Hà Nội ghi nhận trường hợp mắc bệnh sởi đầu tiên trong năm 2024

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bé gái 10 tuổi, khởi phát bệnh vào ngày 27/3, mặc dù trước đó đã từng tiêm ba mũi vaccine phòng sởi.

Thành phố Hà Nội vừa ghi nhận một ca mắc sởi trên địa bàn, đây được xem là trường hợp đầu tiên trong năm 2024, trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ghi nhận tương tự, theo Sở Y tế Hà Nội vào ngày 21/4.

Cuối tháng Ba, bệnh nhi (ngụ ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ) bắt đầu có dấu hiệu nhiễm bệnh, đến ngày 12/4, xét nghiệm cho thấy ELIS IgM sởi và rubella dương tính.

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước ghi nhận tổng cộng 42 ca mắc sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh / thành, không có ổ dịch tập trung.

Ông Trần Đắc Phu, Phó giáo sư - Tiến sĩ, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng thuộc Bộ Y tế, nhận định rằng nguy cơ bùng phát dịch sởi trong năm 2024 là rất cao.

Theo ông, đây là bệnh lây lan rất nhanh qua đường hô hấp, người không có miễn dịch (chưa tiêm vaccine hoặc chưa từng mắc sởi) rất dễ bị lây khi tiếp xúc gần với người có bệnh.

Trong quá khứ, thế giới từng có nhiều đợt bùng phát dịch, cao điểm nhất vào năm 2014, dịch sởi đã bùng phát trên toàn thế giới và cả Việt Nam.

Bệnh sởi

Bệnh do một loại virus ARN thuộc chi Morbillillin (nằm trong họ Paramyxoviridae) gây ra. Loại virus này chỉ lây nhiễm sang người, là một bệnh lưu hành trên phạm vi rộng nên thường xuất hiện trong cộng đồng.

So với Ebola, bệnh lao hay bệnh cúm, tốc độ truyền nhiễm của sởi nhanh hơn đáng kể. Nếu bề mặt vật thể hoặc một vật nào đó đã bị nhiễm virus, một người vô tình chạm vào, sau đó chạm vào miệng hoặc mũi của chính họ hoặc ăn uống khi chưa rửa tay, họ vẫn có thể mắc bệnh.

Mặt khác, virus sởi có khả năng tồn tại trong không khí và trên bề mặt tới hai tiếng, rất dễ xâm nhập vào hệ hô hấp của người bình thường. Nhiều người vẫn nói: "Đi qua đầu giường của bệnh nhân sởi cũng có thể bị lây". Điều này cho thấy tính dễ lây lan của virus.

Triệu chứng sởi

Kể từ thời điểm nhiễm virus sởi, trong 10-14 ngày đầu, người bệnh không có dấu hiệu rõ rệt. Các triệu chứng trong thời kỳ này không đặc hiệu và dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh khác.

Sau 10-12 ngày ủ bệnh, người nhiễm virus có thể xuất hiện các triệu chứng gồm sốt, ho khan, sổ mũi, ăn không ngon, chảy máu cam, đau họng, viêm kết mạc, xuất hiện những đốm Koplik trắng nhỏ với tâm màu trắng hơi xanh trên nền đỏ bên trong miệng hay trên niêm mạc bên trong của má.

Nói chung, sởi thường bắt đầu từ sốt nhẹ đến trung bình, kèm ho dai dẳng, viêm kết mạc, sổ mũi và đau họng. Triệu chứng này có thể kéo dài 2-3 ngày.

Tiếp đó, cơ thể bệnh nhân nổi các nốt phát ban, đốm nhỏ màu đỏ và hơi sưng. Vài ngày sau, các nốt mẩn ngứa khó chịu bắt đầu lan ra, di chuyển từ mặt và cổ xuống dưới. Tình trạng này thường kéo dài trong 3-5 ngày rồi biến mất. Cũng trong thời gian này, người bệnh có thể sốt cao 40-41 độ C.

Biến chứng sởi

Nếu bệnh không gây biến chứng, bệnh nhân có thể hồi phục sau 2-3 tuần.

Thống kê cho thấy khoảng 40% bệnh nhân bị biến chứng, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, người lớn trên 20 tuổi và bất kỳ ai khác bị suy dinh dưỡng hoặc suy giảm miễn dịch. Trong số này, trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ tử vong cao nhất.

Bệnh sởi cũng có thể gây ra các biến chứng khác bao gồm viêm tai giữa; viêm phổi; viêm não; tiêu chảy và ói mửa; mờ hoặc loét giác mạc có thể gây mù loà; suy dinh dưỡng nặng; phụ nữ có thai có thể bị sảy thai, sinh non hay sinh trẻ nhẹ cân.

Hoàng Tuấn (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Hà Nội ghi nhận trường hợp mắc bệnh sởi đầu tiên trong năm 2024