Bình luận: Đằng sau cuộc đình công của UAW là điểm yếu lịch sử của kinh tế Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính điểm yếu lịch sử liên quan tới công đoàn đã khiến các tập đoàn của Mỹ phải phi công nghiệp hóa Mỹ để ủng hộ một Trung Quốc không có công đoàn, đồng thời cơ giới hóa các dây chuyền lắp ráp với robot, thứ mà ngày càng có thể mua được ở Trung Quốc.

Bài bình luận

Công đoàn United Auto Workers (UAW) đã đình công vào ngày 15/9. Cuộc đình công ảnh hưởng đến “ba ông lớn” ở Detroit - General Motors, Ford và Stellantis, nhà sản xuất xe Jeep. Công đoàn muốn tăng chi phí lao động trung bình từ mức 65 USD/giờ, bao gồm cả phúc lợi. Đây là mức hiện đã cao hơn mức của thị trường. Ví dụ, công ty Tesla (không có công đoàn) “chỉ” trả 45 USD/giờ lao động, nếu xét đến cả chi phí phúc lợi.

Các yêu cầu của UAW sẽ gần như tăng gấp đôi chi phí lao động và theo ban quản lý, khiến các công ty không thể tồn tại được. Công nhân sẽ đi đâu khi các nhà sản xuất ô tô phá sản, tiếp tục cơ giới hóa dây chuyền lắp ráp hoặc chuyển hoạt động sản xuất sang Trung Quốc?

Nhiều công nhân ở những công ty này không đình công nhưng đã bị sa thải. Các công đoàn đình công cố gắng gây ra tổn thất tối đa cho chính công ty của họ với ít nỗ lực và chi phí nhất có thể. Những công nhân bị buộc thôi việc không thể làm việc vì những người công nhân khác có liên quan tới họ trong dây chuyền sản xuất đã đình công. Tất cả những người đình công và công nhân UAW bị sa thải đều được trả lương từ quỹ công đoàn đến từ phí áp đặt lên người lao động, cho dù họ có muốn hay không. Họ đang được công đoàn trả tiền để đình chỉ sản xuất.

Thực tiễn lố bịch này gây ra sự kém hiệu quả lớn trong ngành sản xuất của Mỹ, tuy nhiên người Mỹ trong nhiều thập kỷ đã quen với gánh nặng mà nó áp đặt lên nền kinh tế.

Sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng của cuộc đình công mới nhất là do UAW cố tình thiết kế, khiến ban quản lý các công ty phải đau đầu đoán xem nhà máy nào sẽ đóng cửa tiếp theo. Các công nhân ở hạ nguồn và thượng nguồn, bao gồm từ hàng trăm công ty khác, phụ thuộc vào chuỗi cung ứng chung và bị cắt giảm việc làm do các hành động của UAW ngay khi các nhà máy không thể sản xuất xe và cung cấp cho các khách hàng.

Các cổ đông đau đớn

Các cổ đông của các công ty này cảm thấy đau đớn hơn những người đình công trong những tháng gần đây, với cổ phiếu của Stellantis giảm hơn 7% và cổ phiếu của Ford và GM giảm hơn 20%. Hãy so sánh điều đó với lạm phát gia tăng. Tỷ lệ lạm phát là thấp hơn và đã ảnh hưởng đến túi tiền của cả cổ đông và người lao động.

Tuy nhiên, các ông chủ công đoàn muốn thu được nhiều giá trị hơn từ các cổ đông theo cách mà cuối cùng sẽ mang lại một thắng lợi nhỏ nhưng một tổn thất lớn không chỉ cho người lao động và các công ty mà còn cho toàn bộ nền kinh tế Mỹ. Chỉ một tỷ lệ rất nhỏ công nhân ô tô Mỹ thuộc công đoàn hy vọng được tăng lương. Trong khi đó, các cổ đông thua lỗ gấp bội và người Mỹ nói chung mất khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Các nhà đầu tư thích đầu tư vào những quốc gia nơi họ không bị buộc phải chia sẻ lợi nhuận khi mọi thứ tiến triển thuận lợi. Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư mạo hiểm vốn của họ. Không có lợi nhuận đáng kể, các nhà đầu tư sẽ giữ tiền của họ trong những khoản đầu tư có lợi nhuận thấp hơn nhưng đáng tin cậy hơn như trái phiếu, một sở thích mà nếu phổ biến rộng rãi sẽ làm suy yếu không chỉ ngành công nghiệp ô tô mà toàn bộ ngành công nghiệp Mỹ. Nó sẽ loại bỏ yếu tố quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế: những người chấp nhận rủi ro với tư cách là những người ra quyết định có lợi ích đi kèm.

Đằng sau cuộc đình công của UAW là điểm yếu lịch sử của kinh tế Mỹ
Những chiếc GMC Hummer EV tại nhà máy lắp ráp xe điện Factory ZERO của General Motors ở Detroit, Mỹ, vào ngày 17/11/2021. (Ảnh: Nic Antaya / Getty Images)

Không phải tất cả các cổ đông đều là tỷ phú. Trên thực tế, 158 triệu người Mỹ sở hữu cổ phần trong các công ty - khoảng 3/4 tổng số người trưởng thành ở Mỹ. Như có thể thấy rõ từ những con số đó, hầu hết các cổ đông đều là những người bình thường và những người bình thường đó đang bị công đoàn bỏ rơi (tiết lộ: Tác giả bài viết này là một người bình thường nắm giữ cổ phiếu GM).

Điểm yếu lịch sử của Mỹ

Vấn đề không chỉ ở các công đoàn. Vấn đề còn nằm ở các chính trị gia của Mỹ, những người không thể đứng lên chống lại các công đoàn, hoặc họ sẽ bị bãi nhiệm. Đó là lý do tại sao cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều tránh chọc giận các công đoàn và tại sao họ âm thầm chịu đựng các cuộc đình công làm suy yếu không chỉ các công ty bị ảnh hưởng mà cả toàn bộ nền kinh tế.

Một quốc gia càng tự do hơn đối với những người đình công thì nền kinh tế của quốc gia đó càng phi tự do hơn. Những người đình công có quyền đóng cửa thị trường lao động và vốn, biện pháp cho họ quyền đòi hỏi mức tăng lương vượt quá mức thị trường chấp nhận. Sức mạnh đóng cửa các thị trường, giống như sức mạnh của độc quyền, vốn dĩ là phi tự do. Nó ảnh hưởng đến sự tự do trong lao động và vốn, không cho phép chúng vận hành theo cách tối đa hóa hiệu quả và tăng trưởng kinh tế.

Những người theo cánh tả nên ủng hộ thị trường tự do, bao gồm cả thị trường lao động, cũng giống như những người theo chủ nghĩa bảo thủ thực sự. Tuy nhiên, cả các chính trị gia theo chủ nghĩa cấp tiến lẫn bảo thủ ở Mỹ đều tránh chỉ trích các công đoàn. Đó là điểm yếu lịch sử của nền kinh tế Mỹ mà có quá ít người đang tìm cách khắc phục. Chính điểm yếu lịch sử này đã khiến các tập đoàn của Mỹ phải phi công nghiệp hóa Mỹ để ủng hộ một Trung Quốc không có công đoàn, đồng thời cơ giới hóa các dây chuyền lắp ráp với robot, thứ mà ngày càng có thể mua được ở Trung Quốc.

Các công đoàn Mỹ đang tự chuốc lấy thất bại vì họ thiếu những nguyên tắc nằm ngoài động cơ thúc đẩy của họ, đó là kiếm được nhiều tiền hơn cho chính họ trong ngắn hạn mà không quan tâm đến những hậu quả lâu dài và những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Như một người đình công trung thực 20 tuổi đã nói với The Washington Post, “Tôi đến đây chỉ vì tiền”.

May mắn thay, chỉ có khoảng 10% công nhân Mỹ tham gia công đoàn, tỷ lệ này thấp so với các nước OECD. Tỷ lệ gia nhập công đoàn ở Mỹ đã giảm gần như hàng năm kể từ những năm 1950, khi đạt mức cao nhất là 35%.

Thật không may, sự tập trung của cải dường như có mối tương quan nghịch với sự hình thành công đoàn. Tỷ lệ gia nhập công đoàn cao hơn khiến cho sự phân bổ của cải ở Mỹ trở nên bình đẳng hơn, nhưng với cái giá phải trả là tốc độ tăng trưởng thấp hơn.

Sự phân phối của cải công bằng hơn sẽ dẫn đến những mặt tích cực từ quan điểm giá trị Mỹ, chẳng hạn như quyền sở hữu nhà, khu vực doanh nghiệp nhỏ sôi động hơn, quyền sở hữu cổ phiếu và trái phiếu rộng rãi hơn cũng như sự ổn định chính trị hơn. Nhưng có nhiều cách tốt hơn để đạt được điều này hơn là thông qua các cuộc đình công gây thiệt hại, chẳng hạn như thông qua sự kết hợp giữa luật về quyền không bắt buộc tham gia công đoàn và thuế lũy tiến. Mỹ đã áp dụng mức thuế như vậy, vì vậy không cần thiết phải có sự gián đoạn chuỗi cung ứng do các lãnh đạo công đoàn quá hung hăng gây ra.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics Inc. - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Đằng sau cuộc đình công của UAW là điểm yếu lịch sử của kinh tế Mỹ