Nói không với Metaverse, nói không với WEF

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với việc Meta đang cho thấy ý định rút lui, metaverse có vẻ sẽ khó trở thành sự thực. WEF có thể nuôi tham vọng với metaverse, nhưng WEF sẽ không thành công nếu metaverse không tồn tại. Hãy hy vọng metaverse không bao giờ thực sự hiện hữu và WEF không bao giờ đạt được những tham vọng đáng ngờ của mình.

Metaverse, bạn có thể đã quen thuộc với khái niệm này. Nó giống như Internet, nhưng ở dạng 3D. Thay vì lướt web, mọi người sẽ sống trong đó. Ban đầu, kiểu “sống” này sẽ được thực hiện thông qua nhân vật đại diện. Tuy nhiên, một ngày nào đó, trong tương lai không xa, theo Mark Zuckerberg, một trong những kiến trúc sư trưởng của metaverse, con người sẽ thực sự chuyển đến đó và bỏ lại thực tại phía sau.

Ai sẽ cai trị thế giới mới này?

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tổ chức quốc tế đứng sau sáng kiến Tái lập Vĩ đại, có những kế hoạch lớn cho metaverse. Đầu năm nay, các thành viên WEF đã gặp nhau tại Davos để thảo luận về nhiều cách thức mà ID kỹ thuật số sẽ trở thành một phần cơ bản trong không gian thực tế ảo này.

Cũng trong khoảng thời gian diễn ra cuộc họp này, WEF và Accenture, một công ty lớn chuyên về mọi thứ liên quan đến kỹ thuật số, đã xuất bản một tài liệu tóm tắt thảo luận về metaverse và nhận dạng kỹ thuật số. Với tiêu đề “Khả năng tương tác trong Metaverse”, bài báo gọi nhận dạng kỹ thuật số là “sự liên kết với metaverse có thể tương tác”, tạo điều kiện cho “trách nhiệm giải trình và khả năng di chuyển giữa các thế giới với những ma sát tối thiểu”. Danh tính kỹ thuật số đặt nền tảng cho hệ thống tín nhiệm xã hội, loại hình kiểm soát mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rõ ràng đang ủng hộ. ID kỹ thuật số lưu trữ thông tin đăng nhập và ghi lại các hành vi của bạn, bao gồm hoạt động trên mạng xã hội, các trang web bạn truy cập, tình trạng sức khỏe hiện tại, nơi làm việc, địa chỉ nhà riêng và vị trí địa lý của điện thoại thông minh của bạn.

Chúng ta phải làm mọi thứ trong khả năng của mình nhằm nói không với cả WEF và metaverse. Rất may, chúng ta có thể không phải tốn quá nhiều sức để nói không với phiên bản tiếp theo của Internet. Bạn thấy đấy, metaverse vẫn chưa thực sự hiện hữu. Và có vẻ, nó có thể sẽ không bao giờ được hiện hữu.

Nói không với Metaverse, nói không với WEF
Ông Gavin Menichini sử dụng Oculus Quest 2 VR để trình diễn chương trình thực tế ảo, ngày 28/01/2022, tại Austin, Texas. (Ảnh: Sergio Flores / AFP qua Getty Images)

Một dự án chết?

Trong một bài báo gần đây cho South China Morning Post, tôi đã thảo luận về nhiều lý do khiến metaverse, cho đến nay, đơn giản là không thể ra đời. Nói tóm lại, nó đã bị thổi phồng và liên tục gây thất vọng.

Chúng ta vẫn chưa sống trong metaverse. The New York Times khẳng định đợt bùng nổ nhà ở tiếp theo sẽ diễn ra trong metaverse. Chà, nó sẽ không như vậy. Nó không thể. Làm thế nào một đợt bùng nổ có thể xảy ra ở một nơi thậm chí không tồn tại? Đây là một câu hỏi đặc biệt quan trọng cần đặt ra khi nhiều kiến ​​trúc sư của metaverse đang hạ bỏ dụng cụ và rút lui vào bóng tối.

Một trong những công ty đang rút lui là Facebook, hay có lẽ tôi nên gọi là Meta. 18 tháng trước, Facebook đổi tên thành Meta. Cái tên mới, khiến nhiều người trong cộng đồng công nghệ ngạc nhiên, được cho là phản ánh tham vọng của công ty trong việc tạo ra một thế giới mới, có thể ở được, hoạt động nhờ các hình đại diện hợp mốt và các thiết bị đeo thú vị.

Năm ngoái, ông Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành của Meta, đã gọi metaverse là “chương tiếp theo của Internet”, một chương mà ông ấy đã hoàn toàn có ý định viết ra.

Nói không với Metaverse, nói không với WEF
Một người đi bộ ngang qua logo Meta trước trụ sở Facebook ở Menlo Park, California, ngày 28/10/2021. (Ảnh: Justin Sullivan / Getty Images)

Tuy nhiên, giờ đây, tác giả đầy tham vọng này dường như có kế hoạch khác, nhấn mạnh rằng không gian ảo không còn là ưu tiên hàng đầu của Meta nữa. Điều này giống như việc tổng thống Mỹ nói rằng nước Mỹ không còn là ưu tiên hàng đầu của ông, hay Elon Musk, CEO kiêm kỹ sư trưởng của SpaceX, gọi việc thám hiểm không gian là sự lãng phí thời gian. Tuy nhiên, khi người ta thừa nhận một sự thật đơn giản, khá phũ phàng, thì mong muốn của ông Zuckerberg trong việc không viết ra chương mới về metaverse trở nên hoàn toàn dễ hiểu: năm ngoái, Reality Labs, đơn vị nghiên cứu thế giới ảo của Meta, đã ghi nhận khoản lỗ vận hành 13,7 tỷ USD.

Đó là rất nhiều tiền để lãng phí vào một dự án lố bịch.

Bà Jemma Kelly, cây bút của Financial Times, gần đây đã chỉ ra rằng, kể từ đầu năm 2022, lưu lượng tìm kiếm cho từ “metaverse” đã giảm khoảng 80%. Hai năm trước, metaverse là một chủ đề thảo luận nóng. Hôm nay, đó đã là tin tức của ngày hôm qua.

Tương tự như vậy, Meta dường như cũng là tin tức của ngày hôm qua. Thật không thể tin được, Meta, từng là công ty công nghệ lớn nhất thế giới, giờ thậm chí còn không nằm trong top 20 công ty có giá trị nhất của Mỹ. Ông Zuckerberg đã đánh một canh bạc liều lĩnh, đặt tất cả những quả trứng ảo của mình vào rổ metaverse. Rõ ràng là vụ cá cược đã không được đền đáp. Ngày nay, thay vì thuê nhân viên mới để xây dựng metaverse, Meta đang để hàng nghìn nhân viên ra đi. Microsoft, một công ty công nghệ khổng lồ khác, cho đến rất gần đây, vẫn đam mê metaverse, cũng đang quay lưng lại với “Internet mới”. Điều này cũng đúng với Tencent, một trong những công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc.

Đến năm 2030, tất cả chúng ta được cho là sẽ sống trong metaverse. Trên thực tế, vào cuối thập kỷ này, chúng ta vẫn sẽ sống ở đây, trên hành tinh trái đất, sử dụng điện thoại để truy cập Internet. Điện thoại, không phải một tai nghe VR (thực tế ảo) thảm hại nào đó, sẽ vẫn là thiết bị chính để truy cập thế giới ảo.

WEF có thể nuôi tham vọng chinh phục metaverse, nhưng nó không thể chinh phục thứ không tồn tại. Hãy hy vọng metaverse không bao giờ thực sự hiện hữu và WEF không bao giờ đạt được những tham vọng đáng ngờ của mình.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả John Mac Ghlionn là nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Bài viết của ông được đăng trên nhiều tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US, và những tờ báo uy tín khác. Ông chuyên viết về tâm lý và quan hệ xã hội, rất quan tâm đến các rối loạn chức năng xã hội và thao túng truyền thông.



BÀI CHỌN LỌC

Nói không với Metaverse, nói không với WEF