Sự nổi tiếng bất thường của bài hát La Sát Hải Thị phản ánh nỗi bất bình sâu sắc của người dân Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bài hát mới "La Sát Hải Thị” (Raksha Haishi) của ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Trung Quốc Đao Lang (Daolang) đã bất ngờ trở thành cơn sốt toàn cầu.

Các nhà quan sát Trung Quốc chỉ ra rằng sự nổi tiếng ngày càng nhanh và mạnh của bài hát là do những lời lẽ phê phán xã hội được nói ẩn ý qua lời bài hát; và điều này đã tạo được tiếng vang trong lòng nhiều người dân Trung Quốc. Các nhà bình luận tin rằng việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không cấm bài hát này — ít nhất là cho đến thời điểm này — là mưu đồ của họ nhằm chuyển sự tập trung của công chúng ra khỏi các vụ bê bối hiện tại của đảng.

Chỉ tính trong 10 ngày cuối tháng 7, bài hát đã được xem hơn 8 tỷ lần trên các nền tảng phát trực tuyến toàn cầu, lập kỷ lục thế giới mới; và con số này vẫn đang tăng nhanh.

Việc giải thích một cách sâu sắc ý nghĩa của lời bài hát và cuộc thảo luận về những thăng trầm của nhạc sĩ - ca sĩ Đao Lang trong nền âm nhạc Trung Quốc đã trở thành các chủ đề nóng trên mạng xã hội nước này.

Sự nổi tiếng bất thường của bài hát La Sát Hải Thị phản ánh nỗi bất bình sâu sắc của người dân Trung Quốc
Một người phụ nữ Trung Quốc đi bộ trên con phố thương mại vắng vẻ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 07/02/2020. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Đưa các câu chuyện truyền thống Trung Quốc và giai điệu dân gian vào nhạc Pop

Bài La Sát Hải Thị nằm trong album mới có tên "Dân ca Liêu Trai" gồm 11 bài hát của Đao Lang, phát hành vào ngày 19/07. Anh tự viết tất cả các bài hát — cả nhạc lẫn lời. Tên và lời bài hát trong album được lấy cảm hứng từ tác phẩm “Liêu Trai Chí Dị” của tiểu thuyết gia thời nhà Thanh Bồ Tùng Linh (Pu Songling). Bồ Tùng Linh là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc.

Câu chuyện về La Sát Hải Thị trong Liêu Trai Chí Dị kể về Mã Ký (Ma Ji), người con trai tuấn tú và tài năng của một thương gia. Mã Ký đã đến kinh doanh ở một vương quốc nhỏ, xa xôi tên là La Sát - nơi mà cái đẹp và cái xấu bị đảo ngược. Ở La Sát, người càng hung dữ và quái gở thì càng được coi là đẹp đẽ, sáng láng và giàu có; trong khi người đẹp và tài giỏi lại bị coi là thấp kém, bị đè nén và đẩy xuống đáy xã hội.

Anh Mã bị người dân ở La Sát coi là một con quái vật; do đó, anh đã khoác lên mình chiếc mặt nạ xấu xí để hòa nhập với cộng đồng và nhờ vậy, anh đã gặt hái nhiều thành công. Nhưng chẳng mấy chốc, anh cảm thấy mệt mỏi với việc phải giả vờ. Anh quyết định đến Hải Thị - vương quốc của Thần biển dưới đáy đại dương, nơi vẻ đẹp và tài năng thực sự được công nhận và tôn trọng. Anh có được thành công và hạnh phúc bằng chính con người thật của mình, và kết hôn với con gái của Thần biển. Vợ chồng anh có 2 người con. Tuy nhiên, hạnh phúc của anh chỉ kéo dài được vài năm cho đến khi anh phải trở về nhà, không bao giờ quay lại Hải Thị nữa. Từ "hải thị" cũng có nghĩa là "ảo ảnh" trong tiếng Trung.

Đao Lang đã giữ nguyên cốt truyện và các nhân vật trong câu chuyện gốc, đồng thời thêm vào một số sinh vật mới, sử dụng phép ám chỉ và phép loại suy với ngôn ngữ nửa truyền thống, nửa địa phương để châm biếm và chỉ trích các vấn đề hiện tại trong xã hội Trung Quốc, cũng như để đặt câu hỏi về thân phận con người. Bài hát được nhiều người trên toàn cầu yêu thích và hâm mộ, thu hút rất nhiều sự chú ý từ công chúng.

Bà Alice Weidel, nhà lãnh đạo đảng chính trị “Alternative for Germany” của nước Đức, đã học tiếng Trung Quốc trong 6 năm khi còn là nghiên cứu sinh. Bà đã trình diễn La Sát Hải Thị tại quốc hội Đức và nhận xét rằng nó là một bài hát châm biếm đầy dí dỏm và trí tuệ, và cũng có thể nói lên thực trạng của xã hội Đức.

Trong phần giới thiệu album "Dân ca Liêu Trai" có đoạn viết rằng: “Chủ đề và ý tưởng của album này đã kết hợp các câu chuyện trong Liêu Trai với giai điệu dân gian trong ‘Đàn Từ Thoại Bản” (Tanci Huaben) [album trước đó của Đao Lang, phát hành năm 2020]. Loạt bài hát mới này góp phần xây dựng một hệ sinh thái âm nhạc nơi âm nhạc đại chúng và văn hóa dân gian truyền thống có thể cùng tồn tại và phát triển".

Giai điệu của các bài hát trong album mới dựa trên các giai điệu dân ca của miền tây và miền trung Trung Quốc, pha trộn với các yếu tố pop, rock và jazz, nên khá bắt tai và độc đáo.

Phê phán xã hội

Bài hát La Sát Hải Thị không chỉ nổi tiếng một cách đáng kinh ngạc trên các nền tảng phát nhạc trực tuyến mà còn trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội, với một số lượng lớn các cuộc thảo luận, diễn giải và bình luận về ý nghĩa xã hội của nó.

Một số ám chỉ trong bài hát được bình luận nhiều nhất là các sinh vật cai trị, tất cả đều là động vật, ở vương quốc La Sát. Đây được cho là để chỉ 4 ca sĩ nhạc pop có ảnh hưởng nhất trong ngành công nghiệp âm nhạc Trung Quốc đại lục. 4 người này được hậu thuẫn bởi các tổ chức tuyên truyền của nhà nước, và đã độc quyền nền âm nhạc. Bài hát cũng châm biếm thực trạng xấu xí và thối nát của ngành công nghiệp giải trí và âm nhạc Trung Quốc dưới thời ĐCSTQ cầm quyền.

Các bài hát cũng được viết từ kinh nghiệm của chính Đao Lang với tư cách là một nhạc sĩ độc lập. Năm 2004, Đao Lang phát hành album đầu tiên có tên "Trận tuyết đầu tiên năm 2002”, kết hợp âm nhạc Duy Ngô Nhĩ và các giai điệu Trung Á với nhạc pop. Nó đã giúp anh trở thành cái tên quen thuộc trong nước, với số lượng bán ra là 2,7 triệu bản chính hãng và hàng chục triệu bản sao lậu, vượt qua các ca sĩ chính thống được nhà nước ủng hộ.

Sự nổi tiếng bất thường của bài hát La Sát Hải Thị phản ánh nỗi bất bình sâu sắc của người dân Trung Quốc
Một du khách đứng trên sa mạc Taklamakan gần quận Yutian, vùng Tân Cương, Trung Quốc, ngày 12/10/2006. (Ảnh: Guang Niu/Getty Images)

Tuy nhiên, tài năng và thành công của anh đã bị chế nhạo và đàn áp bởi “những nhân vật có thẩm quyền” trong ngành công nghiệp âm nhạc Trung Quốc, chẳng hạn như 4 vị ca sĩ quyền lực được ám chỉ trong bài hát của anh. Đao Lang thậm chí còn bị nêu tên và bị chỉ trích công khai tại hội nghị chuyên đề năm 2007 về "Chống lại sự thô tục của các bài hát trực tuyến" do ngành công nghiệp âm nhạc Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn tổ chức. Anh gần như biến mất khỏi sân khấu âm nhạc dòng chính ở Trung Quốc trong gần 20 năm.

Cây bút Jin Yan của The Epoch Times đã viết vào ngày 01/08 như sau: “Đao Lang sử dụng nhạc pop để giải thích các tiểu thuyết và tác phẩm kinh điển cổ đại, qua đó bình luận về hiện tượng thực tế của xã hội Trung Quốc ngày nay, và nhờ vậy trở thành tiếng nói của vô số dân thường. Nghệ thuật của anh đã đi đến tầm triết học, dùng phép ẩn dụ để lên án cái giả, cái ác, cái xấu, và để tìm đến chân thiện mỹ!”.

Một số cư dân mạng chỉ ra rằng trong lời bài hát, phương hướng đã được thay đổi từ “tây” thành “đông”, như trong câu “26.000 lý về phía đông của Vương quốc La Sát” — rõ ràng là chỉ đến Trung Quốc đại lục (lý là đơn vị đo khoảng cách của Trung Quốc, bằng khoảng 0,5 km).

Một cư dân mạng đã đăng trên X (trước đây gọi là Twitter) rằng: "Mọi người đều biết Vương quốc La Sát chỉ nơi nào, đen và trắng đảo ngược ở nơi nào - nơi mà xấu được coi là đẹp và chuột được coi là vịt. ‘Lớp họa bì’ [lớp ngụy trang để trông giống con người, một thuật ngữ trong Liêu Trai] - vốn được mặc bởi ma và quỷ của đảng - đã bị bóc trần!". Chuyện “chuột được coi là vịt” là tin tức gần đây về một cái đầu chuột được tìm thấy trong thức ăn của căng tin tại một trường học Trung Quốc, sau đó người của căng tin tuyên bố rằng đó là một phần của con vịt.

Chuyển hướng dư luận khỏi những vụ bê bối gần đây của ĐCSTQ

Ông Lý, một trí thức đại lục từ chối nêu đầy đủ họ tên vì lý do an toàn, nói với The Epoch Times vào ngày 30/07 rằng hiện tượng "La Sát Hải Thị" là sự bùng phát có tính tập trung của nỗi bất mãn sâu sắc của người dân Trung Quốc đối với thực tế cuộc sống, “bởi vì đã có quá nhiều thứ đã bị đảo ngược đúng sai trong những năm gần đây và đã tích tụ trong vài thập kỷ qua — đặc biệt là các hạn chế hà khắc của chế độ trong 3 năm COVID-19. Nhiều thảm họa vẫn tiếp tục xảy ra, và chính phủ vẫn cố gắng che đậy hết mức có thể, trong khi buộc tội rằng người dân tung tin đồn thất thiệt. Tất cả mọi thứ là để duy trì sự ổn định của chế độ. Trong bối cảnh đó, nhiều người thấy rằng bài hát thực sự là một kiểu châm biếm [xã hội Trung Quốc] ở quy mô lớn".

Ông Ngô Tộ Lai (Wu Zuolai), một nhà văn Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, cho rằng liệu bài hát này có bị Bắc Kinh cấm đoán hay không phụ thuộc vào việc liệu có ai đó đưa nó lên cấp độ chính trị hay không. “Ví dụ, những người bị anh ấy [Đao Lang] gián tiếp chỉ trích trong bài hát, nếu họ khiếu nại với các cơ quan chính quyền có liên quan, hoặc nếu nó trở thành lực lượng chống đối chính quyền, thì chính quyền có thể cấm nó", ông Ngô nói.

Gần đây, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTVTin tức Bắc Kinh đã ca ngợi Đao Lang và bài hát La Sát Hải Thị một cách bất thường.

Ông Ngô nói rằng bộ phận tuyên truyền của ĐCSTQ rất vui khi chứng kiến sự phổ biến của bài hát, “bởi vì Ngoại trưởng Tần Cương mới đây đã bị cách chức và đang mất tích, đồng thời, những tin đồn về tham nhũng trong ban lãnh đạo Lực lượng Tên lửa của Trung Quốc đang lan tràn trong công chúng. Các nhà chức trách đang nỗ lực chuyển sự chú ý của người dân khỏi những vụ bê bối này, và sự nổi tiếng của “La Sát Hải Thị" đã cứu họ. Ban Tuyên giáo của ĐCSTQ thậm chí đã nhắm mắt làm ngơ trước lời bài hát đầy tính châm biếm và quyết định không cấm nó. Họ thậm chí có thể khuyến khích nhiều người nhấp vào bài hát hơn nữa để tạo hiệu ứng mạnh hơn, từ đó có thể tiếp tục lái sự tập trung của người dân ra khỏi các vụ bê bối của ĐCSTQ".

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Sự nổi tiếng bất thường của bài hát La Sát Hải Thị phản ánh nỗi bất bình sâu sắc của người dân Trung Quốc