Đi 2.000 bước mỗi ngày giúp giảm nguy cơ suy tim ở phụ nữ lớn tuổi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa việc thực hiện ít nhất 2.000 bước mỗi ngày và giảm nguy cơ suy tim ở phụ nữ lớn tuổi.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy những người hoạt động thể chất hàng ngày ít có khả năng bị suy tim hơn những người có lối sống ít vận động hơn.

Nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Buffalo-SUNY và được công bố trên JAMA Cardiology, đã kiểm tra 5.951 phụ nữ từ 63-99 tuổi.

Những người tham gia có 49,2% người da trắng, 33,7% người da đen và 17,2% người gốc Tây Ban Nha. Không ai trong số những người này được chẩn đoán mắc bệnh suy tim tại thời điểm nghiên cứu.

Những phụ nữ này phải đeo thiết bị giám sát liên tục 24 giờ trong bảy ngày và thời gian theo dõi kéo dài khoảng bảy năm.

Trong quá trình theo dõi, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người có thời lượng hoạt động thể chất cao hơn (bất kể cường độ hay mức độ vất vả) và ít nhất đi 2.000 bước mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh suy tim thấp hơn.

Ngược lại, những người ít vận động hơn và đi ít hơn 2.000 bước mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh suy tim cao hơn.

Giải thích kết quả nghiên cứu

Các nhà nghiên cứu lưu ý những phát hiện này có "ý nghĩa sâu sắc về sức khỏe cộng đồng và lâm sàng", giải thích rằng suy tim ảnh hưởng không cân đối đến phụ nữ và các nhóm thiểu số, và 2.000 bước mỗi ngày "ít hơn nhiều so với mức 10.000 bước thường được khuyến khích để cải thiện sức khỏe".

Michelle Routhenstein, một chuyên gia dinh dưỡng tim mạch dự phòng, cho biết trong email gửi The Epoch Times: "Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vận động thể chất để cải thiện nguy cơ suy tim ở phụ nữ lớn tuổi.

Những kết quả này không gây bất ngờ vì nghiên cứu đã liên tục chỉ ra những lợi ích của việc vận động thể chất thường xuyên đối với sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, việc sử dụng máy đo bước chân giúp những phát hiện này đáng tin cậy hơn".

Suy tim là gì?

Suy tim là tình trạng tim không thể bơm đủ lượng máu và oxy đi khắp cơ thể. Theo thời gian, điều này có thể gây bất lợi vì các cơ quan trong cơ thể cần được cung cấp máu và oxy ổn định để hoạt động bình thường.

"Suy tim là một hội chứng phức tạp, thường gặp, được đặc trưng bởi các triệu chứng khó thở, mệt mỏi, tăng cân, phù dạ dày/bụng và chân, và là rối loạn khiến tim không thể bơm đủ máu theo nhu cầu của cơ thể", ông Mustali Dohadwala, bác sĩ tim mạch và giám đốc y tế của Heartsafe, một phòng khám tư nhân chuyên về sức khỏe tim mạch ở Boston, Massachusetts, nói với The Epoch Times.

Việc mắc các bệnh lý khác có thể làm tăng nguy cơ suy tim, chẳng hạn như bệnh động mạch vành, tiền sử đau tim, tiểu đường, huyết áp cao và béo phì.

Bác sĩ Dohadwala giải thích: "Suy tim có thể do bất kỳ tình trạng nào làm suy yếu khả năng bơm máu hoặc chứa đầy máu của tim".

Cô Routhenstein lưu ý rằng các triệu chứng có thể không xuất hiện cho đến giai đoạn sau, cô giải thích: "Điều quan trọng là phải giải quyết các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được và tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện, vì chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp kiểm soát tình trạng và cải thiện chất lượng cuộc sống".

Hoạt động thể chất ảnh hưởng đến nguy cơ suy tim như thế nào?

Mặc dù chức năng tim suy giảm theo tự nhiên khi chúng ta già đi, nghiên cứu xác nhận rằng hoạt động thể chất có thể góp phần giảm thiểu các trường hợp suy tim ở người lớn tuổi.

Điều này xảy ra vì hoạt động thể chất có thể giảm hoặc thậm chí loại bỏ các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được, cũng như cải thiện tổng thể sức khỏe sinh lý của tim và hệ tuần hoàn.

Bác sĩ Dohadwala khẳng định: "Nguy cơ suy tim giảm đi nhờ hoạt động thể chất. Việc giảm thiểu sự phát triển của các yếu tố nguy cơ tim mạch như béo phì, huyết áp cao, bệnh động mạch vành và tiểu đường dẫn đến việc tái cấu trúc tim thuận lợi, giảm độ cứng mạch máu, cải thiện độ đàn hồi của thất và phục hồi sự cân bằng thần kinh nội tiết tố".

Ngay cả đối với những người đã được chẩn đoán mắc suy tim, nghiên cứu cho thấy hoạt động thể chất thường xuyên có thể mang lại lợi ích và giảm bớt các triệu chứng ở một số người.

Thực tế, tình trạng thiếu hoạt động thể chất có liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn ở bệnh nhân mắc bệnh tim mạch.

Cô Routhenstein khuyên:

"Hoạt động thể chất vẫn có lợi ngay cả khi bạn đã được chẩn đoán mắc suy tim. Tuy nhiên, cường độ và thời gian tập luyện cần được điều chỉnh để tránh căng thẳng quá mức.

Trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập thể dục nào, những người mắc suy tim nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Chuyên gia y tế có thể đánh giá tình trạng cụ thể, tình trạng sức khỏe tổng thể và bất kỳ hạn chế tiềm ẩn nào của bạn, đồng thời đưa ra các khuyến nghị cá nhân hóa”.

Bác sĩ Dohadwala đồng ý, nói: "Chỉ nên bắt đầu các hoạt động thể dục sau khi hoàn thành chương trình huấn luyện cách thể dục [phù hợp với người mắc bệnh suy tim] và được bác sĩ hướng dẫn.

Ngoài ra, ngoại trừ các hoạt động có thể làm tăng đột ngột huyết áp hoặc nhịp tim như cử tạ nặng, về cơ bản không có hoạt động nào cần tránh. Nhưng điều quan trọng là không nên tập luyện quá sức".

Nhìn chung, bác sĩ Dohadwala tin rằng nghiên cứu này có thể “tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động thể chất, vượt ra ngoài những lợi ích được biết đến về giảm cân, huyết áp, đường huyết và kiểm soát cholesterol, vì nó cũng có thể giảm nguy cơ phát triển suy tim”.

Nghiên cứu cũng xác nhận rằng một lượng bước đi tương đối nhỏ mỗi ngày có thể có tác động đáng kể đến sức khỏe tim mạch lâu dài của một người.

Cô Routhenstein đồng ý với quan điểm này, nói rằng: “Những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh lối sống ít vận động và chú ý đến việc di chuyển trong suốt cả ngày để giữ cho tim khỏe.

Tôi nghĩ nghiên cứu thêm có thể làm nổi bật cách suy tim có thể phòng ngừa được thông qua thay đổi lối sống, và chúng ta có thể ngăn ngừa nó nếu chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe”.

Dựa trên kết quả của nghiên cứu này, bác sĩ Dohadwala tin rằng có tiềm năng đáng kể cho các nghiên cứu trong tương lai để khám phá các khía cạnh cụ thể khác của hoạt động thể chất và cách chúng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ suy tim.

“Sẽ rất thú vị để nghiên cứu sâu hơn xem một loại hoạt động thể chất cụ thể (ví dụ: Thái Cực Quyền so với đi bộ, hoặc bơi lội so với tennis), cũng như thời điểm hoạt động thể chất cụ thể trong ngày có thể tương quan với nguy cơ phát triển suy tim hay không”, bác sĩ Dohadwala nói.

“Thực hiện một nghiên cứu theo chiều dọc về hoạt động thể chất (loại hình, thời gian, tần suất, thi đấu, giải trí) được thực hiện bởi thanh thiếu niên và nguy cơ phát triển suy tim sau này của họ khi trưởng thành và trung niên cũng sẽ rất thú vị”.

Theo Ayla Roberts - The Epoch Times
Bảo Vy

Ayla Roberts là một y tá và là nhà văn tự do. Cô có bằng cử nhân và thạc sĩ về điều dưỡng, từng làm việc ở nhiều vai trò lâm sàng và học thuật khác nhau.



BÀI CHỌN LỌC

Đi 2.000 bước mỗi ngày giúp giảm nguy cơ suy tim ở phụ nữ lớn tuổi