Động cơ của Đảng Cộng sản Trung Quốc sau việc thi hành Luật quản lý địa điểm tôn giáo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, Cơ quan Quản lý Nhà nước về Tôn giáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ban hành một văn bản mới mang tên ‘Biện pháp Quản lý các Địa điểm Hoạt động Tôn giáo’. Các chuyên gia nói rằng động thái này của Trung Nam Hải là nhằm xóa bỏ mọi tín ngưỡng tôn giáo, chỉ cho phép tín ngưỡng vào đảng.

Cụ thể, “Biện pháp Quản lý các Địa điểm Hoạt động Tôn giáo” (sau đây gọi tắt là “Biện pháp”) sẽ được thực hiện bắt đầu từ ngày 1/9 năm nay. Quy định liên quan đến việc “bảo vệ sự lãnh đạo của ĐCSTQ” cũng xuất hiện 3 lần trong văn bản này.

Điều 72 của “Biện pháp” quy định: “Nếu thành viên của tổ chức quản lý các địa điểm hoạt động tôn giáo vi phạm các quy định của ‘Biện pháp’ này, họ sẽ bị cơ quan đăng ký và quản lý yêu cầu chấn chỉnh; trường hợp nghiêm trọng thì sẽ bị yêu cầu thay thế người phụ trách. Nếu là người thuyết giảng trong tôn giáo thì bị xử phạt theo quy định của “Điều lệ Sự vụ Tôn giáo”; nếu cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Ông Quách Bảo Thắng (Guo Baosheng) - một nhà bình luận về các vấn đề thời sự và tôn giáo ở Washington, D.C., nguyên là một mục sư Cơ đốc giáo - nói với The Epoch Times rằng: “Mục đích của những quy định trên là loại bỏ các địa điểm và không gian dành cho các hoạt động tôn giáo, từ đó khiến tôn giáo nhanh chóng biến mất”.

“Trên bề mặt, việc 'Hán hóa' tôn giáo là nhằm cải tạo tôn giáo... nhưng trên thực tế, đó là hành vi ‘Đảng hóa’ tôn giáo … và mục tiêu cuối cùng là tiêu diệt tôn giáo”, ông chỉ ra.

Ông Quách Bảo Thắng (Guo Baosheng) - một nhà bình luận về các vấn đề thời sự và tôn giáo ở Washington, D.C., nguyên là một mục sư Cơ đốc giáo. (Li Chen / The Epoch Times)

Ông Quách nói thêm rằng: “Điều họ muốn làm là đàn áp hoàn toàn các giáo hội Công giáo hầm trú và giáo hội tại gia”. “Giống như thời Cách mạng Văn hóa, họ đã tiêu diệt tất cả các tôn giáo”.

Vào tháng 5/1966, ĐCSTQ đã khởi xướng phong trào “Cách mạng Văn hóa”, trong đó tam giáo bao gồm Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo đều bị tiêu diệt. Tới nay, tuy ngoài mặt các tôn giáo, tín ngưỡng được phép hoạt động tại Trung Quốc nhưng thực tế họ vẫn phải chịu sự kìm kẹp của ĐCSTQ, nếu không “nghe lời” thì sẽ trở thành đối tượng bị đàn áp.

Đọc thêm:

Ông Hà Lập Chí (He Lizhi), cựu kỹ sư kết cấu cấp cao của Bộ Xây dựng Trung Quốc, tiết lộ với The Epoch Times rằng vào năm 1999, ĐCSTQ đã tổ chức một buổi diễn thuyết đặc biệt cho các bí thư Đảng ủy các cơ quan trung ương và các bộ khác nhau của Quốc vụ viện về cuộc đàn áp người tu tập Pháp Luân Công. Ông Diệp Tiểu Văn (Ye Xiaowen), khi đó là Giám đốc Cơ quan Quản lý Nhà nước về Tôn giáo của ĐCSTQ, đã phát biểu trong cuộc họp này rằng ĐCSTQ cuối cùng sẽ phải tiêu diệt tất cả các tín ngưỡng, tôn giáo và tiêu diệt niềm tin của người dân đối với Thần.

Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên nguyên lý “Chân - Thiện - Nhẫn”. Ông Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư của ĐCSTQ, đã phát động một chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999 do lo ngại rằng số học viên môn này đông hơn số đảng viên ĐCSTQ. Sự tín Thần của Pháp Luân Công mâu thuẫn với hệ tư tưởng vô Thần của ĐCSTQ. Cuộc đàn áp này đã kéo dài 24 năm và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Cùng lúc này, ĐCSTQ cũng đã mở rộng cuộc đàn áp sang các nhóm tôn giáo khác.

Ông Quách Bảo Thắng nói rằng: “Hồi Giang Trạch Dân còn nắm quyền, cuộc đàn áp Pháp Luân Công rất nghiêm trọng, nhưng vẫn còn chỗ cho các giáo hội tại gia. Các giáo hội tại gia vẫn có thể tụ tập tại nhà. Tuy nhiên, sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, đặc biệt là sau khi ban hành những quy định mới này, tôi đoán chừng rằng ngay cả không gian để các hội thánh tại gia tồn tại cũng không còn nữa”.

Cuộc bức hại Pháp Luân Công không chỉ dừng lại ở việc cấm cản, bắt bớ, bỏ tù phi pháp... mà ĐCSTQ còn cưỡng bức thu hoạch và buôn bán nội tạng của nhóm người này.

Mới đây vào ngày 23/8, luật sư nhân quyền quốc tế David Matas đã trình bày ngắn gọn cho các thành viên Quốc hội Latvia về chương trình cưỡng bức thu hoạch nội tạng kéo dài hàng thập kỷ của nhà nước Trung Quốc. Trong bài phát biểu của mình, ông Matas nói rằng chế độ cầm quyền tại Trung Quốc đã sử dụng tội ác chống lại loài người này để thực hiện “cuộc diệt chủng tàn nhẫn” đối với các học viên Pháp Luân Công.

Luật sư nhân quyền quốc tế David Matas trình bày trước các thành viên Quốc hội Latvia hôm 23/8/2023. (The Epoch Times tiếng Anh)

Ông Matas cho biết các vụ giết người hàng loạt để thu hoạch nội tạng bắt đầu từ đầu những năm 2000, một vài năm sau khi ĐCSTQ bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, khi đó ước chừng có khoảng 100 triệu người tại Trung Quốc đang tập luyện môn này.

Luật sư Matas cho biết, ngoài các học viên Pháp Luân Công, các tù nhân lương tâm khác cũng là mục tiêu của thu hoạch nội tạng, bao gồm cả người Duy Ngô Nhĩ, thành viên các giáo hội Cơ đốc giáo tại gia và người Tây Tạng. Ông nói: “Trong vài thập kỷ qua, bằng chứng ngày càng nhiều"; "Đó là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô-la Mỹ”.

Liên quan đến việc ĐCSTQ sắp triển khai các biện pháp quản lý mới đối với các địa điểm hoạt động tôn giáo, ông Trần Kiến Cương (Chen Jiangang), nguyên là luật sư nhân quyền tại Trung Quốc và hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng: “Trên thực tế, ĐCSTQ đã (và đang) thúc đẩy những điều này. Bản chất của nó là tước đoạt quyền tự do tín ngưỡng của người dân Trung Quốc, thậm chí họ còn ép buộc người dân Trung Quốc phải tin vào ĐCSTQ và coi ĐCSTQ là thần thánh”.

Ông Trần kết luận rằng: “Vậy mục đích cuối cùng của nó là khiến người dân không được tin vào các vị Thần, chỉ được tin vào một mình ĐCSTQ. Vậy thì, theo nghĩa này, ĐCSTQ mới là tà giáo thực sự”.

Ông Trần Kiến Cương (Chen Jiangang), nguyên là luật sư nhân quyền tại Trung Quốc và hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ. (Li Chen / The Epoch Times)

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch và tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Động cơ của Đảng Cộng sản Trung Quốc sau việc thi hành Luật quản lý địa điểm tôn giáo