Tổng thống Biden đã 'giải cứu' nước Mỹ như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kế hoạch giải cứu nước Mỹ của Tổng thống Biden thực ra chính là sự tự sát về kinh tế. Không phải chính quyền Biden không hiểu những quy luật kinh tế cơ bản, mà vấn đề là họ không coi thịnh vượng và tự do là mục tiêu.

Bất chấp những gì bạn đọc trên các tờ báo tài chính, hầu như tất cả mọi người ở Phố Wall đều biết rằng, các chính sách kinh tế của chính quyền Biden đang đẩy nền kinh tế của Mỹ rơi vào suy thoái. Wall Street Journal gần đây đã thực hiện cuộc khảo sát đối với 23 tổ chức tài chính lớn tiến hành giao dịch kinh doanh trực tiếp với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong đó, 16 tổ chức dự đoán suy thoái kinh tế sẽ xảy ra vào năm 2023 và 2 tổ chức dự đoán suy thoái kinh tế sẽ xảy ra vào năm 2024. Chỉ có 5 tổ chức dự đoán rằng nước Mỹ sẽ tránh được suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, cả 5 tổ chức đó đều dự đoán rằng nước Mỹ sẽ chỉ có mức tăng trưởng kinh tế bằng một nửa phần trăm, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 2,1 phần trăm trong 20 năm qua và rất gần với mức thường được coi là suy thoái.

Theo truyền thống, suy thoái được định nghĩa là hai quý liên tiếp tăng trưởng kinh tế âm. Ít nhất là nó đã được định nghĩa theo cách đó trước khi các tờ báo tài chính thực hiện việc định nghĩa lại trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022. Họ khẳng định rằng, dù có hai quý liên tiếp tăng trưởng âm, nhưng các chính sách của Tổng thống Biden không thể bị coi là đã dẫn tới suy thoái. Nhưng bất kể định nghĩa như thế nào, mức tăng trưởng âm này có nghĩa là mức sống giảm, ít cơ hội việc làm hơn, lương thấp hơn và gia tăng nghèo đói cho người dân Mỹ. Nhìn chung, Mỹ đã trở thành một xã hội kém sôi động và kém thịnh vượng hơn rất nhiều, chênh vênh bên bờ vực của một cuộc suy thoái nghiêm trọng.

Tổng thống Biden đã 'giải cứu' nước Mỹ như thế nào?
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước đám đông hàng nghìn người vào ngày 14/04/2023 tại Ballina, Ireland. (Ảnh: Charles McQuillan/Getty Images)

Thời kỳ bùng nổ kinh tế của cựu Tổng thống Trump

Thời kỳ kinh tế khó khăn mà nước Mỹ đang trải qua đặc biệt đáng chú ý khi chúng xuất hiện ngay sau thời kỳ bùng nổ kinh tế của cựu Tổng thống Trump. Thời kỳ này, một lần nữa, đã mở rộng tầm mắt của chúng ta về tiềm năng kinh tế của Mỹ. Đó là thời điểm nước Mỹ có thuế thấp, quy định được cắt giảm và nguồn cung cấp năng lượng trong nước dồi dào. Tất cả mọi người, đặc biệt là những người thiểu số và có mức lương thấp, đã thu được những lợi ích trong những năm tại vị của ông Trump. Họ có nhiều cơ hội việc làm, được tăng lương, có thu nhập gia đình đạt mức cao lịch sử và tỷ lệ nghèo đói và thất nghiệp thấp kỷ lục.

Hãy xem xét một số số liệu. Vào năm 2019, năm cuối cùng trước đại dịch, thu nhập trung bình của một gia đình đã tăng lên gần 73.000 USD. Nó đã tăng 4.600 USD chỉ trong năm đó, tăng 6,4% so với năm 2018 - mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1967. Con số 4.600 USD cao hơn gần 45% so với mức tăng 3.200 USD mà chính quyền Obama đạt được trong 8 năm. Và trái ngược với những gì được bàn luận trong năm bầu cử, lợi ích kinh tế trong thời ông Trump đã lan rộng. Mọi nhóm chủng tộc đều có mức thu nhập gia đình trung bình cao kỷ lục: đối với người Mỹ da trắng, mức này tăng 5,7%; đối với người Mỹ da đen là 7,9%; đối với người Mỹ gốc Tây Ban Nha, 7,1%; và đối với người Mỹ gốc Á là 10,6%.

Khi thu nhập tăng vào năm 2019, tỷ lệ nghèo giảm mạnh 1,3% xuống mức thấp nhất trong 60 năm là 10,5% - tỷ lệ nghèo đói thấp nhất kể từ khi chính phủ bắt đầu báo cáo số liệu thống kê vào năm 1959. Điều này đã giúp 4,1 triệu người thoát nghèo. Trong khi đó, trong 8 năm cầm quyền của ông Obama, số người sống trong nghèo đói đã tăng thêm 787.000 người. Và một lần nữa, tỷ lệ nghèo giảm dưới thời ông Trump đã mang lại lợi ích khổng lồ cho các nhóm thiểu số: tỷ lệ nghèo giảm 8/10% đối với người da trắng, 2% đối với người da đen, 1,8% đối với người gốc Tây Ban Nha và 2,8% đối với người châu Á.

Năm 2019 nên được ghi nhớ là năm của người lao động. Và đó không phải là do tăng lương bắt buộc, bồi thường theo chủng tộc, quy định về khí hậu, tăng thuế hay bất kỳ chính sách tái phân phối nào khác. Người Mỹ thuộc tầng lớp lao động đã chứng kiến cuộc sống của họ được cải thiện đáng kể vào năm 2019 nhờ các chính sách khuyến khích tự do kinh tế.

Kế hoạch 'giải cứu' nước Mỹ

Tổng thống Biden đã 'giải cứu' nước Mỹ như thế nào?
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về kinh tế tại công đoàn địa phương 26 của Hội Anh em Công nhân Điện Quốc tế, ở Lanham, Maryland, Mỹ, vào ngày 15/02/2023. (Ảnh: MANDEL NGAN / AFP qua Getty Images)

Khi lên làm Tổng thống, ông Biden đã thực hiện việc đảo ngược các chính sách kinh tế của ông Trump. Bắt đầu từ tháng 03/2021 - 2 tháng sau khi ông Biden nhậm chức - Chỉ số giá tiêu dùng (mức giá trung bình mà người tiêu dùng phải trả cho hàng hóa và dịch vụ, một thước đo thông dụng cho lạm phát) của Mỹ đã tăng mạnh. Và nó đã tiếp tục tăng. Khi đại diện của chính quyền Biden nói rằng lạm phát đang giảm, họ đang chơi chữ. Từ tháng này qua tháng khác, lạm phát có thể tăng với tốc độ chậm hơn một chút. Nhưng các mức tăng được tích lũy nên tác động của mỗi lần tăng hàng tháng sẽ được cộng thêm vào các mức tăng của các tháng trước. Và hiện lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mức trước nhiệm kỳ Tổng thống của ông Biden. Fed đặt mục tiêu giữ lạm phát ở mức khoảng 2% - tương đương với thời kỳ của chính quyền Trump. Nó hiện ở mức 5%, và có thời điểm vượt 9%.

Fed có thể cũng phải gánh chịu một số trách nhiệm. Cơ quan này đã không phản ứng kịp thời khi lạm phát bắt đầu xuất hiện. Hẳn bạn còn nhớ thời điểm mọi người khăng khăng rằng lạm phát là “tạm thời”. Hóa ra nó không "tạm thời" chút nào. Kể từ năm ngoái, Fed đã tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1980. Fed buộc phải duy trì tăng lãi suất vì lạm phát đã được chứng minh là quá dai dẳng và lan tràn. Những đợt tăng lãi suất này càng kéo dài, nước Mỹ càng khó tránh khỏi một cuộc suy thoái nghiêm trọng.

Tổng thống Biden đã 'giải cứu' nước Mỹ như thế nào?
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) tại trụ sở của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào ngày 21/09/2022 ở Washington, DC, Mỹ. Ông Powell thông báo rằng Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất lên 3/4 điểm phần trăm. (Ảnh: Drew Angerer / Getty Images)

Tình huống này không tự nhiên xuất hiện. Nó đã được người ta thiết kế ra. Khi đại dịch kết thúc, tất cả những gì nước Mỹ cần làm để tạo ra sự tăng trưởng kinh tế năng động trở lại là giữ nguyên các chính sách trước đại dịch. Nhưng tất nhiên chính quyền Mỹ đã không làm vậy.

Trải qua đại dịch, chúng ta nhận thấy 2 điều. Đầu tiên, chúng ta biết mọi người đã tích lũy được rất nhiều tiền. Tỷ lệ tiết kiệm đã tăng lên một cách chưa từng có trong thời kỳ đại dịch và khi đại dịch kết thúc, điều này dẫn đến nhu cầu về hàng hóa tăng lên. Sự gia tăng tỷ lệ tiết kiệm này không phải là điều bí ẩn: chính phủ liên bang đã phân phát 5 nghìn tỷ USD trong đại dịch và mọi người có rất ít cơ hội để chi tiêu vì họ không đi du lịch, ăn uống, mua sắm, v.v. Vì vậy, vào năm 2021, người Mỹ có rất nhiều tiền mặt.

Điều thứ hai được nhận ra là có ít người đi làm hơn. Nếu tại thời điểm đó, bạn cố gắng hoàn thành bất cứ thứ gì cho ngôi nhà của bạn, bạn sẽ hiểu. Đầu tiên, bạn không thể nhờ bất kỳ ai thực hiện công việc. Sau đó, nếu bạn tìm thấy ai đó, bạn cũng không thể tìm được hàng hóa hoặc vật liệu bạn cần vì chúng không được sản xuất. Mọi người không làm việc và các doanh nghiệp không thể dự đoán nhu cầu trong tương lai. Kết quả là nguồn cung hàng hóa thấp.

Cầu dư thừa và cung thấp: đây là tình huống xảy ra khi ông Biden nhậm chức vào năm 2021. Kiến thức kinh tế cơ bản cho bạn biết rằng, khi cầu vượt cung, bạn sẽ có lạm phát. Vậy ta cần làm gì? Một cách khá hiển nhiên, bạn nên áp dụng các chính sách thúc đẩy cung và tránh áp dụng các chính sách thúc đẩy cầu. Tuy nhiên, thay vào đó, chính quyền Biden đã làm chính xác điều ngược lại.

Mặc dù cuộc suy thoái do đại dịch là cuộc suy thoái ngắn nhất được ghi nhận, nhưng sự hỗn loạn kinh tế mà nó tạo ra là không thể tin được. Và như nhà kinh tế học Milton Friedman đã nói vào năm 1964, suy thoái càng sâu thì sự phục hồi càng lớn. Lên nắm quyền vào tháng 01/2021, chính quyền Biden được chứng kiến sự khởi đầu của quá trình phục hồi năng động. Có lẽ họ nghĩ rằng, nó sẽ tiếp tục cho dù họ có làm gì đi chăng nữa, rằng người Mỹ sẽ quay trở lại làm việc, tiêu tiền, đi du lịch, quay lại nhà hàng v.v. Vì vậy, chính quyền và các đảng viên đảng Dân chủ tại Quốc hội coi đây là cơ hội tốt nhất để ban hành luật nhằm tái thiết nước Mỹ.

Kế hoạch đó không tới một cách bất ngờ. Sau lễ nhậm chức của ông Biden, Tạp chí New York Times đăng tiêu đề có nội dung: “Nhóm của ông Biden muốn chuyển đổi nền kinh tế. Một cách thật sự". Trong chiến dịch tranh cử, chính ông Biden đã nói về kế hoạch của mình: “Tôi thực sự nghĩ rằng nếu chúng ta làm đúng điều này, chúng ta có cơ hội tuyệt vời để không chỉ thoát khỏi cuộc khủng hoảng này mà còn chuyển đổi đất nước một cách căn bản”. Đó là cách đảng Dân chủ nhìn nhận đại dịch — như một cơ hội để thay đổi triệt để. Vì vậy, chỉ hơn một tháng sau khi ông Biden nhậm chức, trong một động thái có tính đảng phái cao độ, đảng Dân chủ tại Quốc hội đã thông qua và ông Biden đã ký một dự luật chi tiêu trị giá 1,9 nghìn tỷ USD mà họ gọi là “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ”.

Đúng là một sai lầm! Cái gọi là kế hoạch giải cứu này đã trao nhiều tiền mặt hơn cho người tiêu dùng Mỹ, làm tăng thêm nhu cầu và không khuyến khích làm việc, khiến nguồn cung ngày càng giảm. Đây là sự tự sát về kinh tế. Và điều này không chỉ hiển nhiên đối với những người theo chủ nghĩa thị trường tự do bảo thủ như tôi. Ông Larry Summers từng là Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Clinton và là người đứng đầu Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời Tổng thống Obama, ông đồng thời là cựu hiệu trưởng Harvard và là một nhà kinh tế thiên tả [ngược với phe bảo thủ] được kính trọng. Ông Summers đã gọi đây là chính sách kinh tế kém trách nhiệm nhất trong 40 năm qua. Nếu bạn hiểu một chút về luật cung cầu trong mối liên quan với lạm phát, bạn sẽ dễ dàng nắm bắt được vấn đề.

Tổng thống Biden đã 'giải cứu' nước Mỹ như thế nào?
Biểu đồ so sánh thay đổi trong tiền lương và thay đổi của lạm phát. Đường đứt nét: thay đổi trong tiền lương. Đường liền nét: thay đổi của lạm phát. Từ trái qua phải: thời kỳ Trump và thời kỳ Biden. (Ảnh: Andy Puzder)

Tác động tiêu cực đối với người lao động Mỹ là rất lớn. Biểu đồ trên so sánh tiền lương (hoặc thu nhập) với lạm phát theo Chỉ số giá tiêu dùng. Đường chấm chấm là tăng trưởng tiền lương và đường liền nét là lạm phát. Sự đột biến lớn khi đường chấm chấm tăng vọt phản ánh chi tiêu của liên bang trong thời kỳ đại dịch. Ở bên trái của bước đột biến đó, chúng ta thấy rằng dưới thời chính quyền Trump, tiền lương đã tăng khoảng 3% và lạm phát khoảng 2%. Ở bên phải biểu đồ, chúng ta thấy điều gì đã xảy ra sau khi ông Biden nhậm chức. Trong vòng vài tháng, lạm phát đã tăng cao hơn tiền lương. Tháng mà lạm phát vượt qua tiền lương là tháng 03/2021, chính là tháng mà Quốc hội thông qua Kế hoạch giải cứu nước Mỹ.

Còn nhiều tin xấu

Nhưng thậm chí còn có nhiều tin xấu hơn nữa. Vì rất nhiều người không làm việc và tiền lương của những người đang làm việc bị giảm do lạm phát, tiết kiệm đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Trên thực tế, đây là mức thấp nhất mà chúng ta từng thấy kể từ năm 1959. Mọi người đang cạn kiệt tiền mặt, và kết quả là họ đang sử dụng thẻ tín dụng. Nợ thẻ tín dụng khi ông Biden nhậm chức đạt 748 tỷ USD và nó vẫn được duy trì ở mức đó cho đến tháng 05/2021. Sau khi Kế hoạch giải cứu nước Mỹ được thông qua, nó bắt đầu tăng vọt lên mức 986 tỷ USD vào quý IV năm 2022, mức nợ thẻ tín dụng cao nhất trong lịch sử. Và điều này xảy ra vào thời điểm Fed đang vật lộn chống lại lạm phát.

Tóm lại, người Mỹ có tốc độ tăng lương không theo kịp lạm phát, tiền tiết kiệm tan chảy như cục nước đá dưới nắng hè và nợ thẻ tín dụng tăng lên mức kỷ lục. Trong khi đó, họ đang phải đối mặt với lãi suất cao hơn, cơ hội việc làm giảm sút và các hộ gia đình Mỹ đang đối mặt với khó khăn kinh tế gia tăng.

Vậy chính quyền Biden có thể có giải pháp nào không?

Tổng thống Biden đã 'giải cứu' nước Mỹ như thế nào?
Người dân mua sắm tại một cửa hàng tạp hóa ở Thành phố New York, Mỹ, vào ngày 31/05/2022. (Ảnh: Samira Bouaou / The Epoch Times)

Điều Tổng thống Biden nên làm

Nhắc lại, lạm phát là kết quả của cầu vượt quá cung. Fed, với việc tăng lãi suất, đang cố gắng giảm cầu. Nhưng nếu nó đẩy cầu xuống ngang với cung (vốn đang rất thấp) lúc này, thì điều đó sẽ gây ra sự khốn khổ không thể tin được cho người dân Mỹ. Vì vậy, từ quan điểm kinh tế, nếu chính quyền Biden muốn giảm bớt sự khốn khổ và đẩy nhanh quá trình phục hồi, họ sẽ làm bất cứ điều gì có thể để tăng cung. Và có hai lĩnh vực mà nó có thể có tác động tích cực đáng kể đến phía cung: chi phí năng lượng và chi phí lao động.

Năng lượng và lao động tác động đến hầu hết mọi thứ trong nền kinh tế của chúng ta. Hàng nghìn sản phẩm có thành phần dầu mỏ, chưa tính đến những sản phẩm được vận chuyển vào giao nhận, vốn cần dầu và xăng. Và bạn không thể xây dựng, sản xuất, giao hàng hoặc lắp đặt bất cứ thứ gì mà không có nhân công - nhân công ảnh hưởng đến giá của mọi thứ. Vì vậy, nếu mục tiêu của bạn là chống lạm phát, bạn sẽ thực hiện các chính sách để giảm chi phí năng lượng và lao động.

Điều này là cơ bản và đơn giản. Tuy nhiên, vấn đề lại là ý thức hệ. Đây là cách ông Biden trả lời một thanh niên trong chiến dịch tranh cử năm 2020: “Này nhóc”, ông ấy nói, “Ta muốn cháu nhìn. Được chứ? Cháu không cần phải đồng ý, nhưng ta muốn cháu nhìn vào mắt ta. Ta đảm bảo, ta đảm bảo chúng ta sẽ kết liễu nhiên liệu hóa thạch”. Và đây không phải là một trong những lần ông Biden "vô ý" nói linh tinh. Tại một cuộc mít-tinh vào tháng 02/2020, với sự chuẩn bị, ông Biden đã đưa ra các cam kết tương tự. Và ông ấy đã thực hiện điều này với tư cách là Tổng thống bằng cách giết chết các dự án đường ống dẫn dầu, không cấp hợp đồng cho thuê khai thác dầu, không phê duyệt giấy phép khoan và hạn chế khả năng huy động vốn của các công ty năng lượng v.v. Ông ấy đã làm mọi thứ trong khả năng của mình để hạn chế việc sản xuất năng lượng trong nước của Mỹ, làm tê liệt ngành năng lượng của nước Mỹ. Ông cũng đồng thời làm tăng sự phụ thuộc của nước Mỹ vào nguồn dầu mỏ đắt đỏ của nước ngoài.

Chi phí lao động cũng tiếp tục tăng. Thông thường, việc tăng lương mà ông Biden vẫn tự hào là một điều tốt. Nhưng vấn đề là ta cần đánh giá tác động của lạm phát lên tiền lương. Có một thực tế đơn giản là người lao động sẽ có lợi hơn nếu lạm phát tăng 2% và tiền lương của họ tăng 3% so với nếu lạm phát tăng 6% và tiền lương của họ tăng 5%. Họ đang kiếm được nhiều tiền hơn trong trường hợp thứ hai, nhưng số tiền đó có giá trị thấp hơn. Đó là tình hình hiện nay của nước Mỹ, và nó thật tai hại cho người lao động.

Tổng thống Biden đã 'giải cứu' nước Mỹ như thế nào?
Một tấm biển "hiện đang tuyển dụng" được dán trên cửa sổ của một cửa hàng kem ở Los Angeles, California vào ngày 28/01/2022. (Ảnh: Frederic Brown / AFP qua Getty Images)

Tại sao chi phí lao động tăng cao? Rất đơn giản. Tất cả chúng ta đều đã nhìn thấy những tấm biển “cần trợ giúp” bên ngoài các doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ. Đó là bởi vì người sử dụng lao động không thể tìm được nhân viên. Hai năm sau khi đại dịch kết thúc, vẫn còn 2,8 triệu nhân công vắng bóng trong lực lượng lao động. Tại sao? Một nghiên cứu gần đây do nhà kinh tế học Casey Mulligan của Đại học Chicago đứng đầu, “Trả tiền cho người Mỹ để không làm việc”, đã phát hiện ra rằng ở 24 tiểu bang, trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp Obamacare cho một gia đình bốn người không có ai đi làm bằng hoặc cao hơn thu nhập hộ gia đình trung bình toàn quốc. Ở ba trong số các tiểu bang đó, một gia đình bốn người không có ai làm việc có thể nhận được hơn 100.000 USD tiền mặt và trợ cấp mỗi năm. Ở 14 tiểu bang, con số đó ít nhất là 80.000 USD, cao hơn mức lương trung bình của một công nhân xây dựng hoặc thợ điện. Nói cách khác, hai năm sau đại dịch, chính quyền Mỹ vẫn trả tiền cho những người không làm việc vào thời điểm mà các doanh nghiệp và nền kinh tế của Mỹ đang rất cần người lao động.

Trong nền kinh tế dưới thời Trump, tiền lương tăng lên là do các doanh nghiệp cạnh tranh với các doanh nghiệp khác để giành nhân lực. Ngày nay, tiền lương tăng lên là kết quả của việc các doanh nghiệp cạnh tranh với trợ cấp của chính phủ. Nếu mục tiêu của bạn là tăng cường sự phụ thuộc của người dân vào chính phủ, thì đây là một cách tiếp cận tuyệt vời. Tuy nhiên, đó lại là một cách tiếp cận tệ hại nếu mục tiêu của bạn là kiềm chế lạm phát và châm ngòi cho sự phục hồi kinh tế năng động.

Về cơ bản, để giải quyết lạm phát và tránh suy thoái nghiêm trọng, trước tiên, ông Biden nên nói với các chủ ngân hàng, nhà quản lý tài sản, quan chức và nhà hoạt động môi trường Mỹ rằng đừng động đến ngành năng lượng vì nước Mỹ hiện đang cần dầu mỏ. Thứ hai, ông ấy nên làm việc với Quốc hội để giảm bớt hoặc loại bỏ các chương trình không khuyến khích làm việc, thứ đang khiến những người Mỹ khỏe mạnh không thể tham gia lực lượng lao động. Mỹ không nên cắt giảm các chương trình dành cho những người thực sự cần hỗ trợ, nhưng chính quyền nên giảm trợ cấp cho những người có khả năng làm việc nhưng đang chọn không đi làm. Với nguồn năng lượng dồi dào và lực lượng lao động sôi nổi, nước Mỹ có thể đạt được bước tiến đáng kể trong việc chống lại lạm phát và nhanh chóng cải thiện cuộc sống của người dân Mỹ.

Mục đích thực sự

Tổng thống Biden đã 'giải cứu' nước Mỹ như thế nào?
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong một sự kiện tại Phòng Roosevelt của Tòa Bạch Ốc vào ngày 04/05/2022 ở Washington, DC. Tổng thống Biden đã phát biểu về tăng trưởng kinh tế, việc làm và giảm thâm hụt ngân sách. (Ảnh: Alex Wong / Getty Images)

Điều này không có gì là quá phức tạp. Nhưng hãy thực tế. Vấn đề không phải là các nhà hoạch định chính sách trong chính quyền Biden không hiểu các nguyên tắc cơ bản của kinh tế học. Vấn đề là họ có những mục tiêu khác với hầu hết người Mỹ. Khi ông Biden phát biểu trong chiến dịch tranh cử về việc chuyển đổi nước Mỹ, ông ấy thực sự có ý như thế. Mục tiêu thúc đẩy chính sách hiện tại không phải là việc tạo ra sự thịnh vượng phổ biến thông qua một nền kinh tế năng động và hiệu quả. Mục tiêu ở đây là nhằm chuyển đổi nền kinh tế Mỹ và lối sống của người Mỹ cho phù hợp với ý đồ thiên tả, sử dụng cái gọi là những trường hợp khẩn cấp như biến đổi khí hậu làm cơ sở lý luận. Chính quyền Biden sẽ không thực hiện các biện pháp đơn giản cần thiết để tăng sản lượng năng lượng của Mỹ và đưa người dân trở lại lực lượng lao động, bởi vì điều đó không phù hợp với mục tiêu của họ.

Người Mỹ cần hiểu một thực tế là các nhà lãnh đạo với mọi khuynh hướng chính trị hiểu rõ chính sách nào sẽ dẫn đến sự thịnh vượng và tự do cho người dân Mỹ, nhưng chỉ một số nhà lãnh đạo trong đó coi sự thịnh vượng và tự do là mục tiêu. Người Mỹ cần những nhà lãnh đạo như thế.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Andrew F. Puzder là CEO của Nhà hàng CKE trong hơn 16 năm (2000—2017), trước đó ông hành nghề luật sư. Ông Puzder có bằng B.A. từ Đại học Bang Cleveland và bằng Tiến sĩ Luật từ Trường Luật Đại học Washington. Ông giữ chức Chủ tịch hội đồng quản trị tại 2ndVote Advisors, một công ty đầu tư được thành lập để đối phó với các phong trào ESG và chủ nghĩa tư bản các bên liên quan, đồng thời là thành viên của Trường Chính sách Công thuộc Đại học Pepperdine, Quỹ Di sản và Viện Chính sách Nước Mỹ Trên hết. Ông từng là cố vấn kinh tế cho chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 của cựu Tổng thống Trump và được Tổng thống Trump đề cử làm Bộ trưởng Lao động Mỹ. Năm 2011, ông Puzder là đồng tác giả cuốn sách “Tạo việc làm: Nó thực sự hoạt động như thế nào và tại sao chính phủ không hiểu nó”. Cuốn sách mới nhất của ông là “Sự trở lại của chủ nghĩa tư bản: Bùng nổ thời Trump và âm mưu của cánh tả để ngăn chặn nó” (2018).



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Biden đã 'giải cứu' nước Mỹ như thế nào?