Xuất hiện những rạn nứt trong liên minh Trung - Nga sau binh biến Wagner

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, cuộc nổi dậy của Wagner đã tạo ra tác động vượt xa biên giới nước Nga. Một số nhà phân tích cho rằng, đó có thể là khởi đầu cho sự kết thúc của liên minh do Bắc Kinh dẫn dắt cùng với Moscow nhằm chống lại thế giới tự do.

Trong 24 giờ đầy kịch tính, nhóm bán quân sự đã thu hút sự chú ý của thế giới khi chiếm thành phố Rostov, một trung tâm chiến thuật quan trọng đối với Nga trong cuộc chiến tranh ở Ukraine. Dẫn đầu cuộc nổi dậy là ông Yevgeny Prigozhin, một đồng minh từng được nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin tin cậy. Ông Putin đã mô tả hành động này là “đâm sau lưng”.

Ông Prigozhin hiện đang sống lưu vong ở Belarus theo một thỏa thuận rằng Nga sẽ không buộc tội hình sự đối với ông ta. Nhưng việc rời sang Belarus của ông Prigozhin - sau khi đặt ra phép thử nghiêm trọng nhất đối với ông Putin trong hơn hai thập kỷ cầm quyền của Tổng thống Nga - khó có thể khép lại vấn đề trước con mắt của các nhà quan sát bên ngoài.

Ngoại trưởng Antony Blinken nói với CBS: “Chúng tôi thấy các vết rạn nứt đang xuất hiện". “Nơi họ đi đến, nếu họ đi, khi nào họ đến đó, rất khó nói”, ông Blinken nói, “nhưng tôi không nghĩ chúng ta đã chứng kiến được màn cuối cùng”.

Theo nhà phân tích địa chính trị Gordon Chang, các rạn nứt không chỉ xuất hiện trong chế độ Nga.

“Trung Quốc đang cố gắng lật đổ toàn bộ hệ thống quốc tế. Mặc dù Trung Quốc hùng mạnh, nhưng nó không mạnh đến thế. Nó cần những đồng minh như Putin, và nếu Putin không trụ vững, thì Trung Quốc sẽ gặp rắc rối”, ông Chang, tác giả cuốn “Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc”, nói với The Epoch Times.

Xuất hiện những rạn nứt trong liên minh Trung - Nga sau binh biến Wagner
Các thành viên của nhóm Wagner đứng trên ban công của tòa nhà ở thành phố Rostov-on-Don, Nga, vào ngày 24/06/2023. (Ảnh: Roman Romokhov/AFP qua Getty Images)

Rung chuyển Bắc Kinh

Bắc Kinh đã giữ im lặng khi các lực lượng của ông Prigozhin hành quân đến Moscow. Trung Quốc chỉ bắt đầu nói về vấn đề này một ngày sau khi thỏa thuận ngừng bắn ngăn chặn sự di chuyển của các lực lượng vũ trang của ông Prigozhin. “Đây là công việc nội bộ của Nga”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố. “Là nước láng giềng thân thiện và là đối tác điều phối chiến lược toàn diện của Nga trong kỷ nguyên mới, Trung Quốc ủng hộ Nga trong việc duy trì ổn định quốc gia và đạt được sự phát triển và thịnh vượng”.

Ông Chang cho biết phản ứng chậm trễ từ Bắc Kinh là do “họ không biết phải nói gì”.

Ông nói về nhà lãnh đạo Trung Quốc: “Vấn đề ở đây đối với ông Tập Cận Bình là vì ông ấy đã tuyên bố quan hệ đối tác ‘không giới hạn’ với Nga. “Và đối tác 'không giới hạn' này gần như đã bị bãi bỏ trong những diễn biến đáng chú ý đó. Vì vậy, tôi nghĩ rằng Trung Quốc bị rung chuyển một chút bởi điều này”.

Mối quan hệ đối tác “không giới hạn” được ông Tập và ông Putin đưa ra vào ngày khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh, khi hai người tổ chức cuộc gặp trực tiếp đầu tiên sau hai năm, đồng thời chế giễu cái mà họ gọi là “sự can thiệp vào công việc nội bộ” từ phương Tây.

Đó là chưa đầy ba tuần trước khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine. Khoảng một năm sau, vào tháng 3, ông Tập Cận Bình trở thành khách mời danh dự tại Moscow. Khi chia tay Putin, nhà lãnh đạo Trung Quốc tươi cười nói rằng hai người họ đang thúc đẩy “sự thay đổi chưa từng xảy ra trong 100 năm”.

Xuất hiện những rạn nứt trong liên minh Trung - Nga sau binh biến Wagner
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiễn nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sau tiệc chiêu đãi sau cuộc hội đàm của họ tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, vào ngày 21/03/2023. (Ảnh: Pavel Byrkin/SPUTNIK/AFP qua Getty Images)

Nhưng cuộc nổi dậy đã khiến Bắc Kinh bất ngờ.

Trong một cuộc đảo chính thoáng qua tương tự vào năm 1991, những người theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng sản Liên Xô đã nhốt nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev trong biệt thự nghỉ dưỡng ở Crimea của ông Gorbachev. Âm mưu sụp đổ trong ba ngày, nhưng nó lại là ngòi nổ dẫn đến sự sụp đổ cuối cùng của Liên Xô bốn tháng sau đó.

Ông Chang cho rằng Putin đang ở một tình thế tương tự.

“Ông ấy đã có thể [thành công trong việc] ngăn chặn cuộc nổi dậy lật đổ ông ấy, nhưng nước Nga đang trong tình trạng bất ổn, vì vậy tôi không nghĩ rằng chúng ta đã chứng kiến đoạn kết”, ông nói.

Đối với chế độ Trung Quốc, vốn coi Nga như một đồng minh để phá vỡ trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo, điều này không phải là một dấu hiệu tốt.

“Trung Quốc cố gắng thể hiện mình là bất khả chiến bại, thống trị thế giới”, ông Chang nói. “Chà, bây giờ nó trông không đáng sợ lắm. Nó trông đáng sợ hơn rất nhiều vào tuần trước khi so với thời điểm này”.

Vấn đề trong nước

Vị thế chính trị suy yếu của ông Putin không phải là mối quan tâm duy nhất trong tính toán của Bắc Kinh.

Vài ngày sau cuộc nổi dậy của ông Wagner, ông Tập đã thăng cấp tướng cho hai chính ủy, một động thái mà một số người cho là nỗ lực củng cố quyền lực. Một sĩ quan quân đội Trung Quốc, người viết bài cho PLA Daily, tờ báo chính thức của cơ quan tác chiến quân sự cao nhất của Trung Quốc, cho rằng, các lực lượng vũ trang Trung Quốc phải “nâng cao nhận thức về an ninh quốc gia” và sẵn sàng “đối mặt với những thử thách lớn trong một vùng biển đầy bão tố”.

Trung Quốc tin rằng Nga rơi vào tình trạng lộn xộn như vậy vì ở nước này, không tồn tại sự kiểm soát giống như thứ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) áp đặt lên chính phủ Trung Quốc, vì vậy ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ nâng cao khả năng kiểm soát đó, ông Miles Yu, giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Hudson và là cố vấn chính sách cấp cao về Trung Quốc cho chính quyền Trump, nói với The Epoch Times. Ông lưu ý rằng, ông Tập Cận Bình đã thanh trừng nhiều quan chức quân sự cấp cao để củng cố quyền lực trong hơn một thập kỷ cầm quyền của mình.

“Ông ấy biết có rất nhiều sự oán giận trong đội ngũ quân đội. Vì vậy, đó là lý do tại sao vấn đề này rất, rất đáng lo ngại đối với ông ấy”, ông Yu nói.

Ông Chang cho biết, các vấn đề trong nước cũng sẽ khiến Bắc Kinh phải cảnh giác.

“Người Trung Quốc luôn lo lắng về các cuộc cách mạng màu, như điều chúng ta vẫn thường được biết, và các cuộc cách mạng rất dễ lây lan - chúng thực sự lan truyền”.

Tháng 11 năm ngoái, một vụ hỏa hoạn chết người tại một tòa nhà cao tầng ở Tân Cương đã gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp đất nước. Những người biểu tình giơ những tờ giấy trắng để phản đối các biện pháp phong tỏa khắc nghiệt do COVID của chế độ trong cái được gọi là các cuộc biểu tình giấy trắng.

Phong trào lắng xuống với việc Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế COVID trong khi lặng lẽ bắt giữ những người tham gia. Nhưng đằng sau nó, ông Chang nhìn thấy một tinh thần bất mãn lớn hơn. Nó sẽ không biến mất.

Một số người thực sự đang yêu cầu ĐCSTQ và ông Tập Cận Bình buông bỏ quyền lực, ông Chang nói, ám chỉ một số khẩu hiệu mà người biểu tình đã hô vang.

Xuất hiện những rạn nứt trong liên minh Trung - Nga sau binh biến Wagner
Người biểu tình giơ cao tờ giấy trắng khi họ diễu hành trong cuộc biểu tình phản đối các biện pháp nghiêm ngặt zero-COVID của Trung Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 27/11/2022. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Các nhà kinh tế đã hy vọng rằng việc chấm dứt chính sách zero-COVID có thể thúc đẩy chi tiêu nội địa của Trung Quốc và hồi sinh nền kinh tế đang suy yếu của đất nước. Tuy nhiên, ở nhiều cấp độ, tình hình ở Trung Quốc trông không có vẻ sáng sủa hơn mấy so với nửa năm trước.

Các chính quyền địa phương đang phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ với khoản nợ 23 nghìn tỷ USD, những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 có tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục trên 20%; doanh số bán bất động sản tiếp tục sụt giảm. Đất nước sắp phải đối mặt với thứ có thể là cuộc di cư lớn nhất thế giới của các triệu phú trong năm nay, trong khi ngày càng có nhiều các cá nhân vỡ mộng cũng đang chạy trốn khỏi đất nước.

“Không có câu trả lời nào cho ông Tập Cận Bình ngoài việc đàn áp mạnh mẽ hơn nữa, và đó cuối cùng sẽ không phải là một giải pháp vì nền kinh tế đang sa sút”, ông Chang nói.

Bà June Teufel Dreyer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Miami, cũng coi các vấn đề kinh tế là một trở ngại lớn đối với Trung Quốc.

Bà nói với The Epoch Times: “Ông Putin thậm chí có thể phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc sau cuộc nổi dậy, vì vậy mong muốn lãnh đạo trật tự thế giới của Trung Quốc sẽ được củng cố”. Bà nói rằng, suy giảm kinh tế sẽ là vấn đề số một cản trở ông Tập thực hiện tham vọng của mình.

Ông Su Tze-yun, giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh của Đài Loan, cho biết rằng, hiện tại, Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục “tụ tập với nhau để lấy hơi ấm” trong lúc họ đối đầu với phương Tây. Mỗi bên sẽ nhận được những gì họ cần từ mối quan hệ này.

Với cuộc chiến Ukraine kéo dài, Nga có thể sẽ thấy mình ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, hiện là khách hàng chính mua dầu của Nga, thứ từng xuất sang châu Âu.

Đây là một thời điểm đòi hỏi hành động quyết đoán hơn từ thế giới tự do, ông Chang nói.

“Thế giới đang ở thời điểm quan trọng, và hiện tại liên minh chống lại chúng ta đã rạn nứt và rất có thể tan rã. Điều quan trọng đối với chính quyền Biden và các quốc gia tự do là phải đảm bảo rằng liên minh đó không thể được kết hợp trở lại”, ông nói.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Xuất hiện những rạn nứt trong liên minh Trung - Nga sau binh biến Wagner