Con trai 4 tuổi chết yểu, báo mộng cho cha, kể lại chuyện nhân quả ba đời

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi qua đời, con trai bốn tuổi vào giấc mơ của người cha, kể lại ba kiếp luân hồi, khuyên cha đừng quá đau lòng.

Hồng Mại (năm 1123 - năm 1202), tự là Cảnh Lư, hiệu là Dung Trai, người vùng Phàn Dương, Nhiêu Châu (nay là huyện Phàn Dương, thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc). Hồng Mại sinh ra trong một gia đình có truyền thống học vấn lâu đời. Cha của ông là Hồng Hạo, anh trai là Hồng Thích, đều là những vị quan và học giả nổi tiếng đương thời. Anh trai Hồng Thích của ông làm quan đến chức Tể tướng.

Hồng Mại có một kiệt tác tên là "Di kiên chí", được viết trong 40 năm (năm 1162 - năm 1202, bắt đầu viết vào năm cuối niên hiệu Thiệu Hưng, hoàn thành vào năm Gia Thái thứ hai). Tác phẩm này ghi cuộc sống đô thị, những giai thoại nhân văn cũng như các câu chuyện kỳ lạ và thú vị vào thời nhà Tống. Người bạn Dư Văn Đặc từng kể cho Hồng Mại câu chuyện về một bé trai bốn tuổi biết được câu chuyện luân hồi chuyển sinh của mình. Hồng Mạt ghi lại câu chuyện này trong sách, chứng minh sự tồn tại của luân hồi nghiệp báo, đồng thời chỉ cho thế nhân con đường hướng thiện.

Người con trai bốn tuổi chuyển sinh sau khi chết, báo mộng cho cha nói rõ sự tình

Vào thời Bắc Tống, những năm Nguyên Phù, ở Mục Châu (nay thuộc Hàng Châu) có một vị quan Tư nghiệp họ Hoàng (Tư nghiệp là quan phó giám Quốc Tử Giám, tương đương với chức phó hiệu trưởng của trường công lập ngày nay). Hoàng Tư nghiệp có một người con trai được ông vô cùng yêu quý. Không may, vào ngày 1 tháng 12 năm Mậu Dần (năm 1098), người con trai mới bốn tuổi này đã qua đời. Cái chết của con trai khiến Hoàng Tư nghiệp buồn phiền không thôi.

Bỗng ngày nọ, quan Tư nghiệp họ Hoàng có một giấc mơ. Khung cảnh trong mơ vô cùng rõ ràng. Ông mơ thấy người con trai đã qua đời nói với mình: "Con đã đầu thai chuyển sinh rồi. Cha không nên nhớ con nữa. Kiếp trước con từng làm Tể tướng, nhưng vì vu oan cho người vô tội nên mới phải chịu nghiệp báo, đầu thai đến nhà của cha để chịu quả báo chết sớm. Hiện tại, do còn những lỗi nhỏ khác nên con sẽ đầu thai đến nhà của Tú tài Phương Thập Tứ, về sau vẫn còn chút số mệnh làm quan. Sau kiếp này, con sẽ có tương lai tốt đẹp hơn".

Khi tỉnh dậy, quan Tư nghiệp tin rằng giấc mơ này là do nguyên thần của con trai đến báo mộng. Để kiểm tra tính xác thực của giấc mơ, sáng sớm hôm sau, quan Tư nghiệp họ Hoàng liền đến thăm nhà của Tú tài Phương Thập Tứ - Phương Dật. Ở nhà họ Phương, quan Tư nghiệp nhìn thấy vợ chồng họ Phương vừa sinh được một cậu con trai, hơn nữa còn sinh đúng vào ngày con trai của ông qua đời (ngày 1 một tháng 12).

Tư nghiệp họ Hoàng xin Tú tài Phương Dật bế đứa nhỏ ra. Đứa trẻ vừa nhìn thấy quan Tư nghiệp đã vui mừng hớn hở. Tư nghiệp họ Hoàng cầm đồ chơi, đứa bé liền đưa tay ra cầm, không hề sợ người lạ. Phản ứng của đứa trẻ khiến quan Tư nghiệp tin chắc rằng, con trai của mình đã chuyển sinh đến nhà họ Phương. Từ đó về sau, nỗi buồn mất con của quan Tư nghiệp cũng không còn. Ông cũng không còn khóc lóc thương nhớ con trai nữa.

Sau này Tú tài Phương Dật trở thành một vị quan, làm đến chức Triều thị lang (chức quan văn thất phẩm). Đứa trẻ được đặt tên là Phương Tự. Vào năm Thiệu Hưng thứ 12 (năm 1142), Phương Tự đỗ đạt khoa cử, nhận chức Huyện thừa huyện Thường Sơn. Phương Tự qua đời khi đang còn nhậm chức, hưởng thọ 53 tuổi. Kết quả phù hợp với những điều nhân quả nghiệp báo mà con trai của quan Tư nghiệp đã nói trong giấc mộng.

Nguyên thần của con trai quan Tư nghiệp họ Hoàng không chỉ biết rõ sự việc kiếp trước của mình mà còn biết được số phận ở kiếp này và kiếp sau. Bởi vì kiếp trước vu khống người vô tội và phạm nhiều sai lầm nên phải chịu hai kiếp báo ứng. Nguyên thần của cậu bé vừa hiểu rõ được nguyên nhân của "ba kiếp luân hồi", vừa biết được những hậu quả về sau.

Tác phẩm "Dị kiên chí" của Hồng Mại ghi lại những câu chuyện, con người, sự việc, thời gian, địa điểm đều có thể kiểm chứng được, thể hiện cho con người sự tồn tại của luân hồi nghiệp báo. Tác phẩm này nhắn nhủ thế nhân rằng: Con người nợ nghiệp báo thì nhất định phải hoàn trả; đến khi trả hết nợ mới có được một tương lai tốt đẹp. Hành thiện tích đức có thể hưởng phúc báo, nợ nghiệp phải chịu khổ đó hoàn trả. Đó chính là câu chuyện về luân hồi chuyển sinh, để những người trong mê như trong ta, có thể lấy làm gương, cẩn trọng từng suy nghĩ, lời nói và hành động của mình!

Hoài Nhẫn Nhẫn - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Con trai 4 tuổi chết yểu, báo mộng cho cha, kể lại chuyện nhân quả ba đời