Cổ phiếu công nghệ Mỹ sẽ bay cao tới bao giờ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tính từ đầu năm tới nay, các gã khổng lồ công nghệ Mỹ đang có kết quả vượt trội về cổ phiếu. Có những lý do cho việc này, tuy nhiên, các số liệu kinh tế cơ bản cho thấy xu hướng này sẽ khó kéo dài lâu.

Tại bữa tiệc trưa thường niên của Câu lạc bộ nam sinh ở New York vào ngày 04/04, một vị khách 16 tuổi đã hỏi nhà quản lý quỹ phòng hộ Chase Coleman rằng cậu ta nên mua loại cổ phiếu nào.

Đó là một câu hỏi dễ trả lời.

Ông Coleman nói, hãy mua FAANG, đề cập đến từ viết tắt của một số cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn có bao gồm Apple, Alphabet và Meta Platforms.

Liệu có phải mọi thứ đã trở lại năm 2018 không?

Các cổ phiếu công nghệ đã phải chịu một đợt giảm giá mạnh vào năm ngoái khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu một loạt các đợt tăng lãi suất lớn. Chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 33% vào năm 2022, kết quả tồi tệ nhất kể từ năm 2008.

Nhưng quý đầu tiên của năm nay là một sự đảo ngược hoàn toàn. Các cổ phiếu công nghệ vốn giảm mạnh vào năm 2022 bất ngờ tăng vọt. Tính từ đầu năm đến ngày 06/04, cổ phiếu của Apple tăng 31,7%, Netflix tăng 15,1%, Alphabet tăng 21,4% và Meta Platforms tăng đáng kinh ngạc 73,2%. So với mức tăng 7,3% của S&P 500 trong cùng thời kỳ, những gã khổng lồ công nghệ này đã có kết quả vượt trội hơn rất nhiều.

Lý do cho sự tăng giá

Một vài yếu tố đang thúc đẩy điều này. Tuy nhiên các yếu tố này đều ít tính đến các số liệu kinh tế cơ bản.

Yếu tố đầu tiên có vẻ là một lập luận cũ rích và khiến người ta mệt mỏi. Chúng ta biết rằng ngành công nghệ rất nhạy cảm với lãi suất. Các nhà đầu tư cho rằng Fed gần như đã hoàn thành đợt thắt chặt tiền tệ và lãi suất sẽ đi ngang từ đây, hoặc thậm chí suy giảm. Đó là thứ lập luận về việc "Fed xoay trục" mà chúng ta đã nghe trong nhiều tháng nay.

Một yếu tố khác là việc coi công nghệ là nơi trú ẩn an toàn. Thị trường nói chung đã bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về sức khỏe của khu vực tài chính. Các nhà đầu tư đã hoảng sợ sau sự sụp đổ của hai ngân hàng khu vực, trong khi một ngân hàng khác - Credit Suisse - đang phải chấp nhận một cuộc hôn nhân vội vã với UBS. Những ngân hàng khác bao gồm First Republic Bank dường như vẫn đang nhờ cậy sự trợ giúp để duy trì sự sống. Các nhà đầu tư đang rời xa lĩnh vực tài chính và tìm đến những gã khổng lồ công nghệ với bảng cân đối kế toán an toàn hơn và khả năng sinh lời mạnh mẽ.

Yếu tố thứ ba là công nghệ và sự đổi mới một lần nữa đã chiếm được trí tưởng tượng của người tiêu dùng. Nếu một ngành nào đó bị vùi dập đủ lâu, các nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm những điểm sáng. Và đó là trường hợp của lĩnh vực công nghệ hiện nay.

Sự cuồng nhiệt xung quanh các chatbot AI như ChatGPT đã khơi lại triển vọng tăng trưởng cho điện toán đám mây. Việc cắt giảm chi phí trong toàn ngành và các đợt cắt giảm nhân viên hàng loạt được coi là một bước phát triển tích cực dưới con mắt của các nhà đầu tư. Lợi nhuận có vẻ sẽ trở thành trọng tâm chính của các giám đốc điều hành trong lĩnh vực công nghệ. Các vấn đề về cấu trúc vốn gây khó khăn cho ngành từ năm ngoái hoặc lâu hơn, chẳng hạn như dư thừa hàng tồn kho vi mạch và các vấn đề về chuỗi cung ứng, đang được giải quyết.

Về cơ bản, so với sự hỗn loạn và thảm họa chung được tìm thấy ở những nơi khác, lĩnh vực công nghệ có vẻ ổn định hơn dưới lăng kính của các nhà đầu tư.

Câu hỏi đặt ra là liệu hiện tượng này sẽ chỉ là tạm thời hay công nghệ sẽ tiếp tục tỏa sáng?

Các thông tin cơ bản tiêu cực

Cổ phiếu công nghệ Mỹ sẽ bay cao tới bao giờ?
Màn hình hiển thị hình ảnh của Microsoft và ChatGPT, phần mềm đàm thoại ứng dụng trí tuệ nhân tạo do OpenAI phát triển. (Ảnh: Lionel Bonavoji/AFP qua Getty Images)

Chúng ta phải xem xét các số liệu kinh tế cơ bản. Tăng trưởng doanh thu đang chậm lại và đó là lý do chính khiến các công ty công nghệ ráo riết cắt giảm nhân viên. Khi doanh thu đang chậm lại, chi phí phải được cắt giảm để đáp ứng kỳ vọng về lợi nhuận. Việc thực hiện các khoản cắt giảm chi phí này cùng với các khoản đầu tư thận trọng vào đổi mới và các lĩnh vực hứa hẹn tăng trưởng trong tương lai như AI sẽ dẫn dắt tình hình phát triển của các công ty trong tương lai.

Một bất lợi cho ngành công nghệ là việc định giá vẫn đang rất cao. Tỷ lệ giá cổ phiếu trên lợi nhuận tương lai của Nasdaq là khoảng 24, cao hơn đáng kể so với con số 17 của S&P 500. Các công ty công nghệ thường được giao dịch với tỷ lệ cao hơn so với S&P 500, nhưng đây vẫn là mức chênh lệch lớn khi so sánh với mức trung bình trong 10 năm qua.

Lĩnh vực công nghệ là một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất về kinh tế. Liệu các công ty và người tiêu dùng có tiếp tục chi tiêu và tăng chi tiêu cho các dịch vụ CNTT không? Các tập đoàn đang thu hẹp. Ngoài giữ nguyên hiện trạng, chi tiêu vốn (chi tiêu vào tài sản cố định) và chi tiêu cho các dịch vụ công nghệ mới đang giảm tốc. Và về phía người tiêu dùng, tiền lương và tỷ lệ có việc làm đang được duy trì ổn định cho đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, ta khó có thể chứng kiến người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ và tiện ích phát trực tuyến.

Và cuối cùng, chúng ta phải quay lại vấn đề lãi suất. Lãi suất cao có thể là một rào cản khác đối với việc tiếp tục đổ tiền vào công nghệ. Khi các quỹ thị trường tiền tệ (các quỹ tương hỗ đầu tư vào tài sản có tính thanh khoản cao và ít rủi ro) và trái phiếu kho bạc phi rủi ro có lãi suất từ 4 đến 5%, liệu lợi nhuận đã điều chỉnh theo rủi ro của cổ phiếu công nghệ có đủ cao khi xét đến tình trạng bấp bênh của nền kinh tế toàn cầu không?

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Fan Yu là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế, đã có nhiều bài phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.



BÀI CHỌN LỌC

Cổ phiếu công nghệ Mỹ sẽ bay cao tới bao giờ?