Chính quyền Trung Quốc không ngờ đề xuất tăng lương hưu lại gây bức xúc dư luận

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lương hưu của 170 triệu người Trung Quốc không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt, trong khi các quan chức cấp cao đã nghỉ hưu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại đang phung phí ngân khố quốc gia.

Lưỡng Hội (Quốc hội và Mặt trận tổ quốc) của Trung Quốc mới đây đã đặt mục tiêu tăng lương hưu tối thiểu cho người dân thành thị và nông thôn thêm 20 CNY (khoảng 2,8 USD), lên mức 123 CNY (khoảng 17 USD) mỗi tháng. Động thái này đã tạo ra mối quan ngại rộng rãi về sự chênh lệch lớn giữa lương hưu giữa dân thường Trung Quốc và các quan chức Đảng.

Kỳ họp Lưỡng Hội kéo dài một tuần của Trung Quốc đã kết thúc vào hôm 11/3. Trong báo cáo công tác của chính phủ, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường vào ngày 5/3 đã đề xuất nâng mức cơ bản tối thiểu của lương hưu hàng tháng cho cư dân thành thị và nông thôn thêm 20 CNY (khoảng 2,8 USD) như một phần của chiến lược quốc gia nhằm đối phó với hiện trạng dân số già.

Trung Quốc có 170 triệu người cao tuổi đang nhận bảo hiểm hưu trí theo phân loại người dân thành thị và nông thôn.

Sau đó cùng ngày, ông Hoàng Thủ Hoành (Huang Shouhong) - trưởng nhóm soạn thảo các báo cáo công tác của chính phủ và Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Quốc vụ viện - giải thích trong một cuộc họp báo rằng “điều này tương đương với mức tăng 19,4%” so với mức lương hưu cơ bản tối thiểu của người dân thành thị và nông thôn ở Trung Quốc, vốn chỉ là 103 CNY (khoảng 14,30 USD) mỗi tháng, một “sự điều chỉnh tăng khá lớn”.

Sau đó, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã thổi phồng câu nói đó bằng dòng nhan đề giật gân: “Lương hưu của người dân thành thị và nông thôn sẽ tăng đáng kể”.

Cái gọi là tăng lương hưu này đã nhận phải nhiều chỉ trích.

“Việc [ĐCSTQ] tăng lương hưu cơ bản thêm 20 CNY mỗi tháng là một sự sỉ nhục hơn là một ân huệ dành cho nông dân phổ thông!”, nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn (Cai Shenkun) đã viết như vậy vào ngày 9/3 trên mạng xã hội X.

Ông Thái chỉ ra rằng chính quyền Trung Quốc chi hàng nghìn tỷ CNY mỗi năm để duy trì ổn định xã hội và hơn 1,6 nghìn tỷ CNY (khoảng 223 tỷ USD) cho chi tiêu quân sự chỉ riêng trong năm nay.

“Đối với 170 triệu người có thu nhập thấp, lương hưu hàng tháng chỉ tăng thêm 20 CNY. Sự keo kiệt như vậy có thể biện minh như thế nào đây?”, ông đặt câu hỏi.

Mức lương hưu cơ bản hàng tháng là khác nhau ở 31 khu hành chính cấp tỉnh của Trung Quốc. Theo thông tin công khai, mức thấp nhất là ở tỉnh Vân Nam với 103 CNY (14 USD). Tổng cộng, 26 tỉnh có mức lương hưu cơ bản dưới 200 CNY (28 USD), trong khi 3 tỉnh dao động trong khoảng 200-300 CNY (28-42 USD). Thủ đô Bắc Kinh có mức lương hưu cao thứ hai là 924 CNY (129 USD); Thượng Hải có mức cao nhất là 1.400 CNY (195 USD).

3 hệ thống lương hưu của Trung Quốc

Có 3 loại hệ thống lương hưu ở Trung Quốc. Hệ thống công vụ có mức lương hưu cao nhất, tiếp theo là hệ thống nhân viên doanh nghiệp và cuối cùng là hệ thống dành cho người dân thành thị và nông thôn, bao gồm nông dân. Cái gọi là lương hưu cơ bản là để đề cập đến loại cuối cùng.

Một thông báo chính thức do Trung tâm Kinh doanh Bảo hiểm Xã hội của thành phố Ưng Đàm, phía đông tỉnh Giang Tây ban hành năm ngoái đã cho thấy sự khác biệt của 3 hệ thống. Thông báo liệt kê 3 khoản thanh toán lương cho người về hưu như sau: 69,09 triệu CNY (khoảng 9,62 triệu USD) cho 13.600 công chức, 178,85 triệu CNY (khoảng 24,91 triệu USD) cho 75.500 người nghỉ hưu từng làm việc trong doanh nghiệp, và 28,54 triệu CNY (khoảng 3,97 triệu USD) cho 137.800 người ở thành thị và nông thôn đóng bảo hiểm.

Có thể tính ra rằng, lương bình quân đầu người của công chức về hưu lên tới 5.080 CNY (708 USD) mỗi tháng, cao hơn gấp đôi so với 2.368 CNY (330 USD) - lương của những người trong doanh nghiệp đã nghỉ hưu, và gấp 4 lần so với 207 CNY ($ 29) - lương của những người nghỉ hưu đóng bảo hiểm ở thành thị và nông thôn.

Chính quyền Trung Quốc không ngờ đề xuất tăng lương hưu lại gây bức xúc dư luận
Một nhóm người Tây Tạng đang chơi một trò chơi truyền thống dưới chân dung của Chủ tịch Tập Cận Bình, tại một viện dưỡng lão dành cho người già cần giúp đỡ ở Khu tự trị Tây Tạng, ngày 18/6/2023. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Một công dân Trung Quốc họ Zhang (người này không muốn công khai đầy đủ họ tên) sống ở New York nói với The Epoch Times rằng vào đầu những năm 1990, khi ông còn phụ trách mảng nhân sự tại một công ty ở Bắc Kinh, một quan chức tại một khóa đào tạo về lương hưu ở Cục Lao động và Việc làm nói với ông rằng, hệ thống lương hưu quốc gia của Trung Quốc là “sau khi nghỉ hưu, bạn có thể được đảm bảo để sống với Wotou (một loại bánh ngô hấp giá rẻ của miền Bắc dành cho người nghèo) và dưa chua. Nếu bạn muốn ăn ngon hơn thì phải có sẵn một chút tiết kiệm. Nếu bạn vẫn muốn ăn thịt, bạn phải mua bảo hiểm hưu trí thương mại”.

Theo ông Zhang, nhiều thập kỷ sau này, nhiều người Trung Quốc không thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của mình khi chỉ dựa vào lương hưu vài trăm CNY mỗi tháng.

“Ngay cả những tay côn đồ cũng không vô liêm sỉ đến thế", ông nói, bày tỏ sự tức giận trước lời công bố của ông Tập rằng Trung Quốc đã đạt được “thịnh vượng ở mức vừa phải”.

Vào hôm 1/7/2021, tại buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, lãnh đạo ĐCSTQ tuyên bố đã đạt được “mức độ tổng thể của thịnh vượng vừa phải” và “một giải pháp lịch sử cho tình trạng nghèo đói tuyệt đối ở Trung Quốc”.

Nhóm lợi ích quyền lực nằm ở đỉnh kim tự tháp

Ngoài 3 loại hệ thống lương hưu được đề cập ở trên, phúc lợi hưu trí dành cho các quan chức cấp cao của ĐCSTQ – tầng lớp đặc quyền của Trung Quốc – là rất đặc biệt.

Vào tháng 9 năm ngoái, một bức ảnh được cho là đã ghi rõ các mục trong lương hưu của ông Zheng Tuobin - cựu Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác Kinh tế, với tổng số tiền lên đến 49.249,5 CNY (6.859 USD) mỗi tháng, được lan truyền trên mạng xã hội.

Nó bao gồm tiền nghỉ hưu hàng tháng là 10.079 CNY (1.404 USD), trợ cấp sinh hoạt 25.198 CNY (3.509 USD), tiền trả cho hoạt động tự doanh là 3.500 CNY (487 USD), trợ cấp nghỉ việc 9.810 CNY (1.366 USD) và 6 khoản trợ cấp lẻ tẻ khác, chẳng hạn như tiền sách và báo chí, chi phí dọn dẹp, trợ cấp của thành phố, trợ cấp điện thoại và trợ cấp đưa đón.

NTDVN không thể xác minh độc lập bức ảnh đó.

Ông Zheng sinh năm 1924, phục vụ trong Ban Chấp hành Trung ương các khóa 12 và 13, giữ chức Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác Kinh tế giai đoạn 1985–1990 và nghỉ hưu năm 1992.

Chỉ tiền lương thôi thì không đủ để thể hiện quyền lợi của giai cấp đặc quyền trong ĐCSTQ; họ còn được hưởng vô số lợi ích về nhà ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe, thậm chí cả các khoản chi trả cho gia đình và người thân của họ.

Một bài báo đăng trên China News ngày 2/5/2015 đã tiết lộ các tiêu chuẩn đãi ngộ dành cho giới quan chức cấp cao về hưu; bài báo đã tạo ra sự bức xúc trong dư luận.

Theo đó, các đãi ngộ dành cho cán bộ cấp tỉnh, cấp bộ về hưu bao gồm việc được cung cấp một tài xế, bảo vệ, nhân viên phục vụ toàn thời gian và việc được bổ sung người chăm sóc y tế khi sức khỏe của họ kém đi (đối với người trên 75 tuổi). Họ được hưởng 4 chuyến du lịch nội địa hàng năm, mỗi chuyến kéo dài 3 tuần, với số lượng thành viên gia đình không giới hạn. Đối với việc đi lại bằng đường hàng không, họ được phép hưởng 2-4 ghế hạng nhất hoặc hạng thương gia; đối với di chuyển bằng tàu hỏa, họ được cấp giường mềm; và đối với di chuyển bằng đường bộ, họ được cấp 3 xe năm chỗ hoặc 2 xe cỡ lớn hơn. Chi phí lưu trú tại khách sạn 4 sao hoặc 5 sao, bao gồm tiền ăn uống, có thể được trả đầy đủ.

Ngoài các quyền lợi nêu trên, cán bộ về hưu cấp trung ương còn được trợ cấp mua nhà trên diện tích sàn tiêu chuẩn là 220 mét vuông và các dịch vụ y tế đặc biệt.

Bài báo chỉ ra rằng đãi ngộ và phụ cấp trung bình hàng năm (không bao gồm lương hưu) của mỗi người đối với cấp Chủ tịch tỉnh là hơn 1,12 triệu CNY (khoảng 160.000 USD), đối với cấp Phó Chủ tịch tỉnh là gần 940.000 CNY (khoảng 130.000 USD).

Ở Trung Quốc có 3.742 cán bộ cấp Chủ tịch tỉnh và 27.435 cán bộ cấp Phó Chủ tịch tỉnh đã nghỉ hưu. Những cựu quan chức này sống ở những khu vực có danh lam thắng cảnh như Chu Hải, Thâm Quyến, Thượng Hải, Tô Châu và Hàng Châu. Theo bài báo, chỉ riêng ở tỉnh Quảng Đông, 112,3 triệu CNY (15,64 triệu USD) đã được dùng để chi trả mỗi năm cho việc các cựu quan chức cấp phó tỉnh dùng ô-tô năm chỗ.

Chính quyền Trung Quốc không ngờ đề xuất tăng lương hưu lại gây bức xúc dư luận
Một nhóm người già đã nghỉ hưu, từng làm việc tại Sở Nhà tù ở tỉnh Liêu Ninh phía đông bắc Trung Quốc, tổ chức một cuộc biểu tình ngồi nhằm phản đối việc họ bị nợ lương hưu, bên ngoài Bộ Tư pháp Trung Quốc ở Bắc Kinh, ngày 8/11/2011. (Ảnh: Goh Chai Hin/AFP qua Getty Images)

Tờ tạp chí chính trị Dong Xiang của Hong Kong tiết lộ vào năm 2013 rằng chi tiêu công của các quan chức đã nghỉ hưu ở cấp thành viên Bộ Chính trị trong năm 2004 lên tới hơn 630.000 CNY trung bình mỗi người (khoảng 76.000 USD theo tỷ giá hối đoái vào thời điểm đó); chi tiêu công ở cấp ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị trung bình là 27,25 triệu CNY (3,3 triệu USD) mỗi người; và chi tiêu công của cố bí thư Giang Trạch Dân (hết nhiệm kỳ vào năm 2002 và qua đời năm 2022) thậm chí còn cao hơn, khiến mọi người phải chấn động.

Dong Xiang đã ngừng xuất bản vào tháng 11/2017 do lập trường chỉ trích ĐCSTQ của họ.

Theo tờ tạp chí này, sau khi Giang Trạch Dân rời khỏi Trung Nam Hải, nơi đặt bộ máy quyền lực hành chính cốt lõi của ĐCSTQ, ông này đã sống tại các nhà khách cấp nhà nước với chi phí sinh hoạt hàng ngày cao bất thường. Ví dụ, Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Nhà khách Quân ủy Trung ương trên núi Ngọc Tuyền Sơn, Nhà khách Xijiao ở Thượng Hải, Grand Mansion và Thái Hồ ở Tô Châu.

Các lính canh có vũ trang được lệnh bảo vệ chuyến tàu đặc biệt mà Giang Trạch Dân sử dụng suốt dọc tuyến đường đi, và tất cả các chuyến tàu chở khách phải dừng lại và nhường đường.

Ngoài ra, Dong Xiang cũng tiết lộ rằng Giang Trạch Dân có quyền sử dụng 2 máy bay của Air China, 2 máy bay phản lực quân sự và 3 chuyến tàu đặc biệt với 7 khoang theo ý muốn của mình. Ngoài ra, 3 nhóm chuyên gia y tế từ Bệnh viện Đa khoa Quân đội Giải phóng Nhân dân ở Bắc Kinh, 2 nhóm từ Bệnh viện Hoa Đông ở Thượng Hải và một nhóm từ Bệnh viện Đa khoa của Quân khu Quảng Châu luôn sẵn sàng phục vụ ông.

Ở các nền dân chủ phương Tây, phúc lợi nhà nước dành cho các quan chức đã nghỉ hưu không khác biệt nhiều so với phúc lợi của người dân. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, đãi ngộ nhà nước cho các quan chức cấp cao đã về hưu của ĐCSTQ là rất khác biệt, vì tầng lớp đặc quyền của chế độ độc tài có thể phung phí kho bạc quốc gia một cách tự do như thể nó là túi tiền riêng của họ.

Theo The Epoch Times

Chi Anh biên dịch

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Chính quyền Trung Quốc không ngờ đề xuất tăng lương hưu lại gây bức xúc dư luận