Trong các thân tín của ông Tập, ai có thể làm 'binh biến' như trùm Wagner?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi nhà lãnh đạo Liên Xô cũ là Nikita Khrushchev phủ nhận Stalin, Mao Trạch Đông trở nên khiếp sợ và cũng loại bỏ từng người kế nhiệm một, kể cả chiến hữu của mình. Gần đây, lãnh đạo Tập đoàn Wagner của Nga Yevgeny Prigozhin đã phát động một cuộc binh biến, điều này có lẽ khiến ông Tập Cận Bình càng lo lắng hơn. Vậy, trong các thân tín của ông Tập Cận Bình, ai có khả năng là 'Prigozhin' nhất?

Ai là nhân vật nguy hiểm nhất trong số các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị?

Tại Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Tập Cận Bình tái đắc cử; ông Vương Hỗ Ninh và ông Triệu Lạc Tế tiếp tục làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị; các ông Lý Cường, Thái Kỳ, Đinh Tiết Tường, Lý Hy trở thành tân Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cả 4 người này đều là thân tín của ông Tập.

Trong số này, ông Triệu Lạc TếVương Hỗ Ninh phụ trách Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Đây thường được gọi là các chức vụ nhàn rỗi và không có thực quyền, nên họ khó mà có thể phát động một cuộc binh biến như Prigozhin. Bên cạnh họ cũng lại có người do ông Tập cài cắm để đối trọng và coi quản.

Ông Triệu Lạc Tế (trái) và ông Vương Hỗ Ninh. (Lintao Zhang/Getty Images)

Trên danh nghĩa, ông Lý Cường là nhân vật số 2 trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Nhưng quyền quyết sách của Quốc vụ viện không còn nằm trong tay ông; khi ông Tập Cận Bình thị sát Hà Bắc, bất cứ lúc nào cũng có thể gọi ông Lý Cường đi cùng; ông Lý Cường thậm chí còn không có chuyên cơ riêng trong chuyến công du châu Âu gần đây. Trên thực tế, ông Lý Cường không có được địa vị của nhân vật số 2 trong ĐCSTQ; ông cũng khó mà nuôi dưỡng thế lực của mình trong Quốc vụ viện.

Có lẽ ông Tập Cận Bình vẫn chưa yên tâm về ông Lý Cường nên đã nhiều lần hạ thấp vị trí của ông Lý. Ví dụ như việc đưa ông Đinh Tiết Tường lên làm Phó thủ tướng thứ nhất. Ở một mức độ nhất định, ông Đinh đã hình thành thế kiểm soát và đối trọng với ông Lý Cường, thậm chí còn có phần nào đó như người giám sát.

Mộ tổ nhà ông Lý Cường 24h có người canh gác, mộ tổ nhà ông Chu Vĩnh Khang bị đào
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. (Lintao Zhang/Getty Images)

Tuy ông Đinh Tiết Tường được đề bạt vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị nhưng lại thôi giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương, qua đó mất đi thực quyền và chỉ có thể ở dưới quyền của ông Lý Cường trong Quốc vụ viện.

Xét về độ tuổi, ông Đinh Tiết Tường phù hợp với những đặc điểm của người kế nhiệm ông Tập Cận Bình, nhưng cũng có thể vì thế mà ông ta bị thăng giáng thất thường. Nếu Đinh Tiết Tường tiếp tục nắm giữ Văn phòng Trung ương, Cục Cảnh vệ Trung ương có thể trở thành quân đội riêng của ông ta, ông ta sẽ có điều kiện để phát động một cuộc đảo chính. Không loại trừ khả năng ông Tập điều chuyển ông Đinh Tiết Tường khỏi Văn phòng Trung ương để tránh những nguy cơ tiềm ẩn.

Ông Đinh Tiết Tường. (Lintao Zhang/Getty Images)

Sau đó, chức Chánh Văn phòng Trung ương được chuyển cho ông Thái Kỳ. Ông Thái còn đồng thời phụ trách công tác tuyên truyền và tư tưởng; giữ thêm chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc gia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách Sâu rộng Toàn diện, Ủy viên Ủy ban Tài chính Kinh tế Trung ương.

Trên thực tế, ông Thái Kỳ mới là nhân vật số 2 trong đảng. Trong số các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, ông Thái Kỳ có nhiều điều kiện để trở thành "Prigozhin" nhất. Vì ông có thể điều động Cục Cảnh vệ Trung ương và kiểm soát các cơ quan tuyên truyền. Nếu phát động binh biến, ông Thái có thể khống chế Ban thường vụ Bộ Chính trị, thậm chí là toàn bộ Bộ Chính trị và có thể ngay lập tức sử dụng hệ thống tuyên truyền để tuyên bố tiếp quản quyền lực.

Ông Thái Kỳ. ( Lintao Zhang/Getty Images)

Vào ngày 6/10/1976, một tháng sau khi Mao qua đời, người kế nhiệm ông là Hoa Quốc Phong đã liên hiệp với Phó Chủ tịch Quân ủy Diệp Kiếm Anh, Chánh Văn phòng Trung ương Uông Đông Hưng… để huy động Cục Cảnh vệ Trung ương bắt giữ hai Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị là Vương Hồng Văn, Trường Xuân Kiều và hai Ủy viên Bộ Chính trị gồm Giang Thanh và Diêu Văn Nguyên. Bốn nhân vật này được gọi là "Bè lũ bốn tên" (Tứ nhân bang) hay "Tập đoàn phản cách mạng Giang Thanh". Nhưng sau đó, Hoa Quốc Phong không thể đấu lại Đặng Tiểu Bình do không kiểm soát được quân đội cũng như Cục Cảnh vệ Trung ương.

Sau khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã tiến hành làm sạch Văn phòng Trung ương và Cục Cảnh vệ Trung ương. Lãnh đạo Văn phòng Trung ương được thay đổi 5 năm một lần, ba người gần nhất lần lượt là các ông Lật Chiến Thư, Đinh Tiết Tường và Thái Kỳ. Ông Tập có lẽ cũng lo lắng rằng ai đó sẽ kiểm soát Cục Cảnh vệ Trung ương và gây điều bất lợi cho ông ta. Cục Cảnh vệ Trung ương được cho là trực tiếp nằm dưới sự chỉ đạo của ông Tập.

Nếu ông Thái Kỳ phát động đảo chính, nó sẽ chỉ như phù dung sớm nở tối tàn, vì ông ta không nắm quyền kiểm soát quân đội. Ông Tập Cận Bình có vẻ yên tâm về ông Thái Kỳ nhất, nhưng sẽ không để ông Thái nhúng tay vào quân đội.

Ông Lý Hy kiểm soát Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi nhân sự nhà nước ở mọi cấp bậc, có thể tùy ý bắt giữ người theo ý muốn của lãnh đạo. Nhưng Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thiếu lực lượng vũ trang, không thể ngang hàng với Cục Cảnh vệ Trung ương. Rất khó để ông này gây sóng to gió lớn, cùng lắm chỉ có thể mật báo, bắn tin, tạo nên hỗn loạn.

Ông Lý Hy (ngoài cùng bên phải), cùng ông Thái Kỳ (giữa) và ông Triệu Lạc Tế (ngoài cùng bên trái), tham dự lễ khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 4/3/2023. (NOEL CELIS/AFP via Getty Images)

Trong quân đội Trung Quốc khó xuất hiện một ‘Prigozhin’

Vào tháng 3 năm nay, ông Lưu Á Châu, một thượng tướng đã nghỉ hưu của quân đội Trung Quốc, bị điều tra. Nội bộ quân đội ra thông báo yêu cầu loại bỏ thông tin có hại do Lưu Á Châu phát tán. Ông Lưu Á Châu đã nghỉ hưu vào năm 2017 và được cho là vẫn có sức ảnh hưởng trong quân đội. Nhưng trong quân đội ông lại không có chức vị, càng không có quyền bính. Ông Lưu Á Châu không có khả năng phát động một cuộc binh biến kiểu "Prigozhin", nhưng các nhà lãnh đạo ĐCSTQ vẫn không tha cho ông ta.

Ông Tập Cận Bình từ lâu đã đề phòng những nhân vật giống như "Prigozhin" trong quân đội ĐCSTQ. Khi chế độ này cát cứ vũ trang ở Giang Tây, Mao Trạch Đông đã đề xuất “xây dựng chi bộ đảng trong [từng] đại đội”. Cụ thể, ủy viên chính trị các cấp cho đến các chính trị viên của đại đội đều ngang hàng với người đứng đầu đội quân đó. Một trong những nhiệm vụ chính của họ là giám sát sĩ quan đồng cấp và cấp dưới nhằm ngăn chặn binh biến.

Vào ngày 10/3/2023, ông Tập Cận Bình bước vào địa điểm tổ chức Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, xung quanh là các đại biểu quân đội đang vỗ tay hoan nghênh. (Noel Celis/AFP via Getty Images)

Quân đội ĐCSTQ có một hệ thống xúc tu chính trị khổng lồ và vẫn tiếp tục được sử dụng cho đến ngày nay, vì vậy trong quân đội ĐCSTQ chưa bao giờ có một cuộc binh biến thực sự nào. Lâm Lập Quả, con trai của nguyên soái Lâm Bưu, từng muốn ám sát Mao, nhưng Mao đã biết trước, cuối cùng dẫn tới câu chuyện đào tẩu của Lâm Bưu. Nhưng tới nay sự thật về cuộc đào tẩu này vẫn còn là một bí ẩn.

Các nhà lãnh đạo của chế độ Bắc Kinh đều muốn nắm chắc quyền lực quân sự. Họ cần sức mạnh quân sự để củng cố quyền lực cá nhân và ngăn chặn khả năng bị quân đội đe dọa, thậm chí khi đã nghỉ hưu họ cũng không muốn buông tay. Sau khi Mao chết, Đặng Tiểu Bình trở lại, chính vì nắm được quyền bính mà ông ta có thể lật đổ Hoa Quốc Phong – người kế vị được Mao chỉ định. Bản thân Đặng không phải là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc hay Thủ tướng Quốc vụ viện, nhưng vì nắm giữ quân đội, ông ta tự xưng là "nòng cốt của tập thể lãnh đạo thế hệ thứ hai”.

Sau sự kiện thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989, Đặng Tiểu Bình rời nhiệm sở nhưng vẫn là người nắm quyền kiểm soát quân đội dù chỉ là một đảng viên bình thường. Do đó, người kế nhiệm Đặng là Giang Trạch Dân cũng không dám hành động lỗ mãng.

Sau khi Đặng qua đời, Giang đã dung túng cho sự tham nhũng, hủ bại trong quân đội và lập bè kết phái. Sau khi rời chức tổng bí thư, Giang cũng học tập Đặng. Ông ta đã cùng các tướng lĩnh trong quân đội gây áp lực lên ông Hồ Cẩm Đào để bản thân có thể tại vị Chủ tịch Quân ủy Trung ương thêm 2 năm. Sau đó, Giang lại thông qua hai Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng để tiếp tục chiếm thực quyền của ông Hồ. Ông Hồ Cẩm Đào chưa từng nắm quyền điều hành quân đội trong suốt 10 năm làm tổng bí thư, ông còn bị ám sát ít nhất hai lần. Có thể coi đây là một kiểu binh biến khác.

Giang Trạch Dân cản trở kế hoạch cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình, Sự phản kháng của Giang Trạch Dân đối với cải cách khiến Đặng Tiểu Bình phẫn nộ
Cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình (phải) và người kế nhiệm ông là Giang Trạch Dân bắt tay nhau vào tháng 10/1992. (Ảnh: AFP / Getty Images)

Sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông đã phát động một cuộc thanh trừng và cải tổ quân đội trên quy mô lớn.

Sau Đại hội 20, ông Hà Vệ Đông, cựu Phó tư lệnh Tập đoàn quân 31, trở thành Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Do Tập đoàn quân 31 đóng quân ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến trong một thời gian dài và thiết lập mối giao hảo với ông Tập Cận Bình khi ông làm quan tại đó, các tướng lĩnh của tập đoàn quân này cũng được thăng chức như bay.

Ông Tập cũng nhanh chóng đề bạt những người trước đây bị chèn ép và khó được trọng dụng. Thông qua sự trao đổi này, ông có thể nắm giữ binh quyền.

Hai Phó Chủ tịch Quân ủy hiện nay đều được coi là thân tín của ông Tập Cận Bình, một người phụ trách việc quân sự, một người phụ trách công tác chính trị, họ vẫn giám sát lẫn nhau.

Ông Tập còn bãi bỏ các quân khu trước kia và buộc cải tổ quân đội thành 5 quân khu lớn, gồm Chiến khu Đông Bộ, Nam Bộ, Tây Bộ, Bắc Bộ và Trung Bộ. Về lý thuyết, tổng tư lệnh của các chiến khu này có quyền quản lý trên phạm vi rộng lớn hơn, nhưng trên thực tế thì họ chỉ nắm quyền chỉ huy trong thời chiến. Thường ngày, các quân chủng vẫn do bộ tư lệnh binh chủng thuộc Quân ủy Trung ương quản lý. Trước kia các quân khu thường xuất hiện hiện tượng chư hầu cát cứ, nhưng nay đã bị triệt tận gốc, binh quyền càng tập trung về trung ương. Lực lượng tên lửa của ĐCSTQ không do quân khu quản lý, ít nhất sự sắp đặt này có thể ngăn cản các quân khu ra lệnh bắn tên lửa tấn công Bắc Kinh.

Sau cải cách quân đội, hệ thống chỉ huy quân sự của ĐCSTQ bề ngoài có vẻ giống Hoa Kỳ, nhưng hiệu quả chiến đấu thực tế lại càng thấp hơn trước, song, bù lại có thể ngăn chặn binh biến hiệu quả hơn. Điều mà ông Tập Cận Bình cần đề phòng nhất có lẽ là binh biến ở Quân khu Vệ Thú Bắc Kinh – một quân khu cấp tỉnh đóng quân tại Bắc Kinh. Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, tư lệnh Quân khu Vệ Thú Bắc Kinh đã bị đổi ba lần.

Sau cuộc binh biến Wagner ở Nga, quân đội của ĐCSTQ có khả năng lại phải đối mặt với các cuộc thanh trừng mới nhằm loại bỏ hoàn toàn những nhân vật giống như “Prigozhin”.

Vào ngày 5/3/2023, (từ trái sang) ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ Trần Văn Thanh cùng hai Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trương Hựu Hiệp và Hà Vệ Đông có mặt tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Lintao Zhang/Getty Images)

Nguy cơ rủi ro trong hệ thống công an và an ninh quốc gia

Năm 2022, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Tôn Lực Quân và nhóm của ông ta bị ĐCSTQ định hình là "Băng đảng Tôn Lực Quân". Chính quyền này tuyên bố rằng, nhóm người kia có "dã tâm bành trướng" và "âm mưu ám sát lãnh đạo ĐCSTQ". Sau khi tại vị 10 năm, ông Tập Cận Bình mới có thể đưa thân tín của mình là Vương Tiểu Hồng lên vị trí Bộ trưởng Công an, điều này cho thấy hệ thống công an khó thanh lọc hơn quân đội.

Cựu Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương, cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang từng huy động cảnh sát vũ trang làm đảo chính trá hình. Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đã đặt cảnh sát vũ trang dưới sự quản lý của quân đội, nhưng hệ thống công an vẫn có thế có lực. Cỗ máy mà Bắc Kinh dùng để đối phó với người dân thường cũng có thể trở thành công cụ đấu tranh nội bộ của ĐCSTQ bất cứ lúc nào. Quan chức khắp nơi trong đảng không thể nhúng tay vào quân đội, nhưng họ có thể chi phối hệ thống công an địa phương.

Khi Bạc Hy Lai còn là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, ông ta đã đưa Vương Lập Quân đến Trùng Khánh làm Giám đốc Công an. Khi này hệ thống công an Trùng Khánh thực sự trở thành quân đội riêng của Bạc. Nếu không có mâu thuẫn nội bộ, Bạc Hy Lai khó mà bị bắt thóp. Vương Lập Quân ban đầu tuyên bố trung thành với Bạc Hy Lai, nhưng ngay lập tức đã chống lại ông ta, điều này cũng cho thấy cái gọi là "trung thành" trong giới quan chức ĐCSTQ hoàn toàn không tồn tại.

Bạc Hy Lai. (Getty Images)
Ông Bạc Hy Lai. (Getty Images)

Bộ trưởng Công an hiện giờ – ông Vương Tiểu Hồng ắt phải rất "trung thành" với ông Tập Cận Bình, nhưng sau sự kiện "Prigozhin", mọi nhân vật trong ĐCSTQ đều có thể trở thành đối tượng bị đề phòng nghiêm ngặt.

Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã kết hợp chức năng tình báo bên ngoài và phản gián bên trong, tương đương với sự kết hợp giữa CIA và FBI của Mỹ. Bộ trưởng mới lên của bộ này – ông Trần Nhất Tân được coi là thân tín của ông Tập Cận Bình. Bộ An ninh Quốc gia cũng là một công cụ đấu đá nội bộ.

Cả hai ông Vương Tiểu Hồng và Trần Nhất Tân đều không có được vị trí Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật, và cũng không được vào Bộ Chính trị, nhưng điều này không có nghĩa là họ không có tham vọng đó. Ông Trần Văn Thanh nguyên là Bộ trưởng An ninh Quốc gia, hiện ông đã được thăng chức Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật, đồng thời là Ủy viên Bộ Chính trị. Mặc dù ông Trần Văn Thanh có thể tổ chức các cuộc họp của Ủy ban Chính trị và Pháp luật, nhưng có khả năng ông Vương Tiểu Hồng và ông Trần Nhất Tân nghe lệnh trực tiếp từ ông Tập Cận Bình chứ không chấp nhận lệnh của ông Trần Văn Thanh. Ông Vương Tiểu Hồng không phải là ủy viên Bộ Chính trị, nhưng lại là thư ký của Ban Bí thư Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Cho nên về cơ bản, ông Vương sẽ luôn có mặt khi Bộ Chính trị họp. Ba người này có nhiều khả năng ở trong mối quan hệ giám sát, chế ước và đối trọng lẫn nhau.

Bộ trưởng Công an Trung Quốc đương nhiệm - ông Vương Tiểu Hồng (giữa) - tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 12/3/2023. (NOEL CELIS/AFP via Getty Images)

Trong Bộ Công an, Bộ An ninh Quốc gia và hệ thống công an của nhiều tỉnh, thành có thể có "Prigozhin" hoặc những người nhận lệnh từ "Prigozhin" và gây mối đe dọa cho các nhà lãnh đạo ĐCSTQ hiện tại. Việc dọn dẹp hai cơ quan này có thể lại gây ra những xáo trộn lớn.

Rủi ro trong hệ thống Hong Kong và Ma Cao chưa được loại bỏ

Ngày 30/6/2022, ông Tập Cận Bình đến Hong Kong tham gia hoạt động mừng ngày Hong Kong được trao trả. Đêm đó ông không dám ở lại Hong Kong và luôn có ông Vương Tiểu Hồng tháp tùng. Điều này cho thấy, đội ngũ của ông Tập vẫn chưa bình định được các thế lực phức tạp ở Hong Kong, và họ lo lắng cho sự an toàn của ông Tập.

Đằng sau phong trào “chống dẫn độ” ở Hong Kong năm 2019 luôn có bóng dáng của phe Giang - Tăng (tức phe của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng). Mặc dù cuối cùng Phó chủ tịch nước khi đó là ông Vương Kỳ Sơn đã đứng ra chữa cháy và chính thức rút lại "Dự luật dẫn độ Hong Kong 2019"; nhưng sau đó Bắc Kinh lại thúc đẩy "Luật An ninh Quốc gia Hong Kong". Phe ông Tập chưa bao giờ có thể thực sự kiểm soát các băng đảng ngầm và hệ thống đặc vụ ở Hong Kong. Vì không muốn thế lực của Giang và Tăng tiếp tục chiếm đóng Hong Kong dưới vỏ bọc "một quốc gia, hai chế độ", phe Tập đã không ngần ngại hủy hoại Hong Kong.

Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng - hai cây “đại thụ” tham nhũng của ĐCSTQ vẫn luôn ung dung ngoài vòng pháp luật. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)
Ông Giang Trạch Dân (trái) và ông Tăng Khánh Hồng. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Trước kia, Văn phòng Liên lạc của Trung ương ĐCSTQ tại Hong Kong luôn bị Tăng Khánh Hồng và băng đảng của ông ta kiểm soát. Sau phong trào "chống dẫn độ", ông Lạc Huệ Ninh đảm nhận chức vụ giám đốc văn phòng này, nhưng ông Lạc lại không phải là thân tín thực sự của ông Tập Cận Bình. Ông Trịnh Nhan Hùng, người nhậm chức vào tháng 1 năm nay, được coi là người của phe Tập. Vào năm 2020, ĐCSTQ đã bổ sung một cơ quan mới là Văn phòng An ninh Quốc gia tại Hong Kong và ông Trịnh Nhan Hùng là giám đốc đầu tiên. Động thái này cho thấy lãnh đạo Trung Quốc không yên tâm về Văn phòng Liên lạc của Trung ương tại Hong Kong nên mới phải thêm một cơ quan đồng cấp như vậy.

Năm nay, kỳ họp “Lưỡng Hội” của ĐCSTQ đã công bố kế hoạch cải cách thể chế. Cụ thể, Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Ma Cao của Quốc vụ viện đã bị bãi bỏ và thay thế bằng Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Ma Cao của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việc này cũng cho thấy, ông Tập muốn nắm chắc các sự vụ ở Hong Kong và Ma Cao, không thể tiếp tục để rơi vào tay kẻ khác.

Tại Hong Kong, nơi “một quốc gia, hai chế độ” đã bị phá hủy, vốn nước ngoài và người nước ngoài đã ào ạt rút đi, tài sản của các chức sắc ĐCSTQ cũng nhanh chóng được chuyển ra khỏi Hong Kong. Nhưng ở Hong Kong vẫn còn không ít đặc vụ mật, thậm chí việc phe Giang - Tăng còn lưu lại bao nhiêu lực lượng vũ trang tại đây, phe ông Tập có thể vẫn còn chưa nắm rõ.

Không rõ lực lượng ngầm tại Hong Kong đang nghe lệnh từ ai và họ có thể gây ra cơn bão lớn cỡ nào. Họ có thể không quay trở lại Trung Quốc hay tới Bắc Kinh để gây rối, nhưng dường như vẫn có thể gây ra rủi ro khi các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đến thăm Hong Kong. Những người này có khả năng tạo ra một sự kiện "Prigozhin" tương tự ở Nga.

Kết luận

Cuộc binh biến bất ngờ của Tập đoàn Wagner ở Nga hẳn đã khiến các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ bị sốc, và nội bộ ĐCSTQ có khả năng sẽ đón một đợt thanh trừng mới. Cuộc thanh lọc hiện tại trong các doanh nghiệp nhà nước lớn và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương có thể sẽ càng sâu rộng hơn. Có khả năng cải cách cơ cấu trong Quốc vụ viện sẽ xuất hiện biến số mới; Văn phòng Trung ương, hệ thống quân đội, công an, an ninh quốc gia và Hong Kong, Ma Cao cũng sẽ không nằm ngoài vòng xoáy này.

“Tư duy cực hạn” của ĐCSTQ sẽ cho thấy những “cực hạn” mà mọi người không tưởng tượng được. Nhưng cuộc vận động này sẽ chỉ khiến nội bộ ĐCSTQ càng thêm rối ren. Có lẽ, sự sụp đổ của ĐCSTQ đến từ chính những rối loạn nội bộ, e đó cũng là an bài của lịch sử.

Quan điểm thể hiện trong bài viết là ý kiến của tác giả Trung Nguyên và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch

Tác giả Trung Nguyên (Zhong Yuan) là một nhà phân tích - bình luận về chính trị Trung Quốc.



BÀI CHỌN LỌC

Trong các thân tín của ông Tập, ai có thể làm 'binh biến' như trùm Wagner?