Hệ miễn dịch diệu kỳ (Phần 8): Tuyến ức luôn cần thiết cho sức khỏe lâu dài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong loạt bài “Hệ miễn dịch diệu kỳ” này, chúng ta sẽ khám phá sức mạnh thực sự của khả năng miễn dịch, cách các cơ quan hoạt động không mệt mỏi để bảo vệ cơ thể. Chúng tôi cũng sẽ cung cấp những biện pháp thiết thực để bảo vệ những món quà quan trọng mà trời ban này.

Đến tuổi trưởng thành, tuyến ức đã giảm kích thước đáng kể nên nhiều người lầm tưởng là nó bị “teo lại” và “vô dụng”. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghiên cứu phát hiện rằng, tuyến ức vẫn tiếp tục đảm nhiệm các chức năng thiết yếu đối với nhiều bộ phận cơ thể, ngay cả khi trưởng thành.

Nguồn gốc tên tuyến ức có liên kết với linh hồn

Nguồn gốc tên của tuyến ức vẫn còn là điều bí ẩn. Nó có thể xuất phát từ cây Thymus Vulgaris, hay còn được gọi là cỏ xạ hương. Một số nghiên cứu khác thì cho rằng nó có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp "thumos", có nghĩa là "linh hồn", "can đảm" hoặc "ý chí".

Trên thực tế, người Hy Lạp cổ đại tin rằng tuyến ức là nơi chứa linh hồn vì nó nằm ở phần trên của lồng ngực, ngay sau xương ức và giữa phổi, liền kề với tim.

Tuyến ức màu xám hồng nổi tiếng với vai trò chỉ đạo sự phát triển của tế bào T. Tên tế bào cũng là lấy từ chữ cái đầu của tuyến ức (Thymus). Đây là nơi chúng trưởng thành, còn tế bào B trưởng thành trong tủy xương (Bone marrow).

Tuyến ức rất cần thiết cho hệ miễn dịch, giúp kiểm soát và bảo vệ chống lại mầm bệnh, kháng nguyên và khối u.

Đào tạo và phát triển tế bào T

Tế bào T là tế bào miễn dịch thích ứng mạnh nhất trong cơ thể con người và rất cần thiết cho sự sống còn. Tiêu diệt tế bào T là phá hủy khả năng miễn dịch thích nghi. Cũng giống như cách virus HIV gây suy giảm miễn dịch ở người một cách tinh quái bằng việc chiếm quyền điều khiển phần quan trọng của tế bào T trước tiên.

Trước khi tế bào T trưởng thành và trở thành những chuyên gia giỏi có khả năng chiến đấu trong những trận chiến miễn dịch khốc liệt nhất, chúng phải vượt qua thử thách sinh tử của tuyến ức.

Tuyến ức được thiết kế đặc biệt để huấn luyện các tế bào T trong các “buồng” khác nhau. Ở đây, 98% tế bào T trong quá trình phát triển sẽ thất bại và bị loại bỏ. Tuy nhiên, tuyến ức vẫn sản xuất đủ tế bào T để bảo vệ chống lại mọi mầm bệnh cho cơ thể con người.

2% tế bào T vượt qua trại huấn luyện của tuyến ức, được đào tạo chuyên sâu với các vai trò chuyên biệt liên quan đến các hạch bạch huyết ngoại vi hoặc các nhiệm vụ khác. Các tế bào sát thủ T được chọn lựa cẩn thận này có thể đảm bảo để phân biệt được những kẻ xâm lược có hại từ bên ngoài với tế bào khỏe mạnh của con người.

Tuy nhiên, rối loạn chức năng của tuyến ức làm tăng khả năng cơ thể bị nhiễm trùng. Tế bào T được đào tạo kém cũng làm tăng nguy cơ tự miễn dịch, tức là khi đó hệ miễn dịch quay lại tấn công cơ thể.

Tuyến ức là trại huấn luyện các tế bào T. Trong sơ đồ này, các tế bào được tô màu là tế bào còn sống và các tế bào màu xám là tế bào đã chết. Các tế bào T đã hoàn thành khóa huấn luyện.
Tuyến ức là trại huấn luyện các tế bào T. Trong sơ đồ này, các tế bào được tô màu là tế bào còn sống và các tế bào màu xám là tế bào đã chết. Các tế bào T đã hoàn thành khóa huấn luyện. (Ảnh: The Epoch Times)

Chức năng suốt đời của tuyến ức

Khi mới sinh, tuyến ức hoạt động mạnh nhất, sau đó khối lượng công việc của nó bắt đầu giảm ngay từ năm thứ hai của cuộc đời. Điều này là do mỗi khi cơ thể gặp mầm bệnh, tuyến ức sẽ huấn luyện các tế bào T để đối phó với nó. Khi tế bào T đó đã trưởng thành, nó sẽ không cần phải được huấn luyện lại; nó chỉ cần nhân bản chính nó.

Sau khi tuyến ức đã tiêu diệt hết các mầm bệnh, nó không còn nhiều việc phải làm. Sau tuổi dậy thì, nó dường như co lại. Quá trình được gọi là “sự thoái hóa hoặc teo cơ liên quan đến tuổi tác”, nhiều người mô tả như thể nó biến thành mô mỡ “vô dụng”.

Mặc dù bị thu nhỏ nhưng tuyến ức không hề vô dụng. Nó vẫn liên tục đóng vai trò quan trọng trong suốt tuổi trưởng thành của con người.

Tuyến ức sản xuất các hormone quan trọng

Tuyến ức cũng là một tuyến nội tiết tạo ra các chất hoạt động “giống như chất truyền tin” gọi là hormone. Các chất này giúp điều chỉnh hệ miễn dịch và thực hiện các chức năng khác.

Chúng bao gồm thymosinthymulin, giúp tạo ra các loại tế bào T chuyên biệt; thymopoietin, thúc đẩy sản xuất tế bào T và hướng dẫn tuyến yên giải phóng hormone; và yếu tố dịch thể tuyến ức, giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt. Các chức năng hệ thống này phản ánh vai trò đa dạng và quan trọng của tuyến ức.

Ngoài việc kích thích sản xuất tế bào T, các loại thymosin khác nhau còn có nhiều vai trò khác. Cho đến nay, chỉ có hai dạng thymosin được tổng hợp: thymosin alpha-1 và thymosin beta-4.

Thymosin Alpha-1: Ứng dụng lâm sàng cho sức khỏe miễn dịch

Thymosin alpha-1 hoạt động như một protein đa nhiệm giúp khôi phục cân bằng nội môi của hệ miễn dịch theo cách phù hợp dựa trên các tình trạng sức khỏe khác nhau.

Cơ thể sản xuất alpha-1 một cách tự nhiên và phiên bản tổng hợp đã được sử dụng để điều chỉnh hệ miễn dịch và điều trị một số tình trạng cụ thể. Đó là nhiễm virus cấp tính và mãn tính như viêm gan B, C và HIV.

Nó cũng được sử dụng để tăng cường chức năng miễn dịch và đã được thử nghiệm chống lại các bệnh làm suy yếu hoặc gây rối loạn hệ miễn dịch như ung thư và các bệnh tự miễn.

Một đặc điểm khác biệt của thymosin là nó sửa chữa các khiếm khuyết miễn dịch một cách cân bằng mà không kích thích sản xuất cytokine quá mức, dẫn đến ít tác dụng phụ hơn.

Các ứng dụng lâm sàng của thymosin alpha-1. (Ảnh: The Epoch Times)

Thymosin Beta-4: Từ chữa lành vết thương đến phục hồi cơ bắp

Thymosin beta-4 là một peptide đáng kinh ngạc với khả năng phát triển các mạch máu mới và giúp sửa chữa và tái tạo mô.

Nó cũng có đặc tính chống viêm nên nó rất lý tưởng điều trị cho các vết thương trên da như bỏng hoặc vết cắt.

Nó cũng có thể kích thích sự di chuyển và biệt hóa của các tế bào liên quan đến việc sửa chữa mô. Thậm chí nó còn được nghiên cứu về tiềm năng thúc đẩy sự phát triển và sửa chữa cơ bắp, bao gồm cả việc điều trị bệnh tim.

Nghiên cứu gần đây cho thấy thymosin beta-4 làm cho một số tế bào tủy xương nhạy cảm hơn với hormone tăng trưởng, giúp tăng cường sự tăng trưởng và phát triển của chúng thành tế bào máu.

Khi càng tìm hiểu về peptide có nguồn gốc từ tuyến ức tuyệt vời này và các hormone liên quan thì chúng ta càng khám phá ra nhiều lợi ích tiềm năng hơn.

Khám phá thêm về tác dụng ngắn hạn và dài hạn của tuyến ức, chúng ta càng thấy mối liên hệ sâu sắc bên trong cơ thể chúng ta như thế nào. Đó là sự tương tác phức tạp của hormone, xung thần kinh và sức khỏe miễn dịch.

Các ứng dụng lâm sàng của thymosin beta-4. (Ảnh: The Epoch Times)

Liên kết với hệ miễn dịch và nội tiết

Nghiên cứu thú vị đã tiết lộ rằng tuyến ức sản xuất ra nhiều loại hormone khác nhau ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, trao đổi chất và các chất hóa học trong não. Những hormone này bao gồm insulin, cortisol và melatonin.

Tuyến ức cũng có thể tiết ra các hormone như T3 dưới tác động của các hormone kích thích tuyến giáp. Điều thú vị là các nghiên cứu cho thấy các loại hormone khác nhau có thể điều hòa lẫn nhau trong hệ miễn dịch, tạo thành mạng lưới nội tiết tố.

Một số hormone của nó thậm chí còn có đặc tính chống viêm và có thể giúp bảo vệ chống lại một số bệnh ung thư.

Tuyến ức có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, nội tiết, thần kinh và tiêu hóa cũng như kiểm soát cảm xúc. Nó hoạt động như một trung tâm giao tiếp quan trọng, kết nối hệ miễn dịch, nội tiết và thần kinh để điều chỉnh các chức năng của cơ thể.

Làm chậm lão hóa

Tuyến ức là một cơ quan đặc biệt sản xuất hormone có thể làm chậm quá trình lão hóa. Quá trình này bị ảnh hưởng bởi tuyến tùng, một tuyến nội tiết nhỏ trong não tiết ra melatonin để kiểm soát chu kỳ ngủ và thức, cùng nhiều chức năng khác.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra mối liên hệ chặt chẽ giữa tuyến ức và tuyến tùng, có khả năng mở ra nhiều bí mật hơn.

Các hormone tuyến ức chống lại sự lão hóa và giúp duy trì khả năng học hỏi và ghi nhớ theo tuổi tác.

Vai trò bảo vệ trong bệnh tiểu đường và thai kỳ

Một nghiên cứu công bố gần đây trên tạp chí Nature cho thấy, ở chuột mang thai tuyến ức tạo ra các tế bào miễn dịch cần thiết để ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ và sẩy thai.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những khiếm khuyết ở tuyến ức có thể dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp I trên mô hình động vật.

Tuyến ức rất cần thiết cho tuổi trẻ nhưng nó vẫn bảo vệ cơ thể khi trưởng thành. Ngay cả khi nó bị teo nhỏ lại, nó vẫn tạo ra các tế bào T quan trọng đối với sức khỏe và khả năng miễn dịch của thai kỳ.

Đồng thời nó vẫn tiết ra các hormone giúp điều chỉnh chức năng của toàn cơ thể, bao gồm cả quá trình lão hóa và tăng trưởng. Nhiều vai trò khác trong số này chỉ được hiểu một phần và chắc chắn còn có những chức năng khác mà khoa học thậm chí còn chưa làm sáng tỏ được.

(Còn tiếp)
Phần tiếp: Bảo vệ tuyến ức của chúng ta: Một cơ quan có thể tái tạo với những lợi ích đáng ngạc nhiên

Hệ miễn dịch diệu kỳ (Phần 1): Amidan - người gác cổng thầm lặng

Hệ miễn dịch diệu kỳ (Phần 9): Bảo vệ tuyến ức - cơ quan có thể tái tạo với những lợi ích đáng ngạc nhiên

(Bài đăng trên The Epoch Times - Epoch Health của tác giả: Yuhong Dong )

Cát Mộc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hệ miễn dịch diệu kỳ (Phần 8): Tuyến ức luôn cần thiết cho sức khỏe lâu dài