'Hạ cánh mềm' thực sự có ý nghĩa đối với nước Mỹ hay không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kinh tế Mỹ chưa từng cất cánh sau giai đoạn phong tỏa để có thể hạ cánh. Và dù là hạ cánh mềm hay hạ cánh cứng, sự thịnh vượng của Mỹ cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Ngôn ngữ kinh tế chứa đầy các so sánh ẩn dụ. Lĩnh vực này sẽ gặp khó khăn lớn nếu không có các ẩn dụ này. Chẳng hạn: Nền kinh tế đang phát triển quá nóng. Nền kinh tế gặp khủng hoảng. Nó đang hạ nhiệt. Nó đang rơi tự do. Tốt hơn hết là chúng ta nên phanh lại nền kinh tế! Cổ phiếu này đang hướng đến mặt trăng...

Và còn nhiều ví dụ nữa. Đôi khi, người ta tự hỏi: Đây có phải là khoa học thực sự hay chỉ là một trò chơi chữ? Tôi đã từng biết một sinh viên trở nên thất vọng đến mức anh ta quyết định rằng toàn bộ lĩnh vực này chẳng là gì ngoài những ngôn từ thơ ca được ngụy trang thành sự chính xác. Vì vậy, anh ấy đã thay đổi chuyên ngành của mình. Tôi có thể hiểu được vấn đề.

Tuy nhiên, thật đáng tiếc, bởi vì kinh tế học trên thực tế là một ngành khoa học xã hội nhằm tìm ra các quy luật chi phối thế giới vật chất độc lập với các mong muốn chính trị. Vấn đề là trong nhiều thế kỷ kể từ khi kinh tế học được phát hiện ra, nó đã bị lạm dụng bởi các quốc gia và giới chính trị nói chung. Sự phổ biến của các ẩn dụ là một phần của trò chơi ngu dân.

Câu chuyện ngớ ngẩn mới nhất mà chúng ta đang chứng kiến là việc Fed tin rằng họ có thể hạ cánh mềm nền kinh tế Mỹ. Hãy phân tích ẩn dụ này. Có lẽ, chúng ta nên tưởng tượng rằng nền kinh tế đang bay trên không nhưng giờ phải đáp xuống mặt đất. Nó có thể lao xuống và giết chết tất cả các hành khách, hoặc nó có thể hạ bộ phận hạ cánh xuống và giúp mọi người đáp xuống một cách an toàn.

Điều đó sẽ xảy ra? Tôi nghi ngờ nó, nhưng vấn đề thực sự nằm ở chính phép ẩn dụ. Nền kinh tế Mỹ đã không bay cao. Vì vậy, không rõ ý nghĩa của việc hạ cánh mềm là gì. Nền kinh tế Mỹ chưa bao giờ thực sự cất cánh sau các đợt phong tỏa. Tốc độ tăng trưởng được cho là 1 và 2% hoàn toàn nằm trong giới hạn sai số, đặc biệt là do những rào cản không thể vượt qua đối với việc thu thập dữ liệu chính xác trong ba năm qua. Cá nhân tôi không tin kinh tế Mỹ đã từng cất cánh. Tôi nghi ngờ rằng trong một vài năm tới, chúng ta sẽ thấy rõ là nước Mỹ chưa bao giờ thoát khỏi cuộc suy thoái năm 2020.

Tăng trưởng kinh tế yếu ớt

Chúng ta hãy xem tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội thực kể từ Thế chiến II.

'Hạ cánh mềm' thực sự có ý nghĩa gì đối với nước Mỹ hay không?
Biểu đồ: tăng trưởng GDP thực của Mỹ. Cột bên trái: phần trăm thay đổi so với một năm trước. (Dữ liệu: Dữ liệu kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang [FRED], St. Louis Fed; Ảnh: Jeffrey A. Tucker)

Trong nhiều thập kỷ, tỷ lệ tăng trưởng 5 và 7 phần trăm là phổ biến. Động lực tăng trưởng đã giảm dần trong nhiều thập kỷ. Nước Mỹ vui mừng vì những năm 1980, nhưng chúng chỉ tuyệt vời so với cuối những năm 1970. Theo tiêu chuẩn của những năm 1950, nước Mỹ vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng. Tuy nhiên, sau năm 2008, nước Mỹ ngày càng lún sâu vào hố sâu của sự trì trệ (thêm một phép ẩn dụ).

Nói cách khác, các tiêu chuẩn về định nghĩa của sự tăng trưởng đã thay đổi đáng kể. Người Mỹ có lẽ cần biết ơn Bộ Thương mại Mỹ vì đã tạo ra tốc độ tăng trưởng trên 0, ngay cả khi họ gần như phải làm mọi thứ, bao gồm cả gia tăng chi tiêu của chính phủ, để đạt được điều đó. Bằng cách nào đó, người Mỹ tự an ủi mình rằng nước Mỹ vẫn đang kiếm ra tiền, ngay cả khi họ không nhận thấy rằng nền văn minh đang tan rã.

Bi kịch to lớn ở đây là sự chậm lại trong việc tạo ra của cải xảy ra vào đúng thời điểm chúng ta có những tiến bộ công nghệ vĩ đại xét trong khoảng một thế kỷ qua. Sự phát triển của cơ sở dữ liệu, Internet và công nghệ kỹ thuật số lẽ ra phải mang lại cho nước Mỹ nhiều của cải hơn thời kỳ chúng ta phát minh ra điện, máy bay và điện thoại. Tuy nhiên, vào chính thời kỳ này, chính phủ Mỹ đã phát triển quá mức và lấn át việc tạo ra của cải của khu vực tư nhân.

Sự bóp nghẹt từ từ

Đây là một trong những cơ hội bị bỏ lỡ rất lớn trong lịch sử thế giới. Ngày nay, việc tạo ra của cải ở phương Tây bị cản trở bởi những vụ kiện tụng điên cuồng (về bất cứ thứ gì và mọi thứ), vốn rất tốn kém về tiền bạc và thời gian. Cố gắng tuân thủ các quy định cũng là điều điên rồ, như bất kỳ doanh nhân nào cũng biết. Lượng thời gian và tiền bạc cần thiết chỉ để thuê người là đáng kinh ngạc. Thuế ở tất cả các cấp nằm ngoài tầm kiểm soát, tăng cao hơn mỗi năm và đòi hỏi ngày càng nhiều đội ngũ luật sư và kế toán, phần mềm, v.v. Thực sự, tất cả những điều này đang giết chết doanh nghiệp.

Các tổ chức và những người bị tổn thương nhiều nhất bởi quá nhiều quyền kiểm soát này là các doanh nghiệp nhỏ hơn và những người nghèo hơn, đó chính là lý do tại sao các doanh nghiệp lớn và các ông trùm lại thích chúng đến vậy. Kết quả là, các cấu trúc công nghiệp ngày càng mang tính băng đảng, khi những người chơi chính thao túng hệ thống theo hướng có lợi cho họ và khoảng cách giữa người giàu và người nghèo và tầng lớp trung lưu tiếp tục gia tăng. Lạm phát trong những năm gần đây đã tàn phá sức mua của đồng tiền mà người Mỹ kiếm được.

'Hạ cánh mềm' thực sự có ý nghĩa gì đối với nước Mỹ hay không?
Một phụ nữ mua sắm tại một siêu thị ở Thành phố New York vào ngày 14/12/2022. (Ảnh: Yuki Iwamura/AFP qua Getty Images)

Thứ đồng thời ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của Mỹ là tình trạng sức khỏe kém tràn lan của người dân, với bệnh béo phì, nghiện ma túy và tình trạng mất tinh thần nói chung. Thực phẩm độc hại không giúp được gì, và đó hầu hết là những gì người Mỹ đang ăn, nhờ vào ngành nông nghiệp được kiểm soát quá mức.

Giáo dục cũng đã trở thành một thảm họa, đến mức dù có bằng cấp như thế nào đi nữa, người đó rất có thể ngấp nghé mức mà hầu hết các thế hệ trước gọi là mù chữ. Đối với tài chính, những méo mó đã hút rất nhiều vốn của Mỹ khỏi hoạt động sản xuất trong 15 năm qua, và còn một chặng đường rất dài để vấn đề có thể được xử lý. Nước Mỹ chỉ mới bắt đầu quá trình đó.

Có những cách khắc phục cho tất cả những vấn đề này, nhưng chúng hầu như không được đề cập đến. Cần phải bãi bỏ hoàn toàn các cơ quan hành chính, cắt giảm thuế, cắt giảm quy mô chính phủ, và cần phải làm gì đó về vấn đề kiện tụng, nhưng tôi không biết cụ thể cần làm gì. Về bản chất, Mỹ cần sự quay trở lại của các doanh nghiệp tự do hoàn toàn, cộng thêm thương mại tự do phổ quát. Nước Mỹ đang ở xa lý tưởng đó hơn bất kỳ thời điểm nào trong đời tôi.

Ngay cả những vấn đề cơ bản như quyền sở hữu cũng đang gặp rắc rối. Tại sao phải bắt đầu một công việc kinh doanh nếu chính phủ có thể buộc bạn phải đóng cửa trở lại? Tác động tâm lý của năm 2020 đến 2022 sẽ kéo dài qua nhiều thế hệ. Và giai cấp thống trị cũng chưa bao giờ nhận lỗi.

Các quy định về tính đa dạng và nỗ lực áp đặt triết lý “thức tỉnh” lên trên mục tiêu lợi nhuận trong kinh doanh chắc chắn sẽ thất bại. Cần phải có một sự thay đổi nhanh chóng đối với phong trào kỳ lạ này. Tất cả đều được tuyên bố là “tiến bộ”, nhưng thực tế lại là thoái lùi: quay trở lại chế độ bộ lạc ở thế giới cũ. [Phong trào "thức tỉnh" được khởi xướng bởi những người cánh tả nhằm thúc đẩy đấu tranh về các vấn đề như bất bình đẳng xã hội, môi trường, phá thai…].

Hạ cánh mềm hay không, sự thịnh vượng của Mỹ cũng vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng. Người Mỹ không cần phải trải qua một cuộc Đại khủng hoảng nhanh lần thứ hai. Sự bóp nghẹt từ từ này đã là đủ để giết chết hy vọng của người Mỹ trong tương lai. Và rồi, người Mỹ sẽ phải triển khai tất cả các loại ẩn dụ mới có liên quan.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo học thuật và phổ thông, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.



BÀI CHỌN LỌC

'Hạ cánh mềm' thực sự có ý nghĩa đối với nước Mỹ hay không?