Virus đậu mùa khỉ lây lan qua đường tình dục khiến giới chức y tế lo ngại nguy cơ bùng phát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một báo cáo gần đây, khi bệnh mpox tiếp tục lan rộng khắp Cộng hòa Dân chủ Congo, Tổ chức Y tế Thế giới đang đưa ra cảnh báo về khả năng bùng phát nghiêm trọng hơn do các trường hợp lây truyền qua đường tình dục đã được xác nhận. Mpox là một bệnh truyền nhiễm do virus đậu khỉ gây ra, gây phát ban đau đớn, nổi hạch và sốt.

Thống kê của WHO cho thấy, chỉ riêng ở Cộng hoà Dân chủ Congo, từ tháng 1 đến đầu tháng 11 năm 2023, đã có hơn 12.500 người bị nhiễm bệnh và khoảng 581 trường hợp tử vong do virus gây ra. Đây được xem là dấu mốc kỷ lục kể từ khi nước này phát hiện ra sự lây truyền của mpox từ người sang người hơn 50 năm trước. Đặc biệt, từ năm 2020, số ca mắc bệnh mpox đã tăng gấp đôi.

Theo WHO, nguyên nhân đằng sau đợt bùng phát này, vốn đang ảnh hưởng đến cả nam giới, phụ nữ và trẻ em, vẫn chưa được xác định rõ ràng. Trên toàn cầu, tính đến nay đã có khoảng 92.050 ca nhiễm được ghi nhận, với khoảng 31.010 trường hợp ở Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ.

Mpox là gì?

Mpox là một bệnh do virus Monkeypox gây ra, một loài thuộc chi Orthopoxvirus. Chủng virus này chia thành hai nhánh hoặc sinh vật khác nhau. Cả hai đều có thể lây lan giữa người với người, trong đó những người có quan hệ với nhiều người khác phải đối mặt với nguy cơ lây truyền mpox cao hơn.

Mpox lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương da truyền nhiễm, dịch cơ thể hoặc các vật thể bị ô nhiễm như quần áo hoặc khăn trải giường. Quan hệ tình dục mặt đối mặt, da kề da, miệng-miệng, âm đạo và hậu môn có thể truyền bệnh mpox. Các giọt hô hấp hoặc khí dung cũng gây nguy hiểm.

Ngoài ra, động vật bị nhiễm bệnh có thể truyền bệnh mpox qua vết cắn, vết trầy xước, săn bắn, lột da, đặt bẫy, nấu ăn, chơi với xác động vật hoặc ăn thịt động vật.

CDC lưu ý rằng nhiều loại động vật, bao gồm khỉ, động vật gặm nhấm và các động vật có vú khác, có thể mang mpox. Tính nhạy cảm của loài bò sát và chim vẫn chưa chắc chắn. Một số nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng vật nuôi trong nhà cũng có thể mang virus.

Sau thời gian ủ bệnh từ 2-21 ngày, các triệu chứng như sốt, đau họng, phát ban có thể xuất hiện. Phát ban của người bị nhiễm bệnh tiến triển theo từng giai đoạn, cuối cùng đóng vảy sau 2-4 tuần. Trong thời gian bị bệnh, nguy cơ biến chứng hoặc tử vong tăng lên đối với các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người mang thai và người bị suy giảm miễn dịch.

Bệnh bắt đầu bùng phát như thế nào?

Trong một nghiên cứu ở Đan Mạch vào năm 1958, các nhà khoa học đã lần đầu tiên phát hiện dấu hiệu của virus trên khỉ thí nghiệm. Đến năm 1970, bệnh đậu khỉ chính thức lây nhiễm từ người sang người. Trường hợp nhiễm bệnh trên người đầu tiên được báo cáo là một bé trai 9 tháng tuổi ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Sự bùng phát toàn cầu hiện nay bắt đầu vào năm 2022.

Mpox hiện đang lưu hành tại 11 trong số 26 tỉnh ở Congo, nghĩa là virus này xuất hiện thường xuyên trong cộng đồng, nhưng nó đã được phát hiện và lây lan trong 22 tỉnh, theo WHO.

WHO lần đầu tiên phát hiện ra sự bùng phát của bệnh mpox lây truyền qua đường tình dục vào tháng 3 sau khi một cư dân Bỉ từng đặt chân đến Congo, cùng với 5 bạn tình của anh ta, có kết quả xét nghiệm dương tính với chủng mpox nhánh 1. Chủng này có tỷ lệ tử vong ước tính khoảng 10% và tỏ ra nguy hiểm hơn so với chủng còn lại.

Vào tháng 7 năm 2023, cơ quan y tế đã xác nhận trường hợp thứ hai mắc bệnh mpox lây truyền qua đường tình dục ở một người đàn ông trong cùng thị trấn. WHO cho biết việc theo dõi liên lạc cho thấy ông không có mối liên hệ nào với cụm ca bệnh ban đầu hoặc những người tiếp xúc gần gũi với họ.

Theo Amie Dahnke - The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch

Amie Dahnke là một nhà văn và biên tập viên tự do sống ở California. Trong suốt một thập kỷ, cô thường viết báo chí cộng đồng và các nội dung tin tức liên quan đến chăm sóc sức khỏe, đồng thời giành được Giải thưởng Nhà xuất bản Báo chí California cho tác phẩm của mình.



BÀI CHỌN LỌC

Virus đậu mùa khỉ lây lan qua đường tình dục khiến giới chức y tế lo ngại nguy cơ bùng phát