Dấu hiệu trầm cảm ở đàn ông dễ bị bỏ qua, để lâu dễ gây nguy hiểm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trầm cảm ở nam giới không đơn giản chỉ là stress nặng hay tính cách thay đổi bất thường mà còn thể hiện qua nhiều khả năng tư duy, hành vi lẫn dấu hiệu sức khỏe rất rõ rệt.

Mặc dù đa số bệnh nhân trầm cảm là nữ giới nhưng vẫn có không ít đấng mày râu đối mặt với tình trạng này. Trầm cảm ở nam giới có những đặc điểm khác biệt. Vậy đó là những biểu hiện nào? Chúng ta cùng tìm hiểu để nhanh chóng khắc phục nếu có nhé!

  1. Dấu hiệu trầm cảm ở nam giới
  • Mệt mỏi: So với phụ nữ, đàn ông bị trầm cảm có nhiều nguy cơ trải qua cảm giác mệt mỏi, hoạt động chậm chạp hơn.
  • Rối loạn giấc ngủ: Triệu chứng trầm cảm ở nam giới phổ biến là ngủ quá nhiều hoặc quá ít, mất ngủ hoặc thức dậy rất sớm. Một số bệnh nhân có thể ngủ đến 12 giờ/ ngày nhưng vẫn cảm thấy kiệt sức hoặc chỉ ngủ được 2 giờ đồng hồ là thức dậy.
  • Các vấn đề về sức khỏe: Mặc dù là một tình trạng sức khỏe tâm thần, nhưng trầm cảm ở đàn ông cũng làm thay đổi mức độ serotonin và norepinephrine - chất truyền tin não chi phối nỗi đau và tâm trạng, tạo ra các triệu chứng thể chất. Đau bụng hoặc đau lưng, táo bón hoặc tiêu chảy, đau đầu... là những vấn đề về thể chất có liên quan đến trầm cảm.
  • Khó chịu: Các đấng mày râu bị trầm cảm thường dễ phản ứng mạnh với những chuyện bình thường do luôn cảm thấy khó chịu và suy nghĩ tiêu cực.
  • Khó tập trung: Trầm cảm ở đàn ông làm suy yếu khả năng xử lý thông tin và tập trung vào công việc, thay vào đó là những suy nghĩ tiêu cực chiếm đầy ý thức của họ.
  • Giận dữ: Một số quý ông trầm cảm sẽ có biểu hiện tức giận, hung hăng hay thù địch. Có người dù nhận ra họ sai nhưng vẫn cố bảo thủ chứng minh mình đúng.
  • Căng thẳng (stress): Đây không chỉ là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán và xác định mức độ trầm cảm ở nam giới, mà còn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến căn bệnh này. Căng thẳng kéo dài sẽ tác động đến cả thể chất và tâm lý.
  • Lo lắng: Rối loạn lo âu và trầm cảm có mối liên hệ với nhau. Trên thực tế, nam giới ít cảm thấy lo lắng hơn phụ nữ khi bị trầm cảm. Nếu có, họ sẽ dễ dàng chia sẻ cảm giác này với bác sĩ, ví dụ như đề cập đến vấn đề công việc, những khó khăn trong cuộc sống của bản thân và gia đình.
  • Lạm dụng rượu: Người nghiện rượu có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp hai lần người bình thường. Thay vì tìm giải pháp y tế, bệnh nhân trầm cảm thường sử dụng rượu hoặc thậm chí là ma túy để che dấu cảm xúc.
  • Rối loạn sinh dục: Trầm cảm là một nguyên nhân phổ biến khiến quý ông mất ham muốn và rối loạn cương dương. Mặc khác, rối loạn cương dương và hờ hững chuyện chăn gối cũng có thể là tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm.
  • Không thể tự quyết định: Đàn ông bị trầm cảm hầu như mất khả năng đưa ra lựa chọn hay quyết định như một người bình thường, do não của họ gặp vấn đề về xử lý thông tin.
  • Suy nghĩ tự tử: Dù không nhiều nam giới có suy nghĩ này, nhưng nếu có thì nguy cơ tử vong của họ sẽ cao gấp 4 lần phụ nữ do đàn ông thường chọn các phương pháp dễ chết người hơn, đặc biệt là đàn ông lớn tuổi.
  • Một số triệu chứng trầm cảm khác có thể xảy ra ở nam giới bao gồm: Thèm ăn hoặc chán ăn, thay đổi cân nặng, không còn niềm vui, có cảm giác tội lỗi hoặc trống rỗng, tránh tiếp xúc xã hội, tham gia vào cờ bạc, quan hệ nam nữ không an toàn,...

Những thay đổi hành vi trên xảy ra có thể là do quý ông cố gắng che giấu căn bệnh của mình vì không muốn bị đánh giá là yếu đuối như phụ nữ. Nỗ lực theo đuổi “chuẩn mực nam tính” có thể khiến đàn ông bị ức chế tâm lý, lâu dần dẫn đến hành động tự hủy hoại bản thân.

Thực tế, bất kỳ người đàn ông nào cũng có thể rơi vào trầm cảm. Tuy nhiên, một số yếu tố dễ ảnh hưởng tiêu cực tới tâm trạng của nam giới như cô đơn và thiếu sự hỗ trợ, quan tâm; thiếu khả năng ứng phó với căng thẳng một cách hiệu quả và lành mạnh. Người có tiền sử lạm dụng rượu bia và chất kích thích; sang chấn hoặc bạo hành thời thơ ấu; tuổi già bị cô lập và ít tiếp xúc xã hội thì dễ bị trầm cảm hơn.

Trầm cảm có thể cản trở, thậm chí phá hủy công việc, nếp sinh hoạt, các mối quan hệ xã hội và niềm vui trong cuộc sống một người. Bệnh còn có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, gây trở ngại trong việc lưu trữ, củng cố và lấy lại ký ức.

Theo Everyday Health, mối liên hệ giữa các vấn đề về trí nhớ và trầm cảm có liên quan đến những thay đổi trong não. Vùng hải mã, một phần não có chức năng hình thành ký ức, có thể bị giảm kích thước và hoạt động khi trầm cảm kéo dài. Sự co rút của vùng hải mã liên quan đến cortisol - loại hormone được cơ thể tiết ra để phản ứng với căng thẳng. Căng thẳng mạn tính và nồng độ cortisol tăng cao do trầm cảm góp phần gây ra những thay đổi ở vùng đồi thị, dẫn đến ảnh hưởng đến trí nhớ nói riêng và đến các vấn đề cảm xúc nói chung.

Giai đoạn trầm cảm khởi đầu cho các rối loạn cảm xúc tiếp theo, có thể diễn ra theo nhiều hình thái khác nhau như rối loạn cảm xúc lưỡng cực hoặc rối loạn trầm cảm tái diễn. Trầm cảm khiến người mang bệnh bi quan, nhìn tương lai ảm đạm, có ý tưởng và hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát, rối loạn giấc ngủ, ăn ít ngon miệng.

Không chỉ ảnh hưởng tới chính bản thân người mắc mà bệnh còn ảnh hưởng tới gia đình, bạn bè của họ. Người bị trầm cảm có thể gây nguy hiểm đối với người khác như xô xát, cãi vã và thậm chí là giết người.



BÀI CHỌN LỌC

Dấu hiệu trầm cảm ở đàn ông dễ bị bỏ qua, để lâu dễ gây nguy hiểm