơn vẫn chưa rõ ràng.

Chu kỳ kinh nguyệt được coi là dấu hiệu quan trọng của sức khoẻ

Viện Sản khoa và Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) coi chu kỳ kinh nguyệt là một dấu hiệu quan trọng của sức khỏe tổng thể, và sự không đều của nó cho thấy các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như mất cân bằng hormone, rối loạn tuyến giáp hoặc các tình trạng bệnh lý khác.

Chu kỳ kinh nguyệt cũng liên quan đến hệ thống miễn dịch, vì các tế bào miễn dịch tử cung trải qua những thay đổi đáng kể và tạo điều kiện cho lớp lót tử cung dày lên và mỏng đi.

Theo Hiệp hội Sản khoa và Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), trẻ em gái thường có kinh nguyệt lần đầu tiên vào khoảng 12 – 13 tuổi, nhưng mất vài năm để chu kỳ kinh trở nên đều đặn.

Cho đến lúc đó, các em gái tuổi vị thành niên có thể trải qua các kỳ kinh nguyệt không đều khi cơ thể thích ứng với các mô hình hormone mới.

Kinh nguyệt sớm có thể gây ra nhiều vấn đề sức khoẻ

Một lượng lớn bằng chứng ngày càng tăng, bao gồm cả nghiên cứu hiện tại, cho thấy mối liên quan giữa kinh nguyệt sớm và thời gian rụng trứng lâu hơn với nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe cao hơn, chẳng hạn như bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, hen suyễn, đa xơ cứng, các bệnh chuyển hóa và tử vong do mọi nguyên nhân.

Một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học (Annals of Epidemiology) cho thấy kinh nguyệt sớm ở trẻ em gái và thời gian rụng trứng lâu hơn có liên quan đến nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và nguyên nhân cụ thể.

So với những trẻ có kinh nguyệt lần đầu ở tuổi 13, trẻ em gái bắt đầu kỳ kinh đầu tiên ở tuổi 11 hoặc nhỏ hơn có nguy cơ tử vong do bệnh tiểu đường, ung thư vú và các bệnh ung thư khác cao hơn.

Một nghiên cứu năm 2021 trên Tạp chí Nghiên cứu Ung thư (Cancer Research) cho thấy việc tiếp xúc sớm với hormone giới tính liên quan đến kinh nguyệt khởi phát sớm có mối liên hệ đến nguy cơ mắc bảy loại ung thư ở phụ nữ trung niên.

Một bài tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp năm 2020 của 28 nghiên cứu trên PLOS Medicine cho thấy, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và kém dung nạp glucose ở tuổi trưởng thành cao hơn ở trẻ em gái sớm có kinh nguyệt.

Trong một phân tích tổng hợp của tám nghiên cứu tiền cứu về 4.553 đối tượng mắc ung thư nội mạc tử cung, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng độ tuổi có kinh sớm hơn có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung cao hơn.

Tương tự, một nghiên cứu trước đó của cùng các tác giả cũng tìm thấy "mối liên quan nghịch đảo có ý nghĩa thống kê" giữa ung thư buồng trứng và độ tuổi bắt đầu kinh nguyệt muộn hơn.

Bằng chứng cũng cho thấy kinh nguyệt sớm có thể làm tăng hoạt động của bệnh đa xơ cứng ở trẻ em.

Trong một nghiên cứu tiền cứu của Canada, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nguy cơ được chẩn đoán mắc bệnh đa xơ cứng giảm 36% cho mỗi năm kinh nguyệt bị trì hoãn, mặc dù chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu muộn cũng đi kèm với các vấn đề sức khỏe bất lợi.

Theo Megan Redshaw - The Epoch Times
Hoàng Tuấn

Megan Redshaw là một luật sư và nhà báo điều tra có nền tảng về khoa học chính trị. Cô cũng là một nhà trị liệu thiên nhiên truyền thống với các chứng chỉ bổ sung về khoa học dinh dưỡng và tập thể dục.



BÀI CHỌN LỌC

Trẻ em ngày càng có kinh nguyệt sớm hơn! Hệ luỵ khó lường của việc dậy thì sớm