ChatGPT và sự thất bại của công nghệ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đây dường như là một chủ đề lớn cho thời đại chúng ta. Niềm tin rằng công nghệ sẽ giải quyết tất cả các vấn đề của con người đang bị vạch trần và mất đi sự ủng hộ.

Thị trường chứng khoán đang trong tình trạng ảm đạm khi Nvidia xuất hiện cùng với ChatGPT và làm sống lại sự lạc quan về công nghệ. Một sự đổi mới mới! Thứ trí tuệ hơn cả con người! Con người sẽ đánh mất việc làm vào tay máy móc! Kháng cự là vô ích vì vậy bạn nên mua cổ phiếu.

Đó là bảy tháng trước và chúng ta đã trải qua một giai đoạn khá thú vị. Và tất cả chúng ta đã thử nó. Các chuyên gia bắt đầu chỉ ra những lỗi của ChatGPT và chúng là những lỗi lớn. Dần dần chúng ta bắt đầu nhận ra một điều kỳ lạ. Đối với tất cả sự cường điệu và khả năng ấn tượng của nó trong việc xây dựng các câu tiếng Anh - điều mà hầu như không ai dưới 30 tuổi có thể làm được - nó không thực sự thông minh theo cách chúng ta nghĩ về thuật ngữ đó.

Thật vậy, toàn bộ công nghệ đã được đặt tên sai. “Trí tuệ nhân tạo” thực sự chỉ là một cách nhanh chóng để tìm kiếm sự khôn ngoan thông thường trên mạng, với cả những thứ sai và đúng. Ưu điểm của việc sử dụng công cụ là tiết kiệm thời gian. Bạn dành 5 giây thay vì 10 phút để tìm thứ bạn cần. Điều đó hữu ích nhưng không mang tính cách mạng. Và nó chắc chắn không phải là trí thông minh.

Nhưng sự cuồng nhiệt đang dần mất đi, một cách khá nhanh. Dữ liệu từ việc sử dụng web cho thấy một xu hướng đáng ngạc nhiên. Vào chính thời điểm mà việc sử dụng được cho là tăng lên vì AI đang chiếm lĩnh thế giới, thì trên thực tế, việc sử dụng đã giảm. Điều này không nằm trong kịch bản.

Chúng ta không nên thần thánh hóa công nghệ ngay từ đầu
Biểu đồ lượng truy cập trên máy tính để bàn và di động trên toàn cầu của các ứng dụng AI tính theo tháng. Đường màu xanh lam: chat.openai.com. Đường màu da cam: bing.com. Đường màu tím: character.ai. Đường màu đen: bard.google.com. (Ảnh: Jeffrey A. Tucker)

Biểu đồ lượng truy cập trên máy tính để bàn và di động trên toàn cầu của các ứng dụng AI. Đường màu xanh lam: chat.openai.com. Đường màu da cam: bing.com. Đường màu tím: character.ai. Đường màu đen: bard.google.com. (Ảnh: Jeffrey A. Tucker)

Việc mất đi sự cuồng nhiệt là một vấn đề lớn đối với một công nghệ khiến công ty phải trả 700.000 USD / ngày chỉ để vận hành. Nếu mức sử dụng giảm, đầu tư cũng vậy và mọi thứ có thể kết thúc trong vòng vài tháng.

Theo một cách nào đó, ChatGPT khiến tôi nhớ đến vaccine COVID. Đó là một cái tên tuyệt vời nhưng lại là một sai lầm trong đặt tên. Đó không phải là AI và nó không phải là vaccine. Đó là một thứ đã lợi dụng danh tiếng tốt của một thứ khác vì lý do tiếp thị. Nó được cho là có thể giải quyết mọi vấn đề cho đến khi nó thất bại. Và khi mà ChatGPT lan truyền thông tin sai lệch - và nó lan truyền thứ đó trên vô số chủ đề - nó đang gây hại. Dù sao đi nữa, sự phấn khích cuồng nhiệt dường như đang chuyển sang sự lãnh đạm và không quan tâm.

Vạch trần công nghệ

Đây dường như là một chủ đề lớn cho thời đại chúng ta. Niềm tin rằng công nghệ sẽ giải quyết tất cả các vấn đề của chúng ta đang bị vạch trần, mất đi sự tin tưởng, không được ủng hộ và dần không còn được áp dụng.

Phương tiện truyền thông xã hội là một trường hợp điển hình. Nó đến với chúng ta với lời hứa mang cho chúng ta tiếng nói. Tôi đã viết cả một cuốn sách ca ngợi những thành tựu tuyệt vời của nó và những điều nó hứa hẹn cho tương lai. Sự giải phóng tất cả mọi người khỏi băng đảng của những kẻ kiểm soát tư tưởng cũng như khỏi giới hạn vật lý đối với sự tương tác giữa con người với nhau! Tôi đã không ngờ rằng cuối cùng tất cả các công ty liên kết với các nền tảng lớn nhất sẽ chuyển giao hệ thống máy móc của họ cho các nhân viên chính phủ liên bang trong khi thu thập và tiếp thị dữ liệu người dùng như một mô hình kinh doanh.

Khi nhìn lại, tất cả dường như là không thể tránh khỏi. Lời hứa không làm điều ác của Google lẽ ra phải được coi là điều ngược lại, một điềm báo trước rằng một ngày nào đó nó sẽ chủ yếu làm điều ác. Giờ đây, kết quả tìm kiếm của nó bị sai lệch ở mức độ rất cao để ủng hộ lợi ích của giai cấp thống trị và nền tảng video YouTube của nó kiểm duyệt tàn nhẫn bất kỳ ai chống đối tuyên truyền của chế độ. Điều này vẫn đang diễn ra ngày hôm nay.

Thật may mắn, ông Elon Musk đã giải phóng Twitter nhưng điều này đã kích động tất cả mọi hình thức tấn công. Chỉ một ngày sau khi một thẩm phán ở Louisiana nói với các cơ quan hành pháp rằng họ không thể làm việc với các nền tảng xã hội để kiểm duyệt, ông Mark Zuckerberg của Meta đã công bố đối thủ cạnh tranh trực tiếp đối với Twitter. Ông Zuckerberg đã khoe khoang về sự khởi đầu rực rỡ nhưng đó là một con bò bị thiến: ông ấy đã gắn kết nền tảng Instagram hiện có với nền tảng mới của mình có tên là Threads.

Chúng ta không nên thần thánh hóa công nghệ ngay từ đầu
Bức ảnh kết hợp được tạo ra vào ngày 22/06/2023 với ông Elon Musk và ông Mark Zuckerberg. (Ảnh: Mandel Ngan, Alain Jocard/AFP qua Getty Images)

Threads ngay lập tức bắt đầu kiểm duyệt bài viết. Vào ngày đầu tiên! Nhận ra trò lừa đảo, nhiều người trong đó có tôi đã ngay lập tức xóa tài khoản Instagram để ông Zuckerberg không thể đạt được mục đich. Tôi có thể nói với bạn rằng, không dễ để thoát khỏi tài khoản này. Ngay cả khi đó, nền tảng sẽ không loại bỏ nó ngay lập tức. Họ giữ bạn lại cả tháng cho đến khi họ sẵn sàng, điều này khiến tôi thấy hết sức phi đạo đức. Tôi muốn rời đi ngay bây giờ nhưng tôi không thể làm gì được. Họ sở hữu dữ liệu của tôi!

Việc nói rằng một trong những nền tảng lớn này là phi đạo đức giờ đây hầu như không còn là tin mới. Chúng ta đã dự đoán về điều đó. Tôi đã từng có niềm tin lớn vào chúng. Bây giờ thì không còn như vậy. Giống như hàng triệu người khác, tôi cảm thấy bị phản bội bởi toàn bộ quá trình.

Công nghệ chắc chắn có vị trí của nó, nhưng nó sẽ không giải quyết được tất cả các vấn đề của con người và tự nhiên. Không có mũi tiêm nào có thể khiến virus corona biến mất. Không có loại thuốc hay ca phẫu thuật nào có thể biến đàn ông thành đàn bà hay đàn bà thành đàn ông. Bạn có thể gọi ai đó theo cách xưng hô nào đó, nhưng sự khác biệt về nhiễm sắc thể ảnh hưởng đến toàn bộ cấu trúc thể chất và tâm lý của con người. Tại sao mọi người lại có thể tin vào điều ngược lại?

Thật đáng kinh ngạc, giữa tất cả sự nhiệt tình điên cuồng và không đúng chỗ đối với công nghệ này, các cơ quan quản lý vẫn đang bận rộn hủy hoại các công nghệ được phát minh ra từ nhiều thập kỷ trước đến mức chúng không còn hoạt động hiệu quả nữa. Máy giặt, máy rửa bát đĩa, bàn ủi, vòi hoa sen, bồn vệ sinh và tủ lạnh không còn hoạt động như trước do các công cụ “tiết kiệm năng lượng”. Đối với hệ thống đốt trong, thứ đã mang lại cho chúng ta cuộc Cách mạng Công nghiệp, nó cũng là một mục tiêu. Bây giờ loài người sẽ sử dụng các công nghệ mới để loại bỏ các công nghệ cũ mà loài người không thích.

Tính tự phụ của các nhà kỹ trị là không thể tin được. Họ nói rằng một ngày nào đó họ sẽ thay thế động vật bằng bọ và thịt nuôi trong phòng thí nghiệm. Họ có thể thử nhưng nó sẽ phải trả giá bằng chính sức khỏe con người. Có những giới hạn đối với những gì thiên tài có thể đạt được. Ngay cả bệnh tật cũng không thể chữa khỏi bằng một viên thuốc và một mũi tiêm, bất chấp những tuyên bố hoang đường. Không phải mọi căn bệnh dường như thuộc về tâm lý đều có thể được chữa khỏi bằng thuốc hướng thần.

Đối với tất cả những điều tuyệt vời mà công nghệ từng đạt được, cái giá phải trả cho những cải tiến mới ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta. Mọi người bị đầu độc bởi các công ty dược phẩm, những tổ chức đã mua chuộc và hiện đang kiểm soát chính phủ. Và những thí nghiệm điên rồ, tưởng tượng rằng chúng ta có thể chặn ánh nắng mặt trời để kiểm soát khí hậu, sẽ chỉ dẫn đến nhiều thảm họa hơn.

Chúng ta không nên thần thánh hóa công nghệ ngay từ đầu
Logo của công ty OpenAI được phản chiếu trong mắt người tại một studio ở Paris vào ngày 06/06/2023. (Ảnh: JOEL SAGET/AFP qua Getty Images)

Vị thần thất bại

Chắc chắn là, tôi đang nhận ra một điều mới sau ba năm thảm họa này. Giống như nhiều người, tôi đang dành sự quan tâm đến những cách sống và làm việc gần gũi với thiên nhiên mà không cần đến tất cả những công cụ mà tôi từng nghĩ sẽ thay đổi cuộc sống trên trái đất theo hướng tốt đẹp hơn. Tất cả các máy “Google Home” của tôi đều nằm trong thùng rác và tôi thậm chí không thể mô tả sự phấn khích của mình khi xóa tài khoản Instagram của mình.

Công nghệ là một vị thần thất bại. Chúng ta không bao giờ nên biến nó thành một vị thần ngay từ đầu. Vào cuối thế kỷ 19, công nghệ có một cái tên hay hơn: nghệ thuật thực hành. Điều đó rất nhân văn: nghĩ ra những cách mới để làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn theo những cách nghệ thuật. Tôi ủng hộ điều đó. Nhưng việc các nhà kỹ trị quản lý toàn bộ cuộc sống của chúng ta thông qua các món đồ chơi và thuốc men có vẻ là một ý tưởng rất tồi.

Vì vậy, vâng, tôi sẽ tiếp tục sử dụng ChatGPT chừng nào nó còn phù hợp, đồng thời luôn ghi nhớ rằng không có “trí thông minh” điện tử nào có thể thay thế trí óc con người. Chúng ta hãy trau dồi năng lực và trí tuệ mới để biết sự khác biệt giữa đâu là thực và đâu chỉ là một sự cường điệu mới mẻ, thứ sẽ cùng Alexa và Google Home đi vào thùng rác.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo học thuật và phổ thông, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.



BÀI CHỌN LỌC

ChatGPT và sự thất bại của công nghệ