Một cuộc suy thoái nhẹ đang rình rập nước Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoàn cảnh tại Mỹ hiện tại cho thấy một cuộc suy thoái rất có khả năng sẽ xảy ra. Tuy nhiên, nó sẽ là một cuộc suy thoái nhẹ, chắc chắn không giống như thảm họa 2008-2009.

Có 3 luận điểm trong cuộc tranh luận về triển vọng suy thoái. Một luận điểm chỉ ra tăng trưởng việc làm vẫn mạnh mẽ và cho rằng nền kinh tế sẽ tránh được suy thoái hoàn toàn. Luận điểm thứ 2 cho rằng số lượng việc làm không phản ánh đúng tình hình và suy thoái kinh tế sắp xảy ra. Luận điểm thứ 3 nằm ở giữa các luận điểm trên, lập luận rằng suy thoái kinh tế sẽ đợi đến năm 2024.

Dự báo luôn là một công việc gây nghi ngờ, đặc biệt là khi cần xác định thời điểm của một sự thay đổi theo chu kỳ. Tuy nhiên, hoàn cảnh hiện tại mang lại ít nhất 2 khả năng có xác suất xảy ra cao. Đầu tiên, suy thoái kinh tế, bất kể thời điểm chính xác xảy ra của nó có là gì, là thứ rất có thể sẽ xảy ra. Hiện tại, tác động của lãi suất cao và sự tiêu cực của lạm phát đã rõ ràng. Thứ hai, suy thoái kinh tế, khi nó đến, sẽ là nhẹ nhàng, chắc chắn không giống như thảm họa năm 2008-2009, thứ vẫn còn in đậm trong ký ức mọi người.

Phần lớn thông tin hiện nay chỉ ra rằng sự suy thoái theo chu kỳ là điều gần như không thể tránh khỏi. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất mạnh mẽ trong 15 tháng qua. Ngay cả với sự tạm dừng gần đây, cơ quan này vẫn có khả năng đưa ra nhiều đợt tăng lãi suất hơn trong những tháng tới. Dù sao đi nữa, Fed đã nói rõ rằng nó không có ý định sớm đẩy lãi suất xuống một lần nữa. Cùng lúc đó, lạm phát đã làm xói mòn sức mua thực của thu nhập ở mọi tầng lớp trong xã hội. Đã có nhiều bằng chứng về tác động tiêu cực của thực tế này.

Hoạt động xây dựng nhà có thể đã tăng nhẹ trong tháng 4, nhưng điều quan trọng hơn là nó đã giảm hơn 20% so với năm trước. Chi tiêu của người tiêu dùng cũng bị tụt lại. Doanh số bán lẻ, mặc dù tăng nhẹ trong tháng 4 và tháng 5, nhưng chỉ tăng 1,6% trong 12 tháng trước đó. Với lạm phát trung bình khoảng 4%, doanh số bán lẻ trên thực tế đã giảm đáng kể. Điều này không có gì ngạc nhiên vì thu nhập trung bình hàng tuần chỉ tăng 3,4% trong năm qua, và cũng không theo kịp lạm phát. Trong khi đó, các đơn đặt hàng thiết bị sản xuất đã giảm khoảng 1% trong 12 tháng qua và đó là chưa tính đến tác động của lạm phát.

Trong khi đó, việc Fed đảo ngược chính sách lãi suất sẽ khó có thể xảy ra cho đến khi lạm phát giảm xuống gần 2% hoặc tương đương.

Một cuộc suy thoái nhẹ

Tất cả những điều này có thể cho thấy suy thoái kinh tế rất có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, sự tích cực trong tài chính hộ gia đình cho thấy rõ ràng rằng một cuộc suy thoái như vậy sẽ được kiềm chế tốt, chắc chắn không giống như sự khủng khiếp của năm 2008-2009. Vào thời điểm đó, suy thoái kinh tế xuất hiện khi nền kinh tế đối mặt với một vấn đề về nợ khổng lồ - phần lớn khoản nợ này đã tạo gánh nặng cho những người có thu nhập thấp dễ bị tổn thương. Bởi vì tình trạng cắt giảm nhân viên và thiếu hụt thu nhập trong đợt suy thoái ban đầu đã khiến những người này vỡ nợ, nên các tác động của suy thoái lan truyền qua hệ thống tài chính, khiến những rắc rối của nền kinh tế lan rộng hơn. Nhưng bây giờ, vấn đề nợ như vậy không tồn tại. Ngược lại, khu vực hộ gia đình đã cho thấy sự thận trọng tài chính đáng kể.

Ngay cả khi lãi suất thế chấp tăng lên, dữ liệu của Fed cho thấy các hộ gia đình đã hạn chế phần thu nhập được dùng để trang trải các khoản thanh toán thế chấp. Ở mức 3,97% thu nhập, các số liệu gần đây tăng từ mức thấp 3,48% vào đầu năm 2021, trước khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, nhưng gánh nặng chỉ tăng nhẹ. Quan trọng nhất, con số ngày nay vẫn nằm dưới gánh nặng thanh toán thế chấp 7,2% đối với thu nhập trung bình trong năm 2007. Cái mà Fed gọi là “tín dụng quay vòng” – chủ yếu là nợ thẻ tín dụng – cũng không tăng nhiều. Nó hấp thụ khoảng 5,7% thu nhập hộ gia đình, tăng từ mức thấp 4,9% vào đầu năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn mức 6,0% phổ biến khi thời kỳ suy thoái lần trước bắt đầu.

Ngoài ra, mặc dù người Mỹ nổi tiếng là người tiêu xài hoang phí, nhưng việc sử dụng nợ ở quốc gia này không đặc biệt cao so với tiêu chuẩn của hầu hết các nền kinh tế phát triển. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tất cả các loại nợ hộ gia đình của Mỹ chiếm khoảng 78% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Con số này cao - một điều không đáng ngạc nhiên - khi so với các nước nghèo hơn, nơi mà quyền sở hữu nhà là không phổ biến, chẳng hạn như Nga, nơi nợ hộ gia đình chỉ chiếm 22% GDP, hoặc Ấn Độ, nơi con số là 35%.

Nhưng con số của Mỹ không cao hơn nhiều so với Trung Quốc, 62%, Pháp 67%, Nhật Bản 69%, hay thậm chí Đức 57%. Trong khi đó, Mỹ có vẻ thận trọng so với Vương quốc Anh, nơi nợ hộ gia đình lên tới 86% GDP, Canada, nơi con số này lên tới khoảng 107%, hoặc Úc, nơi con số này lên tới 119%.

Liệu suy thoái sẽ đến vào ngày mai hay đợi đến năm sau vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Điều quan trọng hơn là nó có khả năng xảy ra và nó sẽ là một cuộc suy thoái nhẹ theo tiêu chuẩn lịch sử, đặc biệt là so với đợt suy thoái gần đây nhất vào năm 2008-2009.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Một cuộc suy thoái nhẹ đang rình rập nước Mỹ