Trung Quốc lại xuất hiện 'mặt trăng máu', tuyết rơi tháng 6 âm lịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, Trung Quốc liên tiếp xảy ra lũ lụt và động đất, trong các đợt thiên tai thường xuyên xảy ra dị tượng. Ngoài bầu trời đỏ dị thường trước trận động đất ở Sơn Đông hôm 6/8, còn có "mặt trăng máu" ở Hồ Bắc, "tuyết tháng 6" ở Hà Bắc.

‘Trăng máu’ xuất hiện ở Hồ Bắc – điềm chẳng lành?

Một đoạn video cho thấy vào tối ngày 1/8, một mặt trăng máu khổng lồ đã xuất hiện trên bầu trời thị trấn Thái Bình, thành phố Tảo Dương, tỉnh Hồ Bắc, trông rất kỳ dị.

Trong đoạn video tự quay, người dân địa phương thốt lên: "Có ai từng nhìn thấy mặt trăng đỏ như vậy trên bầu trời chưa, tôi đang ở thị trấn Thái Bình, Tảo Dương, Hồ Bắc".

“Mặt trăng máu" được coi là một điềm gở trong cả văn hóa phương Đông và phương Tây.

Ở Trung Quốc cổ đại, “trăng máu” tượng trưng cho điều không may mắn thuận lợi, báo hiệu sẽ có thiên tai nhân họa khiến xã hội rối ren như nạn đói, hỏa hoạn hoặc chiến tranh, án oan, hay những sự bất công, bất bình lớn, v.v. Vậy nên mới có câu “Huyết nguyệt kiến, yêu nghiệt hiện” (Tạm dịch: Khi thấy trăng máu thì yêu quái, những điều quái dị, hoặc điều ác, kẻ ác xuất hiện).

Người xưa có câu: Nguyệt hữu huy hoàng, ám sắc thỉ quang, thiên tai giáng chỉ. Tức là khi mặt trăng sáng mà biến thành màu máu, chứng tỏ nhân gian sẽ có tai họa.

Cổ nhân cho rằng, khi trăng có màu máu cũng là lúc khí âm nặng nhất, quỷ môn quan sẽ mở ra, ác quỷ sẽ đến làm hại nhân gian. Vì vậy, mỗi khi mặt trăng máu xuất hiện, nhân gian sẽ có biến động tương ứng, núi sông tang thương, lửa cháy khắp nơi, thiên hạ náo loạn bất an.

Trong lịch sử Trung Quốc cũng ghi chép nhiều sự kiện lớn như xung đột vũ trang, thay đổi triều đại khi mặt trăng máu xuất hiện. Ví dụ, năm 498 sau Công nguyên, vào thời Tề Minh Đế của Nam triều, mặt trăng máu xuất hiện, Tư Mã Vương khởi binh mưu phản.

Năm 499 sau Công nguyên, Nam Tề Đông Hôn Hầu đăng cơ, mặt trăng máu lại xuất hiện, Thủy An Vương Tiêu Diêu Quang bị đánh bại và chết.

Năm 1644, tức vào đêm ngày 18/3 âm lịch năm Sùng Trinh thứ 17, "mặt trăng đỏ như máu", quân Lý Tự Thành xâm chiếm kinh đô, Hoàng đế Sùng Trinh (hoàng đế cuối cùng của nhà Minh) đã treo cổ tự tử trên cây ở Môi Sơn.

Trong lời tiên tri của sách Khải huyền trong Kinh Thánh, mặt trăng máu báo trước ngày phán xét cuối cùng của Chúa, đồng thời nó cũng báo trước những sự kiện trọng đại sẽ xảy ra.

Ở châu Âu cổ đại, người ta cho rằng khi có mặt trăng máu là thời điểm ma cà rồng và người sói xuất hiện, dự báo rằng sức mạnh ma thuật đen tối sẽ được đánh thức, ma quỷ sẽ hồi sinh và đến thế gian, nhân gian sẽ chìm trong biển máu, là một dấu hiệu của tai ương.

Vào ngày 1/8, khi mặt trăng máu xuất hiện, lũ lụt đã ập tới Bắc Kinh, Hà Bắc, Hắc Long Giang và những nơi khác ở miền bắc Trung Quốc. Thành phố Trác Châu và nhiều nơi khác ở tỉnh Hà Bắc bị ảnh hưởng nặng nề do Bắc Kinh xả lũ, hàng trăm nghìn người không kịp sơ tán, gây thiệt hại nặng nề về người và của.

Tuy nhiên, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đã che giấu tình hình thảm họa và số lượng nạn nhân, điều này đã làm dấy lên sự phẫn nộ của công chúng. Đã có những cuộc biểu tình và đối đầu giữa dân chúng và cảnh sát ở Hà Bắc.

Hiện tại nước lũ vẫn đang hoành hành, mưa vẫn tiếp tục. Liệu trận lũ này có gây ra tình trạng hỗn loạn ở Trung Quốc hay không, ngoại giới đang theo dõi sát sao.

‘Tháng 6 tuyết bay’ ở Hà Bắc – chết quá nhiều người, oán khí ngập trời?

Vào ngày 5/8, một cư dân mạng ở huyện Bình Sơn, tỉnh Hà Bắc đã tung lên mạng xã hội một đoạn video cho hay, có tuyết rơi vào lúc hơn 6 giờ sáng. Nhiều cư dân mạng địa phương đã để lại bình luận với vẻ ngạc nhiên.

Hôm đó là ngày 19/6 âm lịch. Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, "tuyết tháng 6" biểu thị rằng trong thiên hạ có những oan khuất thấu trời.

Cư dân mạng cảm thán: "Chết nhiều như vậy, oán khí ngập trời"; "Thời cổ đại, tháng 6 mà có tuyết rơi thì hoàng đế sẽ hạ chiếu tự trách tội bản thân"; "Chuyện gì vậy? Đến ông Trời cũng không dung thứ", v.v.

Người Trung Quốc có câu: “Tháng 6 tuyết rơi, ắt có oan tình". Câu này liên quan đến nàng Đậu Nga, một quả phụ hiếu thuận, bị vu oan sát hại mẹ chồng rồi bị xử tử.

Trước khi chết, Đậu Nga cất lời thề, nếu cô thực sự sát hại mẹ chồng thì chết cũng chưa rửa hết tội. Còn nếu như bị oan thì sau khi cô chết, trời sẽ đổ tuyết rơi dù bây giờ là giữa mùa hè và sẽ có hạn hán 3 năm.

Nào ngờ, quả thực sau khi Đậu Nga bị xử tử oan, giữa mùa hè nóng nực, tháng 6 tuyết rơi và trời hạn hán 3 năm.

Vụ án oan lịch sử đó khiến người ta luôn nhắc nhở rằng: "Tháng 6 tuyết rơi, ắt có oan tình".

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch và tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc lại xuất hiện 'mặt trăng máu', tuyết rơi tháng 6 âm lịch