10 thói quen phổ biến làm tăng nguy cơ lọc thận

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xu hướng của bệnh thận mãn tính đang gia tăng trong thế kỷ 21, ảnh hưởng đến hơn 10% dân số.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính rằng, cứ bảy người Mỹ thì có một người mắc bệnh thận mãn tính vào năm 2021. Cùng năm đó, có tổng cộng 786.000 bệnh nhân bị suy thận.

Bác sĩ Hung Yung-hsiang, Khoa Thận thuộc Bệnh viện Đa khoa Tri-Service Đài Loan, phát hiện nguyên nhân hàng đầu của bệnh thận là do lặp lại thói quen xấu hàng ngày, đặc biệt có 10 thói quen phổ biến nhất ở các bệnh nhân.

Một nghiên cứu cho thấy, những người bị thận mãn tính khi mắc COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao hơn.

Nghiên cứu khác cho thấy những bệnh nhân dương tính với COVID-19 cũng có nguy cơ bị rối loạn chức năng thận cấp tính.

Do đó, việc duy trì sức khỏe của thận trong đại dịch lại càng quan trọng hơn.

Trong một bài viết trên mạng xã hội, bác sĩ Hung cho biết chức năng thận của con người sẽ giảm dần sau 40 tuổi.

Thông thường, tốc độ lọc cầu thận (GFR) giảm từ 1 đến 2% mỗi năm. Tình trạng của một số người suy giảm nhanh chóng, trong khi những người khác vẫn duy trì tốt chức năng thận của họ.

Mười thói quen dẫn đến chạy thận

Chuyên gia tổng kết 10 thói quen phổ biến nhất dẫn đến chạy thận:

1. Sử dụng sai hộp đựng thức ăn và đồ uống

Tiêu thụ đồ ăn chứa trong các hộp đựng bằng nhựa, hộp chất lượng kém dùng trong lò vi sóng hoặc dụng cụ nhà bếp, bát và dụng cụ ăn uống bằng nhựa nhiều màu sắc có thể khiến chúng ta vô tình nuốt phải rất nhiều chất hóa dẻo và kim loại nặng.

Tiêu thụ đồ ăn chứa trong các hộp đựng bằng nhựa có thể khiến chúng ta vô tình nuốt phải rất nhiều chất hóa dẻo và kim loại nặng.
Tiêu thụ đồ ăn chứa trong các hộp đựng bằng nhựa có thể khiến chúng ta vô tình nuốt phải rất nhiều chất hóa dẻo và kim loại nặng. (Unsplash)

2. Sử dụng sai sản phẩm chăm sóc và bổ sung sức khỏe

Nhiều bệnh nhân bị suy thận do uống sai thuốc trong thời gian dài.

Bác sĩ Hung khuyến nghị rằng, bất kỳ ai có nhu cầu bổ sung thuốc kéo dài hơn 3 tháng, thì nên hỏi ý kiến ​​bác sĩ và theo dõi chức năng thận thường xuyên.

3. Ít vận động và không hoạt động

Ngồi lâu gây hại cho tuần hoàn máu, đồng thời gây hại cho tim, phổi, gan, thận, hệ miễn dịch, trao đổi chất, não, dây thần kinh, cơ và xương.

Bác sĩ Hung nói: “Ngồi lâu có hại cho khí huyết. Vì vậy, nếu có thể, bạn hãy đứng dậy và di chuyển định kỳ, đừng ngồi lỳ trên ghế quá lâu sau khi làm việc. Hãy đứng lên và vươn vai sau mỗi 30 phút”.

4. Nhịn tiểu

Bác sĩ cho biết nhiều cô gái ở Đài Loan tập nhịn tiểu vì họ không muốn sử dụng nhà vệ sinh công cộng khi ra ngoài.

Ngoài ra, để hạn chế số lần tiểu tiện, họ tránh uống nước. Nhưng hậu quả của thói quen này là nguy cơ mắc bệnh viêm đường tiết niệu, sỏi thận...

Về lâu dài, thói quen nhịn tiểu không tốt có thể khiến thận bị lão hóa nhanh chóng.

Khi già, những người này dễ đối mặt với tình trạng tiểu nhiều lần, rò rỉ nước tiểu và tiểu không tự chủ.

5. Tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn

Nhiều người đã quen sử dụng đồ uống chế biến thay vì nước lọc từ khi còn nhỏ.

Mặc dù có thể hấp dẫn nhưng sử dụng đồ uống nhân tạo và ăn thực phẩm chế biến sẵn sẽ gây hại cho thận.

Bác sĩ đề nghị rằng, bạn chỉ nên uống nước lọc tinh khiết đồng thời tiêu thụ thực phẩm tự nhiên và hữu cơ.

Đồ uống nhân tạo và ăn thực phẩm chế biến sẵn sẽ gây hại cho thận.
Đồ uống nhân tạo và ăn thực phẩm chế biến sẵn sẽ gây hại cho thận. (Unsplash)

6. Tự dùng thuốc

Người bị đau nửa đầu, đau khớp, bệnh tự miễn uống thuốc giảm đau trong nhiều năm dẫn đến tổn thương thận cấp và mãn tính.

Bác sĩ Hung một lần nữa cảnh báo bạn không nên tự điều trị, đặc biệt là kháng sinh.

Bất kỳ bệnh nhân nào cần thuốc giảm đau và kháng viêm trong hơn ba ngày đều phải đi khám bác sĩ.

7. Căng thẳng và thức khuya

Căng thẳng nhiều và thức khuya là những tác nhân chính khiến thận bị rối loạn chức năng và suy giảm. Tốt hơn là bạn nên đi ngủ và dậy sớm.

Đi ngủ trước 23h00 và thường xuyên tập thể dục hoặc thiền định có thể giúp giảm căng thẳng và lo lắng.

8. Hút thuốc và hít thở không khí ô nhiễm

Hút thuốc và ô nhiễm không khí làm tổn thương phổi, mạch máu và quá trình trao đổi chất.

Cầu thận là một vi mạch. Tránh hút thuốc để bảo vệ thận của bạn.

Khi ô nhiễm không khí nghiêm trọng, bạn hãy tránh ra ngoài và nhớ đóng cửa sổ.

9. Ăn thực phẩm có hàm lượng dầu, muối và đường cao

Bác sĩ Hung đề nghị sử dụng ít nước sốt và gia vị hơn. Chuyển sang các loại gia vị và thảo mộc tự nhiên, chẳng hạn như hành lá, gừng, tỏi và ớt.

Ông cũng khuyến cáo nên tăng cường bổ sung chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày.

10. Uống không đủ nước

Các nghiên cứu lâm sàng đã phát hiện rằng, nhiều người không uống nước cho đến khi họ cảm thấy khát, và cũng có nhiều người không thích uống nước từ khi còn nhỏ.

Vì cầu thận là một vi mạch, nên mất nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ lọc của cầu thận.

Do đó, uống nước thường xuyên là một lời khuyên tốt cho sức khỏe của bạn. Mỗi ngày nên đảm bảo uống đủ 6-8 cốc (tương đương 1.5 đến 2 lít nước).

Theo The Epoch Times tiếng Anh
Bảo Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

10 thói quen phổ biến làm tăng nguy cơ lọc thận