Giới chức Mỹ phản ứng chậm trước việc Bắc Kinh mua nhà sản xuất máy bay Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đang thâu tóm một công ty thủy phi cơ của Mỹ - chuyên sản xuất những chiếc máy bay tinh vi có cánh làm từ sợi carbon và có thể gập lại. Trong khi đó, các cơ quan quản lý của Mỹ lại tỏ ra khá thờ ơ trước hành động của Bắc Kinh.

Máy bay của công ty Icon Aircraft Inc. chỉ mang tính giải trí; nhưng việc quân sự hóa chúng thành những chiếc máy bay không người lái nhằm vào các lực lượng của Mỹ và đồng minh là có thể xảy ra. Những người Mỹ từng lãnh đạo công ty này đã trở nên tức giận và quyết định phàn nàn với giới chức trách ở Washington - một chính phủ dường như đang thờ ơ trước động thái đầy toan tính của Bắc Kinh.

FBI và các tổ chức khác của Mỹ cuối cùng cũng vào cuộc, nhưng chỉ sau khi những người hùng trong công ty ở California lên tiếng phản đối và chỉ ra một cách cụ thể những nỗ lực "rõ ràng" của các cổ đông được Trung Quốc hậu thuẫn.

Vì lý do an ninh quốc gia, Quốc hội, FBI và Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) do Bộ Tài chính đứng đầu nên có hành động ngay lập tức và cứng rắn hơn để hủy bỏ thương vụ mua bán và trả công ty Icon Aircraft về toàn quyền sở hữu của Mỹ.

Hôm 18/01, phóng viên Kate O'Keeffe của Wall Street Journal đã viết bài về nỗ lực thâu tóm này của phía Trung Quốc. Bà cho biết, cổ đông lớn nhất của Icon Aircraft là một "công ty đầu tư được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn", sở hữu tới 46,7% cổ phần của nhà sản xuất Mỹ.

CFIUS, Ủy ban mà Quốc hội Mỹ thành lập vào năm 2000, lại thiếu khả năng điều tra và cũng thiếu động lực để tìm ra những thỏa thuận như vậy trước khi chúng hoàn tất. Vì vậy, một khoản đầu tư của một doanh nghiệp được Bắc Kinh hậu thuẫn, Công ty Đầu tư Khoa học và Công nghệ Phố Đông Thượng Hải (PDSTI), đã được thông qua mà không bị phát hiện vào năm 2015.

Đó cũng không phải là lần đầu tiên Trung Quốc thâu tóm một nhà sản xuất máy bay của Mỹ hoặc đồng minh trong những năm 2010. Cụ thể, năm 2011, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) đã mua công ty Cirrus Industries Inc. ở Minnesota. Cirrus, và có khả năng là AVIC, sau đó đã được phép tiếp cận với những tiến bộ về khoa học vật liệu tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge của Mỹ.

Năm 2015, AVIC mua lại AIM Altitude, một công ty của Anh chuyên sản xuất vật liệu tổng hợp hàng không và quân sự. Và đã có ít nhất nửa tá tình huống tương tự như vậy xảy ra.

Năm 2016, Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung cuối cùng đã khuyên Quốc hội Mỹ “sửa đổi quy chế cho phép CFIUS cấm các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc mua lại hoặc giành quyền kiểm soát các công ty Mỹ”.

Như tác giả Anders Corr đã viết vào thời điểm đó, Quốc hội Mỹ nên đi xa hơn và “đảo ngược việc bán các công ty công nghệ Mỹ trước đây cho Trung Quốc, đặc biệt là những công ty trong những lĩnh vực quan trọng như hàng không và chất bán dẫn”, và phải đánh giá lại tất cả công ty Trung Quốc.

Nhưng đó rõ ràng là một giấc mơ viển vông, ông Anders Corr tự nhận.

PDSTI đã sử dụng các khoản đầu tư nhỏ để từng bước giành quyền kiểm soát công ty Icon Aircraft. PDSTI bắt đầu hoạt động này vào năm 2015. Đến năm 2017, PDSTI đã sở hữu được lượng lớn cổ phần của Icon Aircraft. Từ đó, PDSTI có thể cài cắm các giám đốc điều hành và thành viên hội đồng quản trị trong công ty, gây áp lực cho những người khác và mở đường cho việc chuyển giao công nghệ của Icon Aircraft sang Trung Quốc.

Ban lãnh đạo cũ của Icon Aircraft là những người có kinh nghiệm quân sự và kiến thức công nghệ cao, bao gồm một cựu phi công của Lực lượng Không quân Mỹ, một chuyên gia thiết kế sản phẩm của Stanford và các cựu giám đốc điều hành của General Atomics và Boeing. Trong năm 2018 và 2019, 2 cựu giám đốc điều hành đã từ chức để phản đối sự tiếp quản của Trung Quốc.

Theo Wall Street Journal, vào tháng 05/2020, một giám đốc điều hành cấp cao của Icon Aircraft tiết lộ, "rõ ràng, kế hoạch của PDSTI đối với Icon Aircraft là giảm hoạt động của doanh nghiệp này xuống mức tối thiểu và phá hủy mọi tiềm năng mà nó có thể đóng góp cho môi trường kinh doanh của Mỹ cho đến khi PDSTI có thể chuyển nó sang Trung Quốc để phục vụ lợi ích của Trung Quốc”.

Vào tháng 03/2021, PDSTI bị cáo buộc đã vận chuyển mẫu máy bay duy nhất của Icon Aircraft, chiếc A5, đến Trung Quốc. Sau đó, vào tháng 4, PDSTI bắt đầu lùng sục các giấy tờ về IP (sở hữu trí tuệ) của Icon Aircraft để chuyển giao công nghệ một cách không hạn chế sang Trung Quốc.

Trong khi đó, CFIUS đã đặc biệt chậm chạp trong việc dừng thương vụ kể trên, và chỉ bắt đầu xem xét nó vào tháng 11 - sau khi một số cổ đông Mỹ của Icon Aircraft lên tiếng cảnh báo. Bộ Tài chính Mỹ, nơi chịu nhiều ảnh hưởng của các tập đoàn lớn có hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc, thường không thích hành động chống lại những đầu tư từ Trung Quốc, ngay cả khi các thương vụ đầu tư có liên quan đến nhiều công nghệ quan trọng của Mỹ.

FBI đang điều tra các vi phạm hình sự có thể xảy ra ở Icon Aircraft và việc chuyển giao công nghệ sang Trung Quốc, nhưng tiến độ là rất chậm.

Điều này phải thay đổi ngay bây giờ.

Theo một bản ghi nhớ của các cổ đông Mỹ, “công nghệ máy bay và vật liệu tiên tiến của Icon Aircraft và năng lực sản xuất hàng không vũ trụ không được phép rơi vào tay” Trung Quốc. “Nếu CFIUS không can thiệp nhanh chóng, điều này có thể xảy ra trong vòng vài tháng”.

Mỹ phải từ bỏ cách tiếp cận yếu ớt của mình trước việc Đảng Cộng sản Trung Quốc cưỡng bức mua lại và đánh cắp công nghệ. Bộ Tài chính Mỹ đã tỏ ra đặc biệt không có khả năng ngăn chặn thất thoát công nghệ sang Trung Quốc. Cần hay thế vị trí chủ tịch của CFIUS bằng Bộ Quốc phòng (DoD) hoặc Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC). Nước Mỹ cần những nhà lãnh đạo đặt an ninh quốc gia Mỹ lên trên lòng tham của doanh nghiệp.

Những đồ chơi và đồ điện tử “rẻ tiền” trong nhà của người dân Mỹ thì sao? Chúng thực sự khá đắt. Trung Quốc đã mua công nghệ của Mỹ và đồng minh để chống lại nước Mỹ, và cuối cùng là chống lại chủ quyền và hệ thống dân chủ của Mỹ.

Quan điểm trong bài viết là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power (Tập trung quyền lực) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Giới chức Mỹ phản ứng chậm trước việc Bắc Kinh mua nhà sản xuất máy bay Mỹ