Có bao nhiêu chất gây ung thư xung quanh bạn? Cảnh giác với trầu cau!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Con người thường xuyên tiếp xúc một cách hữu ý hay vô ý với những yếu tố có thể gây ung thư. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế chia các chất gây ung thư thành 4 cấp độ.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO: Chất gây ung thư được chia thành 4 cấp độ

Ung thư xếp thứ hai trong số mười nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới.

Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí The Lancet, tỷ lệ mắc bệnh tim (nguyên nhân gây tử vong số 1 hiện nay) đã giảm cùng với sự tiến bộ của công nghệ y tế, trong khi tỷ lệ tử vong do ung thư lại tăng lên.

Nguyên nhân gây ung thư có khá nhiều, trong đó, không ít thứ tồn tại một cách phổ biến xung quanh con người.

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), thuộc Tổ chức Y tế Thế giới, chia các chất gây ung thư thành bốn cấp độ theo khả năng gây ung thư của chúng, bao gồm:

  • Chất gây ung thư loại 1: Các chất rõ ràng là chất gây ung thư cho con người. Ví dụ: Aflatoxin, rượu, thịt chế biến, thuốc lá, quả cau, axit aristolochic, formaldehyde, amiăng, dioxin, asen, ô nhiễm không khí, than đốt trong nhà.
  • Chất gây ung thư loại 2A: Các chất có khả năng gây ung thư cao cho con người. Ví dụ: Khí thải khi chiên rán ở nhiệt độ cao, thịt đỏ, thuốc trừ sâu glyphosate.
  • Chất gây ung thư loại 2B: Các chất có khả năng gây ung thư thấp hơn một chút đối với con người. Ví dụ: Safrole, dưa chua, khí thải động cơ diesel và xăng, chloroform.
  • Chất gây ung thư loại 3: Các chất chưa thể phân loại được khả năng gây ung thư, tức là chưa có đủ bằng chứng để chứng minh chúng gây ung thư cho con người. Ví dụ: Từ trường tĩnh, caffein, màu thực phẩm.
  • Chất gây ung thư loại 4: Dựa trên dữ liệu hiện có, có khả năng chất này sẽ không gây ung thư.

Thực ra, việc phân loại các chất gây ung thư không dựa trên xác suất hoặc nguy cơ gây ung thư, mà dựa trên mức độ tin cậy của các kết quả nghiên cứu về khả năng gây ung thư.

Do đó, tiếp xúc với chất gây ung thư loại 3 không có nghĩa là không có rủi ro.

Quả cau được xếp vào loại chất gây ung thư loại 1. Chất arecoline trong quả cau sẽ kích thích các thụ thể trong não, gây ra chứng nghiện nicotine.
Quả cau được xếp vào loại chất gây ung thư loại 1. Chất arecoline trong quả cau sẽ kích thích các thụ thể trong não, gây ra chứng nghiện nicotine. (Wikimedia Commons)

Vi khuẩn gây ung thư và virus

Chất gây ung thư không chỉ là vật phẩm, mà còn là vi sinh vật hoặc ký sinh trùng như vi khuẩn và virus. Các vi sinh vật được phân loại là chất gây ung thư nhóm 1 bao gồm:

  • Helicobacter pylori: Nó có thể gây loét dạ dày lâu dài và làm tăng khả năng ung thư dạ dày.

Người ta tin rằng vi khuẩn Helicobacter pylori xâm nhiễm qua tiếp xúc với nước bọt, ăn thực phẩm hoặc uống nước bị ô nhiễm. Nó liên quan nhiều đến thói quen vệ sinh cá nhân và môi trường công cộng.

  • Virus viêm gan B (HBV): Tăng khả năng xơ gan và ung thư gan.
  • Virus viêm gan C (HCV): Tăng nguy cơ xơ gan và ung thư gan.
  • Virus u nhú ở người (HPV): Có hơn 100 loại virus u nhú ở người, nhiều loại trong số đó có thể gây ung thư. Ví dụ, HPV tuýp 16 và 18 dễ gây ung thư cổ tử cung, còn HPV tuýp 6 và 11 có thể gây sùi mào gà và tăng khả năng ung thư dương vật.
  • Virus Epstein-Barr: Tên khoa học là human herpes virus type IV, có liên quan đến ung thư biểu mô vòm họng và ung thư hạch. Nó chủ yếu lây truyền qua các chất dịch cơ thể từ người này sang người khác, chẳng hạn như hôn, dùng chung nhà vệ sinh hoặc bộ đồ ăn, truyền máu và dùng chung kim tiêm.
  • Sán lá gan: Tăng khả năng ung thư đường mật.

Khi ăn tôm hoặc các loại cá nước ngọt (như cá trắm cỏ, cá mè trắng, cá chép, cá rô phi...) còn sống hoặc nấu chưa chín, hun khói, ngâm chua; cắt cá bằng dao bếp, thớt hoặc đĩa không được rửa kỹ và tiệt trùng ở nhiệt độ cao; thì người ăn có nguy cơ bị nhiễm khuẩn.

Khi ăn các loại cá nước ngọt còn sống hoặc nấu chưa chín, hun khói, ngâm chua; cắt cá bằng dao bếp, thớt hoặc đĩa không được rửa kỹ và tiệt trùng ở nhiệt độ cao; thì người ăn có nguy cơ bị nhiễm khuẩn.
Khi ăn các loại cá nước ngọt còn sống hoặc nấu chưa chín, hun khói, ngâm chua; cắt cá bằng dao bếp, thớt hoặc đĩa không được rửa kỹ và tiệt trùng ở nhiệt độ cao; thì người ăn có nguy cơ bị nhiễm khuẩn. (Ảnh minh họa: Public Domain Pictures)

Chất gây ung thư loại 1 khá phổ biến

Ngoài ra còn có một số chất được liệt kê là chất gây ung thư loại 1, chúng ở xung quanh con người:

  • Ăn trầu, nhai trầu: Có thể gây ung thư miệng, cổ họng và thực quản.
  • Hút thuốc, khói thuốc thụ động và các sản phẩm từ thuốc lá: Có thể gây ung thư phổi, ung thư miệng, ung thư hầu họng, ung thư thanh quản, ung thư bàng quang, ung thư thực quản.

Về mặt gián tiếp, thuốc lá và khói thuốc có thể gây ung thư máu, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư thận, ung thư tuyến tụy, ung thư cổ tử cung…

  • Đồ uống có cồn: Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống của Hoa Kỳ, lượng cồn nguyên chất hàng ngày không được vượt quá 14gr đối với phụ nữ và 28gr đối với nam giới. Uống rượu nhiều dễ bị ung thư miệng, ung thư hầu họng, ung thư thanh quản, ung thư thực quản, ung thư gan và ung thư vú.
  • Thịt đã qua chế biến: Thường đề cập đến các sản phẩm thịt đã được hun khói, ướp muối hoặc xử lý bằng chất bảo quản và hóa chất. Ăn nhiều hơn có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
  • Cá muối: Ăn ít thì không sao, nhưng ăn thường xuyên có thể làm tăng tỷ lệ mắc ung thư vòm họng.
  • Ô nhiễm không khí (PM2.5): Có thể gây ung thư phổi và cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang.
  • Bức xạ tia cực tím từ mặt trời: Tiếp xúc quá nhiều với bức xạ tia cực tím có thể gây ung thư da.
  • Aflatoxin: Gạo, đậu, lạc và ngô nếu bảo quản không đúng cách sẽ sinh ra aflatoxin và dẫn đến ung thư gan.
  • Nitrosamine: Nitrosamine được biến đổi từ nitrit trong những điều kiện cụ thể. Nitrit là chất phụ gia thực phẩm phổ biến, thường được tìm thấy trong thịt chế biến như xúc xích, thịt khô và cá ngâm.
  • Asen: Con người có thể tiếp xúc với nguồn nước ngầm có chứa asen hoặc thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ có chứa asen. Asen được cho là làm tăng nguy cơ ung thư da và đường hô hấp.
Tia cực tím có thể gây ung thư da, nhưng con người cũng cần phơi nắng thường xuyên để sản xuất đủ vitamin D trong cơ thể.
Tia cực tím có thể gây ung thư da, nhưng con người cũng cần phơi nắng thường xuyên để sản xuất đủ vitamin D trong cơ thể. (hippopx)

Mặc dù cụm từ "có thể gây ung thư" nghe có vẻ nguy hiểm, nhưng điều đó không có nghĩa là phải tránh những chất gây ung thư này.

Ví dụ, tia cực tím có thể gây ung thư da, nhưng con người cũng cần phơi nắng thường xuyên để sản xuất đủ vitamin D trong cơ thể.

Cho dù xếp vào loại chất gây ung thư, nhưng một số chất đối với người bình thường không có tác dụng gì, bởi có những bệnh cần đáp ứng đặc thù gen và thể chất mới có thể gây nên tình trạng đó.

Một số chất có thể gây ung thư sau khi tiếp xúc trong thời gian ngắn, trong khi những chất khác cần tiếp xúc lâu dài và quy mô lớn.

Ngay cả đối với thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn và thịt cừu) và kim chi, được phân loại là chất gây ung thư loại 2A và loại 2B, khả năng gây ung thư của những thực phẩm phổ biến này cũng liên quan đến cách chúng được tiêu thụ.

Li Jialing, Giám đốc Phòng khám Y học cổ truyền Trung Quốc Fuqian cho biết, nấu thịt đỏ ở nhiệt độ cao (như nướng, chiên) hoặc ăn quá nhiều chất béo có thể gây hại cho cơ thể, làm tăng nguy cơ ung thư.

Kimchi thực phẩm lên men rất giàu men vi sinh, có thể cải thiện hệ vi khuẩn đường ruột, nhưng không thích hợp để ăn quá nhiều.

Theo Su Guanmi từ The Epoch Times tiếng Trung
Bảo Vy biên dịch

  • Ảnh chủ đề: Tổng hợp từ Wikimedia Commons và Amy Stephenson - CC BY-SA 2.0
  • Link gốc: https://www.epochtimes.com/gb/20/2/3/n11841976.htm



BÀI CHỌN LỌC

Có bao nhiêu chất gây ung thư xung quanh bạn? Cảnh giác với trầu cau!