Phải chứng minh bản thân 'còn sống', người già Trung Quốc mới được nhận lương hưu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kể từ đầu năm nay, nhiều thành phố ở Trung Quốc đã yêu cầu người về hưu phải chứng minh với Cục Bảo hiểm Xã hội rằng họ “còn sống” trước khi nhận lương hưu. Những người về hưu sống ở nước ngoài sẽ phải chứng minh điều này với đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Trung Quốc, nhưng họ cũng có thể bị tước quyền nhận lương hưu nếu tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi ở hải ngoại.

Đài Á Châu Tự do (RFA) gần đây đưa tin, tại Bắc Kinh, Sơn Đông, Hà Nam và một số nơi khác, chính sách nêu trên đã được thực hiện từ đầu năm 2023, ngay cả những người già bị nằm liệt giường cũng phải được khiêng đến Cục Bảo hiểm Xã hội để chứng minh rằng họ vẫn còn sống.

Ông Tống Xuân (Song Chun), một cư dân ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, nói với RFA trong cuộc phỏng vấn vào ngày 28/8 rằng, vào mùa xuân năm nay, một bà cụ hơn 90 tuổi sống ở tầng trên nhà ông đã được yêu cầu phải đích thân tới Cục Bảo hiểm Xã hội để chứng minh rằng bà vẫn còn sống. Cụ bà đã lớn tuổi, tòa nhà nơi bà sống lại không có thang máy nên cơ quan chức năng đã yêu cầu người nhà "khiêng bà đến Cục Bảo hiểm Xã hội để nhận dạng khuôn mặt".

Mỗi năm một lần, người mẹ 89 tuổi của bà Giả Linh Mẫn (Jia Lingmin) ở thành phố Trịnh Châu cũng phải đi xác nhận rằng bà vẫn còn sống. Nhưng bà không bị buộc phải trực tiếp đến Cục Bảo hiểm Xã hội mà có thể xác nhận qua điện thoại hoặc kết nối video.

Bà Giả Linh Mẫn đặt câu hỏi rằng, Cục Bảo hiểm Xã hội đều thiết lập văn phòng ở mỗi quận, cũng không thể có quá nhiều người già cao tuổi như thế, vậy tại sao các cán bộ không đến tận nhà người dân?

Theo RFA, những người về hưu sống bên ngoài Trung Quốc cũng phải đến đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Trung Quốc tại nước sở tại để điền vào “Mẫu xác minh đủ điều kiện nhận lương hưu”. Sau khi được đại sứ quán hoặc lãnh sự quán xác nhận thì gửi giấy chứng nhận “còn sống” này về nơi công tác trước kia ở trong nước, rồi họ mới có thể nhận lương hưu.

Ngoài ra, người về hưu sống ở nước ngoài cũng có thể bị tước quyền nhận lương hưu nếu họ tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi ở hải ngoại.

Bà Serikzhan Bilash sinh ra ở Tân Cương và hiện là người sáng lập một tổ chức nhân quyền ở Kazakhstan. Gần đây bà tiết lộ với RFA rằng, cứ sáu tháng một lần, những người Tân Cương đã nghỉ hưu và hiện sống ở Kazakhstan sẽ phải xác nhận xem họ còn sống hay không, nếu không thì lương hưu của họ sẽ bị đóng băng; còn có trường hợp những người dân tộc Kazakhs ở Tân Cương di dân sang Kazakhstan, sau khi tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi ở nước ngoài thì lương hưu trong nước của họ đã bị hủy bỏ.

Bà Serikzhan cho biết: “Tiền lương hưu của họ (những người Tân Cương di cư ra nước ngoài) đã bị đóng băng, và chỉ những người thân cận với Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc có quan hệ mật thiết với các tổ chức Hoa kiều ở Kazakhstan mới có thể nhận được lương hưu".

Một mục sư họ Lý (Li) ở thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam tiết lộ rằng bắt đầu từ năm nay, Cục Bảo hiểm Xã hội địa phương cũng yêu cầu những người về hưu phải xác nhận tình trạng của họ mỗi năm một lần. Kết quả là nhiều tín đồ tôn giáo đã bị chính quyền hủy bỏ lương hưu vì tham gia các hoạt động như truyền giáo, v.v. của nhà thờ sau khi nghỉ hưu.

Theo dữ liệu do Tân Hoa Xã - cơ quan truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc - công bố trước đó: Đến cuối năm 2022, số người tham gia bảo hiểm hưu trí cơ bản của Trung Quốc là 1,05 tỷ người, tăng 24,3 triệu người so với cùng kỳ năm 2021; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động năm 2022 lần lượt là 240 triệu và 290 triệu người; số người hưởng lương hưu thực tế trong năm này là 162 triệu người.

Theo NTD tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Phải chứng minh bản thân 'còn sống', người già Trung Quốc mới được nhận lương hưu