Voi châu Phi và voi châu Á đụng độ trên chiến trường - Các trận voi chiến trong lịch sử xảy ra như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trận Raphia diễn ra vào năm 217 TCN giữa Ptolemaios IV cai trị Ai Cập và Antiochos III của Đế quốc Seleukos, là trận chiến duy nhất được biết đến trong đó voi châu Á và châu Phi đụng độ trực tiếp. Trước đó, cả hai vương quốc đều đổ chi phí khổng lồ vào việc duy trì mạng lưới thương mại để có được những con thú to lớn này.

Trận chiến đầu tiên và duy nhất giữa voi châu Phi và voi châu Á

Voi, có thể ví như xe tăng thời cổ đại, là vũ khí lợi hại có khả năng phá vỡ hàng ngũ dày đặc của đội hình phalanx, chính Alexander Đại Đế đã chịu thương vong nặng nề từ chúng trong Trận Hydaspes. Vì vậy, trong Chiến tranh Diadochi - chiến tranh giành quyền kế vị Alexander Đại Đế - ai cũng gắng sức trang bị voi cho quân đội của mình.

Voi Ấn Độ gây tổn thất nghiêm trọng cho quân đội của Alexander Đại Đế. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Không có voi có thể là thảm họa. Người Ptolemaios đã phát hiện ra điều này trong Trận Panium vào năm 200 TCN, khi quân đội của họ gần như bị Seleukos tiêu diệt hoàn toàn, bởi tình trạng bộ binh bị kẹt giữa những con voi tấn công trước mặt và kỵ binh địch tập kích phía sau.

Vì vậy, bất chấp chi phí khổng lồ và khó sử dụng, các vị vua không thể để kẻ thù chiếm ưu thế. Theo cách này, những con voi khởi tác dụng gần giống với các thiết giáp hạm vào đầu thế kỷ 20 hoặc lực lượng không quân sau này, lôi kéo các nước vào vòng xoáy chạy đua vũ trang.

Chiến tranh Diadochi kết thúc với việc Seleukos và Ptolemaios trở thành những cường quốc của Thời kỳ Hy Lạp hóa (Hellenistic Era), hai thế lực duy nhất có thể nuôi voi với số lượng lớn.

Nhưng chỉ có Seleukos mới có quyền tiếp cận trực tiếp với Ấn Độ, kiểm soát Ba Tư và các vùng đất phía đông, và đây hóa ra là một lợi thế lớn. Thật vậy, sử gia Polybius đã mô tả lại rằng: “Tuy nhiên, hầu hết những con voi của Ptolemaios đều từ chối chiến đấu - như một thói quen của voi châu Phi - vì không thể chịu được mùi và tiếng kêu của những con voi Ấn Độ; và tôi cũng cho rằng vì kinh hãi bởi kích thước to lớn và sức mạnh của đối thủ, mà chúng ngay lập tức quay đuôi bỏ chạy thậm chí trước cả khi cận chiến. Đó là những gì đã xảy ra; khi những con voi của Ptolemaios rơi vào tình trạng bối rối và bị đẩy lùi trên chiến tuyến.”

Người ta không khỏi thấy kỳ lạ, vì sao voi châu Phi lại nhỏ hơn voi châu Á?

Câu trả lời của các nhà sinh vật học là loại voi châu Phi mà Ptolemaios sử dụng lúc đó là loại voi giống với voi rừng châu Phi ngày nay - vốn nhỏ bé và rụt rè, chứ không phải voi đồng cỏ châu Phi - loại voi to lớn nhất.

Thất bại này càng cay đắng khi biết rằng, các vị vua nhà Ptolemaios đã phải tốn bao công sức và chi phí để sở hữu voi.

Hành trình buôn bán voi thời cổ đại

Ptolemaios vốn bị chặn không thể tiếp cận với Ấn Độ, còn ở phía Bắc Phi thì Carthage cấm xuất khẩu voi. Điều đó khiến Ptolemaios II sớm phải gây chiến với Nubia ở phía Nam, để tìm kiếm nguồn voi ở đây. May mắn thay, cuộc chiến của ông với Nubia đã mang lại một tài sản quan trọng: Quyền kiểm soát các tuyến đường giữa sông Nile và Biển Đỏ. Điều này làm cho việc khai thác các liên kết đến mạng lưới thương mại quan trọng ở Biển Đỏ trở nên dễ dàng hơn.

Ông đã cử các đoàn thám hiểm dọc theo các tuyến đường buôn bán trầm hương truyền thống, có lẽ đến tận Somalia, để bắt voi từ bờ biển Đông Phi. Những con vật này được chất lên những con tàu có dầm rộng được chế tạo đặc biệt và đi dọc bờ biển đến các cảng ở Biển Đỏ của Ai Cập. Quan trọng nhất là cảng biển Berenike với hai bến cảng lớn được bảo vệ bởi các rạn san hô và được trang bị cầu cảng rộng để chứa các tàu chở voi và các tàu buôn bán khác. Những bãi quây lớn được xây dựng tại thị trấn, bao quanh bởi những con mương sâu để chứa những con voi.

Minh họa việc đưa voi lên tàu ở thời cổ đại. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Sau đó, các con vật bắt đầu hành trình dọc theo các tuyến đường đã được chuẩn bị sẵn băng qua Sa mạc Sahara để đến sông Nile. Các trạm dừng rải rác trên tuyến đường để cung cấp nước và chỗ nghỉ ngơi, trong khi các đoàn lạc đà lớn đi kèm với một lượng lớn thực phẩm cần thiết. Ký hiệu hướng dẫn của hành trình di chuyển voi được vẽ trên các vách đá dọc tuyến đường, và chúng vẫn tồn tại đến tận ngày nay. Khi đến sông Nile, những con vật sẽ được chuyển xuống hạ lưu bằng bè.

Nói chung hệ thống buôn bán và vận chuyển này cực kỳ thành công: Họ đã nhập khẩu nhiều voi vào Ai Cập đến mức giá ngà voi ở Alexandria sụt giảm nhanh chóng.

Việc buôn bán voi ở Biển Đỏ dường như đã giảm bớt trong thế kỷ thứ 2 TCN. Có lẽ sự trỗi dậy của người Parthia ở Ba Tư đã cắt đứt quyền tiếp cận Ấn Độ của người Seleukos, từ đó cũng làm giảm nhu cầu chạy đua của người Ptolemaios; hoặc giả họ đã tìm thấy các nguồn khác tốt hơn.

Nhưng việc buôn bán voi đã mang lại những tác động lâu dài. Khoản đầu tư khổng lồ vào các tuyến đường và cơ sở hạ tầng cầu cảng giúp lưu thông cả các hàng hóa khác, khuyến khích thương mại giữa Biển Đỏ và Ai Cập, và từ đó đến vùng Địa Trung Hải rộng lớn hơn. Có lẽ không quá lời khi nói rằng điều này đã trực tiếp khuyến khích việc khám phá gió mùa Ấn Độ Dương, dẫn đến việc phát hiện ra một tuyến đường trực tiếp từ Biển Đỏ đến Ấn Độ.

Hồi kết của voi chiến trên chiến trường phương Tây cổ đại

Tuy những bất cập đã lộ ra, nhưng loài voi vẫn còn tiếp tục giữ vai trò trên chiến trường thêm một thời gian nữa. Người La Mã có 16 con voi trong Trận Magnesia năm 189 TCN, nhưng những con voi này không thực sự hành động, và đóng vai trò rất nhỏ trong việc đánh bại quân đội Seleukos lớn hơn nhiều cùng với 54 con voi.

Quan trọng hơn, người La Mã đã tìm ra chiến thuật chống voi hiệu quả: Tại Zama năm 202 TCN, dưới sự chỉ huy của danh tướng Scipio, họ đã đánh bại kẻ thù không đội trời chung là Hannibal cùng với 80 con voi của ông ta.

Trận voi chiến Zama. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Đội hình dàn quân của người La Mã trong Trận Zama có thể tìm được trong tài liệu của hai sử gia là Polybius và Livy.

Sử gia Hy Lạp Polybius mô tả: “Bộ binh ở tuyến đầu, sau họ là lính mang giáo, và lính mang giáp nặng ở tuyến sau nữa. Scipio không lập đội hình co cụm như thường lệ, mà lập đội hình phân bố mỏng hơn để tạo khoảng trống cho voi chiến của địch bị lùa qua mà không phá vỡ hàng ngũ… Kỵ binh Ý ở cánh trái, quân Numidia ở cánh phải. Bộ binh hạng nhẹ phóng lao được bố trí ở đầu mỗi làn giữa các tuyến, một là để chờ thời cơ khi voi địch xung trận, hai là trú mình sau các tuyến nếu bị tấn công, hoặc chạy sang cánh trái và cánh phải để lùa voi chiến vào, sau đó cả hai mặt đều phóng lao để hạ gục con quái vật”.

Sử gia La Mã Livy mô tả đội hình của Hannibal như sau: “Để tạo ra vẻ đe dọa, Hannibal bố trí đội voi chiến ở tuyến đầu. Ông có tổng cộng 80 con, một con số lớn, mà ông đã sử dụng trước đó. Sau dàn voi chiến là đội hỗ trợ, người Liguria và người Gaul, với sự kết hợp của người Balearic và người Moor. Tuyến hai là người Carthage và người Châu Phi với một đội quân lê dương Macedonia. Hỗ trợ cho tuyến hai là đội quân đánh thuê người Ý của ông, những người đã theo ông từ chiến dịch ở Ý trước đó. Giống như Scipio, Hannibal chắn hai bên sườn bằng đội kỵ binh với người Carthage ở bên phải và người Numidia ở bên trái”.

Khi trận chiến bắt đầu, người La Mã tấn công dàn voi chiến trước, sử gia Livy viết: “Khi từng hồi kèn vang lên đe dọa dàn voi chiến khiến chúng quay đầu về phía người Moor và Numidia sau lưng”.

Cùng lúc đó, kỵ binh La Mã đánh bại người Carthage ở cả hai phía, làm bộ binh Carthage hở hai bên sườn. Kỵ binh Carthage cũng dễ dàng bị đánh bại, và thời điểm quyết định đến khi kỵ binh La Mã - vốn đang truy đuổi kỵ binh Carthage bỏ chạy - quay trở lại và tấn công bộ binh của đối phương ở phía sau. Người Carthage đã bị đánh tan tác, và người La Mã dành chiến thắng. Polybius miêu tả: “hơn 1500 người La Mã thiệt mạng, trong khi đó tổn thất của người Carthage lên tới 2 vạn.”

Tuyến đường biển La Mã - Ấn Độ. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Bá chủ mới của Địa Trung Hải đã khiến những con thú đắt tiền này trở nên lỗi thời về mặt chiến thuật, hiếm khi sử dụng chúng trong trận chiến, và hoàn toàn biến mất sau thời của Caesar. Thay vào đó, người La Mã thừa kế di sản thực sự của việc buôn bán voi: tuyến đường biển đến Ấn Độ.

Hữu Đức

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Voi châu Phi và voi châu Á đụng độ trên chiến trường - Các trận voi chiến trong lịch sử xảy ra như thế nào?