Hà Giang: Bé gái 5 tuổi bị chó cắn trọng thương, người mẹ xót xa khi xem lại camera

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong lúc đang chơi đùa trên vỉa hè, bé gái 5 tuổi ở Hà Giang bị một con chó lạ (chưa xác định được chủ) chạy đến tấn công, cắn trọng thương. Phải có nhiều người lớn đến giải cứu thì con chó mới nhả ra và chạy đi.

Ngày 28/3, mạng xã hội lạn truyền hình ảnh, clip một em bé ở Hà Giang bị chó dữ tấn công, cắn trọng thương khiến nhiều người không khỏi xót xa. Bé gái khác đứng bên cạnh hốt hoảng bỏ chạy. Nghe tiếng la hét, người dân xung quanh vội chạy đến giải cứu bé gái.

Được biết sự việc xảy ra tại thị trấn Việt Quang (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) vào tối 27/3.

Trích xuất đoạn camera an ninh cho thấy, một bé gái đang chơi cùng bạn trên vỉa hè thì bị con chó dữ lao tới. Bé gái vùng vẫy nhưng không thể thoát ra.

Một người phụ nữ đi ngang qua, lập tức hô hoán thêm 2- 3 người cùng chạy tới giúp. Lúc này mới có thể tách bé gái ra khỏi con chó.

Đoạn clip sau khi đăng tải đã nhận về lượt tương tác rất lớn từ cộng đồng mạng. Ai nấy đều "đứng tim" khi theo dõi diễn biến vụ việc kinh hoàng.

Chị T.Q.D (ở Bắc Quang, Hà Giang) là mẹ của bé gái bị chó cắn trên. Chị D. cho biết khoảng 21h ngày 27/3, con gái chị (5 tuổi) được bạn gọi sang chơi. Khi cô bé đứng cách nhà khoảng vài chục mét thì bị một con chó lao tới cắn.

Chị D. lúc này đang nấu nướng bên trong, chuẩn bị ra gọi con về thì nghe có người báo con bị chó cắn. Một lúc sau, con gái được người dân bế về nhà. Nhìn con be bét máu, chị D. hốt hoảng, bủn rủn chân tay, nói "không sống nổi".

Ngay trong đêm, bé gái được chuyển tuyến về Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) để điều trị.

Chị D. cho biết con gái có khoảng 8 vết thương ở mặt, tay và môi, đã được bác sĩ tiêm phòng dại, theo dõi tại bệnh viện.

Sau sự việc, người dân đã đánh chết con chó.

Người dân tại địa phương cho biết, con chó nói trên tấn công, cắn làm 4 người bị thương tại tổ 4, 5, 7 thị trấn Việt Quang. Trong đó có 3 cháu bé và một người lớn. Bé gái con chị D. bị thương nặng nhất, phải đưa đi Hà Nội điều trị.

Bệnh dại nguy hiểm thế nào?

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, bệnh dại là bệnh gây ra bởi vi-rút dại. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua dịch tiết, thường là nước bọt bị nhiễm vi-rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với vi-rút dại qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc cấy ghép mô/cơ quan bị nhiễm vi-rút dại.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh dại là nguyên nhân gây khoảng hơn 70 ca tử vong ở Việt Nam mỗi năm, hầu hết các trường hợp bệnh dại ở Việt Nam do chó dại cắn. Khi đã lên cơn dại, động vật và người đều có tỷ lệ tử vong gần như là 100%.

Đặc biệt, hiện tại không có cách điều trị hiệu quả bệnh sau khi các dấu hiệu của cơn dại xuất hiện. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm.

Bệnh dại lây truyền như thế nào?

Vi-rút dại xâm nhập vào hệ thần kinh của động vật có vú. Nó chủ yếu được lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người qua vết cắn hoặc qua vết trầy xước trên cơ thể con người. Bệnh dại cũng có thể lây truyền sang người khi động vật bị dại liếm vào vết thương hoặc tiếp xúc vào những chỗ da bị trầy xước, hoặc lớp niêm mạc miệng, mũi của người.

Theo Cục Y tế dự phòng, 96% các trường hợp gây bệnh dại ở người tại Đông Nam Á là do chó cắn.

Những người giết mổ chuyên nghiệp cũng có thể có nguy cơ bị nhiễm bệnh khi giết động vật bị dại và xử lý phần não hoặc các bộ phận bị nhiễm vi-rút khác. Tuy nhiên, không có trường hợp nào lây bệnh trên người do ăn thịt đã nấu chín.

Việc lây truyền bệnh dại từ người sang người thông qua việc cấy ghép giác mạc hoặc các nội tạng khác là tương đối hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra. Do vậy, giác mạc hoặc các bộ phận cơ thể con người không được lây từ bệnh nhân chết do viêm não hoăc bất kỳ bệnh thần kinh nào khác mà chưa được chẩn đoán rõ ràng.

Mặc dù bệnh nhân mắc bệnh dại rất hiếm khi cắn người khác, tuy nhiên những người chăm sóc bệnh nhân cũng nên thận trọng và cảnh giác khi chăm sóc bệnh nhân bị dại, đặc biệt tránh tiếp xúc với nước bọt của bệnh nhân bị dại.

Bệnh dại phát triển trong cơ thể con người ra sao?

Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, vi-rút dại phát triển từ lớp trong cùng của mô dưới da hoặc từ cơ bắp tiến vào các dây thần kinh ngoại biên (là các dây thần kinh nằm ngoài não hoặc tủy sống). Vi-rút di chuyển dọc theo các dây thần kinh tới tủy sống và não bộ với tốc độ ước tính khoảng 12-24 mm mỗi ngày.

Người bị nhiễm bệnh có những thay đổi hành vi và có những biểu hiện lâm sàng khi vi-rút bắt đầu xâm nhập vào não bộ. Thời gian ủ bệnh có thể từ vài ngày đến vài tháng và có thể dài tới 1 năm. Có 2 thể bệnh lâm sàng của bệnh dại là thể điên cuồng và thể dại câm (bại liệt), trong đó thể điên cuồng là phổ biến nhất.

Việt Nam Xã hội

Hà Giang: Bé gái 5 tuổi bị chó cắn trọng thương, người mẹ xót xa khi xem lại camera