'Tái lập vĩ đại' sẽ dựng nên một nhà tù mà người dân khó có thể thoát ra (Phần 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tái lập vĩ đại sẽ mang tới một tương lai đen tối cho con người. Những doanh nghiệp không tuân theo văn hóa tỉnh thức sẽ bị loại bỏ. Chính quyền hợp tác cùng các tập đoàn lớn nhằm kìm kẹp người dân. Tự do bị tước đoạt khi công nghệ được phát triển để kiểm soát con người. Tái lập vĩ đại giống với 'chủ nghĩa tư bản mang đặc sắc Trung Quốc'.

Mời độc giả đọc lại phần 1 tại đây.

Văn hóa thức tỉnh: Công bằng xã hội trong Tái lập vĩ đại

Kế hoạch Tái lập vĩ đại đưa tới một hỗn hợp kinh tế đầy khó hiểu — chủ nghĩa tư bản các bên liên quan của ông Schwab - khái niệm mà tôi gọi là “chủ nghĩa xã hội doanh nghiệp” và được nhà triết học người Ý Giorgio Agamben gọi là “chủ nghĩa tư bản cộng sản”.

Một cách ngắn gọn, chủ nghĩa tư bản các bên liên quan bao gồm việc sửa đổi hành vi của các công ty nhằm phục vụ không phải chỉ cổ đông, mà cả các bên liên quan - các cá nhân và nhóm được hưởng lợi hoặc chịu tổn thất do hoạt động của công ty. Chủ nghĩa tư bản các bên liên quan không chỉ đòi hỏi các doanh nghiệp phải có phản ứng đối với đại dịch và các vấn đề sinh thái như biến đổi khí hậu, "mà còn phải nhìn nhận lại về các cam kết của [công ty] đối với các cộng đồng vốn đã dễ bị tổn thương trong hệ sinh thái của các công ty”. Đây là khía cạnh “công bằng xã hội” của Tái lập vĩ đại. Để tuân thủ điều đó, các chính quyền, ngân hàng và các nhà quản lý tài sản sử dụng chỉ số Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) để loại bỏ các công ty và doanh nghiệp không tỉnh thức ra khỏi thị trường (tỉnh thức: sự ủng hộ về các vấn đề như phân biệt chủng tộc, nữ quyền…). Chỉ số ESG về cơ bản là một chỉ số tín nhiệm xã hội được sử dụng để lấy đi quyền sở hữu hoặc kiểm soát hoạt động sản xuất khỏi những người không tỉnh thức hoặc không tuân thủ.

Một trong nhiều “đối tác chiến lược” quyền lực của WEF, BlackRock, nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới, luôn ủng hộ mô hình kinh tế các bên liên quan. Trong một lá thư gửi tới các CEO năm 2021, Giám đốc điều hành của BlackRock, Larry Fink, tuyên bố rằng “rủi ro khí hậu là rủi ro đầu tư” và “việc hình thành hoạt động đầu tư dựa trên chỉ số bền vững đã giúp tăng tốc rót vốn mạnh mẽ cho các công ty có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó với rủi ro khí hậu”. Ông Fink viết, đại dịch COVID đã thúc đẩy dòng tiền đầu tư bền vững:

Từ lâu, chúng tôi đã tin rằng khách hàng của chúng tôi, với tư cách là cổ đông trong công ty của bạn, sẽ được hưởng lợi nếu bạn có thể tạo ra giá trị lâu dài, bền vững cho tất cả các bên liên quan của bạn…. Khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư lựa chọn đầu tư hướng tới các công ty tập trung vào tính bền vững, thì sự thay đổi quan trọng mà chúng ta đang thấy sẽ còn tăng tốc hơn nữa. Và bởi vì điều này sẽ có tác động mạnh mẽ đến cách phân bổ nguồn vốn, mọi đội ngũ quản lý và hội đồng quản trị sẽ cần phải xem xét ảnh hưởng của nó đến cổ phiếu của công ty họ.

Bức thư của Fink không chỉ là một báo cáo dành cho các CEO. Đó là một lời đe dọa ngầm: hãy thức tỉnh hoặc chịu hậu quả.

Tái lập vĩ đại gia tăng vai trò của chính quyền và xu hướng độc quyền

Trong cuốn sách gần đây về Sự tái lập vĩ đại, ông Schwab và Malleret đã đối chọi “chủ nghĩa tư bản các bên liên quan” với “chủ nghĩa tân tự do”, định nghĩa khái niệm thứ 2 là “một tập hợp các ý tưởng và chính sách… đề cao sự cạnh tranh hơn sự đoàn kết, sự phá hủy sáng tạo hơn sự can thiệp của chính quyền và tăng trưởng kinh tế hơn phúc lợi xã hội." Nói cách khác, “chủ nghĩa tân tự do” dùng để chỉ hệ thống doanh nghiệp tự do. Để chống lại hệ thống đó, chủ nghĩa tư bản của các bên liên quan đòi hỏi sự hợp tác của doanh nghiệp với nhà nước và gia tăng đáng kể sự can thiệp của chính quyền vào nền kinh tế.

Những người ủng hộ Tái lập vĩ đại cho rằng “chủ nghĩa tân tự do” phải chịu trách nhiệm về những tai họa kinh tế của chúng ta. Nhưng trên thực tế, sự ưu ái của chính quyền đối với các ngành công nghiệp và đối tượng tham gia các ngành — thứ từng được gọi là chủ nghĩa nghiệp đoàn hay chủ nghĩa phát xít kinh tế (đề cao sự can thiệp của chính quyền vào nền kinh tế) — là nguồn gốc thực sự của những điều tiêu cực bị ông Schwab và các đồng minh của ông tại WEF chỉ trích.

Tái lập vĩ đại có xu hướng ủng hộ độc quyền — trao quyền kiểm soát sản xuất và phân phối cho càng ít tập đoàn được ưu ái càng tốt, đồng thời loại bỏ các ngành và nhà sản xuất được coi là không thiết yếu hoặc có hại. Để Tái lập vĩ đại có thể diễn ra, ông Schwab viết: “Mọi quốc gia, từ Mỹ đến Trung Quốc, đều phải tham gia, và mọi ngành, từ dầu khí đến công nghệ, đều phải chuyển đổi”.

​​Mô hình các bên liên quan của Tái lập vĩ đại phù hợp với mô hình quản trị và địa chính trị của nó: nhà nước và các tập đoàn được ưu ái kết hợp lại theo quan hệ đối tác công tư và cùng có quyền kiểm soát hoạt động quản trị. Con lai giữa doanh nghiệp và nhà nước này phần lớn không có trách nhiệm giải trình trước các cử tri.

Sự quản trị không chỉ ngày càng được tư nhân hóa, mà đáng chú ý hơn, các tập đoàn trở thành sự bổ sung quan trọng cho các chính quyền và các cơ quan liên chính quyền. Do đó, nhà nước được mở rộng, nâng cao và tăng cường bởi các tài sản khổng lồ của các tập đoàn. Các tổ chức tư nhân trở thành các bộ máy của nhà nước, và không có nghĩa vụ phải trả lời trước các cử tri khó tính. Vì các tập đoàn này là đa quốc gia, nên nhà nước về cơ bản trở thành nhà nước theo chủ nghĩa toàn cầu, không phụ thuộc vào việc một chính quyền toàn cầu có được chính thức hóa hay không.

Tái lập vĩ đại là 'chủ nghĩa tư bản mang đặc sắc Trung Quốc'

Một cách khác để mô tả mục tiêu của Tái lập vĩ đại là “chủ nghĩa tư bản mang đặc sắc Trung Quốc” — một nền kinh tế hai tầng, với các công ty độc quyền có nhiều lợi nhuận cùng với nhà nước ở tầng trên cùng và chủ nghĩa xã hội cho đa số ở bên dưới.

Vài thập kỷ trước, khi sự phụ thuộc ngày càng tăng của Trung Quốc vào các ngành hoạt động vì lợi nhuận của nền kinh tế không còn có thể bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phủ nhận một cách thuyết phục, giới lãnh đạo nước này đã dùng khẩu hiệu “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc” để mô tả hệ thống kinh tế của nước này. Được Đặng Tiểu Bình đề ra, cụm từ này nhằm hợp lý hóa việc ĐCSTQ cho phép sự hình thành các hoạt động vì lợi nhuận trong một hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. ĐCSTQ coi quá trình tư nhân hóa nền kinh tế Trung Quốc chỉ là một giai đoạn tạm thời - kéo dài tới 100 năm nếu cần - trên con đường tiến tới một xã hội cộng sản. Các nhà lãnh đạo của Đảng cho rằng cách tiếp cận này là cần thiết ở Trung Quốc vì chủ nghĩa xã hội đã ra đời quá sớm ở nước này, khi Trung Quốc còn là một nước nông nghiệp lạc hậu. Trung Quốc cần một sự tăng cường có tính tư bản.

Bỏ qua ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, hệ thống của Trung Quốc giống như một nhà nước xã hội chủ nghĩa hoặc cộng sản đang ngày càng được tài trợ bởi sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa. Sự khác biệt giữa Liên Xô trước đây và Trung Quốc đương đại nằm ở chỗ khi nền kinh tế xã hội chủ nghĩa rõ ràng đã thất bại, thì Liên Xô đã từ bỏ cái vỏ kinh tế xã hội chủ nghĩa của mình, còn Trung Quốc thì không.

Tại lập vĩ đại tượng trưng cho sự phát triển của hệ thống Trung Quốc ở phương Tây, nhưng theo hướng ngược lại. Trong khi giai cấp chính trị Trung Quốc bắt đầu với hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa và sau đó đưa vào đó sản xuất tư nhân vì lợi nhuận, thì phương Tây bắt đầu với chủ nghĩa tư bản và hiện đang thực hiện một hệ thống chính trị kiểu Trung Quốc. Hệ thống kiểu Trung Quốc này một mặt bao gồm sự can thiệp được gia tăng mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế, mặt khác nó chứa đựng các biện pháp độc đoán mà chính quyền Trung Quốc sử dụng để kiểm soát người dân của mình.

Khủng hoảng COVID-19 gia tăng quyền lực của nhà nước và thúc đẩy Tái lập vĩ đại

Ông Schwab và Malleret viết rằng nếu “5 thế kỷ qua ở châu Âu và châu Mỹ” đã dạy chúng ta điều gì đó, thì đó là “những cuộc khủng hoảng gay gắt góp phần thúc đẩy sự gia tăng quyền lực của nhà nước. Nó luôn là như vậy và không có lý do gì tình hình lại khác đi với đại dịch COVID-19”.

Các biện pháp phong tỏa hà khắc mà các chính quyền phương Tây áp dụng đã đạt được các mục tiêu mà các nhà ủng hộ chủ nghĩa xã hội doanh nghiệp (ủng hộ việc nhà nước ưu ái cho một số doanh nghiệp lớn) trong WEF chỉ có thể mơ ước — trên hết là việc tiêu diệt các doanh nghiệp nhỏ, loại bỏ các đối thủ cạnh tranh cho các công ty độc quyền được nhà nước ưu ái. Riêng tại Mỹ, theo Foundation for Economic Education, hàng triệu doanh nghiệp nhỏ đã phải đóng cửa do phong tỏa. Dữ liệu của Yelp chỉ ra rằng 60% việc đóng cửa đó giờ đã trở thành vĩnh viễn. Trong khi đó, các công ty như Amazon, Apple, Facebook và Google đã đạt được những lợi nhuận kỷ lục.

Những sự kiện khác thúc đẩy chương trình Tái lập vĩ đại bao gồm việc nhập cư không được kiểm soát, hạn chế đi lại đối với việc vượt biên hợp pháp, việc in tiền không bị hạn chế của Cục Dự trữ Liên bang và hậu quả lạm phát, việc tăng thuế, tăng phụ thuộc vào nhà nước, chuỗi cung ứng bị phá vỡ, các hạn chế và mất việc do quy định tiêm vaccine, và các viễn cảnh áp đặt giới hạn carbon cá nhân.

Sự công bằng của Tái lập vĩ đại không bao gồm giới tinh hoa

Những chính sách như vậy phản ánh khía cạnh “công bằng” của Tái lập vĩ đại — sự công bằng đòi hỏi phải hạ thấp tình trạng kinh tế của những người ở các quốc gia giàu có hơn như Mỹ xuống ngang với của những người ở các khu vực nghèo hơn trên thế giới. Một trong những nhiệm vụ của hệ tư tưởng thức tỉnh là làm cho đa phần người dân các nước phát triển cảm thấy tội lỗi về sự giàu có của họ. Giới tinh hoa hướng tới tái lập họ trở nên nghèo đi - điều này không được áp dụng cho chính giới tinh hoa, những người cần phải giàu có để có thể bay bằng máy bay phản lực riêng đến Davos mỗi năm.

Tái lập công nghệ: Một viễn cảnh đen tối khi công nghệ kiểm soát con người

Như thể việc tái lập đối với kinh tế và chính quyền không đủ ấn tượng, việc tái lập công nghệ giống với những gì diễn ra trong một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đen tối. Nó dựa trên cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư — được viết tắt là 4-IR. Các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba là các cuộc cách mạng về cơ khí, điện và kỹ thuật số. 4-IR đánh dấu sự hội tụ của các lĩnh vực hiện có và mới nổi, bao gồm dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, máy học, điện toán lượng tử, di truyền học, công nghệ nano và robot. Kết quả dự kiến ​​sẽ là sự hợp nhất của thế giới vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Sự hợp nhất này đặt ra một thách thức bản thể học, lĩnh vực mà qua đó chúng ta hiểu bản thân và thế giới, bao gồm cả định nghĩa về con người.

Ý tưởng về 4-IR cũng không có gì độc đáo. Những nhà siêu nhân học và những người ủng hộ điểm kỳ dị công nghệ (những người cho rằng công nghệ sẽ phát triển vượt qua khả năng kiểm soát của con người, chẳng hạn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo) như Ray Kurzweil đã dự báo về những sự phát triển mang tính cách mạng từ nhiều năm trước. Điều khác biệt trong tầm nhìn của những người theo chủ nghĩa toàn cầu về 4-IR là những nỗ lực khai thác nó nhằm phục vụ cho Tái lập vĩ đại.

Nếu nhìn vào những phát triển 4-IR hiện có, thì thật sai lầm khi tuyên bố rằng nó sẽ giúp con người hạnh phúc hơn. 4-IR bao gồm những thứ như các thuật toán Internet cung cấp cho người dùng tin tức và quảng cáo được chỉ định và hạ cấp hoặc loại trừ nội dung bị cấm; các thuật toán kiểm duyệt nội dung truyền thông xã hội và đưa các cá nhân và tổ chức “nguy hiểm” vào nhà tù kỹ thuật số; "trát từ khóa" đối với đầu vào của công cụ tìm kiếm (cảnh sát có thể yêu cầu công ty cung cấp công cụ tìm kiếm cung cấp thông tin những người đã tìm kiếm một từ khóa nào đó); ứng dụng tìm kiếm và theo dõi các vi phạm về COVID và báo cáo người vi phạm cho cảnh sát; cảnh sát robot với máy quét để xác định và bắt giữ những người không tiêm chủng và những người bất đồng chính kiến ​​khác; và các thành phố thông minh, nơi cư dân là các thực thể kỹ thuật số được theo dõi, giám sát và lưu trữ, và nơi dữ liệu về mọi hành động của họ được thu thập, đối chiếu, lưu trữ và được gắn với danh tính kỹ thuật số và điểm tín dụng xã hội.

Nói ngắn gọn, công nghệ 4-IR đưa con người vào một kiểu quản lý bằng công nghệ. So với nó, việc giám sát của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ chỉ giống như trò chơi của trẻ con. Ông Schwab còn đi xa hơn nữa khi cổ vũ cho những phát minh hướng tới kết nối trực tiếp bộ não con người với hệ thống dữ liệu đám mây nhằm thực hiện “khai thác dữ liệu” đối với những suy nghĩ và ký ức của chúng ta. Nếu thành công, điều này sẽ mở ra khả năng dùng công nghệ để kiểm soát việc ra quyết định của con người, điều có thể đe dọa quyền tự chủ của con người và hủy hoại ý chí tự do.

4-IR tìm cách đẩy nhanh sự hợp nhất giữa con người và máy móc, hình thành nên một thế giới trong đó tất cả thông tin, bao gồm thông tin di truyền, được chia sẻ và mọi hành động, suy nghĩ và động cơ đều bị nhìn thấu, được dự đoán và có thể bị loại trừ. Khi nằm trong tay các nhà kỹ trị theo chủ nghĩa xã hội doanh nghiệp, 4-IR cuối cùng sẽ dẫn đến một nhà tù ảo không thể thoát ra được đối với thể xác và tinh thần con người.

Tái lập vĩ đại hướng tới việc các cá nhân bị cô lập

Về trật tự xã hội, Tái lập vĩ đại hứa hẹn mọi người đều có vai trò trong một vận mệnh chung. Tuy nhiên, kế hoạch này hàm chứa việc bị tước quyền kinh tế và chính trị, thái độ cảnh giác cao hơn đối với bản thân và người khác, và sự cô lập xã hội - hay cái mà triết gia Hannah Arendt gọi là "sự cô đơn có tổ chức" - trên phạm vi toàn cầu. Sự cô đơn có tổ chức này đã được thể hiện ra ở việc phong tỏa, đeo mặt nạ, giữ khoảng cách trong giao tiếp xã hội và việc bài trừ xã ​​hội đối với những người chưa tiêm chủng. Tiêu đề của thông báo dịch vụ công cộng (một quảng cáo không bị tính phí nhằm truyền đạt thông điệp phục vụ cộng đồng) vào tháng 03/2020 của Ad Council— “Alone Together” (Cùng nhau cô đơn) - thể hiện một cách hoàn hảo tình trạng cô đơn có tổ chức này.

Chúng ta cần chống lại Tái lập vĩ đại bằng tất cả khả năng ngay bây giờ

Trong cuốn sách gần đây của tôi, “Quần đảo Google” (Google Archipelago), tôi đã chỉ ra rằng chủ nghĩa chuyên chế cánh tả là hệ tư tưởng chính trị và phương thức hoạt động của cái mà tôi gọi là Big Digital, thứ đang dẫn đầu một hệ thống mới trên toàn thế giới. Big Digital là phương tiện truyền thông, hệ tư tưởng và công nghệ của một chủ nghĩa đang nổi lên - chủ nghĩa toàn trị theo hướng chủ nghĩa xã hội doanh nghiệp. Tái lập vĩ đại là cái tên sau đó được đặt cho dự án thành lập hệ thống thế giới này.

Đúng như ông Schwab và WEF dự đoán, cuộc khủng hoảng COVID đã đẩy nhanh quá trình Tái lập vĩ đại. Các tập đoàn độc quyền đã gia tăng sự kìm kẹp đối với nền kinh tế từ bên trên, trong khi chủ nghĩa xã hội tiếp tục được phổ biến đối với những tầng lớp bên dưới. Hợp tác với Big Digital, Big Pharma, các phương tiện truyền thông chính thống, các cơ quan y tế quốc gia và quốc tế, và các nhóm cư dân phục tùng, các quốc gia phương Tây cho đến nay vẫn là dân chủ — đặc biệt là Úc, New Zealand và Áo — đang được chuyển đổi thành các chế độ toàn trị theo mô hình Trung Quốc.

Nhưng hãy để tôi kết thúc với việc viết về những hy vọng. Bởi vì việc thực hiện các mục tiêu của Tái lập vĩ đại cần tiêu diệt không chỉ thị trường tự do, mà còn cả tự do cá nhân và ý chí tự do, thì có lẽ trớ trêu thay, nó sẽ không thể tồn tại được lâu. Giống như những nỗ lực trước đó đối với chủ nghĩa toàn trị, Tái lập vĩ đại cuối cùng sẽ thất bại. Tuy nhiên, giống như những nỗ lực trước đó với chủ nghĩa toàn trị, nó sẽ có thể để lại rất nhiều sự tàn phá — đó là lý do chúng ta cần chống lại nó với tất cả khả năng ngay bây giờ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times

Tác giả Michael Rectenwald là tiến sĩ và là cựu giáo sư tại Đại học New York. Ông là tác giả của 11 cuốn sách, bao gồm Vượt ra ngoài thức tỉnh (Beyond Woke), Quần đảo Google (The Google Archipelago) và Mùa xuân của những bông tuyết (Springtime for Snowflakes).



BÀI CHỌN LỌC

'Tái lập vĩ đại' sẽ dựng nên một nhà tù mà người dân khó có thể thoát ra (Phần 2)