Kiếm tìm sự bình yên khi về già: Điều gì là quan trọng nhất?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay cả trong những hoàn cảnh đau đớn nhất, những ai mà đã hàn gắn thành công các mối quan hệ đều trải nghiệm một cảm giác đẹp đẽ của sự hoàn thành—cuộc đời họ đã viên mãn.

Có một câu chuyện mà tôi sẽ không bao giờ quên, xảy ra trong thời gian làm y tá tại đơn vị phòng chống COVID-19 của bệnh viện chúng tôi ngay giữa thời kỳ căng thẳng nhất của đại dịch.

Ông bà “Jerry” và “Debbie”, cả hai đều ở độ tuổi trên 80, họ đã kết hôn với nhau được nhiều thập kỷ và đã cùng nhau nuôi dạy các con, rồi tới các cháu của mình. Sau hai tuần vật lộn, chiến đấu với Covid-19, nội tạng của họ đã suy yếu đến mức không thể phục hồi. Các thành viên trong gia đình đồng thuận rằng đã đến lúc phải tháo bỏ các thiết bị hỗ trợ sự sống để họ được ra đi trong yên bình.

Chúng tôi đưa ông bà Jerry và Debbie vào một phòng trong khu cách ly sau phẫu thuật và ghép 2 cái giường lại, giúp họ tìm được tay nhau. Lúc ấy, họ biết họ đang được ở cạnh nhau khi hai bàn tay cuộn tròn.

Một y tá ICU, mặc dù mới kết thúc ca làm việc kéo dài 12 giờ, đã ở lại bên cạnh họ, giúp chăm sóc những đau đớn có thể xảy ra sau khi các máy móc hỗ trợ sự sống tắt đi. Vài giờ sau, Jerry qua đời, Debbie theo sát phía sau, trong khi vẫn nắm lấy tay chồng.

Con người luôn khát khao sự gần gũi

“Hãy thử hỏi một người đàn ông đang được đẩy trên xe lăn vào phòng phẫu thuật ghép tạng hoặc một phụ nữ đang phải đối mặt với hóa trị lần thứ ba xem họ đang nghĩ gì, câu trả lời sẽ luôn luôn liên quan đến những người mà họ yêu thương”, Tiến sĩ Ira Byock, một chuyên gia chăm sóc giảm nhẹ, viết trong "Bốn điều quan trọng nhất - Luôn luôn".

Khi Jerry và Debbie mê man trong những ngày giờ cuối cùng, nghe giọng nói của gia đình và bạn bè qua các cuộc gọi video và nằm cạnh bên nhau trong cái ngày cuối cùng đó, có thể họ đã nghĩ về những người thân yêu dấu, những người còn sống hay đã ra đi từ lâu.

Tiến sĩ Byock nói rằng, giống như hầu hết những ai trực tiếp chăm sóc những bệnh nhân sắp ra đi, ông tin rằng con người luôn khao khát sự gần gũi, khao khát cảm xúc được chữa lành. Có lẽ Mẹ Teresa đã nói lên điều đó theo cách tuyệt vời nhất: “Trên thế gian này sự đói khát tình yêu và sự trân trọng còn nhiều hơn là đói bánh mì”.

Câu chuyện đầy thuyết phục của Jackie

Trong blog có tên Người khuyến khích sự Xoa dịu của mình, Rebecca Gagne-Henderson, Tiến sĩ, APRN, ACHPN, một chuyên gia chăm sóc giảm nhẹ đã làm việc với các bệnh nhân sắp qua đời trong thời gian 27 năm, kể một câu chuyện đầy thuyết phục về sự khao khát này của con người.

"Jackie", một thành viên băng đảng địa phương, ở tuổi 22, cô được biết mình đang dần đi đến cái chết. Từ tình trạng cay đắng và thù địch ban đầu, cô đã dần dần mềm lòng dưới sự chăm sóc của Pat, một y tá chăm sóc giai đoạn cuối tốt bụng. Trong một khoảnh khắc yếu đuối, Jackie đã chia sẻ với Pat điều duy nhất cô mong muốn trước khi chết là có được cả bố và mẹ cùng nhau chăm sóc cô. Cặp cha mẹ đầy chua xót của Jackie đã ly hôn 17 năm trước, bỏ lại cô và các anh chị em cho các thành viên khác trong gia đình luân phiên chăm sóc.

Nhờ sự kiên trì của vị giáo sĩ của nhà tế bần, thật kỳ diệu, cha mẹ Jackie đã đồng ý ở lại với cô trong ba ngày, tắm rửa, thay tã và cho cô ăn, chăm sóc cô theo cách mà Jackie có thể đã từng mơ ước từ lúc 5 tuổi. Đến ngày thứ ba, sự căm ghét và tức giận giữa cha, mẹ và Jackie tan biến, cả ba đã cùng khóc trong khi tha thứ cho nhau.

Ngày hôm sau, Jackie, người từng ngập tràn trong cay đắng trước cái chết, đã nói với Pat: “Bây giờ tôi có thể chết, và không sao cả. Tôi đã làm được những gì tôi cần làm".

Sau khi trải qua quá trình chăm sóc những bệnh nhân nặng và cận kề cái chết từ năm 1978, bác sĩ Byock chia sẻ, ông tin rằng cho dù mối quan hệ có bị tổn thương đến như thế nào thì “chữa lành và sự trọn vẹn luôn luôn là có thể”.

Ông viết: “Bóng ma của cái chết tiết lộ rằng các mối quan hệ chính là tài sản quý giá nhất của chúng ta”.

Jackie qua đời thanh thản trong tuần đó, cô “đã tìm thấy tình yêu, sự ân sủng, sự tha thứ và ý nghĩa”, bà Gagne-Henderson viết như vậy trên blog cá nhân.

Bốn điều quan trọng nhất

Sau thời gian 27 năm chăm sóc các bệnh nhân sắp qua đời, bà Gagne-Henderson đã chia sẻ với The Epoch Times rằng chính nỗi đau tinh thần về những mối quan hệ chưa thể giải quyết, những thắc mắc hiện sinh chưa thể giải đáp lúc cuối đời đã gây ra “những cái chết xấu tệ nhất, tệ hơn nhiều so với nỗi đau thể xác”.

Tiến sĩ Byock lập luận, chúng ta nhận biết được một mối quan hệ đã trở nên trọn vẹn là “khi chúng ta cảm thấy được dàn xếp ổn thỏa, trọn vẹn và bình yên”, điều đó sẽ giúp người ta tránh được nỗi phiền muộn về một “cái chết xấu xí”.

Tiến sĩ Byock cho biết ông tin rằng việc nói ra bốn cụm từ sau đây có thể là cách hữu hiệu nhất mang lại cảm xúc bình yên cho cả người đang sống cũng như người sắp qua đời:

Xin hãy tha thứ cho tôi.

Tôi tha thứ cho bạn.

Cảm ơn.

Anh yêu Em/ Tôi yêu bạn.

Tiến sĩ Byock viết: “Sử dụng bốn cụm từ này, chúng ta có thể chủ động làm cho các mối quan hệ của mình trở nên trọn vẹn. Có thể mang lại cảm giác hoàn thành trước khi cái chết xảy ra”.

Những rối loạn cảm xúc và tinh thần đã được giải quyết ổn thỏa khiến cho việc nói lời chia tay trở nên không còn quá quan trọng nữa, vì chẳng có điều quan trọng nào còn bị ẩn giấu, chưa nói ra được, những gì quan trọng nhất đối với chúng ta đã được hoàn thành. Ngay cả trong những hoàn cảnh đớn đau nhất, những người mà đã hàn gắn được các mối quan hệ, sẽ thể hiện ra cảm giác tốt đẹp của sự hoàn thành—cuộc đời đã viên mãn.

4 cụm từ này cũng dành cho cả người đang còn sống

Tìm kiếm ý nghĩa và sự hòa giải là điều cần thiết để chết yên bình hơn cũng như sống tốt hơn. Cái chết gắn kết những người thân yêu lại với nhau, nó có thể mang đến sự yên bình mà cũng có thể đem lại hỗn loạn. Tiến sĩ Byock khích lệ những ai đang tìm kiếm sự yên bình, hãy nên theo đuổi nó càng sớm càng tốt, đừng chờ đợi tới khi áp lực trần trụi của cái chết ập đến.

Ông viết: “Tôi không đếm xuể số lần tôi đã gặp những người trong văn phòng, phòng cấp cứu, bệnh viện hoặc chương trình chăm sóc cuối đời, những người đã bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc về những điều, họ ước gì họ đã nói ra được”.

Tình cảm đó chính là sự lặp lại lời nói của Harriet Beecher-Stowe “Những giọt nước mắt cay đắng nhất là nước mắt rơi trên nấm mồ bởi vì còn có những lời chưa nói và những việc chưa làm”.

Thiếu đi sự hòa giải sẽ tạo ra một dòng chảy ngầm của nỗi đau tinh thần, cứ âm ỉ, dai dẳng mãi cho đến khi có thể tìm được sự hàn gắn cho quan hệ. Đối với những ai đang bị đau buồn vì người thân yêu đã chết, đã bị ghẻ lạnh, thì một mối quan hệ chưa được giải quyết sẽ gây ra nỗi đau phức tạp, một giai đoạn của buồn đau kéo dài, của gian khổ và đôi khi không thể hóa giải cho người ở lại.

Khi ta nắm bắt được bốn cụm từ này sớm hơn trong cuộc đời, chúng sẽ trở thành một thái độ sống mà ta luôn trau dồi. Theo Tiến sĩ Byock, sau đó ta hóa nhập các cụm từ vào chính mình, lặp lại chúng với bản thân và với những người thân yêu— “Xin hãy tha thứ cho tôi… Tôi tha thứ cho bạn… Cảm ơn bạn… Tôi yêu bạn.”

Đối với người sống cũng như người sắp chết, những lời này biến những kế thừa đau thương thành kế thừa niềm vui.

Tiến sĩ Byock nói: “Việc hàn gắn một mối quan hệ tan vỡ, trong những giờ cuối hoặc thậm chí vài phút cuối trước khi ra đi, có thể thay đổi toàn bộ lịch sử của mối quan hệ đó cũng như cả tiểu sử của những người liên quan… mang đến một cơ hội phi thường, một cơ hội sẵn có cho tất cả chúng ta sử dụng trong cuộc sống nhằm hàn gắn bất kỳ mối quan hệ nào vào bất kỳ lúc nào”.

Những người làm công tác chăm sóc giảm nhẹ có câu nói: “Luôn luôn là quá sớm cho đến khi quá muộn”.

Khi cảm thấy không thể có được sự hàn gắn

Đối với một số người, bốn cụm từ của Tiến sĩ Byock có vẻ quá đơn giản để áp dụng cho những mối quan hệ đớn đau sâu sắc đang ở bên bờ vực của sự đổ vỡ. Tuy nhiên, ông không phải là nhân viên chăm sóc giảm nhẹ duy nhất đã từng chứng kiến một mối quan hệ rạn vỡ được đảo ngược thành công khi một bên dám chấp nhận bị tổn thương.

Sallie Tisdale, một y tá chăm sóc cuối đời kỳ cựu, mang đến cho chúng ta một niềm hy vọng tương tự như thế trong cuốn sách "Lời khuyên cho những người chết tương lai và những ai yêu thương họ". Cô viết cho những ai đang chăm sóc người sắp ra đi như sau "Hãy dành chỗ cho một khả năng thay đổi hướng đi cuộc đời, ngay cả vào thời khắc cuối cùng."

Tiến sĩ Karen Wyatt, bác sĩ chăm sóc cuối đời và người sáng lập Đại học Cuối đời (EOLU), cũng đưa ra lời khuyên thiết thực cho những người đang làm công tác này. Trong một cuộc thảo luận trên podcast của đại học EOLU với Barbara Karnes, một tác giả từng đoạt giải thưởng và cũng là một y tá chăm sóc cuối đời, Karen khuyến khích những người tham gia podcast hãy với người sắp chết những gì cần nói ngay cả khi họ không còn ý thức.

Thính giác là giác quan cuối cùng chúng ta mất đi trong quá trình hấp hối. Tiến sĩ Wyatt cho biết bà tin rằng người ta có thể trải nghiệm sự bình yên và mang lại sự bình yên cho người thân đang hấp hối khi thì thầm vào tai họ những lời cần thiết, cho dù họ có đáp lại hay không.

Tiến sĩ Byock thừa nhận có nhiều thách thức khi nói ra bốn điều này, chẳng hạn như vượt qua sự tức giận sâu sắc và chính đáng đối với người sắp chết, nhưng ông viết rằng bốn điều này có thể giúp bạn tìm ra những lựa chọn tốt hơn bất kỳ sự cay đắng nào.

Ông cũng đưa ra lời khuyên và hy vọng khi một người thân yêu sắp qua đời hoặc mất trí nhớ, bạn nên hòa giải với họ. Ông nói, dù sao thì họ cũng tin vào việc nói ra bốn điều này. Có lẽ họ có thể hiểu hoặc nghe thấy bạn. Dù bằng cách nào, nó sẽ mang lại cho bạn một thế giới của sự tốt đẹp.

"Dù trong hoàn cảnh nào, hãy tưởng tượng tới chữa lành ngay cả khi điều đó dường như là không thể", Tiến sĩ Byock viết. Khi bạn đã hình dung ra khả năng có thể xảy ra, hãy nói sớm bốn điều đó và nói chúng thường xuyên.

Theo The Epoch Times

Quân Dương biên dịch

Tác giả: Sharleen Lucas

Sharleen Lucas, R.N., là một nhà văn tự do có chuyên môn về y tế, tinh thần và chăm sóc cấp cứu. Sau hai thập kỷ phục vụ bệnh nhân và gia đình ngay tại giường bệnh hoặc với tư cách là người hướng dẫn chăm sóc tinh thần, cô ấy đã cam kết nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần của độc giả bằng cách cập nhật thông tin sức khỏe với sự ấm áp và kỹ năng của một người y tá chân tình.



BÀI CHỌN LỌC

Kiếm tìm sự bình yên khi về già: Điều gì là quan trọng nhất?