Phát hiện bằng chứng về cuộc sống hiện đại của 5.000 năm trước: Một quán rượu của cư dân đô thị 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người cổ đại khu vực Lưỡng Hà đã sống cuộc sống như nhiều người hiện đại ngày nay, họ ghé vào quán rượu trên đường đi làm về; để tận hưởng khoảnh khắc thư giãn sau một ngày làm việc. Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu bằng chứng về cuộc sống như vậy.

Phần còn lại của một “quán rượu”—nguyên vẹn với tủ lạnh, bếp ăn, ghế dài, bát và cốc sứ có quai—đã được các nhà nghiên cứu khai quật ở Lagash, một khu đô thị cổ ở miền nam Iraq.

Các nhà khảo cổ từ Bảo tàng Penn và Đại học Pisa đã bắt tay vào nghiên cứu về cuộc sống của những người dân làm nghề thủ công thời văn minh sơ khai, nghề sản xuất đồ gốm; tiết lộ một bằng chứng cho thấy sự tồn tại của một “tầng lớp trung lưu” thời cổ đại.

Khám phá này trái ngược với những hiểu biết của chúng ta trước đây rằng, văn minh của xã hội ở khu vực này của thế giới vào thời điểm đó chỉ có hai giai cấp—thống trị và nô lệ.

Nằm ở Al-Hiba ngày nay, Lagash là một trung tâm đô thị lớn rộng 450 ha, tồn tại từ khoảng năm 3.500 đến năm 2.000 trước Công nguyên. “Đó là một trung tâm chính trị, kinh tế, tôn giáo lớn với dân số đông và thành phố phức tạp”, cô Holly Pittman, giám đốc dự án từ Bảo tàng Penn, nói với Epoch Times.

Hình ảnh chụp bằng máy bay không người lái từ trên không cho thấy Lagash, ở miền nam Iraq. (Ảnh: Dự án Khảo cổ học Lagash)
Các nhà nghiên cứu của Bảo tàng Penn phát hiện ra một quán rượu 5.000 năm tuổi ở Lagash vào mùa thu năm 2022. (Ảnh: Dự án Khảo cổ học Lagash)

Các cuộc khai quật khoa học đầu tiên diễn ra ở đây từ năm 1968 đến năm 1978, những nghiên cứu cuối cùng vào năm 1990 bị đình trệ do Chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư. Tiến sĩ Holly Pittman đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc nghiên cứu do Donald Hansen đứng đầu dự án vào năm 2007.

Các cuộc khai quật đã bị gián đoạn kéo dài cho đến năm 2019, và tháng 11 năm 2022 các nhà khoa học đã kết thúc cuộc khai quật thứ tư của họ. Những khám phá mới nhất này đã bắt đầu làm sáng tỏ cách thức tầng lớp ‘trung lưu' của vùng Lưỡng Hà sống cách đây 5.000 năm.

Sử dụng phương pháp chụp ảnh bằng máy bay không người lái và phép đo từ trường trong khu vực, các nhà khoa học đã xác định được bằng chứng về nghề gốm sứ cổ xưa, cho thấy sự hiện diện của 11 lò nung sứ. Các cấu trúc lò nung được làm cứng bằng nhiệt, do đó bảo tồn chúng qua hàng thiên niên kỷ.

Pittman cho biết, họ cũng đã tìm thấy một ‘bếp ăn lớn’ tại một ‘quán rượu’, cùng với tất cả các cấu trúc mà họ xác định là một “quán ăn công cộng”.

Tiến sĩ Holly Pittman, từ Bảo tàng Penn, tại Lagash vào tháng 12 năm 2018. (Được phép của Dự án Khảo cổ học Lagash)
Bức ảnh cận cảnh của quán rượu cho thấy một chiếc tủ lạnh cổ có tên là “zeer”, các kệ đựng thức ăn và một bếp ăn. (Ảnh: Dự án Khảo cổ học Lagash)

Dưới sự chỉ đạo của Tiến sĩ Sara Pizzimenti, từ Đại học Pisa, các nhà nghiên cứu đã tiến hành bóc tách vi địa tầng nhiều giai đoạn của các lớp lắng đọng nằm ngang, từng lớp một. Phân tích từng chi tiết một cách tỉ mỉ—thay vì đào thẳng và trực tiếp xuống đất—họ có thể nghiên cứu và phân tích đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Sau khi nghiên cứu ‘bếp ăn', phân tích từ ngăn này sang ngăn khác, đến sàn bếp; bếp ăn này là một khu vực có kích thước 3 x 6 mét, sâu khoảng 0,2 đến 0,3 mét.

Bên cạnh bếp ăn, còn có những chiếc ghế dài, những mảnh bát và cốc sứ cổ, phần lưu trữ thức ăn và một “thiết bị làm mát” 5.000 năm tuổi được gọi là ‘zeer’, để làm lạnh đồ giải khát và bảo quản đồ ăn— hay nói cách khác là chiếc tủ lạnh của quán ăn công cộng.

“Đó là một kết cấu hình tròn, có lẽ đường kính một mét”, Pittman nói. “Ở giữa hõm của vòng tròn này là một khoảng trống để đặt một cái bình lớn”. Vì ‘khoang lạnh' của kết cấu nằm dưới lòng đất nên nó có thể được che phủ và giữ mát; các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết, có lẽ nhờ sự trợ giúp của hệ thống thông gió và sự bốc hơi của nước trong các thùng chứa được tìm thấy xung quanh nó.

Bức ảnh cận cảnh của chiếc tủ lạnh cổ của quán rượu, được gọi là “zeer”. (Ảnh: Dự án Khảo cổ học Lagash)

Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng, sau một ngày làm việc, chế tạo những chiếc bình sứ hoặc đổ mồ hôi bên lò nung nóng; những người thợ gốm sứ đã ghé thăm quán rượu, tận hưởng khung cảnh ngoài trời và thưởng thức những vại bia mát lạnh và dùng một bữa ăn của nhà hàng.

Pittman nói: “Chúng tôi tìm thấy những chiếc cốc lớn có quai, vì vậy chúng tôi có thể khá chắc chắn rằng họ đã từng uống bia ở đó, vì bia là thức uống phổ biến nhất của người Sumer vào thời điểm đó”.

Trong khi các dự án trước đây có xu hướng tập trung nghiên cứu những cơ sở hạ tầng lớn—những tòa tháp khổng lồ, đền thờ, v.v—Pittman và nhóm của cô đang nhắm đến việc làm sáng tỏ cuộc sống của “những người bình dân” tham gia vào quá trình “sản xuất thủ công” các loại hàng hoá thông dụng.

Bản đồ quét từ kế hiển thị các công trình chính tại khu vực Lagash. (Ảnh: Dự án Khảo cổ học Lagash)

“Quán ăn công cộng là bằng chứng về cơ sở hạ tầng xã hội và kinh tế—có lẽ cả chính trị—đã được sử dụng cách đây 5.000 năm”, Pittman nói. “Cho đến thời điểm này, chưa ai thực sự điều tra về cuộc sống, công việc và nền kinh tế của những người bình dân trong thời kỳ đầu của nền văn minh này.”

Pittman và nhóm của cô cũng hy vọng sự liên kết chặt chẽ của dự án với các nhà khảo cổ và dân làng Iraq tại địa phương, cung cấp cho họ sự đào tạo, sẽ khơi dậy mối quan tâm của họ trong việc phục hồi di sản cổ xưa phong phú này.

Theo The Epoch Times

Ánh Dương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện bằng chứng về cuộc sống hiện đại của 5.000 năm trước: Một quán rượu của cư dân đô thị