Kinh tế học Biden là gì? Hiệu quả ra sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Rốt cuộc, thứ kinh tế học Biden mà Tòa Bạch Ốc đang rêu rao là gì? Trong khi chính quyền Mỹ đang nỗ lực tô vẽ cho kinh tế học Biden, những người chỉ trích lại hướng sự chú ý tới những thất bại, lãng phí hay sự tập trung hóa quá mức của quyền lực.

Chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, Tòa Bạch Ốc đã khởi động một chiến dịch quan hệ công chúng mới có tên là “Bidenomics” (kinh tế học Biden), nhằm định nghĩa kế hoạch kinh tế của Tổng thống Joe Biden.

“Tôi không biết đó là cái quái gì, nhưng nó đang hoạt động hiệu quả”, ông Biden tuyên bố tại một cuộc mít-tinh của công đoàn ngày 17/06 ở Philadelphia. Điều này khiến người ta phải tò mò về câu hỏi: Kinh tế học Biden (Bidenomics) là gì và nó có hiệu quả không?

Theo một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, kinh tế học Biden dựa trên ba trụ cột: chi tiêu khổng lồ “thông minh” của chính phủ cho năng lượng tái tạo và chất bán dẫn, hỗ trợ cho các công đoàn và hoạt động sản xuất trong nước, và thúc đẩy cạnh tranh. Kết quả là, Tòa Bạch Ốc tuyên bố, “nền kinh tế của chúng ta đã tạo thêm hơn 13 triệu việc làm - bao gồm gần 800.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất - và chúng ta đã tạo ra sự bùng nổ về sản xuất và năng lượng sạch".

Đạo luật Tạo ra các Khuyến khích Hữu ích để Sản xuất Chất bán dẫn và Khoa học (CHIPS) năm 2022 phân bổ 280 tỷ USD trong chi tiêu liên bang để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn của Mỹ. Đạo luật Cơ sở hạ tầng năm 2021 đã phân bổ hơn 65 tỷ USD cho các dự án “năng lượng sạch”. Và Đạo luật giảm lạm phát năm 2022 đã phân bổ thêm 394 tỷ USD cho năng lượng sạch dưới hình thức ưu đãi thuế, cho vay và trợ cấp.

“Tôi định nghĩa đó là chính phủ lớn nhỏ giọt” [hiệu ứng nhỏ giọt là khi của cải từ các tầng lớp cao sẽ dần lan tỏa xuống tầng lớp thấp], ông Jonathan Williams, nhà kinh tế trưởng tại Hội đồng Trao đổi Lập pháp Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times. “Chủ đề chung của chính quyền này là tăng trưởng và mở rộng quyền lực của chính phủ, và chắc chắn là chi tiêu của chính phủ lớn”.

Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, khi ông Biden nhậm chức, “Cơ sở công nghiệp của Mỹ đã bị khoét rỗng. Tầm nhìn về đầu tư công, thứ đã tiếp sức cho dự án của Mỹ trong những năm sau chiến tranh - và thực tế là trong phần lớn lịch sử của chúng ta - đã phai nhạt”.

Mặc dù chịu trách nhiệm cho các vấn đề an ninh, ông Sullivan đã trở thành phát ngôn viên cho kinh tế học Biden. Ông mạnh mẽ chỉ trích cái được gọi là kinh tế học Reagan (Reaganomics), hay một hệ thống nhằm cắt giảm thuế, tự do hóa thương mại và bãi bỏ quy định.

“Có một giả định cốt lõi của toàn bộ chính sách này: rằng thị trường luôn phân bổ vốn một cách hiệu quả và năng suất”, ông Sullivan cho biết trong một bài phát biểu vào tháng 4 tại Viện Brookings.

“Tổng thống Biden… tin rằng việc xây dựng nền kinh tế năng lượng sạch của thế kỷ 21 là một trong những cơ hội tăng trưởng quan trọng nhất của thế kỷ 21”, ông nói. “Nhưng để khai thác cơ hội đó, nước Mỹ cần một chiến lược đầu tư với can thiệp thực sự, có chủ ý để thúc đẩy đổi mới, giảm chi phí và tạo ra việc làm tốt”.

Bất chấp lập luận của chính quyền rằng chính phủ là đối tượng tốt nhất để chỉ đạo ngành công nghiệp tư nhân, một số nhà phê bình cho rằng lãng phí và thất bại là dấu hiệu nổi bật trong chính sách công nghiệp của chính phủ.

Nhà đầu tư chính trị

Nhà kinh tế Arthur Laffer, cựu cố vấn của Tổng thống Ronald Reagan và Donald Trump cũng như Thủ tướng Vương quốc Anh Margaret Thatcher, nói với The Epoch Times: “Nhiệm vụ của chính phủ không phải là nhằm thực hiện những khoản đầu tư tốt". “Đó không phải là điều họ nên làm”, ông nói.

Kinh tế học Biden là gì? Hiệu quả ra sao?
Nhà kinh tế Arthur Laffer tham dự buổi lễ nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump trao tặng ông Huân chương Tự do của Tổng thống tại Washington, Mỹ, vào ngày 19/06/2019. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)

“Những kẻ này không phải là nhà đầu tư giỏi; họ là những nhà đầu tư chính trị”, ông Laffer nói. Chính phủ càng tìm cách gây ảnh hưởng đến khu vực tư nhân thì khu vực tư nhân càng tự định hướng sản xuất theo những gì chính phủ muốn chứ không phải những gì người tiêu dùng muốn.

Ông Steve Hanke, giáo sư kinh tế tại Đại học Johns Hopkins, nói với The Epoch Times: “Kinh tế học Biden không gì khác hơn là việc áp dụng sự can thiệp của chính phủ để hướng dẫn, chỉ đạo và tái cấu trúc nền kinh tế theo cách mà Tòa Bạch Ốc cho rằng nó nên được cấu trúc".

“Loại chủ nghĩa can thiệp này thuộc về ‘chính sách công nghiệp’. Đó là nơi chính phủ chọn người thắng kẻ thua bằng cách sử dụng các đòn bẩy trong chính sách của chính phủ, như trợ cấp thuế, quy định, thuế quan, hạn ngạch và thậm chí là việc cấm hoàn toàn”.

Những ví dụ gần đây về các khoản đầu tư mạo hiểm của chính phủ vào ngành công nghiệp tư nhân bao gồm Solyndra. Đây là một nhà sản xuất tấm pin mặt trời ở California đã nhận được khoản bảo lãnh vay liên bang trị giá 535 triệu USD từ chính quyền Obama trước khi phá sản.

Theo kinh tế học Biden, các nhà sản xuất ô tô đang được thúc đẩy bởi sự kết hợp của trợ cấp người tiêu dùng, trợ cấp sản xuất và các quy định về khí thải ngày càng thắt chặt để chuyển hoạt động sản xuất của họ từ ô tô và xe tải chạy bằng xăng sang xe điện (EV). Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy sẽ có đủ người tiêu dùng chuyển sang sử dụng EV để biện minh cho các khoản đầu tư hoặc các nhà sản xuất ô tô sẽ có thể thu mua đủ lithium, coban và các khoáng chất khác để sản xuất pin EV với số lượng lớn hoặc lưới điện của Mỹ có thể sản xuất thêm đủ công suất và kết nối đủ trạm sạc để sạc xe điện trên quy mô lớn.

Đồng thời, chính quyền Biden đang nỗ lực giảm sản lượng dầu, khí đốt và than trong nước để chuyển sang năng lượng gió và mặt trời, với những vấn đề về nguồn cung tương tự thứ mà các nhà sản xuất ô tô phải đối mặt. Các khoáng chất cần thiết cho tua-bin gió và tấm pin mặt trời thường được khai thác ở các quốc gia có thể không thân thiện với Mỹ, và nó đã tạo ra sự phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, quốc gia kiểm soát hầu hết việc tinh chế các khoáng sản này.

Theo ông Hanke, người từng phục vụ trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Reagan, “Kinh tế học Biden không có gì mới. Những người ủng hộ chính sách công nghiệp trong những năm 1980 từng lấy Nhật Bản làm hình mẫu cho chính sách công nghiệp, lập luận rằng chính sách này đã góp phần giúp Nhật Bản nổi lên như một cường quốc kinh tế sau Thế chiến II".

“Nhưng kể từ ba thập kỷ mất mát gần đây nhất ở Nhật Bản, những người ủng hộ chính sách công nghiệp đã im lặng”, ông Hanke nói. “Thật khó để tưởng tượng có một cách sai lầm hơn để ra quyết định bằng việc đặt chúng vào tay những người không phải trả giá cho việc sai lầm”.

Kinh tế học Biden là gì? Hiệu quả ra sao?
Ông Steve H. Hanke là Giáo sư Kinh tế Ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins và từng phục vụ trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Reagan. (Ảnh: Steve Hanke)

Chi tiêu và thâm hụt

Cho đến nay, chính quyền Biden đã thông qua hơn 4 nghìn tỷ USD chi tiêu mới, trong đó 1,6 nghìn tỷ USD đã được Quốc hội thông qua trên cơ sở đảng phái (không phải do lưỡng đảng thông qua), 1,4 nghìn tỷ USD đã được thông qua trên cơ sở lưỡng đảng và 1,1 nghìn tỷ USD khác đến từ các động thái hành pháp của ông Biden. Bất chấp khoản chi tiêu này, Tòa Bạch Ốc đã tuyên bố vào tháng 3 rằng “Ngân sách của Tổng thống cải thiện triển vọng tài khóa bằng cách giảm thâm hụt gần 3 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới”.

Tuy nhiên, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) lại nhìn nhận vấn đề theo một cách khác.

“Theo ngân sách năm tài chính 2023 của Tổng thống, khoản nợ sẽ tăng thêm 16 nghìn tỷ USD trong 10 năm, tương đương 50.000 USD nợ cho mỗi công dân Mỹ”, CBO báo cáo vào tháng Ba. “Theo dự đoán hiện tại của CBO, tổng nợ liên bang sẽ tăng từ 31 nghìn tỷ USD hiện nay (123% GDP) lên 52 nghìn tỷ USD (132% GDP) vào năm 2033”.

Ông Laffer nói: “Có lẽ phần tồi tệ nhất của kinh tế học Biden là sự gia tăng khổng lồ của chi tiêu". “Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được có ai lại tiêu xài hoang phí như vậy".

Ông nói: “Nếu bạn nhìn vào tỷ lệ nợ quốc gia trên GDP hoặc bất kỳ thước đo nào khác, nó đang tăng lên rất nhiều. “Đây là một sự đảo ngược nghiêm trọng đối với những gì sẽ là tốt về mặt kinh tế học”.

Thuế và tăng trưởng

Ông Biden nói: “Bốn mươi năm thực hiện cắt giảm thuế quá mức cho những người giàu có và các tập đoàn lớn là một sự phá sản". Ngược lại, kinh tế học Biden “xây dựng một nền kinh tế từ dưới lên và từ giữa ra ngoài, chứ không phải từ trên xuống”.

Trong khi hầu hết các đợt tăng thuế mà ông Biden kêu gọi cho đến nay đều không được Quốc hội thông qua, những người chỉ trích cho rằng người Mỹ dù sao cũng đã phải trải qua những đợt tăng thuế đáng kể do một hiện tượng kinh tế khác cũng được gắn với tên của Tổng thống: “Lạm phát Biden”.

Ông Laffer nói: “Lạm phát xảy ra dưới thời ông Biden đã đẩy thuế suất của lãi tăng cao, bởi vì chúng ta có những khoản lãi ảo hiện phải chịu thuế lãi". Ông nói, do lạm phát, giá trị danh nghĩa của tài sản đã tăng lên đáng kể, mặc dù xét về sức mua thì “nó là cùng một thứ”.

Điều này dẫn đến “thuế đánh vào lợi nhuận vốn ảo”, ông nói. Lạm phát cũng đẩy người Mỹ vào khung thuế thu nhập cao hơn, mặc dù thực tế là mức tăng lương thường không theo kịp với mức tăng của giá cả, khiến người Mỹ nghèo hơn nhưng phải đối mặt với nghĩa vụ thuế cao hơn.

“Nếu bạn nhìn vào thuế doanh nghiệp, nó vẫn như khi ông Trump rời đi; và khi bạn nhìn vào mức thuế thu nhập cá nhân, 37% vẫn là mức cao nhất”, ông Laffer nói. “Nhưng nếu bạn nhìn vào tất cả các lần tăng thuế do lạm phát gây ra, thì chúng khá đáng kể”.

Và đó là chưa tính đến tiền thuế do bản thân lạm phát gây ra, thứ làm tăng chi phí hàng hóa và dịch vụ khi đồng USD mất giá trị. Lạm phát được coi là lý do chính khiến 76% người Mỹ được hỏi trong cuộc khảo sát của Associated Press-Đại học Chicago vào tháng 5 có quan điểm tiêu cực về các chính sách kinh tế của ông Biden.

Ông Laffer nói: “Không có gì có thể khiến nền kinh tế sụp đổ nhanh hơn và gánh chịu nhiều tổn hại hơn là một loại tiền giấy không ổn định và lạm phát cao".

Kinh tế học Biden là gì? Hiệu quả ra sao?
Người dân mua bánh mì tại một siêu thị ở Monterey Park, California, Mỹ, vào ngày 19/10/2022. (Ảnh: Frederic J. Brown/AFP qua Getty Images)

Với kinh tế học Biden, Tòa Bạch Ốc khẳng định, “Mỹ đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng mạnh nhất kể từ sau đại dịch khi so với bất kỳ nền kinh tế hàng đầu nào trên thế giới. Lạm phát đã giảm trong 11 tháng liên tiếp và đã giảm hơn một nửa”.

Tuy nhiên, như thường thấy với số liệu thống kê, khoảng thời gian bạn xem xét thể hiện ý nghĩa của các con số. Mặc dù tỷ lệ lạm phát chính thức, theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đã giảm từ mức cao 9,1% vào tháng 06/2022 xuống mức hiện tại là khoảng 4%, nhưng nó vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch là dưới 2%.

Nhiều người cho rằng giá cả leo thang là do mức chi tiêu chưa từng có của chính phủ, cùng với các chính sách không khuyến khích sản xuất dầu và khí đốt, làm tăng chi phí xăng và dầu diesel, phân bón, thực phẩm và vận tải, mặc dù chính quyền Biden đã đổ lỗi cho việc Nga xâm lược Ukraine.

Câu chuyện là tương tự với tăng trưởng kinh tế dưới thời ông Biden. Sau khi GDP của Hoa Kỳ giảm 2,8% vào năm 2020 do đại dịch COVID-19 và các lệnh đóng cửa của chính phủ, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng trở lại với mức tăng trưởng GDP dương 5,9% vào năm 2021 sau khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ và các doanh nghiệp đổ xô thuê lại những người lao động bị cắt giảm.

Tuy nhiên, sau sự bùng nổ này, Mỹ đã có kết quả kinh tế kém cỏi so với hầu hết các nước công nghiệp hóa khác. Trong khi tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu trung bình năm 2022 là 3,1%, theo Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2022 tụt lại so với phần còn lại của thế giới ở mức 2,1%. Trong số “các nền kinh tế hàng đầu”, GDP của Vương quốc Anh tăng 4,1%; Pháp tăng 2,6%; Thụy Điển tăng 2,6%; Tây Ban Nha tăng 5,5%; Mexico tăng 3,1%; và của Canada là 3,4%. Đức, ở mức 1,8%, là một trong số ít các nước công nghiệp phát triển có kết quả GDP kém hơn Mỹ.

Đáng chú ý, GDP cũng bao gồm chi tiêu của chính phủ, vốn đạt mức kỷ lục dưới thời chính quyền Biden.

Tỷ lệ thất nghiệp thấp?

Kinh tế học Biden là gì? Hiệu quả ra sao?
Biển báo 'hiện đang tuyển dụng' tại một cửa hàng ở Manhattan ở Thành phố New York, Mỹ, vào ngày 06/05/2022. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Theo tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, “dưới thời kinh tế học Biden, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 4%”, và lượng việc làm dồi dào chắc chắn là một trong những điểm sáng của nền kinh tế hiện tại. Tuy nhiên, ở đây, các nhà phê bình cũng nói rằng có những vấn đề.

Tỷ lệ tham gia lao động, là tỷ lệ phần trăm những người khỏe mạnh tìm kiếm việc làm, đạt mức cao trên 67% vào năm 2000. Tỷ lệ này giảm xuống mức thấp 62,5% vào năm 2015, trước khi tăng trở lại 63,3% vào năm 2020, dưới thời Trump. Sau đó, nó giảm mạnh xuống 60% trong thời kỳ đại dịch và hiện ở mức 62,6% dưới thời Biden, bằng với mức dưới thời chính quyền Obama.

Nhiều người đổ lỗi cho việc mở rộng các chương trình xã hội và trợ cấp thất nghiệp đã khiến nhiều người Mỹ rời bỏ thị trường lao động. Điều này cũng làm cho tỷ lệ thất nghiệp dường như thấp hơn bởi vì những người thậm chí không tìm kiếm việc làm cũng không được tính vào thống kê thất nghiệp.

“Khuyến khích mọi người không làm việc đã làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, đó là sự thật”, ông Laffer nói. “Nó cũng làm giảm tỷ lệ tham gia [thị trường lao động]. Nó làm giảm cả tỷ lệ việc làm và tỷ lệ thất nghiệp, vốn đi ngược lại với những gì chúng ta mong muốn ở một nền kinh tế lành mạnh”.

Tạo thuận lợi để tầng lớp siêu giàu trục lợi

Ông Biden tuyên bố rằng việc cắt giảm thuế dưới thời Reagan chỉ mang lại lợi ích cho người giàu và "khoét rỗng tầng lớp trung lưu”. Ngược lại, một trụ cột trung tâm của kinh tế học Biden là “trao quyền và giáo dục người lao động để phát triển tầng lớp trung lưu”, theo tuyên bố của Tòa Bạch Ốc.

Nhưng một số nhà kinh tế lập luận rằng ông Biden đã làm ngược lại, rằng sự can thiệp của chính phủ khiến nền kinh tế tư nhân thậm chí trở nên giống một trò chơi nội gián hơn với cái giá phải trả thuộc về người dân thường của Mỹ.

Ông Hanke nói: “Một điều chúng ta biết chắc chắn về chính phủ lớn và chi tiêu của chính phủ nhiều hơn là nó cung cấp một cơ hội làm giàu dễ dàng cho tầng lớp siêu giàu, tìm kiếm đặc lợi nhờ thao túng chính sách".

Ông nói: “Sự gia tăng chi tiêu của chính phủ trong 5 năm qua đã dẫn đến sự gia tăng lớn trong tài sản của các tỷ phú Mỹ, từ 15 lên 18% GDP". “Quá nhiều cho các lập luận về sự bình đẳng được tô vẽ cho kinh tế học Biden”.

Ông Laffer nói: “Ngày nay, cách tốt nhất để kiếm lợi nhuận trong khu vực tư nhân là vận động chính phủ ký một hợp đồng hoặc một quy định để giúp bạn". “Nếu bạn nói với một doanh nghiệp tập trung vào lợi nhuận, rằng bạn có thể kiếm được nhiều lợi nhuận nhất bằng cách vận động hành lang chính phủ, tất nhiên, họ sẽ làm điều đó”.

Kinh tế học Biden là gì? Hiệu quả ra sao?
Tổng thống Joe Biden công bố kế hoạch kinh tế của mình trong một sự kiện ở sảnh của một tòa nhà bưu điện cũ ở Chicago, Mỹ, vào ngày 28/06/2023. (Ảnh: Scott Olson/Getty Images)

Gia tăng quy định và tập trung hóa quyền lực

Thành phần chính khác của kinh tế học Biden là sự gia tăng mạnh mẽ trong quy định của chính phủ. Điều này bao gồm các quy định về khí thải hà khắc mới từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), các quy định về thiết bị mới từ Bộ Năng lượng (DOE) và các yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) trong việc lập báo cáo kiểm toán về lượng khí thải CO2 đối với tất cả các công ty niêm yết.

Một báo cáo vào tháng 6 của Ủy ban Giải phóng Thịnh vượng ước tính rằng, chi phí gia tăng của các quy định quản lý mới của ông Biden, “bao gồm cả chi phí hiện tại và dự kiến trong tương lai, lên tới gần 10.000 USD cho mỗi hộ gia đình”. Ngược lại, chính quyền Trump đã giảm chi phí pháp lý đối với người Mỹ đi 11.000 USD cho mỗi hộ gia đình, nghiên cứu cho biết.

Báo cáo cho biết, theo báo cáo của chính các cơ quan liên bang, chi phí cho các quy định mới mà họ đang thực hiện dưới thời ông Biden lên tới 173 tỷ USD mỗi năm, mặc dù báo cáo ước tính rằng chi phí thực sự cao hơn nhiều, ở mức 616 tỷ USD mỗi năm.

Ngoài chi phí, những người chỉ trích cáo buộc rằng chính quyền Biden đã đặc biệt tích cực trong việc cố gắng tập trung quyền lực vào các cơ quan liên bang gây bất lợi cho chính quyền địa phương.

Ông Williams nói: “Một trong những lời chỉ trích lớn nhất của chúng tôi đối với chương trình chính sách của chính quyền này là mọi thứ đều có một điểm chung là cố gắng liên bang hóa các quyết định ở Washington và chính quyền trung ương thay vì cho phép các bang cạnh tranh với nhau". Chính quyền Biden đang “thay đổi cơ cấu khuyến khích đối với nhiều bang nhằm ủng hộ một chính sách chính phủ lớn".

Trong lịch sử, các bang của Mỹ được tự do cạnh tranh với nhau về các chính sách và điều này đã cho phép thử nghiệm những gì là tốt nhất. Doanh nghiệp và người lao động thường phản ứng bằng cách đầu tư và chuyển đến các tiểu bang cung cấp các điều kiện hấp dẫn nhất về chi phí sinh hoạt, thuế suất, quy định và chất lượng cuộc sống, và trong vài năm qua đã chứng kiến làn sóng rời bỏ các tiểu bang cấp tiến như California, New York và Illinois, ủng hộ các bang bảo thủ như Texas và Florida.

“Chương trình chính sách của [Biden] là làm suy yếu quyền tự chủ của tiểu bang và liên bang hóa bất cứ chỗ nào có thể, cho dù đó là liên bang hóa các cuộc bầu cử, cấm các luật về quyền không tham gia công đoàn tại tiểu bang [hoặc] nói với các tiểu bang rằng bạn không thể cắt giảm thuế nếu bạn nhận tiền cứu trợ của liên bang”, ông William nói. “Chính quyền Biden đã bơm ngập ngân sách tiểu bang với số tiền viện trợ liên bang chưa từng có".

“Mặc dù viện trợ liên bang đó chỉ là tạm thời, nhưng những ràng buộc gắn liền với nó không phải là tạm thời”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Kinh tế học Biden là gì? Hiệu quả ra sao?