Ăn sô-cô-la và kẹo thường xuyên, người đàn ông bị máu trắng sệt ‘như sữa đặc’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thói quen này tiếp diễn như vậy đến tháng Ba năm nay, đột nhiên bụng trên của anh bị đau dữ dội, mồ hôi đầm đìa khiến anh không thể đứng vững. Đáng sợ hơn, khi sờ vào dạ dày, anh cảm thấy nó cứng như thép.

Anh Trương (30 tuổi) có sở thích ăn thịt từ nhỏ. Vì ăn quá nhiều, nên cân nặng của anh luôn vượt ngưỡng bình thường. Các chỉ số khám sức khoẻ định kỳ như huyết áp, mỡ máu, đường huyết thường có những biến động.

Anh biết rằng điều này không tốt, nhưng vẫn không thể từ bỏ được sở thích của mình cho đến khi được các bác sĩ cảnh báo và gia đình khuyên nhủ.

Lo lắng, anh quyết định từ bỏ thịt và chuyển sang các món ăn khác. Nhưng thời gian dài không thu nạp đủ chất đạm, cơ thể anh Trương sụt cân dần dần.

Chán nản vì không được ăn thịt, anh mua socola và kẹo để bù đắp cơn thèm của mình. Các loại đồ ăn vặt này nhỏ gọn, tiện lợi, có thể mang theo mọi nơi và ăn mọi lúc. Anh Trương cho biết, mỗi khi ăn chúng, anh cảm thấy đầu óc sảng khoái và thư giãn.

Thói quen này tiếp diễn như vậy đến tháng Ba năm nay, đột nhiên bụng trên của anh bị đau dữ dội, mồ hôi đầm đìa khiến anh không thể đứng vững. Đáng sợ hơn, khi sờ vào dạ dày, anh cảm thấy nó cứng như thép.

Gia đình đã đưa anh nhập viện cấp cứu khi nhận thấy tình hình nghiêm trọng.

Tại bệnh viện, bác sĩ phát hiện amylase trong máu của anh cao tới 1243 U/L và chất béo trung tính cao tới 54,22 mmol/L (giá trị bình thường là 0,45-1,69mmol/ L).

Huyết tương của anh Trương được rút ra có màu trắng đục và nhờn như "mỡ lợn" (màu huyết tương bình thường phải có màu vàng nhạt, trong suốt).

CT bụng cho thấy tuyến tụy bị viêm cấp tính nên bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào khoa Ngoại tổng hợp để điều trị nội trú.

Sau một ngày điều trị, cơn đau bụng của anh vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, cơ thể mệt mỏi, khó thở và tê cứng chân tay.

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ nhận định bệnh nhân bị nhiễm toan nặng, viêm nội tạng, suy hô hấp và suy thận…

Để điều trị tình trạng tăng huyết áp ổ bụng, các bác sĩ đã kết hợp cả phương pháp Tây y lẫn y học cổ truyền như sắc, thụt, chườm nóng.

Cuối cùng, bụng của bệnh nhân đã mềm lại, trạng thái của đường tiêu hoá được cải thiện, cử động của các chi bình thường, các chỉ số sức khoẻ ổn định. Nhờ quá trình luyện tập phục hồi chức năng, anh Trương đã được rút ống nội khí quản thành công.

Cảnh giác với các triệu chứng của viêm tuỵ

Tuyến tụy nằm trong khoang bụng, ở vùng bụng trên bên trái và phía sau dạ dày. Cơ quan này dài khoảng 15-25cm, dài theo chiều ngang bụng và có hình giống như một quả lê phẳng hay một con cá kèo.

Phần đầu của nó nằm ở điểm nối của dạ dày và ruột non. Chính là nơi mà dạ dày đẩy một lượng thức ăn đã được tiêu hoá vào ruột. Lúc này, tuyến tụy tiết ra một loại chất lỏng có chứa enzym tiêu hóa để vận chuyển vào tá tràng). Những enzym này có khả năng phân hủy carbohydrate, protein và lipid (chất béo).

Tuyến tụy cũng có chức năng duy trì lượng đường trong máu ở mức ổn định. Khi lượng đường trong máu thấp, tế bào alpha tiết ra glucagon. Khi lượng đường trong máu tăng cao, tế bào beta tiết ra insulin để ổn định đường huyết. Ngoài ra, tế bào delta còn tiết somatostatin giúp điều hòa quá trình sản xuất insulin và glucagon.

Về nguyên nhân gây viêm tụy, có thể bao gồm:

  • Bệnh sỏi mật
  • Lạm dụng rượu
  • Mỡ máu
  • Chấn thương bụng hoặc phẫu thuật
  • Hàm lượng canxi trong máu rất cao
  • Sử dụng một số loại thuốc như estrogen, steroid và thuốc lợi tiểu thiazid
  • Nhiễm trùng, chẳng hạn như quai bị, viêm gan A hoặc B, hoặc vi khuẩn salmonella
  • Một số khiếm khuyết di truyền
  • Bất thường bẩm sinh ở tuyến tụy

Viêm tụy cấp tính nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Cụ thể, biến chứng của viêm tụy cấp tính gồm suy cơ quan, viêm tụy hoại tử nhiễm trùng, nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.

Đối với viêm tụy mạn tính, biến chứng có thể dẫn đến ung thư tuyến tụy, suy dinh dưỡng, đái tháo đường, suy chức năng tụy ngoại tiết.

Đường gây hại cho tuyến tụy và sức khoẻ như thế nào?

Dung nạp quá nhiều đường trong thời gian dài có thể gây hại cho cơ thể.

Đồ ngọt có thể kích thích hoạt động của não, khiến cơ thể hưng phấn tức thời. Theo thời gian, nó làm tăng nhu cầu dung nạp đường, lúc này, đường được phân huỷ và sản xuất ra năng lượng. Để chuyển hoá hết lượng đường nạp vào, cơ thể cần tiêu hao một lượng lớn vitamin B, làm thiếu hụt loại vitamin này một cách trầm trọng trong cơ thể, dẫn đến phù nề chân, viêm dây thần kinh.

Thông thường cơ thể sẽ sản xuất ra một lượng hormone gọi là insulin để làm giảm lượng đường trong máu. Quá nhiều đường sẽ khiến tế bào kháng insulin, tuyến tuỵ buộc phải sản xuất nhiều insulin hơn mức bình thường. Cứ như vậy, tuyến tuỵ dần bị quá tải và không có khả năng tiết đủ insulin nữa, cuối cùng mắc bệnh tiểu đường.

Ăn quá nhiều đường còn có thể gây:

  • Tăng cân: Thực phẩm có đường chứa nhiều fructose làm tăng cảm giác đói và thèm ăn, dẫn đến tăng cân.
  • Bệnh tim mạch: Đồ ngọt gây rối loạn chuyển hoá dẫn đến béo phì, viêm nhiễm và gia tăng lượng chất béo trung tính. Chúng làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, tăng huyết áp…
  • Nổi mụn: Thực phẩm chứa nhiều carbohydrate tinh chế như đồ uống có đường, bánh mì, gạo trắng, bánh ngọt… có thể làm tăng nguy cơ bị mụn trứng cá.
  • Ung thư: Các thực phẩm nhiều đường dễ gây viêm và căng thẳng… từ đó đẩy nhanh quá trình lão hoá tế bào và làm tăng nguy cơ ung thư.
  • Trầm cảm: Ăn ngọt thường xuyên dễ ảnh hưởng đến tâm trạng và cảm xúc, dẫn đến các vấn đề như rối loạn cảm xúc, suy giảm nhận thức, lo lắng hay trầm cảm.
  • Lão hoá: Đường thúc đẩy nhanh lão hoá, gây ra nhiều nếp nhăn, da kém đàn hồi, sạm màu và chảy xệ…
  • Gan nhiễm mỡ: Đường fructose có trong thực phẩm chế biến sẵn như kẹo, bánh nướng, ngũ cốc và soda… chỉ phân huỷ tại gan. Nếu tiêu thụ quá nhiều, gan buộc phải làm việc quá sức, dẫn đến quá tải và nhiễm mỡ.
  • Bệnh thận: Đường làm tăng nồng độ urat trong huyết thanh, gây bệnh thận. Mặt khác, lượng đường trong máu cao liên tục có thể làm tổn thương mạch máu nuôi thận, dẫn đến suy thận mạn tính, suy thận cấp tính hay viêm cầu thận…
  • Sâu răng: Vi khuẩn trong miệng hấp thụ đường và giải phóng axit làm bào mòn men răng, gây hư hại cho răng.
  • Đường cũng liên quan đến chứng sa sút trí tuệ và suy giảm trí nhớ; nó còn làm tăng nồng độ axit uric trong máu, khiến bệnh Gout phát triển hoặc trở nên trầm trọng hơn.

Vậy mỗi ngày nên tiêu thụ bao nhiêu đường là đủ?

Các nhà nghiên cứu từ Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) cho biết, lượng đường thêm vào tối đa một ngày với nam giới là 150 calo (khoảng 37,5 g hoặc 9 muỗng cà phê đường), với phụ nữ là 100 calo (khoảng 25g hoặc 6 muỗng cà phê đường).

Trong chế độ ăn uống hàng ngày, có thể tính toán quy ước lượng đường như sau:

  • 1 bát cơm chứa khoảng 45-50g chất bột đường, cung cấp 180-200 Kcal
  • 1 củ khoai lang khoảng 160g chứa 45g chất bột đường
  • 1 muỗng cà phê đường cát chứa 4g đường (muỗng vun sẽ chứa 8g)
  • 1 muỗng canh đường cát (loại muỗng 8ml dùng để ăn phở) chứa 6g đường (với muỗng vun là 14g)

Các loại nước ngọt, từ nước trái cây đóng hộp, trà chanh đóng chai, soda chanh đến nước ngọt có gas… chứa từ 10-14 gram đường / 100 gram sản phẩm. Nước tăng lực chứa 19 gram đường / 100 gram sản phẩm.

Nghĩa là một lon nước ngọt 330ml đã chứa khoảng 34 gram đường, quá cao so với mức cho phép mỗi ngày.

Không chỉ các loại nước ngọt, các thực phẩm được khuyên dùng như sữa cũng chứa một lượng đường không nhỏ. Cụ thể, sữa có đường chứa khoảng 6-10 gram đường / 100 gram sản phẩm (cao nhất ở sữa có vị socola); sữa chua chứa khoảng 10 gram đường / 100 gram sản phẩm.

Do đó, việc hạn chế tiêu thụ đường không chỉ giới hạn ở các loại đồ uống ngọt mà còn cả những thực phẩm được khuyên dùng như sữa.

Hoàng Tuấn (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Ăn sô-cô-la và kẹo thường xuyên, người đàn ông bị máu trắng sệt ‘như sữa đặc’