Hãng hàng không Trung Quốc lạnh nhạt với máy bay ‘cây nhà lá vườn’ C919, chọn mua Boeing 737-9 MAX

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thay vì lựa chọn máy bay “cây nhà lá vườn” C919 do Đảng Cộng sản Trung Quốc thúc đẩy sản xuất, hãng hàng không Trung quốc Greater Bay Airlines vừa mới công bố sẽ mua 15 máy bay Boeing 737-9 MAX và có kế hoạch sớm mua nhiều máy bay Boeing khác.

Máy bay C919, do tập đoàn hàng không dân dụng COMAC sản xuất, luôn được truyền thông nhà nước Trung Quốc khoe khoang là “niềm tự hào dân tộc”. Tuy nhiên, Greater Bay Airlines - một hãng hàng không Trung Quốc - lại tỏ ra lạnh nhạt với C919. Họ tậu máy bay chở khách từ Boeing - hãng đối thủ cạnh tranh đến từ Mỹ.

Người ngoài đặt câu hỏi liệu quyết định của Greater Bay Airlines có liên quan đến việc C919 vẫn chưa đạt tiêu chuẩn khi bay thử nghiệm và không thể giữ an toàn khi bay trên không hay không.

Ngày 03/03, Greater Bay Area - công ty được thành lập để phối hợp với chiến lược phát triển Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông - Hong Kong - Macao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) - đã tổ chức lễ ký kết mua 15 máy bay Boeing 737-9 MAX với tập đoàn Boeing của Mỹ. Greater Bay Area Airlines cũng lên kế hoạch mua 5 chiếc 787 Dreamliners.

Hãng hàng không Trung Quốc nói với giới truyền thông rằng các máy bay mới sẽ được giao dần từ năm 2024 đến năm 2027. Boeing 737-9 MAX sẽ trở thành mẫu máy bay chính trong đội bay tương lai của hãng.

Bộ trưởng Tài chính Hong Kong Paul Chan Mao-bo, Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Kinh tế Yau Ying-Wah và các quan chức chính phủ Hong Kong khác đã tham dự lễ ký kết thỏa thuận mua bán.

Các phóng viên đã hỏi đại diện của Greater Bay Area Airlines rằng tại sao với tư cách là công ty do ĐCSTQ hậu thuẫn, hãng lại không mua máy bay C919 do Trung Quốc sản xuất, mà lại chọn sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.

Ông Bill Wong, Chủ tịch của Greater Bay Area Airlines, nói rằng ông và tập đoàn Boeing đã hợp tác kinh doanh trong nhiều năm. Ông giải thích thêm, vì Donghai Airlines vốn đang sử dụng máy bay chở khách Boeing 737, nên Thâm Quyến và Hong Kong cũng sẽ làm theo, sẽ sử dụng cùng loại máy bay chở khách để thuận tiện cho việc bảo trì và cũng để giảm thiểu chi phí.

Ông Wong cũng nói với các phóng viên rằng 737-9 có khả năng chuyên chở và độ bền tốt hơn nhiều, giúp giảm chi phí vận hành và giúp mở rộng mạng lưới đường bay, mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn.

Chủ tịch Wong cho biết: “Chúng tôi vẫn luôn có mối quan hệ tuyệt vời với Boeing trong nhiều năm qua. Hãng hàng không Shenzhen Donghai Airlines có 20 mẫu Boeing 737-800. Việc có được hiệu suất an toàn cao và khả năng tiết kiệm chi phí vượt trội đã giúp Boeing trở thành hãng máy bay tiết kiệm nhiên liệu và thuận lợi để sử dụng”.

Ông Wong nói thêm rằng Greater Bay Airlines sẽ không loại trừ khả năng sử dụng máy bay chở khách C919 trong tương lai, nhưng ông biết khả năng vận chuyển của nó không mạnh bằng Boeing.

Theo một số phương tiện truyền thông Hong Kong, người dân Trung Quốc bối rối không biết tại sao Greater Bay Airlines lại mua máy bay của Mỹ khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục xấu đi.

Ông Wong giải thích: “Những khách hàng mua máy bay [của Boeing] là đến từ Hong Kong, và vì Hong Kong được quản lý theo kiểu một quốc gia - hai chế độ, nên chính trị không liên quan đến công việc trao đổi kinh doanh”.

Dữ liệu cho thấy Greater Bay Airlines đã mở 4 đường bay mới đến Bangkok, Đài Bắc, Tokyo và Seoul vào tháng 07/2022. Hãng cũng có kế hoạch bổ sung các chuyến bay mới đến Osaka, Manila, Philippines, thành phố Hồ Chí Minh trước tháng 04/2023.

C919 là máy bay chở khách phản lực thân hẹp đầu tiên của Trung Quốc, được phát triển theo tiêu chuẩn hàng không quốc tế. Với số lượng ghế từ 158 đến 168 và tầm bay từ 4075 đến 5555 km, C919 có thể được xếp cùng hạng với các dòng máy bay Airbus 320 và Boeing 737 trên thị trường hàng không quốc tế hiện nay.

Các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ từng quảng bá rầm rộ về chiếc máy bay nội địa này và gọi nó là “niềm tự hào dân tộc”.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 02/2023, chỉ vài ngày trước một trong những chuyến bay thử nghiệm của C919, có tin đồn rằng một trục trặc đã xảy ra, khiến kế hoạch bay 100 giờ bị hủy bỏ.

Vào thời điểm đó, một số người quen thuộc với vụ việc đã tiết lộ với truyền thông nước ngoài rằng trong chuyến bay thử nghiệm từ sân bay Hồng Kiều Thượng Hải đến sân bay Đại Hưng Bắc Kinh vào ngày 02/02, một trong các động cơ của máy bay c919 (chiếc được chuyển giao cho China Eastern Airlines) trong khi hạ cánh đã không mở được bộ đảo ngược lực đẩy.

China Eastern Airlines ngay lập tức hủy bỏ phần còn lại của kế hoạch bay và không đề cập bất kỳ điều gì liên quan đến cuộc thử nghiệm bị cho là thất bại, cũng như không đề cập đến việc mua C919.

Giới chuyên môn cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các chuyến bay của C919 vẫn chưa được đạt tiêu chuẩn bay thương mại. Nếu các chuyến bay thử nghiệm không thành công, các hoạt động thương mại sẽ không thể sớm được thực hiện.

Máy bay C919 được Trung Quốc nghiên cứu và phát triển trong hơn một thập kỷ qua. Nó cũng được nhắc đến như một sản phẩm mang tính chiến lược cao, được coi là phương án dự phòng một khi châu Âu và Hoa Kỳ ‘thoát Trung’.

Tuy nhiên, nguồn tin nội bộ tiết lộ rằng ngành công nghiệp bay ở Trung Quốc không mấy lạc quan về độ an toàn cơ bản của C919; họ lo ngại sẽ xảy ra tai nạn bởi vì C919 là sản phẩm được tạo thành từ việc lắp ráp rất nhiều linh kiện nhập khẩu khác nhau.

Người trong cuộc cũng chia sẻ rằng China Eastern Airlines là hãng hàng không duy nhất từng định tiếp nhận C919. Các hãng khác đều không dám mua loại máy bay “cây nhà lá vườn” này.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hãng hàng không Trung Quốc lạnh nhạt với máy bay ‘cây nhà lá vườn’ C919, chọn mua Boeing 737-9 MAX