Quảng Ninh: Chó dại chạy vào trường học cắn 14 người bị thương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một con chó thả rông chạy vào trường học tại Quảng Ninh cắn và tấn công bị thương 13 học sinh cùng 1 giáo viên.

Mới đây, 13 học sinh và một thầy giáo ở Quảng Ninh phải tiêm vaccine và huyết thanh phòng ngừa sau khi bị một con chó dại chạy vào trường cắn.

Trước đó, vào ngày 28/2, một con chó (không rõ chủ) đã bất ngờ chạy vào Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Dực Yên, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) tấn công 13 học sinh và 1 nam giáo viên bị thương.

Ngay sau khi bị chó cắn, 14 người này đã được nhân viên trong trường phối hợp với Trạm Y tế xã Dực Yên thực hiện xử lý vết thương và chuyển tới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh tiêm huyết thanh phòng dại, đến nay sức khỏe đã ổn định, đang được theo dõi tại nhà.

Cùng ngày, con chó tấn công người nói trên đã bị bắt lại, xử lý và gửi mẫu xét nghiệm trong chiều cùng ngày. Đến ngày 29/2, kết quả mẫu dương tính với virus dại.

Trước tình hình trên, địa phương đã nhanh chóng rà soát các trường hợp có thể bị phơi nhiễm liên quan đến con chó dại trên và hiện đang tiếp tục mở rộng diện rà soát tới tất cả các trường hợp bị chó cắn trong thời gian gần đây.

Kết quả rà soát tính đến ngày 1/3/2024, tại xã Dực Yên không xác định thêm trường hợp phơi nhiễm liên quan đến con chó bị dại.

Tại Quảng Ninh, từ đầu năm 2024 đến nay, chưa ghi nhận ca mắc dại trên người. Tuy nhiên, ghi nhận 483 trường hợp tiêm dự phòng phơi nhiễm dại và 3 ổ dịch dại trên chó tại 3 xã của huyện Đầm Hà (xã Tân Bình, Dực Yên và thị trấn Đầm Hà).

Tại Việt Nam, bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong trên người cao nhất trong 5 năm qua và xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Theo Bộ Y tế, năm 2023, cả nước ghi nhận 82 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 12 ca so với năm 2022. Số tiền tiêm vaccine phòng dại người dân phải bỏ ra cũng lên con số 'khủng'.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cách phòng bệnh dại tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% đàn chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y. Khi nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.

Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn, cào, liếm của con vật mắc bệnh dại lên vùng da tổn thương. Đặc điểm là thời gian ủ bệnh dài, được phát hiện muộn tùy tình trạng vết cắn, thường sau vài tuần, có khi hàng năm. Khi đó, vết thương do chó, mèo cắn đã liền sẹo, thậm chí nhiều người đã quên từng bị con vật cắn.

Bệnh trên người có thể dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại. Tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh. Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật.

Bác sĩ khuyến cáo người bị chó, mèo cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc cần rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng đặc và rửa lại bằng nước muối, bôi iốt sát trùng để làm giảm lượng virus tại vết cắn, sau đó đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng dại. Tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam.

Việt Nam Xã hội

Quảng Ninh: Chó dại chạy vào trường học cắn 14 người bị thương