Nhiều người ở vùng lũ Hà Bắc (TQ) vẫn mất liên lạc, thi thể nạn nhân bị phân hủy không thể nhận ra

Giúp NTDVN sửa lỗi

Để bảo vệ Bắc Kinh và Hùng An, nhiều nơi ở tỉnh Hà Bắc đã bị biến thành nơi xả lũ khiến vô số người bị mất nhà cửa, mất liên lạc với người thân. Tại huyện Lai Thủy gần Trác Châu, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, có một lượng lớn thi thể đã thối rữa, khó nhận dạng.

Các kênh truyền thông Trung Quốc ngày 5/8 đưa tin, Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc và những nơi khác đã hứng chịu mưa lớn trong nhiều ngày liên tiếp từ ngày 29/7 đến ngày 1/8 do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu ngoại vi của cơn bão Doksuri.

Vào ngày 31/7, nhiều ban ngành của thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc đã cùng ban bố một cảnh báo rủi ro cho thấy, phần lớn huyện Lai Thủy là khu vực có mức rủi ro cao. Lũ lụt và sạt lở đất cùng lúc ập đến nhiều ngôi làng, đường sá bị cuốn trôi, nước, điện, Internet bị cắt, nhiều người dân bị mất liên lạc.

Nhiều người ở làng Thang Gia Trang mất tích

Trang tin tức Shanghai Observer đưa tin, cho đến ngày 5/8, ông Cao Ngạn (Gao Yan), quê ở làng Tây Tháp thuộc Thang Gia Trang, thị trấn Triệu Các Trang, huyện Lai Thủy vẫn không có tin tức gì từ ​​​​người thân.

Ngày 31/7 khi lũ lụt ập đến làng Tây Tháp, ông Cao Ngạn đã mất liên lạc với người thân. Cũng trong ngày hôm đó, ông Vi Hàng (Wei Hang), quê ở làng Thang Gia Trang, cũng mất liên lạc với mẹ.

Vào ngày 2/8, cả ông Cao Ngạn và ông Vi Hàng đều nhận được tin từ bác sĩ làng Tây Tháp. Ông Vi Hàng cho hay, bác sĩ của làng "đã leo lên đỉnh núi và bắt được tín hiệu chập chờn rồi gửi tin ra bên ngoài rằng một nửa ngôi làng đã bị cuốn trôi”.

Ông Cao Ngạn cũng nhìn thấy tình hình hiện tại của quê mình qua video: ngôi làng đã biến dạng sau thảm họa, nhiều ngôi nhà bị phá hủy do lở đất, gần như khắp làng đều là bùn đất.

Khi nghe được tin này, anh trai của ông Vi Hàng là Vi Cường (Wei Qiang) và một số người dân làng khác quyết định trở về quê để cứu người. Nhưng xe đi được nửa đường thì phát hiện con đường đã bị chặn cứng, mang theo cuộn dây thừng bên mình, cuối cùng họ đã trở về làng sau khi vượt núi suốt 5 tiếng đồng hồ.

Theo bài báo, Đội cứu hộ Lam Thiên Từ Châu cuối cùng đã đến làng Thang Gia Trang vào khoảng 3h chiều ngày 4/8 sau khi gặp nhiều trắc trở. Người phụ trách, ông Khang Soái (Kang Shuai), tiết lộ rằng tại huyện Lai Thủy, hiện làng Thang Gia Trang là nơi nghiêm trọng nhất và ước tính có hơn 2.000 người bị mắc kẹt.

Cho đến trưa ngày 4/8, “ngôi làng vẫn không có nước và điện, không có vật dụng, dân làng vẫn chưa được di dời”. Do đường vào làng bị lấp nên lực lượng cứu hộ khó có thể tiến vào.

Làng Thang Gia Trang nằm ở vùng trũng trong khe núi, trong đó có 7 thôn nhỏ. "Các ngôi nhà trong làng bị hư hại nặng nề đến mức tôi không thể nhận ra hình dáng ban đầu của ngôi làng", ông Khang Soái nói.

Ở một bãi đất trống phía thượng lưu sông, một người đàn ông trung niên đang ngồi xổm đốt tiền giấy. Ông nói mình ở nơi xa vội trở về quê, “Khi lũ quét xảy ra, cha mẹ, vợ và con cái tôi đều ở trong làng, nhưng bây giờ họ đã mất hết rồi”.

Cũng có một số người từ bên ngoài trở về làng đang tìm người thân thất lạc, “Anh có trông thấy con tôi không?”, “Bác có trông thấy cha mẹ cháu không?”... Bà con trong xóm núi đã rất quen mặt nhau, nhưng hầu hết họ đều nhận được cái lắc đầu.

Có thành viên đội cứu hộ cho biết, theo kinh nghiệm cứu hộ trước đó, những người không kịp chạy thoát đã bị lũ quét cuốn trôi...

Khoảng 30 hộ dân trong một ngôi làng mất liên lạc hoàn toàn với bên ngoài

Theo trang Mạng Quan sát Kinh tế (EEO) của Trung Quốc đưa tin ngày 4/8, ông Quách Cương (Guo Gang), người điều hành dự án du lịch ở thị trấn Tam Pha, huyện Lai Thủy, đã ở tại làng Đô Nha thuộc thị trấn Tam Pha trong gần ba tháng.

Ông cho biết, hầu hết các làng ở miền núi đều là người trẻ ra phố tìm việc, người già bị bỏ lại ở nhà, điện thoại họ dùng đều là loại cũ, trong trường hợp khẩn cấp họ không thể phản ứng kịp.

Ông nói, tôi quên mất là thôn nào rồi nhưng ở đó có khoảng 30 hộ dân. Cây cầu ra khỏi làng bị hư hỏng và con đường chính cũng bị hư hại, hoàn toàn mất liên lạc với thế giới bên ngoài.

Thi thể các nạn nhân bị phân hủy, không thể nhận ra ai là ai

Trong đợt mưa bão lần này, anh Hoài Sách (Huai Ce), một người dân ở Thang Gia Trang, cũng mất liên lạc với người thân trong làng.

Vào ngày 2/8, bất chấp sự khuyên ngăn, anh Hoài Sách vẫn quyết định cùng dân làng trở về quê nhà để cứu người.

Theo lời anh kể, những điều chứng kiến trên đường đi thật quá thê thảm, núi đồi đổ sụp, một số ngôi nhà bị chôn vùi, dòng sông không còn như xưa, kênh mương thì đầy nước.

Anh nói: "Chúng tôi thực sự là liều mạng quay về. Con đường chúng tôi đi một bên là vách đá. Có hai bà mẹ cùng đi với tôi. Các con của họ đang nghỉ hè nên họ để chúng ở quê”. Họ nói rằng, nếu lũ trẻ không còn, họ không thiết sống nữa.

“Khi quay lại, tôi thực sự xót xa khi chứng kiến ​​cảnh tượng này: Trời nắng nóng như vậy, chúng tôi ra ngoài mặc quần áo mà toát hết mồ hôi. Từ ngày 31/7 xả nước tới nay đã ba, bốn ngày rồi. Thi thể của họ chỉ được bọc và che bằng một tấm ni lông hoặc vải che mưa, thối rữa hết rồi, vén tấm màn che lên xem thì không phân biệt được ai với ai".

Cha của Hoài Sách nói với anh: Trong số những người thiệt mạng có người nhà của hai bác gái.

Tờ The Paper của Trung Quốc ngày 4/8 cũng đưa tin, có một người đàn ông đã đi đường vòng đến làng Thang Gia Trang và nhìn thấy rất nhiều thi thể nạn nhân, trong đó có cả gia đình của bác cả và bác hai của anh. Nhưng hầu như các thi thể đã bị phân hủy đến mức không thể nhận ra.

Xác động vật cũng đang phân hủy, nằm la liệt bên đường

Sau trận lũ, xác động vật và rác thải được nhìn thấy khắp nơi ở Trác Châu, Hà Bắc.

Các video đăng tải trên mạng cho thấy đường phố Trác Châu, nơi nước lũ đã rút, vẫn ngập trong nước bùn. Lẫn trong đó là đầu mẩu thuốc lá, bao rác, xe cộ bị vứt bỏ… trên bề mặt nổi một lớp váng dầu. Còn có xác chó, cừu và các động vật khác nằm bên vệ đường.

Gia đình anh Hoài Trạch sống trên sườn núi, anh cho biết: Xác động vật bên đường có nào là bò, lợn, chó đều đã thối rữa, cần gấp một ít thuốc khử trùng, đề phòng có đại dịch sau thiên tai.

Bảo Định công bố dữ liệu thiên tai: hơn 1,1 triệu người bị ảnh hưởng

Theo dữ liệu thiên tai do thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc công bố, tính đến 12h trưa ngày 5/8, toàn thành phố có 1,1069 triệu người bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ vừa qua, theo báo cáo có tổng cộng 10 người tử vong và 18 người mất tích.

Ngoài ra còn có 4.448 ngôi nhà bị sập, 7.286 ngôi nhà bị hư hại nghiêm trọng; dòng lũ đã làm hư hại tổng cộng 284 cây cầu và hơn 550 km đường giao thông ở nông thôn; thiệt hại kinh tế trực tiếp là 16,995 tỷ nhân dân tệ (hơn 56 nghìn tỷ VND).

Huyện Lai Thủy cũng thuộc thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc.

Theo Trụ sở phòng chống lũ lụt và cứu trợ hạn hán thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, trong thời gian có mưa lớn, có 10 hồ chứa cỡ lớn và vừa trong số 93 hồ chứa ở Bảo Định đã vượt quá mực nước giới hạn lũ; 67 trong số 83 hồ chứa nhỏ bị tràn.

Bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu ngoại vi của cơn bão Doksuri, khu vực Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc đã phải hứng chịu mưa lớn trong nhiều ngày liên tiếp kể từ ngày 29/7. Để bảo vệ thủ đô, từ ngày 31/7, Bắc Kinh xả lũ khiến nhiều nơi ở Hà Bắc bị ngập lụt. Lai Thủy và Trác Châu là những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất về cả người và tài sản.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhiều người ở vùng lũ Hà Bắc (TQ) vẫn mất liên lạc, thi thể nạn nhân bị phân hủy không thể nhận ra