Bé trai 5 tuổi đau quặn bụng từng cơn, bác sĩ sốc khi phát hiện núi giun ‘khổng lồ’ gây tắc ruột

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bé V.V.T. (5 tuổi, ngụ huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, đau quặn bụng từng cơn, chướng bụng. Chẩn đoán cho thấy bé bị tắc ruột do có búi giun đũa khổng lồ trong ổ bụng.

Bác sĩ chuyên khoa II Triệu Văn Bộ, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp tại Bệnh viện A Thái Nguyên, cho biết vừa tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp nhiễm giun nghiêm trọng.

Theo bác sĩ, vào thời điểm nhập viện, bé T. có biểu hiện mệt mỏi, chướng bụng và đau quặn từng cơn. Kết quả siêu âm, chụp ổ bụng và xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi có quá nhiều giun ký sinh trong bụng.

Bác sĩ đề nghị gắp giun ra ngoài cho bệnh nhi thông qua phẫu thuật. Trong quá trình này, bác sĩ phát hiện ruột non của bé giãn rộng, bên trong có búi giun đũa lớn gây tắc ruột. Liên tục hai giờ đồng hồ, hơn 30 con giun đã được gắp ra ngoài.

Tiếp đó, các bác sĩ tiến hành rửa và khâu phục hồi lại ổ bụng cho bé. Bệnh nhi được theo dõi hồi sức tích cực, uống kháng sinh, bù dịch và theo dõi. Đến nay, bé T. đã tỉnh táo và ổn định sức khoẻ.

Bác sĩ Bộ cho biết tình trạng giun quá nhiều gây tắc ruột là trường hợp hiếm gặp, do đó, đây là một ca cấp cứu nguy hiểm, nếu không xử lý kịp thời có thể gây hoại tử ruột và các biến chứng nặng, đe doạ đến sức khoẻ và tính mạng của bệnh nhân

Nói chung, có nhiều nguyên nhân gây tắc ruột. Ở trẻ em, lý do phổ biến nhất là giun đũa, triệu chứng thường thấy gồm đau quặn bụng, cơn đau tăng dần, thành bụng căng, giảm nhu động ruột, phúc mạc vùng bụng bị kích thích, nôn hoặc từng nôn ra giun.

Khi tình trạng kéo dài, nó có thể gây lồng xoắn ruột, xuất huyết hoặc hoại tử ruột. Trong trường hợp nghiêm trọng, tắc ruột do giun có thể gây thủng ruột, rối loạn điện giải, vô niệu và nguy hiểm đến tính mạng.

Những điều cần biết về giun đũa

Giun đũa rất phổ biến, tập trung chủ yếu ở các nước có khí hậu nóng ẩm, vệ sinh kém. Ở Việt Nam, các tỉnh phía Bắc có tỷ lệ nhiễm giun đũa cao nhất từ 60-95%, trong khi tỷ lệ này ở các tỉnh phía Nam chỉ 13-46%. Bình quân, mỗi người bệnh có khoảng 7 – 22 con giun đũa trong ruột.

Giun đũa ký sinh và gây bệnh phổ biến ở người, có dạng hình ống với kích thước lớn, dài cỡ đũa ăn, dễ nhận biết bằng mắt thường. Bề ngoài giun đũa có thân dài, màu trắng ngà hoặc hồng lợt, đầu và đuôi có hình chóp nón. Tuổi thọ giun đũa trung bình khoảng từ 12-18 tháng.

Trứng của loại giun này có hình bầu dục (phần lớn), thỉnh thoảng có dạng hình cầu, được bọc dưới lớp vỏ trong suốt. Do có vỏ dày nên chúng không chịu ảnh hưởng của các yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài.

Trứng giun đũa tồn tại khá “bền bỉ”. Ở nhiệt độ trên 10 độ C với độ ẩm hơn 80%, trứng giun có thể phát triển thuận lợi và tồn tại đến 5 năm. Trong điều kiện bóng mát của đất vườn, trứng có thể tồn tại lâu hơn, khoảng 7 năm.

Giun xâm nhập vào cơ thể qua nhiều con đường khác nhau, có thể là do con người vô tình nuốt phải trứng có ấu trùng do người bị bệnh đại tiện bừa bãi, hoặc ăn rau không sạch (tưới bằng phân tươi), sử dụng hố xí không hợp vệ sinh, nguồn nước; hoặc cũng có thể là do các loại côn trùng như ruồi, gián vận chuyển trứng từ nơi này đến nơi khác…

Khi trứng giun nằm trong dạ dày, ấu trùng sẽ tìm cách thoát ra khỏi trứng do tác động của dịch tiêu hoá và co bóp. Sau đó, chúng xuyên qua thành ruột theo hệ thống tĩnh mạch đến gan, tiếp theo, chúng lại rời khỏi gan để đến tim và phổi. Không dừng lại ở đó, ấu trùng giun vẫn tiếp tục di chuyển từ phổi đến khí quản để lên yết hầu. Từ đây, chúng lại quay xuống thực quản, dạ dày và ruột non, và phát triển hoàn thiện thành giun trưởng thành. Quá trình này kéo dài từ 2-2,5 tháng.

Trong khi ký sinh ở ruột non, giun đũa hấp thụ nhiều dưỡng chất của cơ thể, chẳng hạn như các loại vitamin A, B, C hay D, protein, glucid… Người bị nhiễm giun kéo dài có thể bị suy dinh dưỡng.

Khi số lượng quá lớn, giun cuộn vào nhau tạo thành núi, có thể gây tắc ruột.

Ngoài những biểu hiện như đau bụng quanh rốn, đau râm ran, đau quặn bụng từng cơn; nhiều trẻ còn có triệu chứng tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, ói mửa và chán ăn.

Trong trường hợp nhiễm độc tố do giun, người bệnh có thể bị co giật, động kinh, viêm màng não, dấu hiệu của bệnh thương hàn hoặc bệnh tả.

Giun đũa di chuyển bất thường sẽ gây tổn thương viêm ruột thừa, viêm tụy cấp do chui vào ống Wirsung, tắc mật do chui vào ống mật chủ, viêm túi mật, sỏi mật do xác hay trứng giun tạo thành sỏi, giun còn lên gan gây áp xe gan, thủng rụng, viêm phúc mạc. Một số trường hợp, giun lên dạ dày, lên miệng và ói ra giun.

Bác sĩ Bộ khuyến cáo phụ huynh cần hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh cá nhân, đặc biệt rửa tay trước khi ăn uống. Cả phụ huynh và trẻ nên ăn chín uống sôi, giữ môi trường sống sạch sẽ.

Không để móng tay của trẻ quá dài, dễ dính bám đất cát và lây nhiễm trứng giun. Phụ huynh nên tẩy giun cho trẻ theo định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần để đảm bảo sức khỏe cho con.

Hoàng Tuấn (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Bé trai 5 tuổi đau quặn bụng từng cơn, bác sĩ sốc khi phát hiện núi giun ‘khổng lồ’ gây tắc ruột