Chuyên gia chỉ ra 2 điều khiến máy bay C919 của Trung Quốc không thể cạnh tranh với Boeing, Airbus

Giúp NTDVN sửa lỗi

Máy bay chở khách C919 của Trung Quốc đã xuất hiện tại Triển lãm hàng không Singapore hôm Chủ nhật (ngày 18/2) vừa qua. Mặc dù chiếc máy bay này là biểu hiện cho tham vọng cạnh tranh với Boeing và Airbus của Trung Quốc nhưng các chuyên gia cho rằng có 2 vấn đề khiến C919 không thể cạnh tranh với hai hãng trên.

Máy bay C919 do Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) chế tạo, là biểu tượng cho chiến lược "Made in Trung Quốc" của Bắc Kinh nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài.

Vào tháng 5 năm ngoái, C919 đã thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên và chỉ được chở hành khách trong phạm vi Trung Quốc, do Hãng hàng không Đông Phương Trung Quốc (China Eastern Airlines) khai thác.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ, ước tính chi phí phát triển, sản xuất và các chi phí khác của C919 là khoảng 49 tỷ USD. Tuy nhiên, trung tâm này cũng nói rằng việc xác định chính xác số tiền Comac chi cho dự án này là một nhiệm vụ khó khăn vì tình hình tài chính của Comac không rõ ràng.

Đây là lần đầu tiên C919 xuất hiện tại một triển lãm hàng không ở nước ngoài. Các kênh truyền thông Trung Quốc đã tuyên truyền rầm rộ về sự kiện này, nhưng các chuyên gia cho rằng mặc dù chiếc máy bay này đã thu hút được sự chú ý tại triển lãm hàng không, mọi người cũng tò mò muốn xem chiếc máy bay này ở bên ngoài trông như thế nào cũng như tính năng vận hành và cách nó bay, nhưng vẫn có hai vấn đề khiến C919 ở trong thế yếu.

Căng thẳng Mỹ - Trung khiến C919 khó tiếp cận thị trường quốc tế

CNN ngày 19/2 đưa tin, ông Shukor Yusof, người sáng lập Endau Analytics - một công ty theo dõi ngành hàng không, cho rằng căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington sẽ khiến Comac gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường ở phương Tây.

Hiện tại, các hãng hàng không toàn cầu có rất ít lựa chọn về nơi mua máy bay chở khách. Thị trường máy bay thương mại cỡ lớn toàn cầu bị chi phối bởi hai công ty: Boeing của Mỹ và Airbus của Châu Âu. Về thị trường toàn cầu, những người trong ngành cho rằng C919 không có tính cạnh tranh cao vì hiệu suất sử dụng nhiên liệu không tốt bằng máy bay Boeing và Airbus, sẽ rất khó để lôi kéo khách hàng quốc tế của hai gã khổng lồ sản xuất máy bay này.

Airbus từng dự đoán rằng máy bay C919 sẽ đáp ứng được "một phần" nhu cầu nội địa của Trung Quốc nhưng trên bình diện quốc tế, Comac vẫn thiếu cơ sở hạ tầng và đầu tư để có thể tạo ra mối đe dọa cho sự độc quyền của Airbus và Boeing.

Airbus cho biết để đạt được thành công trên thị trường rộng lớn hơn, Comac cũng cần "một đội ngũ bán hàng quốc tế cũng như mạng lưới thành thục để hỗ trợ khách hàng. Trên thực tế, Airbus đã mất khoảng 40 năm thì mới đạt được trạng thái cân bằng với nhà sản xuất Mỹ".

Ngoài ra, trong một báo cáo vào cuối năm 2020, chuyên gia về Trung Quốc Scott Kennedy tại trung tâm CSIS đã viết rằng: Việc gọi C919 là máy bay Trung Quốc là một cách gọi sai, vì gần như tất cả các bộ phận máy của nó, bao gồm tất cả các bộ phận giúp máy bay cất cánh, đều được nhập khẩu. Theo dữ liệu của tạp chí Airframer, các công ty Mỹ chiếm gần 3/5 số nhà cung cấp chính của C919, 1/3 khác đến từ châu Âu. Chỉ có 14 nhà cung cấp lớn là đến từ Trung Quốc, trong đó có 7 công ty liên doanh giữa Trung Quốc và nước ngoài. Những nhà cung cấp Trung Quốc này chủ yếu cung cấp thân và cánh máy bay với công nghệ tương đối đơn giản, chỉ chiếm 25% toàn bộ giá thành máy bay.

Đặc biệt, các linh kiện và bộ phận lắp ráp chủ chốt của C919 như động cơ, thiết bị điện tử, hệ thống điều khiển bay... vẫn phụ thuộc vào các nhà cung cấp nổi tiếng thế giới như General Electric của Mỹ, Tập đoàn Safran của Pháp, Liebherr của Đức, v.v.

Trước mối quan hệ bất ổn định giữa Bắc Kinh và phương Tây, liệu Comac có thể đảm bảo việc có được các linh kiện chính và dịch vụ hậu mãi cần thiết từ phương Tây để sản xuất C919 hay không, đây cũng là một yếu tố khác mà khách hàng quốc tế không thể không xem xét.

Không dễ để đạt được chứng chỉ đủ điều kiện bay của Mỹ và châu Âu

Trong tương lai, nếu C919 muốn bay ra nước ngoài, nó phải đạt được chứng nhận đủ điều kiện bay từ Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) hoặc Cơ quan An toàn Hàng không của Liên minh Châu Âu (EASA). Chỉ khi được một trong hai cơ quan trên cấp chứng nhận, máy bay đó mới được các hãng hàng không của các nước phương Tây sử dụng. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

CNN đưa tin, C919 vẫn chưa được cơ quan quản lý hàng không của Mỹ hay châu Âu chứng nhận.

Ông Mike Yeomans của công ty tư vấn hàng không IBA nói với Reuters rằng, Comac phải đối mặt với thách thức trực tiếp trong việc có được chứng nhận để gia nhập thị trường quốc tế.

Reuters đưa tin vào tháng 12/2021 rằng trong số 276 bài kiểm tra chứng nhận trong chương trình kiểm tra đủ điều kiện bay, C919 chỉ hoàn thành được 34 bài.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia chỉ ra 2 điều khiến máy bay C919 của Trung Quốc không thể cạnh tranh với Boeing, Airbus