Họa sĩ vẽ bằng ngón tay đầu tiên trong lịch sử - Học tuyệt kỹ trong mộng, triển hiện thần tích

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cao Bội Kỳ là người đầu tiên vẽ bằng ngón tay trong lịch sử, ông nhậm chức Thị lang thời Khang Hy, Đô thống Hán quân thời Ung Chính, mấy chục năm danh tiếng lẫy lừng. Thời cổ chưa từng nghe thấy ai vẽ bằng ngón tay (chỉ họa), cũng không thấy thầy nào dạy, vậy ông làm thế nào để học được tuyệt kỹ này? Tương truyền ông học chỉ họa từ trong mộng, thuật vẽ của ông chứa đựng linh tính, nó được triển hiện ra như thế nào?

Cổ nhân truyền lại Thần kỹ vẽ rồng điểm mắt, hậu thế cũng có tái hiện tương tự về Thần kỹ thông linh, trong đó có một cao nhân chỉ họa ‘Khát bút’ (xem chú thích) Nguyên tổ Cao Kỳ Bội. Cao Kỳ Bội tự Vi Chi, hiệu Thư Viên, tự xưng Thư Đạo Nhân, nổi danh nhờ chỉ họa suốt mấy chục năm thời nhà Thanh, tất cả sự tích lũy cần cù học tập, thông mẫn trời ban, tính tình hào sảng đều được triển hiện đủ trong các tác phẩm vẽ bằng ngón tay của ông. Ông là người vùng Liêu Dương, Phụng Thiên, gốc người Hán, thời Khang Hy, do cha ông tuẫn quốc hy sinh trong nạn Cảnh Phiên nên ông được hưởng phúc ấm làm quan tới chức Hộ bộ thị lang, thời Ung Chính nhậm chức Hán quân đô thống, ông mất vào năm Ung Chính thứ 12.

Chỉ họa diệu kỳ

“Thanh sử cảo” nói về Cao Kỳ Bội: ‘Tranh vẽ có chỗ kỳ diệu, các nhân vật sông núi đều đầy đặn hồn hậu, nếp y phục như chữ Thảo, Triện, mỗi ống tay áo có vài nếp uốn, là bức vẽ bằng ngón tay cực kỳ hoàn hảo’.

Những năm tuổi già, ông dùng ngón tay thay bút, điêu luyện tự như lướt trên mặt giấy, nên ông đã cất bút vẽ lên gác, chỉ dùng ngón tay uyển chuyển nhúng mực vẽ trên giấy mịn, dường như làm thế nhân quên mất ông cũng là một họa gia dùng bút trứ danh. Thư pháp thể Hành của ông: ‘Trục tích tầm nguyên, tư lực giao chí’ (theo dấu về nguồn cội, hội đủ cả tâm tư cùng bút lực), được Bao Thế Thần đặt vào hàng những thư pháp gia có tiếng thời nhà Thanh.

Cao Kỳ Bội bắt đầu học vẽ từ năm lên tám, học hành cần cù nhập tâm, toàn tâm toàn ý đặt vào thư họa, chỉ cần thấy tác phẩm hay là không bỏ qua cơ hội sao chép rèn luyện. Cứ như vậy suốt mười năm, lòng nhiệt thành cần mẫn không mảy may suy chuyển, các tác phẩm được ông sao chép chất đầy hai tủ, mà trong tâm vẫn hiềm nỗi học chưa thành.

Trong mộng đắc kỹ năng, như có Thần tương trợ

Một lần ông nhiễm bệnh, khi đang nằm ngủ thì mộng gặp một lão nhân nói với ông rằng: ‘Kiếp trước con là một thầy dạy vẽ, Thiên Thượng an bài cho kiếp này trở thành họa gia lừng danh.’

Sau đó lão nhân đưa ông đến một căn nhà đất kỳ dị, bốn bức tường đều là những bức tranh kỳ mỹ, vẻ cảnh núi non trùng điệp, thác đổ sương bay, trúc hòa mây khói, lại còn có bao trân cầm dị thú ẩn hiện huyền ảo, nhìn không chớp mắt. Lão nhân nói với ông đó là những bức tranh ẩn trong tranh, đồng thời phân tích cho ông nghe về thủ pháp, Cao Kỳ Bội chấn động trong tâm, bỗng nhiên đốn ngộ. Ông muốn vẽ lại các bức tranh trên tường, nhưng trong ngôi nhà đất lại trống không, bút mực không có. Tìm quanh chỉ thấy một chén nước, thế là ông lấy ngón thay nhúng nước vẽ tranh. Lão nhân bảo ông rằng, nghề đã học thành, bây giờ có thể về, rồi để ông tìm đường cũ về nhà, rất nhanh ông đã về đến nhà.

Tỉnh dậy sau giấc mộng, Cao Kỳ Bội mừng vui trong lòng, là mộng nhưng thực không phải mộng, họa lý họa pháp của các bức tranh trong căn nhà đất ấy vẫn nguyên vẹn trong tâm, nhưng không sao cầm bút để biểu hiện ra được. Qua nhiều ngày tâm trạng u uất, bỗng một hôm linh quang bừng sáng, soi rọi khoảng khắc ông dùng tay chấm nước vẽ tranh trong mộng, kích phát năng lực dùng ngón tay vẽ tranh, như có Thần tương trợ, lĩnh hội được bí quyết.

Từ đó Cao Kỳ Bội chuyên tâm dốc sức vào chỉ họa. Ông đặt hết tâm lực nghiên cứu các tác phẩm của các họa sĩ nổi danh thời Đường, Tống, Nguyên, Minh, học hỏi các công phu kiệt xuất của họ. Ông lĩnh hội được những thành tựu, mang chúng dung nhập quán thông chuyển hóa vào ngón tay, dùng ngón tay làm bút độc bước đăng đàn, khai sáng một thể vẽ mới. Bố cục chương pháp của ông không câu nệ theo lối cũ của tiền nhân, đồng thời mang cảm ngộ mà tự thân nếm trải chuyển tải vào bố cục trong tranh.

Tranh “Sơn Thủy” của Cao Kỳ Bội nhà Thanh. (Bảo tàng quốc lập Cố Cung Đài Bắc cung cấp)

Kỹ xảo dùng ngón tay của ông biến ảo điêu luyện, các ngón trên hai bàn tay có thể dùng đơn độc hoặc song hành, tổ hợp linh hoạt, lại còn dùng cả lòng bàn tay, lưng bàn tay…để thể hiện các thủ pháp khác nhau. Ông vận dụng linh hoạt mười ngón tay cùng lòng bàn tay, đạt đến cảnh giới tràn trề sinh động. Ví dụ như cách vận dụng ngón tay trong tranh vẽ sơn thủy, nét trầm bổng đậm nhạt với các thủ pháp nhà nghề, hết sức sống động vi diệu. Màu trong tác phẩm nồng đậm khác thường, màu xanh, màu son, màu vàng phong phú đan xem, đều chứa đựng những rung cảm kỳ diệu thần kỳ, đột phá lãnh địa hội họa của cổ nhân, nhưng lại hết sức tự nhiên thiên thành, thư họa gia Tăng Diễn Đông thời Thanh ca ngợi ông: ‘Dụng mặc chí ngũ sắc nhi vô ngân, ư vô ngân nhi hữu tượng, vưu giác tự nhiên’ (Dùng 5 loại màu nhưng không để lại vết, không lưu vết nhưng lại lên hình tượng, cực kỳ tự nhiên)

Sông núi trong tranh của ông chứa đựng nhiều điều kỳ diệu, nhân vật mang thần thái chân thực, cho đến những chi tiết chim muông hoa lá cỏ cây, vô luận tả thực hay phỏng cổ, đều hết sức tinh tế, chân thực truyền thần. Chỉ họa của Cao Kỳ Bội dựa trên cái cũ mà tạo ra cái mới, trác việt tự lập, trong bàn tay tài hoa của Kỳ Bội mà triển hiện càn khôn!

Trương Canh đời Thanh trong “Quốc triều họa trưng lục” có ghi: ‘Cao Kỳ Bội giỏi dùng ngón tay vẽ nhân vật hoa mộc ngư long điểu thú. Tài năng Trời phú siêu xuất, cảm xúc kỳ diệu được truyền tới bàn tay, được người tứ phương coi trọng. Tôi đã từng xem bút tích trên quạt, vẽ vài vị tản tiên cực kỳ mỹ diệu.’

Tranh “Lư minh đồ” (con Lừa đang kêu) của Cao Kỳ Bội là người đầu tiên dùng ngón tay vẽ (Bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Walters, Maryland, Hoa Kỳ/ Phạm vi Công cộng)

Về sau, ông hoàn toàn không dùng bút vẽ, “Thanh sử cảo” nói thế nhân rất thích chỉ họa của ông, ‘Cái đẹp của chỉ họa, không mấy người không biết.’.

Cao Kỳ Bội tự thuật: ‘Nay bút họa bị chỉ họa che khuất, nhưng cần phải biết bút và ngón tay có quan hệ tương hỗ mật thiết.’

Ông nói thành tựu của chỉ họa bao trùm nét đặc sắc của bút họa, nhưng kỳ thực bút và ngón tay là sự kết hợp tương phụ tương thành, không có nền tảng bút họa thì chỉ họa sao có thể đạt đến độ mĩ diệu trôi chảy mà phát huy cái đẹp đến cực điểm được!

Bức “Thác nước Lư Sơn” của Cao Kỳ Bội nhà Thanh - người đầu tiên vẽ bằng ngón tay trong lịch sử hội họa. (Bảo tàng Cố Cung quốc lập cung cấp).

Thần tích triển hiện

Chỉ họa của Cao Kỳ Bội không chỉ dừng ở những bức vẽ, mà còn triển hiện ra Thần tích. Ông thường vẽ tranh chân dung Chung Quỳ (một đạo sĩ cao tay trừ tà bắt quỷ), có trên hai trăm bức, thể hiện thần tình văn tượng uy nghi, võ tượng giận dữ, đủ các trạng thái tráng, lão, Tiên, Phật, quỷ, quái, dung hợp sự tinh tế cùng thô ráp, biến ảo thần kỳ. Vị Hiếu liêm Viên Hành Xuyên kể: ‘Năm Kỷ Dậu tôi ra phố mua được bức tranh của Thư Viên tiên sinh (Cao Kỳ Bội) “Chung tiến sĩ phục quỷ đồ”, nhìn tranh làm người ta sinh tâm kính sợ. Khi ấy có nhiều Thần tích linh ứng.’

Ví dụ, có một người ở Thiên Tân mang một bức vẽ tượng Chung Quỳ của Cao Bội Kỳ bán cho một ông chủ sưu tập, ông ta không tin đây là bản gốc. Bỗng nhiên người thiếp của ông phát cuồng, như bị quỷ nhập, nói: ‘Tôi trông thấy một đại hán râu dài mặc áo bào xanh!’ sợ hãi suýt ngất. Ông chủ vội mang bức ảnh để lên trên tủ, châm hương khấn vái, người thiếp liền tỉnh ngay.

Có một vị từng làm chức Ninh quốc Thái thú, cứ đêm đến là bất an khó ngủ, sau đó thỉnh một bức vẽ Chung Quỳ của Cao Kỳ Bội mang treo trong nhà, lập tức thấy an định tường hòa.

Cao Kỳ Bội vẽ Thần, Thần linh ứng, giống như tái hiện câu chuyện thời Nam Lương, Trương Tăng Lựu vẽ hai vị tăng nhân người Hồ ở Thiên Trúc (xem chú thích), như được Thần truyền cho sự kỳ diệu của kỹ thuật vẽ rồng điểm mắt.

Nói vẽ rồng điểm mắt, hãy xem ông vẽ rồng như thế nào. Trong “Thanh sử cảo” nói về tranh của ông: ‘Họa long, hổ, giai cực kỳ thái’ (vẽ rồng, hổ đều cực kỳ sống động). Rồng là Thần thú, nhìn thấy ở đâu đây? Ông đã từng ở Kinh Khẩu, Vĩnh Ninh nhìn ngắm cảnh thì gặp mưa, trong mưa rơi ông kiền thành cầu khấn Thần linh, cho nên ông đã được nhìn chân dung của Rồng, vẽ ra Rồng có đủ sừng, tai. Ông vẽ hổ đầu lớn eo nhỏ, ông bảo: ‘Hổ của họa sĩ khác, có thể hình dáng tương tự, nhưng không có uy bằng hổ tôi vẽ.’

Cao Kỳ Bội lưu lại cho thế nhân không dưới vạn danh tác, thần thái đặc biệt sống động, xứng đáng mang vòng nguyệt quế của chỉ họa (xem chú thích). Các tác phẩm chỉ họa của ông khi ấy là tinh hoa nghệ thuật suốt hai triều đại Khang-Càn thịnh thế, cung phụng cho triều đình nhà Thanh, được giới quý tộc thượng lưu trong nước săn tìm sưu tập. Từ khi ông bắt đầu sáng tác lối vẽ bằng ngón tay, từ trẻ tới lúc già, chưa lúc nào ngơi tay.

Chỉ họa của Cao Kỳ Bội bắt nguồn từ một giấc mộng kỳ diệu, ông có một con dấu khắc lời tự thuật: ‘Họa tòng mộng đắc, mộng tự tâm thành.’ (ý tứ là kỹ năng vẽ có được từ trong mộng, giấc mộng cũng là từ tấm lòng thành kính mà được Thần ban), cho thấy sự dung hợp giữa tâm cảnh cùng mộng cảnh, tạo tựu lên một cảnh giới phi phàm của họa sĩ. Sự thành tâm thành ý của ông được dung luyện trong thư họa, cường đại vô biên, làm Thần linh cảm ứng, chứng thực cho sắc thái của Thần trong nghệ thuật chỉ họa của ông. Chứng thực văn hóa thế nhân là do Thần truyền cấp!

Chú thích:

  1. ‘Khát bút’ là một kỹ xảo trong thư họa của Trung Hoa, chấm ít mực, nét vẽ khô lộ chỗ trắng.
  2. Trương Tăng Lựu từng vẽ bức tranh hai vị tăng nhân người Hồ ở Thiên Trúc, do loạn Hầu Cảnh mà bị rách làm hai, một nửa được Hữu Thường Thị Lục Kiên thời nhà Đường cất giữ. Lục Kiên lâm bệnh nặng, mộng thấy một tăng nhân người Hồ bảo: ‘Tôi có một đồng môn, xa cách đã lâu, nay ở tại gia đình họ Lý ở Lạc Dương, nếu mang về hợp lại, sẽ có pháp lực giúp ngài.’ Lục Kiên đi tìm ở Lạc Dương, quả nhiên chuộc lại được nửa bức tranh kia ở nhà họ Lý. Khi hai nửa hợp lại, bệnh của Lục Kiên cũng khỏi hoàn toàn.
  3. Các tiểu phẩm vẽ bằng ngón tay của Lý Thiên Đào thời nhà Thanh, rồi sau này là tranh sơn thủy của Chu Luân Hãn, Phó Khải Đình, tuy đều có nét đặc sắc, nhưng đều là lĩnh hội được điểm mạnh nào đó của Cao Kỳ Bội, hoặc là biểu hiện mở rộng từ tế vi tới cụ thể.

Đạp Tuyết Phi Hồng - Epoch Times
Thái Bình biên dịch

Tài liệu tham khảo:

"Thanh sử cảo"; "Tiểu Đậu Bằng" của Tăng Diễn Đông; "Thu đăng tùng thoại" của Vương Hàm; "Quốc triều họa trưng lục" của Trương Canh; "Lịch đại danh họa ký - quyển 7 - Lương" của Trương Nhan Viễn.



BÀI CHỌN LỌC

Họa sĩ vẽ bằng ngón tay đầu tiên trong lịch sử - Học tuyệt kỹ trong mộng, triển hiện thần tích